ĐẾM TIỀN CHO NGƯỜI KHÁC

ngón cái và ngón tphai

Tôi có đứa cháu tốt nghiệp đại học, trầm trầy trầm trật mãi mới xin được một chân kế toán phát lương trong một công ty may mặc. Công ty lớn có hằng trăm công nhân lao động phổ thông phải phát lương bằng tiền mặt nên hằng tháng cháu tôi phải nhận hằng tỷ tiền mặt để phát lương cho công nhân. Mỗi lần có dịp đến nhà cháu chơi thấy vợ chồng nó có công việc ổn định nhưng sao thấy cuộc sống khá chật vật, tôi nói đùa

-Làm nhân viên phát lương  một công ty lớn mà sao thấy kinh tế nhà cháu vất vả thế?

Cháu tôi cũng cười vui vẻ trả lời.

-Dạ. Ở công ty ai cũng nói đùa cháu là người giàu nhất công ty, nhưng mà thực ra cháu chỉ là người làm việc đếm tiền cho người khác thôi, tháng nào cũng nắm trong tay mấy tỷ đồng nhưng phát lương xong là sạch túi, “mèo lại hoàn mèo” chú à.

Câu chuyện của cháu khiến tôi liên tưởng đến một dịp được nghe một vị thầy giảng pháp, nội dung câu chuyện về công năng tu hành của người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử. Thầy tán dương sự nổ lực hy hiến phụng sự đạo pháp, phụng sự lý tưởng Gia Đình Phật Tử của các anh chị huynh trưởng, có người đã đi gần trọn cuộc đời mà vẫn không rời chiếc áo lam. Trong hoàn cảnh phải đối diện với rất nhiều chướng ngại khảo đảo nhưng vẫn bền gan vững chí thực hiện hạnh nguyện dẫn dắt các thế hệ đàn em tu tập theo giáo pháp Phật-đà, phước đức đó thật đáng trân trọng!

Sau khi được nghe tán dương, ca ngợi công đức, anh chị em mặt mày ai nấy sáng rở, hân hoan. Nhưng sau đó thầy lại cảnh báo anh chị em huynh trưởng rằng: “Mấy mươi năm đã dìu dắt không biết bao nhiêu thế hệ đoàn sinh tu tập và thực hành theo giáo lý đạo Phật các anh chị đã đào tạo được rất nhiều đoàn sinh có một đời sống thiện, đào tạo được rất nhiều phật tử trẻ sống ích đời, giúp đạo hoặc thực hiện được những công tác phật sự lớn. Việc làm của các anh chị đã được Chư Tôn Đức khen ngợi, được phật tử ngưởng mộ, từ đó  anh chị cảm thấy tự hào, cảm thấy bản thân ta đã làm được nhiều công đức và sâu thẳm trong tâm thức đã nhen nhóm một sự tự mãn. Nhưng nếu anh chị chỉ lăng xăng với những công việc của tổ chức, chỉ biết dốc toàn lực để hoàn thành nhiệm vụ được tổ chức giao phó mà quên đi sự tu tập  để tăng trưởng bản thân thì khác nào người phát lương chỉ biết đếm tiền cho kẻ khác!”

Nghe thầy so sánh như vậy tôi bổng giật mình. Quả như lời thầy nói, bao nhiêu năm miệt mài với sứ mệnh phụng sự lý tưởng Gia Đình Phật Tử, dìu dắt bao nhiêu thế hệ đàn em bước đi trên lộ trình tu tập theo giáo lý Phật-đà, riêng bản thân mình thì sao, đã thăng tiến tự thân như thế nào hay là chỉ là kẻ đếm tiền cho người khác !?

Chuyện riêng nhưng mà cũng là chuyện chung, Gia Đình Phật Tử hiện nay luôn đối diện với những nội ma ngoại chướng bủa vây, khảo đảo, người huynh trưởng GĐPT phải kiên gan, bền chí và phát tâm lắm mới đi trọn hành trình, không thối thất lời phát nguyện, đó là những gì đáng trân trọng, đáng tán dương. GĐPT sở dĩ còn tồn tại và phát triển cho đến ngày hôm nay là do nhiều thế huynh trưởng phát tâm như thế, điều này ai cũng phải ghi nhận vì đó là sự thật không thể bàn cãi.

Thế nhưng tất cả những gì người huynh trưởng GĐPT phải làm không phải chỉ có thế mà cốt lõi ở chổ, trước hết phải tu tập tự thân, nghiêm trì giới luật, thâm nhập kinh điển để làm hành trang tu tập nhằm  chuyển hóa tâm thức, thanh tịnh ba nghiệp, giử gìn uy nghi tế hạnh, lấy thân giáo làm đầu, thể hiện bằng tác phong bên ngoài và đạo đức bên trong. Ứng dụng phật pháp và thể hiện công năng tu trì qua lối sống thường ngày, cách hành xử trong việc giao tiếp hằng ngày và cách đối nhân xử thế, cách ứng xử khi gặp những tình huống không vừa ý v.v…Tất cả những gì huân tập trong giáo lý phải được bộc lộ trong đời sống bình thường chứ không phải là chỉ rèn luyện kiến thức giáo lý đạo Phật để đi giảng cho các em, để đi thi vượt bậc học huynh trưởng hoặc để hý luận với người khác, để chứng minh mình là người có kiến thức Phật học uyên bác khiến người khác phải nể vì. Tất cả chỉ là ngôn thuyết vì nếu khi đem áp dụng trong đời thường thì “ngôn, hành bất nhất”. Đó là một thực trạng đối với một bộ phận không nhỏ trong hàng huynh trưởng!

Sự thiếu tu tập được biểu hiện trong các khóa trại huấn luyện huynh trưởng (cấp không nhỏ), từ việc vất rác bừa bãi, hút thuốc mọi lúc, mọi nơi, không tuân thủ nội lệ trại, tùy tiện ăn, ngủ, cười nói v.v…Buồn hơn nữa trong các khóa tu Bát Quan Trai dành cho các huynh trưởng lớn mà nhiều người không biết giử gìn oai nghi của một hành giả, không giử đúng giới luật trong giới trường từ đi, đứng, ăn, ngủ, sinh hoạt riêng tư… Đáng buồn hơn nữa là mang tiếng là huynh trưởng lớn nhưng không biết cách thực hiện khoa nghi của một buổi quá đường! Tất cả những điều đó thể hiện sự yếu kém trong việc tu tập, trau dồi tác phong của một huynh trưởng đồng thời cũng là một hành giả.

Nhưng dù sao những điều đó cũng chỉ là hành tướng bên ngoài, việc biểu lộ nội lực tu tập, chuyển hóa tâm thức chính là sự thể hiện trong lối sống, trong cách giáo tiếp, hành xử trong đời thường và gần gủi hơn là trong tổ chức. Dĩ nhiên trong quá trình hành hoạt để thực hiện các phật sự của tổ chức thì có lúc thành công, lúc thất bại, có lúc làm cho ta hoan hỷ nhưng cũng có lúc làm cho phiền não vì việc không thành. Chúng ta phản ứng thế nào khi gặp tình huống không như ý, với những người đã làm cho công việc không hoàn thành hay bị thất bại? Chúng ta phản ứng thế nào khi có những ý kiến phản bác hoặc phê bình ta trong công việc, những lúc cần tranh luận để làm sáng tỏ vấn đề chúng ta có giử được bình tỉnh, có kiểm soát được lời nói, hành vi khi gặp người cố tình chống đối, không tuân phục hoặc bị người khác phê phán vì không hoàn thành nhiệm vụ?! Đây là lúc mà người huynh trưởng thể hiện nội lực của một người có tu trì như thế nào, chứ không phải thành quả  tu hành là hằng ngày có bao nhiêu giờ tụng kinh, bao nhiêu giờ lễ lạy, bao nhiêu giờ tọa thiền…

Đã có không ít sự đổ vỡ, mất tình cảm dẫn đến mất đồng sự từ những lời nói, từ những cách hành xữ dẫn đến đốp chát, hơn thua nhằm bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình  hoặc độc đoán mà không chịu lắng nghe người khác, cố thủ trong “cái ta” vĩ đại, không thể nào chấp nhận được những ý kiến khác mình. Lại nữa, những ý kiến khác với mình nếu xuất phát từ những người dưới cấp, trẻ hơn, ít bề dày cống hiến hơn thì càng không thể nào chấp nhận được! Những ý kiến từ những bậc đàn anh phê bình sự thiếu sót của ta với lời lẽ có phần nặng nề khiến tâm ta dấy lên sự bất mãn âm thầm.Tử đó dẫn đến những hệ lụy rất đáng buồn là có người thì hùng hổ công khai chống đối, có người thì  âm thầm rút ra khỏi tổ chức, trở mặt quay lưng, có người thì đè nén nỗi bất mãn đang hình thành trong tâm để rồi làm việc với một tinh thần thiếu tích cực, có cơ hội là bùng phát. Phải chăng trên cương vị là người điều hành tổ chức những lúc phải đối diện với những điều mà theo ta là trái khoáy hoặc không hoàn thành nhiệm vụ của đàn em ta quên mất rằng tất cả các hoạt động mà ta gọi là “Phật sự” của tổ chức cũng chỉ là phương tiện giúp bản thân và tổ chức ta thăng tiến, để rồi phục vụ một mục đích cuối cùng là đào tạo con người chân chính sống thực hành đúng tinh thần giáo pháp đạo Phật.

Trong hàng ngũ huynh trưởng ai cũng biết giáo lý đức Phật là ĐỂ THỰC HÀNH chứ không phải ĐỂ BIẾT và ĐỂ NÓI. Nói cho cùng thì tất cả mọi phương tiện mà ta gọi chung là TU, như học hỏi, hành trì, bái sám, hành thiền… và phụng sự tổ chức GĐPT đều nhằm mục đích chuyển hóa tâm thức, thanh tịnh tam nghiệp, thăng tiến tự thân trên hành trình giác ngộ. Tất cả những thứ đó được biểu hiện qua lối sống, qua lời nói, việc làm, cách hành xữ, qua tác phong, đạo đức, qua thân giáo, khẩu giáo, ý giáo…. Khi bình thường tâm ta đang an lạc, “cái ta” được thỏa mãn thì mình cứ nghĩ ta tu hành bấy lâu nay được nhiều thành quả, nhưng ta đâu biết rằng cái “bản ngã” vĩ đại đang ngủ yên trong tâm thức vì nó được vuốt ve, nuôi dưỡng bởi mọi việc hanh thông, vừa ý. Nhưng khi gặp sự thách thức khi đối diện với cái ta không được thỏa mãn, cái ta đang bị xúc phạm thì lúc đó công năng tu tập của ta mới thể hiện qua cách mà ta hành xữ. Những lúc như thế mới biết là ta TU tới đâu, ta đang “CHĂN TRÂU” ở bức tranh thứ mấy trong “Thập mục ngưu đồ”!

“Cái ta vĩ đại” luôn biết dấu mình trong góc khuất của tâm thức, nó đánh lừa ta mà ta không biết vì khi mọi sự được như ý ta cứ tưởng mình tu hành tiến bộ lắm rồi, thậm chí còn thấy mình thật là tự tại vô ngại! Nhưng khi bị thử thách bằng những nghịch cảnh, hoặc khi nghe những chê bai, phê phán của người khác, những lúc gặp việc bất ý khiến cái bản ngã của ta không được thỏa mãn, hoặc những lúc ta thấy bị xúc phạm thì lúc đó nội lực tu trì của ta sẽ được bộc lộ qua cách ta phản ứng, nói năng, hành xữ như thế nào! Những lúc như thế thước đo công năng tu hành của mỗi người sẽ được xác định.

Phải cảnh giác với “cái ta vĩ đại” của mình để thúc liễm thân tâm, nếu không tự thân tu dưỡng, điều phục tâm, mà chỉ lăng xăng với trăm ngàn thứ mà ta cho là “phụng sự”, không khéo thì rốt cuộc ta chỉ là: KẺ ĐẾM TIỀN CHO NGƯỜI KHÁC! Buồn thay!

                                                                                                                 Tâm Lễ

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb