CHÀO KÍNH TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA GIAO TIẾP VÀ KỶ LUẬT CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHÀO KÍNH TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

NÉT ĐẸP TRONG VĂN HÓA GIAO TIẾP VÀ KỶ LUẬT CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

                                                                                                                                                            Tâm Lễ

 AnCatTuong

Trong văn hóa giao tiếp thì chào nhau là một cách thể hiện tính tôn trọng, cung kính và thân thiện giửa người và người. Mỗi một quốc gia, mỗi vùng miền đều có một cách chào hỏi riêng, mỗi đoàn thể xã hội, tôn giáo hay quân đội cũng tự đặt ra cho đoàn thể mình một cách chào kính riêng biệt, chào kính trong các tổ chức và quân đội ngoài sự biểu hiện mang tính văn hóa còn thể hiện tinh thần kỷ luật của tổ chức.

    Người Nhật người Hàn Quốc chào nhau bằng cách đứng nghiêm và cúi gập người xuống thể hiện thái độ cung kính, lịch sự, nếu muốn biểu thị sự tôn kính với người đó người ta sẽ cúi gập người thấp hơn thường là góc chào 90 độ. Những nước có nền văn hóa Phật giáo nguyên thủy như Lào, Thái Lan. Ấn Độ… khi gặp nhau họ chấp tay ngang ngực giống tư thế vái lạy và cúi người. Nếu muốn bày tỏ lòng cung kính, trọng thị người trước mặt thì người chào sẽ nâng cao vị trí chấp tay lên ngang trán và cúi người.

Những quốc gia chào nhau theo lối này chúng ta thấy rất đẹp, nó thể hiện nền văn hóa Đông phương bộc lộ sự  khiêm cung và lễ độ đối với người khác.

   Các nước phương Tây mà chúng ta thường thấy là họ chào nhau theo lối bắt tay. Dĩ nhiên ngoài các cách giao tiếp bằng cử chỉ còn đi kèm theo ngôn ngữ chào hỏi, ví dụ gặp nhau người nói tiếng Pháp sẽ nói bonjour…, người nói tiếng Anh thì hello…, còn người Việt thì chào ông, chào bà, chào anh, chị…tùy theo đối tượng giao tiếp mà xưng hô cho phải phép.

   Cách chào truyền thống của Người Việt Nam chúng ta là khi gặp nhau người nhỏ hơn vòng tay cung kính cúi đầu với người đối diện kèm theo tiếng chào. Đây cũng là một cách chào đẹp bày tỏ sự cung kính, lễ phép. Ngày nay hình như chúng ta thấy cách chào này chỉ dành cho trẻ con gặp người lớn còn đa phần người lớn là bắt tay hoặc vẩy tay chào hỏi như Tây vậy!

Ngoài ra trên thế giới các dân tộc, vùng miền còn có những cách chào hỏi rất lạ, rất riêng, rất độc đáo mà chúng ta ít gặp.

   Trở lại với hình thức chào trong các tổ chức hoặc quân đội thường được gọi là CHÀO KÍNH bao hàm một ý nghĩa kính trọng đồng thời thể hiện tinh thần kỷ luật cuả tổ chức. Chào kính trong Gia Đình Phật Tử biểu hiện bằng cách người chào đứng thẳng, mặt hướng về người mình chào, tay phải gập lại, cánh tay song song với thân người, lòng bàn tay hướng về phía trước, cùi chỏ sát thân người và ngang hàng với tầm lưng, các ngón tay khép vào nhau, ngón tay cái đè lên ngón áp út, mũi bàn tay ngang tầm vai,tay trái xuôi theo người. Đó là bắt ấn  Tam Muội hay còn gọi là  ấn Cát Tường, hay ấn Chánh Định, mục đích làm cho lòng mình lắng dịu, chuyên chú, chú tâm không tán loạn, chúc nhau sự an lành (Cát Tường), dập tắt lửa tham – sân – si. Chính Đức Phật ngày xưa đã dùng ấn này để phóng hào quang cứu độ chúng sanh.

  Chào kính trong Gia Đình Phật Tử  bằng cách bắt ấn Cát Tường là nhắc nhở chúng ta lắng lòng hướng về việc lành, để biểu lộ tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật, sự hòa hợp của tổ chức GĐPT, kính trên nhường dưới, chúc tốt lành cho nhau và giữ vững niềm tin theo Đức Phật và Chánh Pháp.

   Lối chào trong GĐPT chỉ được áp dụng khi mặc đồng phục mà thôi và được thực hiện theo nguyên tắc đoàn sinh chào huynh trưởng trước, huynh trưởng chào đáp lễ sau, Huynh trưởng cấp dưới chào huynh trưởng cấp trên trước.người nhỏ tuổi chào người lớn tuổi trước hoặc ai thấy trước chào trước.

Lối chào kính trong GĐPT vừa đẹp vừa cao quý thể hiện tính nhân văn, thể hiện kỷ cương, nề nếp của tổ chức. Chúc ta là những người áo lam hậu sinh hết sức khâm phục những vị tiền bối đã đăt ra một cách chào kính trong GĐPT rất đẹp và rất có ý nghĩa này, có lẽ trong tương lai những quy định về một vài hình thức trong GĐPT có thể sửa đổi nhưng bắt ấn Cát Tường để chào trong Lam viên là điều không thể nào thay đổi là vì khó tìm được một cách chào nào đẹp hơn thế!

    Có một cách chào ý nghĩa và đẹp là một điều đáng trân trọng rồi, nhưng người trong tổ chức phải biết cách áp dụng một cách triệt để đúng đối tượng, đúng thời mới biểu lộ được nét đẹp văn hóa trong ứng xử, giao tiếp và thể hiện được kỷ cương, nề nếp của tổ chức. Bởi vậy để huân tập tinh thần kỷ luật, tạo nề nếp cho đoàn sinh bài học về chào kính đã được anh chị trưởng hướng dẫn cho các em ngay trong chương trình tu học của bậc MỞ MẮT.

    Vào những năm tôi còn là một đoàn sinh ngành Đồng, ngành Thiếu được các anh chị trưởng dạy rất kỷ về chào kính và hầu hết đoàn sinh trong đơn vị đều thực hiện rất có nề nếp, hồi đó mỗi lần bắt ấn chào huynh trưởng và được các anh chị bắt ấn chào lại lòng tôi thấy rộn ràng niềm vui vì cảm thấy mình cũng được các anh chị tôn trọng.

   Cái đẹp trong chào kính trong GĐPT là như thế, nhưng hiện nay tôi có cảm giác cái đẹp đó đang bị phai nhạt dần vì không được thực hiện như một  phản xạ tự nhiên khi giao tiếp của Lam viên thời hiện đại. Hình như chào kính bây giờ chỉ được áp dụng theo nghi lễ của tổ chức như khi lễ Đoàn, khi hô khẩu hiệu “tinh tấn”, hoặc khi trình diện, làm thủ tục trong các nghi lễ của GĐPT chứ ít khi được thực hiện như là một phương tiện giao tiếp vì nó không được huân tập thành thói quen cho huynh trưởng và đoàn sinh. Đa phần trong các chiều sinh hoạt các em đến chùa trước để vui chơi, khi thấy anh chị trưởng đến hiếm khi các em đứng nghiêm bắt ấn chào, em nào lễ phép thì kính cẩn chào bằng miệng còn lại các em cứ tiếp tục việc của mình. Những  lần gặp gở  huynh trưởng và đoàn sinh trong các lần thăm viếng hoặc lễ lược, anh chị em gặp nhau tay bắt mặt mừng chào hỏi râm ran nhưng cũng ít khi các huynh trưởng hoặc đoàn sinh bắt ấn chào cho đúng phép chào kính trong GĐPT !

    Chúng ta không thể trách huynh trưởng và đoàn sinh là thiếu sự tôn trọng, lễ phép, trong khi thì thực ra các anh chị em cũng rất cung kính, tôn trọng anh chị huynh trưởng lớn, họ chào hỏi cũng rất cung kính và thân tình. điều đáng tiếc là văn hóa giao tiếp, kỷ luật tổ chức biểu hiện qua phép chào kính trong GĐPT hình như ngày càng  ít được chú trọng. Không phải ngẩu nhiên mà bài học về chào kính đã được BHDTƯ đưa vào chương trình tu học bậc MỞ MẮT, là bài học thứ 4 sau ba bài là Em đến chùa, Em vào ĐoànEm lễ Phật. Bởi vậy cho nên huynh trưởng các đơn vị phải hướng dẫn và rèn luyện cho các em thực hành ngay khi mới bước chân vào đoàn để huân tập thói quen tốt cho các em. Một phương pháp giáo dục hiệu quả nhất là chính các anh chị trưởng phải thực hành và thực hành một cách đúng đắn và triệt để, có như vậy các em mới noi theo một cách tự nhiên lâu dần trở thành thói quen giao tiếp đúng phép tắc trong GĐPT.

            Chào kính trong GĐPT bằng cách bắt ấn Cát Tường là một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người đoàn viên GĐPT. Ngoài ra nó cũng biểu hiện tinh thần kỷ luật, nề nếp, kỷ cương của tổ chức, mong rằng lam viên chúng ta bất luận anh chị là ai, đang ở vị trí nào trong tổ chức cũng ý thức sâu sắc vấn đề này và thực hành một cách nghiêm chỉnh để nét đẹp đó không bị phai mờ.

                                                                                                                TÂM LỄ

 

 

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb