BÀI VĂN ĐẠT GIẢI I HỘI THI VĂN NGHỆ NGÀNH THIẾU LẦN THỨ TƯ 2017
ĐỀ THI SỐ 2: Em thường hay nghe nói đến “Tình Lam” . Hãy nêu cảm xúc của em về tình cảm này.
BÀI LÀM
“Ngờ đâu ta chung bước và đi chung đường. phải chăng từ vạn kiếp đem lòng vấn vương. Gặp nhau chung lý tưởng, góp sức giao tình thương, tình lam dây thân ái lan rộng khắp mười phương”.
Đôi khi chỉ hai, ba câu hát bất chợt vang lên nhưng không biết từ bao giờ âm hưởng cùa nó lại in sâu đậm trong tâm tưởng chúng ta. Cũng như không biết từ bao giờ tôi đã xem chùa là ngôi nhà thứ hai của mình, xem các anh chị là đại gia đình của tôi. Chúng ta thực chẳng có một quan hệ huyết thống nào cả nhưng các anh chị em ta vẫn luôn gắn kết với nhau như một “sợi dây thân ái”, đó có phải là TÌNH LAM?.
Tình lam nghe như một thứ gì đó thật trừu tượng, nó vô dạng, vô định, chẳng thề dùng phương tiện nào để cân, đo, đong, đếm nhưng sức mạnh mà hai từ thiêng liêng ấy mang lại là vô cùng to lớn. Ta không thể dùng đôi tay để sờ xem hình dạng của tình lam, không thể dùng đôi tai để nghe người ta kể về nó, cũng như không thể tự họa lại được chân dung của nó được. thứ duy nhất tôi làm là dùng đôi mắt để nhìn và một trái tim biết rung động để đến một ngày tôi mỉm cười để nhận ra trong mình có một dòng máu lam.
Thuở nhỏ đến chùa còn ngu ngơ lắm, vốn chỉ là ham vui với bạn bè chứ cũng chẳng để tâm nhiều. Các anh chị em biết không, tôi đã giử trong mình bí mật này từ lâu lắm rồi, bí mật về một sự nhầm lẫn ngở như tai hại nhưng lại hóa may mắn biết dường nào. Năm còn học cấp I tôi chơi rất thân với Nghi , rồi chúng tôi kể cho nhau nghe về cuộc sống của nhau. Nghi còn rủ tôi hàng tuần đến sinh hoạt ở nhà thờ. Đứa trẻ cấp I ấy đã rất vui mừng khi cả tuần đều có bạn để vui chơi, học tập. Ở thời điểm đó nhà tôi chẳng theo một tôn giáo nào cả nên việc xin mẹ đi sinh hoạt rất dễ dàng và sự nhầm lẫn bắt đầu từ một ngày chủ nhật đẹp trời, đứa trẻ sửa soạn để đến nhà thờ thì chị của nó bảo.
-Sao em lại đi giờ này, buổi chiều mới sinh hoạt cơ mà?
-Thế ạ? Tôi còn nhớ khuôn mặt ngây ngô của mình lúc bấy giờ
-Vậy đến chiều hai chị em mình cùng đi luôn ha?
……….
Đến chiều hai chị em trên chiếc xe đạp cũ đèo nhau đi, chiếc xe đạp cót két ấy đã đưa chúng tôi dừng lại trước một cánh cổng lớn. Tôi đã thấy nơi đó có các chị mang áo dài lam, các em nhỏ hơn tôi thì đang chơi nhảy dây trong một chiếc váy lam trông rất thích. Vẻ đẹp mộc mạc, giản dị ấy đã thu hút một đứa trẻ như tôi. Tôi thúc chị dắt xe vào trong niềm háo hức vui tươi của sự gặp gở, thế là tôi đã lớn lên trong tình cảm mà anh chị em đã dành cho tôi. Tôi đã không gặp được Nghi nhưng sao lòng tôi lại cảm thấy may mắn quá! Đó có phải là duyên chăng? Cái duyên nào tự vạn kiếp trước. tôi đã bắt gặp cô giáo của mình, bắt gặp bác hàng xóm, bắt gặp một cô bạn lớp khác, họ đều khoác lên mình chiếc áo lam giản dị. Tuy khác nhau về địa vị, về độ tuổi nhưng trông họ như một đoàn thể rất gắn bó. Lần đầu tiên bắt gặp hành động đó tôi bổng thấy mình thật nhỏ bé và cô đơn. Nhưng tôi đâu biết rằng chính từ lúc ấy trở đi tôi đã bước đầu đến chùa, bắt đầu hòa nhập vào đoàn thể ấy, tôi muốn được gọi là “Từ ấy” như cái “Từ ấy” của ông Tố Hữu, như một cột mốc quan trọng làm thay đổi cuộc sống của tôi.
-Nếu không có “Từ ấy’ thì sẽ thế nào?
-Tôi cũng biết mình sẽ ra sao nữa, nhưng với tôi điều đó thật bất hạnh.
Tình lam trong trí tưởng tượng của tôi là một dòng vô thủy vô chung chảy mãi không ngừng. Nó dạy tôi những rung động đầu tiên về vẻ đẹp của ngôi chùa, vẻ đẹp của một hành động nhỏ nhặt. Đơn giản chỉ là khi một chị huynh trưởng cài gúp tôi chiếc hoa sen, là khi các anh chị em bắt ấn chào nhau ra trong vòng dây thân ái. Từ góc độ một đoàn sinh Gia Đình Phật Tử tôi đã như nhìn thấy sức mạnh của tình lam hay chính là tình cảm của lam viên, nơi các anh chị em dạy tôi biết yêu thương, nơi cho tôi biết thế nào là đoàn thể đoàn kết chia ngọt sẻ buồn, sức mạnh vô hình âm thầm nhưng to lớn đến lạ, như ánh nắng mùa hạ, nó xóa bỏ đi khoảng cách giai cấp, xóa bỏ những thói đời tầm thường như ích kỷ, đố kị mà thay vào đó mà thay vào đó là một tấm lòng vị tha, bao dung và một tinh thần sống tích cực. Thật hạnh phúc và ấm áp biết bao khi người con xa xứ nơi đất khách quê người bắt gặp được màu lam thân thuộc. Dù là ai đó có xa lạ đến mấy nhưng chỉ khi chúng ta biết rằng mình cùng chung một màu áo thì lại như thế đó là anh, là em, là chị của chứng ta, đó có phải là tình lam?
Phải làm sao khi đã trót yêu màu lam rồi nhỉ? Tôi không thể dấu một niềm cảm xúc vở òa khi tôi nhận ra dòng máu lam đang chảy trong mình. Chúng ta vốn không thể rời khỏi sợi dây được bện bởi tình lam, vốn không thể phủ nhận sức mạnh thiêng liêng của nó. Thế nên hãy đón nhận và phát huy sức mạnh ấy như một báu vật quý giá. Tình lam vốn không giử chân tôi mà là khi nhìn thấy dòng chảy ấy đi qua các thế hệ anh chị trước, tôi đã biết bản thân mình nên ở đâu. Bản thân là một đoàn sinh GĐPT, được nuôi lớn trong dòng tình lam, tôi nguyện sẽ tiếp tục nuôi dưỡng tình cảm ấy và lại một lần nữa truyền trao cho thế nhệ đàn em sau này. Nguyện đem tình cảm ấy trở thành ước mơ, hoài bão để sau này và ngày lúc này đây tiếp bước trên con đường phụng sự lý tưởng./.
Nguyễn Thị Hoài Phương
Pháp danh: Nhuận Phú
(GĐPT Khánh Lạc)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)