CHÙA HUẾ VÀ DẤU TÍCH CỦA TIỀN NHÂN
CHÙA HUẾ VÀ DẤU TÍCH CỦA TIỀN NHÂN
Mỗi lần trở lại cố đô Huế lòng tôi cứ nao nao một nỗi hoài niệm, một nỗi u hoài sao mà khó tả, dĩ vãng xa xưa lại hiện về sống động như vừa mới xảy ra..Tôi không phải là con dân Huế, quê hương tôi là Quảng Trị, một tỉnh nghèo khó ở phía nam vĩ tuyến 17. Quảng Trị thời chiến tranh trước năm 1975 rất nổi tiếng với chiến trường ác liệt xảy ra và được tặng cho danh hiệu “ Địa đầu giới tuyến” và một con đường máu lửa với hàng trăm người dân vô tội bị bắn chết ở đây mang tên “Đại lộ kinh hoàng” (năm 1973 đã có một đại trai đàn chẩn tế âm linh cô hồn được tổ chức ở đoạn đường này và một đền thờ tưởng niệm có tên Chiêu Linh đài được dựng lên ở đây, mấy năm trước trong chuyến về thăm quê khi đi ngang qua đây tôi đã vào viếng đền thờ với niềm xúc động vô biên tôi đã viết bài “ Trở lại con đường xưa máu lửa”). Sau chiến tranh Quảng Trị nổi tiếng với một tỉnh có nhiều nghĩa trang nhất nước với 72 nghĩa trang, trong đó có hai nghĩa trang cấp quốc gia với hàng chục ngàn ngôi mộ! đó là đặc sản của Quảng Trị!
Dù là dân Quảng Trị nhưng tôi có quá nhiều kỷ niệm về Huế. Từ thưở áo trắng học trò đã được nhà trường cho đi du ngoạn thăm hoàng thành và những lăng tẩm, đền đài…Những năm tháng chiến tranh ác liệt của mùa hè đỏ lữa năm 1972 tôi đã có những ngày buồn chán tuyệt vọng nằm trong ngôi nhà cổ của một bà Tôn Nữ nào đó bán cho ông Mỹ Phát làm xưởng sản xuất nước đá ở số 7 đường Võ Tánh, ăn gạo sấy cầm hơi hoặc khi nào thèm cơm quá thì lội bộ lên cầu Tràng Tiền vào quán cơm xã hội ăn qua bữa chờ thi vào trường Sư Phạm Huế, nhưng rồi chiều hôm trước đã đi xem số báo danh và phòng thi nhưng hôm sau lại buồn chán bỏ thi, không còn tâm trạng học hành tôi muốn đâm đơn vào quân ngũ, những ngày tháng tiếp theo là những ngày cắp sách tiếp tục đến trường trong gian khó và gượng gạo, rồi thì tất cả mọi sự đều lỡ làng…tôi đã viết “Chút kỷ niệm xưa với Huế” ghi lại một quảng thời gian với những kỷ niệm buồn với Huế…
Thế đó Huế đã cho tôi quá nhiều kỷ niệm vui nhiều mà buồn cũng không ít. Ấn tượng của tôi về Huế là những dấu tích của tiền nhân ở bao trùm khắp xứ, những mái ngói rêu phong cổ kính, những đền đài lăng tẩm, những ngôi chùa cổ ẩn dưới những hàng thông giửa núi rừng âm u tỉnh mịch trơ gan cùng tuế nguyệt, chịu sự tàn phá của thời gian. Dấu tích của tiền nhân một thời dập dìu xe ngựa của chốn kinh thành nay trở thành phế tích ở Huế không khác câu thơ của bà Huyện Thanh Quan viết về thành Thăng Long trong bài “Thăng Long thành hoài cổ” là mấy:
“ Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương!”
Cho nên đúng là khi trở lại Huế tôi đã cảm nhận:“cảnh đấy người đây luống đoạn trường!”
Huế còn cho tôi những kỷ niệm khó quên khi ra kết khóa trại Vạn Hạnh 6 ở chùa Thuyền Lâm, trong cái rét mướt của mùa đông xứ Huế chúng tôi đến Huế trong âm thầm trong lúc trời chưa sáng vạn vật còn yên giấc và ra đi trong lặng lẽ, chúng tôi rời Huế trong ánh đèn đường vàng vọt đưa tiễn. Chuyến đi cho tôi cảm hứng viết bài “ Nỗi niềm với Huế”…
Lạ thật, bao nhiệu năm xa cách Huế mà tôi vẫn không thể nào quên được dấu u tịch đó, hình như nó đã ăn sâu trong tiềm thức tuổi thơ không thể nào phai nhạt. Lần này theo đoàn BHD.GĐPTBRVT về Huế dự một lễ ở chùa Phước Duyên ở phường Hương Long, khi lần theo con đường nhỏ hẹp giữa trùng trùng điệp điệp những ngôi mộ trong một không gian rộng lớn những ký ức xa xưa như trào về hiển hiện, ngôi chùa cổ kính được bao quanh với hàng ngàn ngôi mộ, giống như chùa được xây dựng ở giửa nghĩa trang vậy! Buổi sớm trời còn lảng đãng sương mù giá lạnh tôi lần mò đi giữa những ngôi mộ chôn không hàng lối tìm đến những ngôi mộ tháp mà tôi nghĩ là mộ của những vị Tăng,. Mà đúng thế thật, với vốn liếng chữ hán lỏm bỏm tôi thấy những ngôi mộ tháp là nơi yên nghĩ của các vị Tăng dòng Lâm Tế đời thứ 41,42,43 và đặc biệt hơn nữa là ngôi tháp của Đại đức Thích Thanh Tuệ, một vị pháp thiêu thân trong cuộc pháp nạn 1963 chìm lẫn trong những ngôi mộ không hàng lối. ĐĐ Thích Thanh Tuệ đã phát nguyện tự thiêu hy sinh thân mạng để góp phần đấu tranh cho sự trường tồn của Phật giáo nước nhà với thế lực bạo tàn lúc mới 17 tuổi. Có ai đó đã đốt nhang và đặt một lẳng hoa nhỏ, tôi chấp tay cúi lạy ngài, ngài đã xã báo thân khi tuổi đời còn quá trẻ, một sự hy sinh cao cả lưu dấu ngàn năm! Thật đáng tôn kính!
Trên đường đi đoàn chúng tôi ghé thăm chùa Từ Đàm, ngôi chùa quá nổi tiếng không phải vì chùa quá đồ sộ như chùa Bái Đính, cũng không phải cổ kính như chùa Dâu, chùa Đậu ở miền Bắc hoặc chùa Tường Vân, Báo Quốc ở Huế mà nơi đây được xem là cái nôi của Phật giáo miền Trung với những dấu ấn lịch sử, đánh dấu những sự kiện quan trọng trong vai trò phát triển hoằng dương đạo Phật Việt Nam cận đại, là nơi mà ..PGVN thống nhất Bắc-Nam-Trung từ đây.., là nơi mà danh xưng GĐPTVN được ra đời và huy hiệu hoa sen đầu tiên được mang lên ngực áo của người huynh trưởng GĐPTVN…là nơi mà lưu truyền bài hát bất hủ của Nguyên Thông “Từ Đàm quê hương tôi” …Ôi uy nghiêm bóng chùa từ Đàm, nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng qua bao nhiêu giông tố chùa Từ Đàm tôi vẫn còn…lời bài hát mà mỗi lần cất lên đã làm lay động hàng triệu con tim người Phật tử.
Tôi theo đoàn lên thăm chùa Linh Mụ, một ngôi chùa biểu tượng xứ Huế với tháp Phước Duyên nổi tiếng, ngôi chùa cổ kính mái ngói rêu phong, mườm mượp du khách vào ra, sự nổi tiếng của ngôi chùa đã thu hút du khách tới thăm phần nào đã phá vỡ cảnh quan u tịch cố hữu chốn núi rừng, chúng tôi đảnh lễ tháp cố HT đệ tam Tăng Thống GHPGVNTN tọa lạc phía sau chùa, tháp đơn sơ, khiêm tốn như cuộc đời của một bậc tu hành đạo hạnh, quanh năm nghe tiếng thông reo vu vu trong gió.
Đoàn đi thăm chùa Thuyền Tôn, viếng bảo tháp của cố HT Mãn Giác, ngài là vị cao tăng kiến thức uyên bác nhưng lại có tâm hồn phóng khoáng của nhà thơ với hai câu thơ để đời:
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của tổ tông…
Và bảo tháp của cố HT Thích Thiện Minh, thân thế và sự nghiệp của ngài thì rất nhiều người biết rồi, ngài là hiện thân của vị cao Tăng tuổi đời thì còn trẻ nhưng đạo cao đức trọng, một lảnh đạo tài năng của giáo hội PGVNTN, một danh tăng đã xã báo thân khi tuổi đời còn quá trẻ (44 tuổi), “ Một cái chết sau 30 năm vẫn đen ngòm như bóng tối, bóng tối của vô minh, sắt máu bạo tàn…!” (Thích Nhật Tân)
Ấn tượng nhất của chuyến đi có lẽ là viếng chùa Từ Hiếu. Đến chùa Từ Hiếu tự nhiên tâm ta như lắng đọng, an nhiên trước cảnh trí thâm trầm u tích của núi rừng xứ Huế, chùa nằm khuất nẻo phía trong rừng trước mặt là hồ bán nguyệt. Chùa Từ Hiếu ghi dấu một tấm lòng hiếu thảo với mẹ già của tổ Tánh Thiên-Nhất Định. Ngài Nhất định năm 1843, sau khi từ chức “Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự” và trao quyền điều hành chùa Bảo Quốc cho pháp đệ là Nhất Niệm, Hoà thượng Nhất Ðịnh đã đến đây khai sơn, dựng “Thảo Am An Dưỡng” để tịnh tu và nuôi dưỡng mẹ già.
Hoà thượng Nhất Định nổi tiếng là người con có hiếu, tương truyền có lần mẹ già bị bệnh rất nặng, hàng ngày ông lo thuốc thang nhưng bà vẫn không khỏi. Có người ái ngại khuyên ông nên mua thêm thịt cá để tẩm bổ cho mẹ, có làm được đỉều đó mới mong bà chóng hồi sức. Nghe xong, mặc thiên hạ đàm tiếu chê bai, Thiền sư vẫn chống gậy băng rừng lội bộ xuống chợ Bến Ngự cách đó hơn 5km để mua cá mang về nấu cháo cho mẹ già ăn. Câu chuyện vang đến tai Tự Đức vốn là vị vua rất hiếu thảo với mẹ, vua rất cảm phục trước tấm lòng của sư Nhất Định nên ban cho “Sắc Tứ Từ Hiếu Tự”. Chùa được mang tên Từ Hiếu từ đó. Trong tấm bia ghi lại quá trình xây dựng chùa giải thích:
- Từ: Là đức lớn của Phật, nếu không TỪ thì lấy gì tiếp độ tứ sinh cứu giúp vạn loại.
- Hiếu: Là đầu hạnh của Phật, nếu không HIẾU thì lấy gì để đạt thông cõi nhiệm bao phủ đất trời.
Tấm lòng hiếu thảo của ngài đã động đến đất trời và đã được long thần hộ pháp ủng hộ nên được vua, phi tần, thái giám góp tiền xây dựng ngôi chùa Từ Hiếu như ta đang thấy. Đến chùa Từ Hiếu lòng ta như dịu lại, bao nhiêu phiền não chốn trần ai như được rũ sạch, ta thấy mình hòa trong cái không khí u tịch của chốn núi rừng với nét trầm mặc muôn đời, cảnh quan của chùa càng tăng thêm không gian huyền ảo, như thực như mơ, ta thấy tâm mình an lạc một cách lạ thường. dạo bước quanh chùa thăm những ngôi tháp cổ, những ngôi mộ của phi tần, thái giám nhà Nguyễn, tất cả đều phủ một lớp rêu phong, cổ kính để tưởng tượng một thời dấu xưa xe ngựa…bây giờ tất cả đều ghi dấu tích “mấy lớp phế hưng coi vẫn rộn, chuông hồi kim cổ lắng càng mau…”.
Huế vẫn rất còn rất nhiều, rất nhiều ngôi chùa cổ ghi dấu ấn tiền nhân, những vị cao tăng thạc đức đã có đem cả cuộc đời tu hành để phụng sự đạo pháp, hoằng hóa lợi sanh…
Vế Huế, về với những ngôi chùa cổ, là về để hội ngộ tiền nhân. Để thấy anh linh của tiền nhân vẫn còn lẩn khuất đâu đây, một sự kết nối tâm linh giửa người mất người còn. Quý ngài đã quảy gót về Tây nhưng dấu tích còn đó với thời gian, mặc dầu tất cả bây giờ chỉ còn là “nhạn quá trường không”… !
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)