VẤN ĐỀ TU HỌC HUYNH TRƯỞNG
VẤN ĐỀ TU HỌC HUYNH TRƯỞNG
Tâm Lễ
Vấn đề tu học của huynh trưởng là chuyện muôn thuở bàn hoài cũng không hết, nói hoài cũng không xong. Thực ra chuyện đó cũng thường tình, vì tu học là khởi đầu và cũng là phương tiện cho người huynh trưởng GĐPT tự hoàn thiện bản thân và làm tư lương trên hành trình phụng sự đạo pháp và lý tưởng. Chúng ta phải khẳng định một cách chắc chắn rằng nếu loại vấn đề tu học ra thì danh xưng huynh trưởng chỉ còn là cái danh xưng rổng tuếch, là cái vỏ khô cứng không có thực chất.
Hội thảo Nghiên Huấn của GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu được tổ chức ngày 7.9.2014 tại chùa Thiên Quang dưới sự chứng minh và hướng dẫn của Chư Tôn Đức cố vấn giáo hạnh và sự hiện diện của 130 huynh trưởng các cấp và thuộc nhiều thành phần, chức danh khác nhau là một sự kiện quan trọng trong công việc tu học của hàng ngũ huynh trưởng. Chỉ riêng việc từ Hòa Thượng trưởng ban CVGH cho đến chư Thượng Tọa, Đại Đức CVGH đã dành trọn một ngày để tham dự cũng đã nói lên ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc tu học huynh trưởng mà Chư Tôn Đức cho đến hàng huynh trưởng lảnh đạo quan tâm như thế nào !
Một ngày hội thảo với rất nhiều ý kiến của huynh trưởng tham dự chỉ với một trọng tâm là: Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến sự kém hiệu quả của việc tu học huynh trưởng và tìm giải pháp khắc phục. Các ý kiến đã phân tích nguyên nhân cho sự trì trệ đều tập trung vào 4 vân đề:
- Từ phía học viên.
- Từ phía giảng viên
- Từ phía nội dung, chương trình.
- Từ phía nghệ thuận giảng dạy, hướng dẫn.
Đưa ra được bốn đối tượng chính rồi thì việc tìm hiểu nguyên nhân cũng không khó lắm.
– Một buổi học mà học viên không tới lớp hoặc tới rât trể, vào lớp với tinh thần miển cưỡng không tập trung vào việc học mà phân tâm với cái điện thoại (để nhắn tin “chat” với ai đó hoặc chơi game…), cũng có thể thân xác thì ngồi đó mà tâm hồn thì bay bổng tận phương nào! Đó là chưa kể đến số học viên đên lớp chưa tới 1/3 sĩ số thì tác động đến tinh thần học tập của học viên và đứng trước một lớp học lèo tèo như thế giảng viên cũng cảm thấy “mất lửa’ như thế nào?
– Còn về phía giảng viên đến lớp mà không chuẩn bị tốt cho bài giảng, thiếu đầu tư, nghiên cứu đề tài, không nắm vững mục đích yêu cầu của bài học thì làm sao truyền đạt tạo sự thu hút cho học viên tiếp thu bài giảng. Đó là chưa nói đối với các đề tài Phật Pháp, nếu giảng viên không nắm được tinh túy của nội dung hoặc hiểu một cách lơ mơ, phiếm diện, không liểu nghĩa uyên áo của kinh điển Đại thừa để rồi chuyển tải sai tư tưởng của kinh, luận thì thật là một tai họa cho người nghe cũng nhu người giảng!
– Nói về nội dung, chương trình học thì nó nằm ngoài sự luận bàn của chúng ta vì BHDTƯ đã nghiên cứu kỷ khi san định chương trình và đã được sự tham vấn của Chư Tôn Đức CVGH. Sở dĩ chúng ta thấy khó là vì sự học của hầu hết huynh trưởng mặc dầu đã tu học theo thứ lớp đúng lộ trình nhưng đa số đều mất căn bản hoặc trình độ học không tương xứng với bậc học đang có nên việc tiếp thu chương trình đang học một cách khó khăn. Giáo lý Phật Đà thì thậm thâm vi diệu nhưng khả năng tiếp thu của chúng ta thì hạn chế lại thiếu hàm dưỡng công phu nên thấy chương trình tu học HT quá nặng là phải!
– Nghệ thuật giảng dạy đóng vai trò hết sức quan trọng, giả thử chúng ta có học viên có thiện chí, có giảng viên chuẩn bị tốt đề tài, có nội dung học phù hợp nhưng nếu không có nghệ thuật diễn giảng tốt thì những điều thuận lợi trên trở thành vô nghĩa. Huynh trưởng chúng ta đã được đào tạo kỷ năng giảng dạy trong tất cả các trại huấn luyện HT, các bậc học HT đều có bài về cách hướng dẫn bài học cho học viên, ngoài ra còn có trại Phú-lâu-na của BHDTƯ tổ chức là trại chuyên năng đào tạo giảng viên, trong tỉnh có trên 10HT đã được đào tạo tại trại này. Thế nhưng khách quan mà nhận xét có bao nhiêu huynh trưởng có nghệ thuật giảng dạy, có năng lực thu hút học viên khi đứng lớp? Đành rằng nghệ thuật truyền đạt đòi hỏi nhiều đến năng khiếu, nhưng năng khiếu không phải là tất cả mà chính người giảng viên phải dày công rèn luyện kỷ năng lên lớp của mình đó mới là yếu tố quyết định. Một lớp học của GĐPT là một lớp học “mở”, không nhốt học viên trong bốn bức tường, không có một giáo án khuôn mẫu khô cứng mà tất cả lệ thuộc vào sự sáng tạo của giảng viên. Người giảng viên cũng giống như người hướng đạo có nhiều con đường để dẫn dắt người ta đến đúng nơi, thế nhưng người hướng đạo phải biết chọn một con đường tốt nhất, thuận lợi nhất để dẫn đoàn. Chúng ta trách học viên tinh thần học tập không tốt, thiếu tập trung nhưng chúng ta cũng phải biết nhìn nhận biết đâu là do chúng ta diễn đạt đề tài kém thu hút nên không được học viên tập trung lắng nghe?!
Ngoài bốn yếu tố căn bản trên còn có nhiều tác động ngoại cảnh không tốt cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc tu học của huynh trưởng như phải tham gia Phật sự quá nhiều ảnh hưởng đến việc học, việc làm của HT, những tác động không tốt từ phía gia đình, xã hội v.v…
Như một người bác sĩ biết đoán đúng bệnh rồi thì phải cho đúng thuốc và người bệnh phải phải uống đúng cách thì mới khỏi bệnh được. Việc tu học của HT cũng như thế, tìm được nguyên nhân dẫn đến việc tu học trì trệ rồi thì phải thực hành đúng giải pháp đã đề ra mới vượt qua mọi ách tắc và việc tu học được hanh thông. Phải biết chuyển hóa những gì đúc kết trong ngày hội thảo nghiên huấn thành hiện thực bằng việc thực hành cụ thể, nếu không thì rất uổng công Chư Tôn Đức CVGH và anh em huynh trưởng đã bỏ thời gian một ngày quý giá chỉ để hý luận! và hội thảo cũng chỉ để mà hội thảo không mang lại một lợi ích thiết thực nào!
Tại ngày hội thảo có ý kiến của huynh trưởng học viên nêu ra nguyên nhân việc trì trệ là do ý thức học tập của học viên chưa cao, không nhận thấy được tầm quan trọng của việc tu học huynh trưởng, học cho ai và học để làm gì? thế nên học viên đã không nổ lực vượt qua những khó khăn để học tập tốt. Thiết nghĩ đây là một ý kiến hết sức xác đáng, trong tất cả các nguyên nhân thì nguyên nhân lớn nhất là sự ý thức trong vân đề tu học của học viên. Khi mà ý thức cón kém thì dễ bị các nguyên nhân lớn nhỏ gây trở ngại tinh thần đến lớp tu học của học viên, ý thức kém khiến học viên dễ biện minh vì cái này vì cái nọ (dù đó chỉ là một nguyên nhân nhỏ nhặt) để không đến lớp, không mặn mà với việc tu học.
Ngày xưa Đức Phật tự ví ngài như một thầy thuốc, biết bệnh cho thuốc, còn không uống thuốc là lỗi của người bệnh chứ không phải ngài. Đó là quan điểm của Đấng Thế Tôn về “bất năng hóa độ vô duyên”. Còn bây giờ đối với những người huynh trưởng, đoàn sinh tự nguyện đứng vào tổ chức GĐPT và khoác lên mình chiếc áo lam, mang huy hiệu hoa sen của GĐPT trên ngực áo, tự nguyện phát nguyện trước Tam Bảo thì là đã có duyên với Phật Pháp rồi. Mỗi huynh trưởng phải tự nâng cao ý thức tầm quan trọng của vân đề tu học mới mong thực hiện được phần nào lời phát nguyện trước Tam Bảo. Hơn nữa như chúng tôi thường nói với anh chị em huynh trưởng:
– Làm huynh trưởng mà không tu, không học thì lấy cái gì để trao truyền cho đàn em?!
Chúng ta chờ đợi sự chuyển hóa một cách có hiệu quả sau hội thảo nghiên huấn`GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu vừa qua với sự cộng tác tích cực của toàn thể huynh trưởng trong tỉnh./.
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)