Bài học sâu sắc từ sự kiện Phật Thành Đạo: ĐỨNG LÊN TỪ VẤP NGÃ
Trong suột cuộc đời tại thế 80 năm của đức Phật đã để lại cho chúng ta những bài học bổ ích để noi theo ngài mà tiến bước trên hành trình tu tập giác ngộ tự thân. Cuộc đời ngài là một bài thuyết giáo không lời, sự lan tỏa từ thân giáo của ngài đã có một sức hút mãnh liệt đối với những người có duyên với Phật Pháp và đem họ về quy y với Đức Phật, đồng thời nối tiếp bước theo lộ trình mà ngài đã hướng dẫn. Vào thời Đức Phật còn tại thế đã có rất nhiều người quy y làm đệ tử với ngài mà động cơ ban đầu không phải là vì thấm nhuần giáo lý mà ngài đã tuyên thuyết, mà chính là sự cảm nhận để rồi ái mộ một cách sâu sắc từ bản thân cùng với uy nghi tế hạnh được thể hiện qua cuộc sống thường ngày của ngài. Từ chổ ngài xuất thân là một thái tử có tất cả mọi thứ dục lạc của thế gian biết bao nhiêu người mong ước mà không được, để rồi ngài lại phủi tay buông bỏ tất cả để trở thành một du sĩ một thân một mình lang thang nơi rừng sâu núi thẳm tìm chân lý cứu chúng sanh.
Lịch sử đã ghi lại cuộc đời Đức Phật từ sơ sanh cho đến nhập niết bàn và sau này đã được chư thầy tổ và các nhà nghiên cứu Phật học ghi lại mặc dù có khác nhau về niên đại nhưng lịch sử cuộc đời ngài thì thống nhất không có sự dị biệt, cho nên người phật tử hậu bối chúng ta đều biết khá chi tiết về cuộc đời đấng giáo chủ mình tôn kính.
Nhân ngày kỷ niệm đức Phật thành đạo xin được rút tỉa từ ý nghĩa sự kiện trọng đại này một bài học rất nhỏ nhưng thật sâu sắc đó là: ĐỨNG LÊN TỪ VẤP NGÃ.
Như hầu hết Phật tử chúng ta đều biết sau khi rời bỏ hoàng cung thái tử Tất-đạt-đa đã một thân một mình đi tìm thầy học đạo mong tìm ra chân lý giải trừ khổ đau cho chúng sanh. Lần thứ nhất người đã học đạo với ông Alasa-Kalama tu về số luận chuyên nhiếp tâm vào định sơ thiền…sanh vào cõi trời Vô Tưởng đặng giải thoát. Thái tử cũng tu theo và cũng chứng đặng cõi trời Vô Tưởng nhưng ngài nhận thấy đây không phải là đạo giải thoát nên đã rời đi. Lần thứ hai hai ngài đến học đạo với ông Uddaka-Camaputta tu để giải thoát sanh lên cõi trời Phi Tưởng Phi Tưởng xứ, thái tử cũng tu theo nhưng khi đắc quả rồi ngài nhận thấy đây chưa phải là đạo chân chính giải thoát nên ngài cũng đã tạ từ ra đi tiếp tục cuộc hành trình tìm chân lý. Sau hai lần học đạo và cũng đã có thành quả nhưng ngài nghiệm ra rằng hiện thời không có đạo nào thực sư giải thoát nên đã thân hành tự tìm lối tu trì. Thế là ngài đã đến rừng Ưu-lâu-tần-loa phía nam núi Tượng Đầu bên dòng sông Ni-liên-thuyền và bắt đầu tu khổ hạnh với năm anh em ông Kiều-trần-như.
Sử ghi lại rằng qua sáu năm tu khổ hạnh ép xác thân thể ngài chỉ còn da bọc xương cho đến một ngày kia ngài ngã quỵ vì kiệt sức, sau đó ngài được một thiếu nữ tên là Sujuta dâng một bát sữa, ngài dùng sữa xong sức lực dần hồi phục ngài xuống sông Ni-liên-thuyền tắm rửa sạch sẽ và nhận ra rằng tu theo lối ép xác chỉ làm cho thân thể kiệt quệ vì thế trí lực càng u tối không thể nào thấy đạo được. Thế là ngài quyết định từ bỏ tu khổ hạnh và chọn giải pháp tu trung đạo, ăn uống bình thường không khổ hạnh ép xác mà cũng không tham cầu lợi dưỡng, năm anh em ông Kiều-trần-như tưởng ngài đã thối chí nên bỏ đi. Sau khi sức lực hồi phục ngài liền đến dưới cây tất-bát-la trải cỏ làm nện ngồi tỉnh tọa, ngài đã phát lời đại nguyện: “Nếu ta không thành đạo chứng quả thì quyết trọn đời không rời khỏi gốc cây này!”. Sau 49 ngày đêm tham thiền nhập định đêm mồng 8 thánh chạp ngài đã chứng tam minh, lục thông và đạt quả vị Vô thượng chánh đẳng, chánh giác, sau khi chứng thành đạo quả Đức Phật đã tuyên thuyết: …“Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp. Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng nên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục.”
Từ đó ánh đạo vàng của ngài đã lan tỏa khắp cùng mười hương ba cõi cho đến ngày nay giáo lý cao thượng của Đức Phật đã giúp cho chúng sanh nương theo tu tập tìm được sự an lạc trong cuộc sống hiện tiền, giáo pháp của ngài đã cứu vô số chúng sanh thoát vòng khổ đau, phiền não Sự kiện thành đạo của đức Thích Ca đã mở ra cho chúng sanh một con đường chánh đạo, một lối thoát cho sự khổ đau triền miên trong muôn kiếp, một bài học được rút ra từ sự kiện thành đạo của Đức Phật khiến cho chúng ta cần phải suy ngẫm để thực hành trong cuộc sống. Chúng ta thấy rằng mặc dù chí nguyện rất kiên cường nhưng khời thủy đi tìm thầy học đạo thái tử Tất-đạt-đa đã đầu sư với những vị thầy lừng danh thời bấy giờ và cũng đã tu đắc đạo đến quả vị mà họ mong cầu, thế nhưng ngài nhận thức rằng những đạo đó vẫn còn sanh vào tam giới nên cho dù có được sanh vào cõi trời hưởng được phước báu đi nữa nhưng vẫn còn trong vòng lục đạo nên khi hết phước vẫn bị đọa lạc trở lại. Thế là ngài dứt áo ra đi mặc dù vị giáo chủ bổn sư của ngài muốn ngài ở lại để tiếp tục thay họ truyền giáo. Từ sự kiện này chúng ta cảm nhận một sự quyết đoán trong lập trường của ngài, mặc dù đã có những thành quả và có thể hưởng lạc an vui nhưng ngài quyết đi đến cùng để tìm sự giác ngộ nên đã mạnh dạn khước từ. Đây là cài dũng của bậc đại giác hiếm ai làm được!
Một pháp tu sau đó của ngài là khổ hạnh ép xác để tìm sự giải thoát vì hồi đó có rất nhiều giáo phái tu theo pháp này, họ cho rằng thân thể con người là nguồn gốc mọi tội lỗi, phải hành hạ nó, phải làm cho nó kiệt quệ để diệt trừ mọi tham ái, diệt trừ được bản ngã, có thế mới tu giải thoát.
Chọn pháp tu khổ hạnh sáu năm đã làm cho ngài kiệt sức và kết quả là ngài suýt chết vì sự sai lầm này. Thế nhưng, một lần nữa ngài kịp tỉnh ngộ nhận ra cái sai lầm của mình khi chọn tu khổ hạnh vì nó chỉ làm đọa đày thân xác mà không khai mở một đạo pháp chân chánh nào cả, ví như phải bỏ thân mạng này vì sự sai lầm như thế thì thật là đáng tiếc biết bao, tu ép xác mà để chết đi mất thân người rồi thì còn đâu nữa để làm điểm tựa mà tu tập chuyển hóa tâm linh?!
Biết sai thì phải kịp thời sửa, biết vấp ngã thì phải kịp thời đứng dậy, từ sự vấp ngã trong chọn lầm pháp tu đến nỗi gần mất mạng của hành giả Tất-đạt-đa và ngài đã sáng suốt đứng dậy dùng trí tuệ để nhận chân đường lối tu hành đúng phương pháp và kết quả là ngài đã chứng được đạo vô thượng, đây là một bài học hết sức sâu sắc của ngài đã để lại cho hậu bối chúng ta. Một bài học cần phải suy ngẫm và áp dụng trong cuộc sống, trong hành trình tu tập không phải chỉ dành riêng cho hàng phật tử mà cho tất cả những ai muốn đi đến đích cuộc hành trình mà mình đã chọn.
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)