BAO GIỜ THÌ EM ĐƯỢC KẾ THỪA

bizmac_full_27452015_054511

Tôi trở lại quê nhà vào một chiều muộn, ánh nắng vàng vọt của một ngày mùa hè chiếu loáng thoáng như giát vàng trên mặt sông. Bến sông xưa giờ vẫn im lìm hoang vắng như thưở nào, những hàng tre là ngà ngã bóng trên sông không khác ngày xưa là mấy, chỉ khác là thiếu vắng  những ổ chim rồng rộc treo lũng lẵng với tiếng chim hót líu lo năm nào giờ không còn nữa. Bến sông xưa bao năm rồi vẫn còn đó nhưng không còn bóng dáng con đò cắm sào đợi khách sang sông mà thay vào đó người ta đã làm một cây cầu bê tông hiện đại, đường làng ngõ xóm cũng được đổ bê tông  sạch sẽ khang trang hơn. Quê nhà đã thay đổi quá nhiều, nhà cửa bề thế, khang trang hơn, ngăn nắp hơn cách đây mười năm trong một lần tôi trở lại,  nhưng sao tôi thấy như đánh mất một cái gì đó trong tiếc nuối, đánh mất hình ảnh đẹp trong ký ức về con đường chiều râm mát rộn rả tiếng trẻ em vui đùa, những mái tranh nghèo tỏa khói lam chiều mỗi lúc chiều về, làng quê yên ả thanh bình   của một thời xa lắc.

Mấy mươi năm làm kẻ tha phương cầu thực bất đắc chí, tôi chỉ trở lại quê nhà một vài lần, đó là những ngày trọng đại đa phần là việc mồ mả, thờ tự, hương khói cho ông bà, tổ tiên. Mỗi lần trở lại cố hương là một niềm vui nhưng cũng để lại trong tôi những nỗi buồn. Vui là vì được trở lại quê nhà  nơi chôn nhau cắt rốn mà tôi đã sinh ra và lớn lên,  một thời thơ ấu nơi làng quê nghèo khó nhưng đậm nghĩa tình. Được đi lại trên con đường đến trường, đến chùa với niềm vui hồn nhiên cùng chúng bạn của những ngày xa xưa, được đốt nén nhang tưởng nhớ ông tổ tiên, ông bà, cha mẹ để thấy tinh hoa của tiền nhân đang chảy trong huyết quản của mình, tiền nhân đang hiện hữu nơi mình không mất đi đâu cả. Còn buồn vì về lại quê hương mà cảm thấy như có gì đó đã mất mát quá nhiều, tình người thì phai nhạt, cảnh cũ còn đây mà người xưa đâu mất hết, về lại quê nhà mà như người khách lữ hành cô độc.  Buồn vì những ngày tháng êm đềm của tuổi thơ đã đánh mất trong nỗi nhớ khôn nguôi…

Lần theo con đường đê lộng gió hai bên đường là cánh đồng lúa xanh bát ngát rập rờn trong gió, tôi tìm về thăm ngôi chùa làng ở cuối thôn. Thực ra ngôi chùa làng tôi ngày trước tọa lạc ở trung tâm làng nhìn mặt ra dòng sông Vĩnh Định, ngôi chùa mà tôi có những năm tháng thơ ấu thật đẹp sinh hoạt trong GĐPT từ thời còn là oanh vũ cho đến khi trở thành một huynh trưởng cầm Đoàn. Quê tôi là một làng quê rộng lớn có đến mười bốn xóm, dòng sông Vĩnh Định chia hai làng ra thành đôi bờ bắc- nam. Mỗi bên có bảy xóm nằm bao quanh bọc giửa  một cánh đồng lúa rộng thẳng cánh có bay, Những bậc tiền nhân trong làng đã xây dựng ngôi chùa ở bên bờ sông, nơi trung tâm của làng để phật tử trong làng ai cũng có thể đi chùa một cách thuận tiện vì  khoảng cách không quá xa. Những năm tháng chiến tranh khốc liệt  chiến tranh tàn phá hầu hết các ngôi nhà trong làng, ngôi chùa cũng chịu chung số phận, sau ngày 30.4.1975 chính quyền lấy đất chùa để làm nhà hợp tác xã, kho phân bón và chuồng trâu. Sau này khi dân chúng xin làm lại chùa thì họ cho một đám đất cuối làng để làm chùa thế nên  ngôi chùa làng tôi bây giờ không còn gần khu dân cư mà ở nơi hoang vắng cuối thôn. Cũng vì thế mà phật tử trong làng đi chùa rất xa, lớp phật tử thuần thành thì càng ngày càng già đi xa không nổi, lớp trẻ mới lớn thì  được khuyến khích nên sống như kẻ  không đạo, chỉ biết chạy theo tiến tài, danh vọng, quyền lực nên không mặn mà lắm với việc đi chùa lễ Phật. Mãi sau này khi chính quyền có cái nhìn khá thông thông thoáng hơn về tôn giáo,  một số huynh trưởng lớn tuổi mạnh dạn tổ chức  tái sinh hoạt GĐPT thì thu hút được một số phật tử trẻ tham gia, nhưng do một số không được đào luyện từ nhỏ, một số khác thì mãi lo công việc hoặc học hành nên sinh hoạt cũng èo uột lắm.

Tôi đến thăm chùa vào chiều chủ nhật nên GĐPT đang sinh hoạt, có chừng trên dưới ba mươi huynh trưởng và đoàn sinh, không khí sinh hoạt có phần tẻ nhạt không được hào hứng lắm. Đa số các anh chị huynh trưởng là người mới nên ít người biết tôi chỉ có anh Cường và chị Hạnh là đoàn sinh cũ nên thấy tôi tới rất vui tay bắt mặt mừng hỏi han đủ thứ. Tôi nói các em cứ sinh hoạt đi, anh vô thăm thầy trụ trì xong cuối giờ gặp các em lại.

Sau khi thăm viếng thầy trụ trì xong, tôi trở ra sân thì gia đình đã ra về chỉ còn lại Cường và Hạnh ở lại chờ tôi. Ba anh em chúng tôi ra ngồi trên ghế đá dưới tàn cây bồ-đề râm mát. Các em hỏi tôi đủ thứ, chuyện riêng, chuyện chung, chuyện GĐPT ở nơi tôi đang sinh hoạt. Các em nghe tôi kể tình hình sinh hoạt ở miền nam nơi tôi đang sinh sống  với vẻ háo hức, thích thú. Tôi cũng hỏi lại các em tình hình sinh hoạt  GĐPT của làng, ở tỉnh mình. Các em lắc đầu có vẻ ngán ngẩm.

- Anh biết không, ở đây sinh hoạt yếu lắm, vì thiếu huynh trưởng, vì anh chị huynh trưởng bận công việc, các em bận học hành. Các em ngành Thanh, Thiếu thì học thêm học bớt suốt tuần thì giờ đâu nữa mà hứng thú đi sinh hoạt GĐPT. Hạnh nói trong tiếng thở dài.

- Ở đâu cũng vậy thôi các em ạ, tình hình sinh hoạt bây giờ khác xưa nhiều lắm, ở đâu cũng khó khăn từ hoàn cảnh xã hội cho đến con người. Bởi vậy làm huynh trưởng bây giờ khó lắm không phải như ngày xưa, huynh trưởng phải biết linh động, tùy duyên mà điều hành đơn vị,  nếu quá cứng ngắt vào khuôn mẫu thì sẽ khó thu hút đoàn sinh, mà quá dễ dãi thì có lượng mà thiếu chất, đông thì đông đó mà nội lực thì không có, rốt cuộc ta chỉ còn cái vỏ danh xưng cùng với hào quang của quá khứ mà thôi chứ trong ruột không có chi cả. Tôi nói với Cường và Hạnh.

- Anh biết không, các anh lớn hồi đó cùng thời với anh giờ đã cao tuổi, đi đứng chậm chạp, tính nết thay đổi hay bảo thủ, lại còn bệnh gia trưởng, độc đoán  ít khi chịu lắng nghe ý kiến của em út nên tụi em rất khó phát huy năng lực. Cường nói với tâm trạng không vui.

Tôi để cho Cường và Hạnh kể lễ cho thỏa lòng. Ngày xưa khi tôi đang là  huynh trưởng trẻ và năng động thì các em là những đoàn sinh rất ngoan và thích tôi vô cùng, sau khi tôi rời xa quê thì các em vẫn còn gắn bó với tổ chức và các em rất kiên trung dù gặp nhiều sự ngăn cản và áp lực từ nhiều phía nhưng không hề sờn lòng. Với sự dấn thân phụng sự cùng với tinh thần năng động của tuổi trẻ mặc dù chỉ mới ngoài bốn mươi tuổi nhưng hiện nay hai em là liên đoàn trưởng ở đơn vị đồng thời Cường là ủy viên BHD tỉnh, còn Hạnh thì đang là một phụ tá ủy viên BHD. Nhưng qua tâm sự tôi thấy ở các em đang có một tâm trạng không thoải mái và tỏ vẻ không được hài lòng với những huynh trưởng cấp trên của mình.

- Anh biết không, các anh chị lớn tuổi bây giờ làm sao bắt kịp nhịp sống hiện đại để có hướng giáo dục các em đoàn sinh cho có hiệu quả nữa.  Các anh cứ nói ngày xưa như thế này, ngày xưa như thế nọ. Các anh cứ sống với hào quang quá khứ mà quên mất rằng hoàn cảnh GĐPT bây giờ khác xưa nhiều lắm nếu không kịp điều chỉnh thì sẽ không thể nào phát triển tổ chức được Cả Hạnh lẫn Cường đều nói cùng một ý tưởng như thế.

Tôi cười cười và nói với hai em

-Ngày xưa Chư Tôn Đức cùng các huynh trưởng tiền bối đã rất anh minh khi chọn tên của tổ chức là GIA ĐÌNH PHẬT TỬ. Các em biết không, gia đình là nền tảng để giáo dục con người. mà gia đinh trong văn hóa Việt Nam thì gồm nhiều thế hệ, có ông bà, cha mẹ, con cái cùng sống chung dưới  một mái nhà. Thương yêu, đùm bọc, nương tựa lẫn nhau mà sống, người già thì mẫu mực, khuôn thước, người  trẻ thì xông pha, năng động, sáng tạo, sống  tương tác với nhau để xây dựng một xã hội thu nhỏ, đào luyện nhân cách  con người, sông kỷ cương,  phù hợp với đạo lý. Thế cho nên người già có vai trò của người già, người trẻ có trách nhiệm của người trẻ, thiếu một trong hai thành tố trên thì nền tảng gia đình bị lung lay ngay. Mà gia đình là xã hội thu nhỏ thế nên khi mà gia đình lung lay thì xã hội cũng bị chao đảo. Các em đòi hỏi gì ở các anh chị nữa, các anh chị đã suốt một cuộc đời hy hiến cho tổ chức, đã góp phần đào tạo không biết bao nhiêu thế hệ  huynh trưởng, đoàn sinh trở thành những phật tử thuần thành, trở thành những công dân tốt góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp. Bây giờ các anh chị đã già rồi các em nên nhìn vào các anh chị đó như nhìn vào một tấm gương sáng mà học tập để  dấn thân phụng sự tổ chức không ngừng nghĩ như các anh chị đã từng thể hiện trong suốt cuộc đời. Đừng thấy các anh chị già nua chậm chạp rồi có ý xem thường, các anh chị đã có một đời để công hiến cho tổ chức, các anh chị là “hạt gạo trên sàng” đó các em ạ. Trong mắt các em nhiều khi thấy các anh chị có phần khó tính, bảo thủ, hay là độc đoán, điều đó chỉ đúng một phần vì suy nghĩ của các em còn nông cạn  nên mới thấy thế, còn sâu xa hơn nữa em sẽ thấy những ý kiến của các anh chị lớn thường rất nghiêm khắc nhưng rất thiết thực và rất bổ ích cho các em,  vì đó là kết tinh của quá trình trải nghiệm thực tế qua nhiều năm tháng phục vụ tổ chức đó các em. Dĩ nhiên là về phía các anh cũng cần biết lắng nghe tâm tư của huynh trưởng trẻ và tạo điều kiện cho  các em dấn thân phụng sự tổ chức. Có như thế thì GĐPT mới hy vọng ngày càng thăng tiến được.

Tôi nói một hơi dài, phân tích chi li để cho các em hiểu, nghe tôi nói hai em có phần nào “ngộ” ra vấn đề và có vẻ bớt căng thẳng.

-Dạ. Anh nói chúng em đã hiểu, nhưng anh thấy không, tình hình cứ như thế này thì biết bao giờ chúng em mới kế thừa sự nghiêp của tổ chức được, năm năm, mười năm hay hai mươi năm nữa. đến lúc đó thì chúng em cũng già nua lọm khọm như các anh chị bây giờ rồi!

Tôi ngỡ ngàng khi nghe câu nói của Cường. Thì ra các em tuy đã lớn, đã trải qua nhiều trại huấn luyên huynh trưởng,  tự nhận mình đã trưởng thành nhưng sao mà trong tư duy còn non yếu quá!

-Anh không hiểu nổi vì sao mà em có ý nghĩ như vậy. GĐPT ra đời trên 70 năm, có rất nhiều anh chị huynh trưởng có tuổi đời trên 60, trên 70, các em mới ngoài bốn mươi tuổi mà đang là lãnh đạo một đơn vị, đang là ủy viên một ngành của BHD tỉnh, thì đương nhiên là các em ĐÃ VÀ ĐANG KẾ THỪA SỰ NGHIỆP, kế thừa mạng mạch của tổ chức chứ làm chi có chuyện bao lâu nữa. Ngay từ khi các em quỳ dưới đại hùng  bửu điện, đối trước Tam Bảo, đối trước quý anh chị trưởng phát lời thệ nguyện trong lễ truyền vô tận đăng của trại huấn luyện Lộc Uyển là các em đã nhận lãnh sứ mạng truyền thừa mạng mạch của tổ chức rồi, huống chi sau này các em còn phát nguyện nhiều lần trong lễ truyền vô tận đăng của trại A-dục, Huyền Trang, trong lần phát nguyện thọ cấp Tập, cấp Tín nữa! Đã quá nhiều lần phát nguyện thọ nhận trách nhiệm với tổ chức như thế, hiện nay các em đang là các huynh trưởng lãnh đạo đơn vị, là các ủy viên BHD tỉnh thì hãy nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy năng lực, phát tâm dấn thân phụng sự tổ chức trong vai trò mình đang đảm nhiệm. đó là các em đang kế thừa sự nghiệp của tiền nhân đó, hãy làm tốt trách nhiệm với tinh thần dấn thân phụng sự lý tưởng của mình đi. Chẳng lẻ các em nói hai mươi năm nữa mới kế thừa là kế thừa cái gì, chẳng lẽ kế thừa chức vụ trưởng BHD tỉnh? Chẳng lẻ phải làm cho được chức vụ trưởng BHD tỉnh hay là cao hơn nữa mới gọi là kế thừa chứ làm liên đoàn trưởng một đơn vị, một ủy viên ngành thì không được kế thừa sao?!

Tôi nói một hồi cũng như trút cạn nỗi lòng, Cường và Hạnh ngồi chăm chú lắng nghe và tôi thấy nét mặt tươi vui trở lại không căng thẳng như ban đầu. Tôi biết các em đã hiểu những gì tôi muốn nói và đã thay đổi định kiến trước đó. Tổ chức GĐPT đang rất cần những huynh trưởng trẻ năng động, sáng tạo, sẵn sáng dấn thân phụng sự lý tưởng với cái tâm vị tha, phụng sự không mong cầu, tâm hỷ xã và cầu thị, biết tôn trọng với bậc trưởng thượng, thuận với đàn em, trẻ về tuổi tác nhưng chín chắn trong tư duy để xây dựng tổ chức trong tình hình hết sức khó khăn này…

Trời đã hoàng hôn chỉ còn vài tia nắng le lói cuối ngày, gió chiều từ cánh đồng lúa thổi mát rượi, tôi thấy tâm hồn mình thật thanh thản. Buổi chiều muộn nơi ngôi chùa làng sao mà yên tỉnh, thanh tịnh đến thế. Chia tay với hai đàn em thân yêu, tôi bắt tay các em thật chặt như gởi gấm bao điều tâm sự và gởi gấm bao kỳ vọng nơi các em, những người huynh trưởng trẻ…

                                                                                                                  Tâm Lễ

SoSinhHoat

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb