Tìm hiểu về ý nghĩa lễ VESAK và đôi điều trăn trở.
Có lẽ trong rất nhiều người Phật tử ở Việt Nam mới nghe cụm từ “Đại lễ Vesak” lần đầu tiên khi Phật giáo nước ta đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008. Nếu ai chịu khó tìm hiểu một chút thì hiểu một cách láng máng Vesak là lễ Tam Hợp, tức là gom ba sự kiện lớn trong cuộc đời của đức Phật là đản sanh, thành đạo và niết bàn để làm lễ kỷ niệm thế thôi.
Để hiểu một cách thấu đáo ý nghĩa lễ Vesak chúng ta cần tìm hiểu ý nghĩa của từ nguyên của Vesak là gì nhé.
Vesak là tiếng Sinhalese của người dân đảo quốc Sri Lanka (Tích Lan), tiếng Pali là Vesakha, tiếng Phạn (Sanskrit) là Vaisakha, là tháng Hai theo lịch Ấn Độ. Đó cũng là tháng đầu trong năm của lịch nước Nepal.
Từ xa xưa, Đại lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hợp (Phật đản sinh, Phật thành đạo và Phật Niết bàn – là ngày lễ kỷ niệm 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời của đức Phật Thích-ca-mâu- ni), đã được tổ chức tại các quốc gia Phật giáo theo truyền thống Nam truyền, bắt đầu từ Sri Lanka sau đó truyền sang Miến Điện, Thái Lan, Lào…
Trong khi đó, một số quốc gia theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, như Trung Hoa, Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản, thường cử hành ba dịp trọng đại trên vào ba ngày khác nhau trong năm.
Vào ngày 28 tháng 10 năm 1999, đại diện các nước của 34 nước trên thế giới đã đệ trình lên Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) dự thảo nghị quyết công nhận Đại Lễ Vesak kỷ niệm ngày đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn. Ngày 12 tháng 11 năm 1999, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị Quyết A/54/235 công nhận ngày trăng tròn tháng 5 là Đại lễ Vesak kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của đức Phật. ( thường là trùng với ngày rằm tháng tư âm lịch).
Trong Nghị Quyết của Đại hội đồng LHQ viết rằng, “Lời dạy của đức Phật, và thông điệp về từ bi, hòa bình và thiện tâm của Ngài đã chuyển hóa hàng triệu người…Thừa nhận ngày trăng tròn tháng 5 hàng năm là ngày thiêng liêng nhất của người Phật tử, kỷ niệm ngày sinh, thành đạo và nhập niết bàn của đức Phật.”
Từ khi lễ Vesak được LHQ tổ chức kỷ niệm thì hầu hết đều được tổ chức tại trụ sở chính của LHQ ở New York và ở tại Thái Lan với tư cách là quốc gia đăng cai hoặc được tổ chức tại trung tâm Hội nghị LHQ khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Bangkok, Thái Lan.
Tại Việt Nam hầu hết các phật tử được biết đến thuật ngữ “VESAK” từ năm 2008 khi Việt Nam đăng cai tổ chức đại lễ Vesak của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2014 Việt Nam lại đăng cai tổ chức lễ Vesak lần thứ hai.
Từ khi lễ Vesak (lễ Tam hợp) được LHQ tổ chức kỷ niệm thì có sức lan tỏa hầu hết các nước có Phật giáo trên thế giới dù nước đó đang theo truyền thống Phật giáo Nam truyền hay Bắc truyền. Tại Việt Nam mặc dù được thừa hưởng sự truyền bá đạo Phật gồm cả Bắc truyền lẫn Nam truyền. Tuy nhiên các hình thức lễ lược theo truyền thống Bắc tông hầu như là phổ cập trong đại bộ phận các chùa chiền và phật tử. Vì thế hầu như chỉ khi nào Việt Nam đăng cai tổ chức lễ Vesak LHQ thì thuật ngữ “VESAK” mới được dùng đến, còn hầu hết đến ngày kỷ niệm đức Phật giáng trần vào rằm tháng tư âm lịch đều được gọi là LỄ PHẬT ĐẢN. Còn ba ngày lễ kỷ niệm thái tử Tất-đạt-đa xuất gia vào ngày 8 tháng 2 âm lịch và ngày kỷ niệm đức Phật thành đạo vào ngày 8 tháng 12 âm lịch và kỷ niệm đức Phật nhập niết bàn vào ngày 15 tháng 2 âm lịch đều được tổ chức riêng biệt.
Điều đáng nói là trước năm 1975 ngày lễ Xuất Gia và Thành Đạo đều được chùa chiền khắp cả nước tổ chức hết sức trang trọng với những hoạt động kỷ niệm phong phú. Ngày nay hầu như chùa chiền toàn quốc chỉ tập trung vào lễ Phật đản còn hai ngày lễ kia thì ít được chú trọng, họa hoằn lắm mới có vài ngôi chùa tổ chức lễ Thành Đạo khá hoành tráng còn lại thì chìm trong im lặng, thậm chí một câu biểu ngữ treo trước cổng chùa để “nhớ ngày” cũng không có!
Với tâm tư của một người phật tử sơ cơ, tôi thiết nghĩ rằng nếu Phật giáo nước ta được hoằng hóa theo truyền thống Bắc tông thì không nên xem nhẹ hai ngày lễ Xuất Gia và Thành Đạo. Vì nếu như ngày xuất gia của thái tử Tât-đạt-đa được xem như khởi đầu cho một hành trình tìm con đường giải thoát thì sự kiện thành đạo của đức Phật là thời điểm vô cùng trọng đại đánh dấu sự kết thúc của một hành trình tìm chân lý hết sức gian khổ của thái tử, đồng thời cũng là thời điểm đánh dấu sự chứng ngộ chân lý của đức Phật. Kể từ đây ánh đạo vàng lan tỏa khắp mười phương ba cõi, nhân loại nương theo giáo lý của Ngài để tu tập thoát khỏi sự khổ đau, phiền não để tạo dựng một cuộc sống an lạc ngay trong kiếp sống hiện tại, nếu tu tập niêm mật hơn nữa thì sẽ đạt đến bến bờ giác ngộ, ánh sáng chân lý của Phật-đà truyền bá khắp hành tinh đến nay cũng đã 26 thế kỷ.
Việc Liên Hiệp Quốc tổ chức kỷ niệm đại lễ Vesak để tôn vinh Đức Phật và giáo lý của ngài là một quyết định hết sức sáng suốt, đồng thời cũng là một niềm vinh hạnh cho phật tử trên khắp hành tinh. Tuy nhiên theo thiền ý của người viết thì Phật giáo Việt Nam cũng cần phải tổ chức một lễ kỷ niệm Phật Thành Đạo hết sức trang trọng để thể hiện sự tri ân của những người con Phật xưng tán công hạnh của đức Từ Phụ. Vì nếu không có sự kiện thành đạo của Đức Phật thì ngày nay sẽ không có một đạo Phật được lưu truyền trên hành tinh và nhân loại sẽ không được tiếp nhận giáo lý của Phật mà tu tập chuyển hóa thân tâm, đồng thời góp phần xây dựng một xã hội an bình trên tinh thần từ bi, hỷ xã, vô ngã vị tha của giáo lý Phật-đà…
Tâm Lễ
(Mùa Phật đản PL 2562)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)