Gia Đình Phật Tử chúng ta phải làm gì để đưa các thanh thiếu đồng niên ra khỏi nhà lửa?
Gia Đình Phật Tử Việt Nam ra đời từ chiếc nôi uyên nguyên nhiệm mầu của đạo Phật, của nền văn hóa đạo lý dân tộc. Được thừa hưởng – kế thừa gia tài chân truyền của chư Phật, của Thầy Tổ chân sư, của các bậc tiền nhân sáng lập – truyền trao.
Gần một thế kỷ tồn tại và vững vàng, luôn luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, hứng chịu biết bao cơn sóng dữ do các thế lực chính trị bạo hành. Trải qua biết bao thịnh suy, từng giai kỳ thể chế lịch sử.
Gia Đình Phật Tử Việt Nam vẫn luôn luôn trung trinh bất biến, nêu cao ngọn cờ hòa bình nền xanh hoa sen trắng, tung lượn trên nền trời Đất Việt và lan tỏa khắp năm châu bốn biển, là cánh tay hậu duệ đắc lực, bảo vệ – gìn giữ – xiểng dương vẹn toàn Chánh pháp, làm nên công cuộc chấn hưng bảo tồn Phật Giáo Việt Nam, giữ gìn nền nếp gia phong – văn hóa – đạo lý dân tộc.
Gia Đình Phật Tử là tổ chức gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi đẳng cấp xã hội, mọi giới, mọi nghề. Tất cả những thứ bậc của thế gian đều bị xóa nhòa, để dung hợp thành một khối mạnh mẽ. Gia Đình Phật Tử không căn cứ vào các giá trị thế gian, như danh vọng tiền tài để lập thang điểm, mà chỉ nhắm một mục đích duy nhất là: “Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên thành phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo”. Cùng với mục tiêu là: “Đạo hạnh và khả năng điều khiển”.
Cho nên trong thành phần Huynh trưởng đã có đủ: “Trí thức, thợ thuyền, công chức, công nhân…” và cấp bậc Huynh trưởng được hoạch định rõ ràng, đủ đảm bảo cho một trật tự tất yếu của đoàn thể.
Thành phần của đoàn sinh Gia Đình Phật Tử có đủ: “Học sinh, sinh viên, lao động…”. Tất cả mọi lớp người ấy hòa đồng trong một màu áo lam, một màu sâu sắc trầm lặng, tượng trưng cho tình thần hùng lực nhưng trầm tỉnh của tổ chức này.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm thí dụ, Đức Phật đã mô tả cảnh nhà của một vị trưởng giả đang cháy mạnh, mà bầy con của vị trưởng giả thì cứ nhởn nhơ vui cười, trong ngôi nhà đang sụp đỗ ấy mà không ý thức được “Gì là lửa?” “Gì là nhà?”, “Thế nào là hại?”.
Chỉ cứ Đông Tây chạy giỡn nhìn cha mà thôi. Cuối cùng vị trưởng giả phải đánh lá bài “ Tương kế tựu kế” chúng ham chơi thì ta lấy đồ chơi để dụ dỗ. Các thứ xe dê, xe trâu, xe hươu đẹp đẽ, lộng lẫy chưa từng có đưa ra, để kích động lòng hiếu kỳ và động lòng ưa đắm của chúng.
Khi dụ chúng thoát khỏi nhà lửa rồi, vị trưởng giả cho các con đồng một thứ xe lớn, xe trâu trắng, tượng trưng cho năng lực tế độ của Đại thừa. Muốn khơi sáng về tính chất dung phương tiện ấy:
Đức Phật hỏi ông Xá-lợi-phất:
“ Ý ông nghĩ sao?” Ông trưởng giả đó đồng xem xe châu báu lớn cho các người con có lỗi hư vọng chăng?
Xá-lợi-phất thưa:
Bạch Thế Tôn không! Ông trưởng giả đó chỉ làm cho các người con đặng khỏi nạn lửa, bảo toàn thân mạng chúng nó, chẳng phải là hư vọng. Vì sao? Vì ông trưởng giả đã dung chước phương tiện, cho các con được ra khỏi nạn lửa. Vì nhân duyên đó nên không hư vọng.
Ý nghĩa thâm thúy của câu chuyện trong kinh, đã giúp cho các vị tiền bối sáng lập ra Gia Đình Phật Tử, rút tỉa những huyền nghĩa trong ấy làm lý thuyết và hành động, cho đường lối tu học của tổ chức Gia Đình Phật Tử.
Ông Trưởng giả đã dùng những phương tiện đó để lôi kéo những quý tử của ông ra khỏi lửa. Thì Gia Đình Phật Tử chúng ta lại dùng những bài pháp vi diệu, những cuộc cắm trại, những bài ca, những hoạt động thanh niên bổ ích để dẫn dắt thanh thiếu đồng niên, rời xa những cám dỗ của thế gian, những tệ nạn xã hội dần mất đi nhân cách đạo đức của con người, để đến với ánh sáng Phật pháp, đến với mục đích cao cả của Gia Đình Phật Tử đề ra, để sống với tinh thần Phật giáo: “Từ bi, trí tuệ, tinh tấn, hỷ xả, thanh tịnh”.
Muốn thực hiện được chí nguyện đó đòi hỏi bản thân mỗi Huynh trưởng phải dùng thân giáo làm đầu, hết sức nổ lực tu tập, trao dồi tác phong, đức hạnh, để mỗi Huynh Trưởng là những bức chân dung đẹp, là những tấm gương sáng lành, đúng với tôn chỉ và mục đích của tổ chức Gia Đình Phật Tử đã đề ra. Có như thế thì mới đủ sức dẫn dắt thanh thiếu đồng niên ra khỏi nhà lửa như hiện nay.
Quang Liên
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)