HUYNH TRƯỞNG TRONG VẤN ĐỀ GIÁO DỤC
Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử là người đã phát nguyện tu học theo chánh pháp, thực hành theo con đường Bồ Tát đạo, tự nguyện làm nhiệm vụ giáo dục thanh thiếu đồng niên trở thành người phật tử chơn chánh.
Muốn hoàn thành được nhiệm vụ trên, trước tiên người huynh trưởng phải tự tu tập rèn luyện thân tâm hoàn thiện về mặt nhân cách đạo đức cho chính bản thân mình, chịu gian khó, biết yêu trẻ, có tinh thần phụng sự. Vấn đề giáo dục của Gia Đình Phật Tử đòi hỏi người huynh trưởng chúng ta phải thể hiện thân giáo, làm gương mẫu như lời Phật dạy (dĩ thân tác chúng), chúng ta phải cần hiểu một cách thấu đáo mới có thể ý thức về trách nhiệm của mình khi nhận lãnh sứ mạng người huynh trưởng. Chúng ta đã nhận lãnh một ánh sáng được truyền thừa từ trí tuệ của Đức Thế Tôn, được gọi là ánh sáng Vô Tận Đăng. Người huynh trưởng phải lấy ánh sáng đó để tự soi đường cho chính mình , định hướng cho việc tu tập mới có khả năng phục vụ cho lý tưởng trong công tác giáo dục tuổi trẻ theo đúng tinh thần của Phật Gáo. Ngoài ra, người huynh trưởng cũng phải cần hiểu biết về đường lối giáo dục của Gia Đình Phật Tử, biết ứng dụng các phương pháp giảng dạy mang tính khoa học, sáng tạo và cũng không thiếu tinh thần hấp dẫn, phải có sự kiên nhẫn, không ngại gian khó, không chỉ hiểu mà còn phải thương mến trẻ, hiểu và thương cũng là một yếu tố cần có trong vấn đề giáo dục của Gia Đình Phật Tử.
Nói chung, huynh trưởng Gia Đình Phật Tử được mô tả là một nhà giáo dục mô phạm, vừa làm anh, vừa làm thầy, vừa làm học trò và cũng là một người bạn đồng hành. Để có sự giáo dục thích ứng với lứa tuổi thanh thiếu đồng niên, thật sự không đơn giản chút nào. Chúng ta phải tha thiết với bổn phận và trách nhiệm, gắn liền với công hạnh Bồ Tát đạo mang niềm tin và tình thương đi vào cuộc đời. Có như vậy, chúng ta mới thực hiện thành công trong nhiệm vụ giáo dục đào luyện thanh thiếu đồng niên trở thành Phật Tử chơn chánh trên nền tảng Bi Trí Dũng.
Không Tùy – Trần Quốc
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)