Pháp thoại của Hòa Thượng Thích Thái Hòa nhân ngày tưởng niệm Ân Sư của GĐPT
BBT: Bài pháp thoại của Hòa thượng Thích Thái Hòa -Tổng thư Ký Ban thường Trực Hội Đồng Giáo Giới GĐPTVN tại lễ tưởng niệm chư vị Tiền bối Ân Sư và Hữu Công của GĐPTVN tại chùa Phật Ân, Long Thành, Đồng Nai với Huynh trưởng các cấp về dự lễ.
—=oOo=—
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Thưa Đại Chúng!
Nhân dịp kỷ niệm húy nhật Cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh – Nguyên Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất; tưởng niệm dự tiến đại tường Cố Hòa Thượng Thích Đức Chơn – Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Bản Thệ; đồng thời cũng làm lễ tưởng niệm Chư Tôn Đức trong Hội Đồng Lưỡng Viện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất quá cố; tưởng niệm chư Anh Linh Thánh Tử Đạo; tưởng niệm chư vị Tiền Bối Hữu Công; tưởng niệm chư vị Gia Trưởng, Huynh Trưởng, Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam quá cố… Nhân đây tôi xin chia sẻ đến quý vị mấy điểm sau đây:
1. Cứu cánh và phương tiện: Xin quý vị nghiên cứu bản Nội Quy, Quy Chế Huynh Trưởng của GĐPTVN, trong đó chương, khoản, điều nào thuộc về CỨU CÁNH và chương, khoản, điều nào thuộc về PHƯƠNG TIỆN. Những chương, khoản, điều nào thuộc về cứu cánh thì tuyệt đối không thay đổi, không tùy duyên. Còn những chương, khoản, điều thuộc về phương tiện thì chúng ta có thể vận dụng một cách linh hoạt nhằm thực hiện để đạt tới mục đích.
Mục đích của GĐPTVN là: “Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng Niên thành Phật Tử chân chính. Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật Giáo.”
– Mục đích thì không tùy duyên, không thay đổi, trước sau như một.
– Năm điều luật, châm ngôn, huy hiệu, bài ca chính thức là cứu cánh không có thay đổi.
Còn những gì phương tiện để đạt tới cứu cánh thì ta có thể tùy thời, tùy xứ, tùy sự, tùy nhân, tùy Pháp mà có thể linh hoạt vận dụng để thích ứng…
2. Gốc rể của bản Nội Quy – Quy Chế: Chúng ta phải nhìn thật sâu sắc Bác Tâm Minh – Lê Đình Thám thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của GĐPTVN từ ý chỉ nào? Từ động cơ nào? Chắc chắn là bác Cư Sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám nhận yếu chỉ từ các bậc Tôn Đức Tăng-già bấy giờ như các Ngài: Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Tiên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Giác Nhiên, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh… và từ động cơ “thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh.”
Vì vậy, Nội Quy và Quy Chế GĐPTVN phải có gốc rể từ ý chỉ và động cơ này. Vì vậy, chúng ta tiếp nhận và thực hành Nội Quy, Quy Chế đúng với ý chỉ và động cơ ấy. Nếu không phải tiếp nhận từ ý chỉ và động cơ ấy thì chúng ta có nỗ lực, có thực hiện Nội Quy, Quy Chế đến mấy đi nữa cũng bị chệch hướng.
3. Tổ chức GĐPTVN là một tổ chức mang tính gia đình tâm linh Phật Giáo, vì vậy trong tổ chức này mới có ba điều luật cho Oanh Vũ:
– Em tưởng nhớ Phật.
– Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.
– Em thương người và vật.
Và mới có năm điều luật cho ngành Thiếu: “Phật Tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện…”
Chính điều luật thứ nhất của ngành Oanh và ngành Thiếu làm sở y, hay pháp lý vĩnh viễn của tổ chức GĐPTVN trong Phật Giáo; nếu không phải như vậy thì tổ chức này chỉ là một tổ chức hội đoàn của xã hội mang tính thế tục, phi Phật Giáo!
Một tổ chức GĐPTVN mang tính tình cảm và đạo đức tâm linh Phật Giáo, trên có Thầy, giữa có Bác, dưới có Anh, Chị, Em hướng dẫn giúp nhau tu học. Cho nên, trong tổ chức này ai có đạo đức, ai lớn tuổi, ai có kinh nghiệm tổ chức thì làm anh, làm chị; ai yếu, ai kém thì làm em. Nếu em giỏi hơn thì hỗ trợ cho anh, cho chị chứ không phải giỏi hơn là truất phế anh, chị; không phải giỏi hơn là truất phế bác v.v… và v.v…
4. Biết tôn trọng những bậc trưởng thượng: Đức Phật dạy: “Bất cứ một quốc gia nào, mọi người dân biết tôn trọng truyền thống, biết tôn trọng những bậc trưởng thượng, đạo đức trong xã hội thì quốc gia ấy được hưng thịnh, không bị các quốc gia khác xâm lăng.”
Tổ chức GĐPTVN cũng vậy, nếu chúng ta biết giữ gìn truyền thống, biết tôn trọng những bậc trưởng thượng trong tổ chức cũng như những bậc đạo đức… thì ta tồn tại đúng ý nghĩa, đúng mục đích; còn nếu không thì đó chỉ là một tổ chức ô hợp, một tổ chức tìm cách bôi nhọ nhau, hể đụng chuyện một cái mà chưa tìm hiểu gốc rể của vấn đề là nói xấu nhau, xuyên tạc nhau trên facebook… những người đó không phải là Phật Tử, lại càng không phải là Huynh Trưởng của GĐPTVN, vì họ đã phạm vào giới pháp mà Đức Phật đã dạy: “Không được nói lỗi của Tứ Chúng.”
5. Hội họp trong hòa hợp, giải tán trong hòa hợp: Nếu chúng ta có vấn đề gì mà chưa thông suốt, chưa hiểu tận tường, thì chúng ta đi tới với nhau để tìm hiểu và họp bàn với nhau để tìm ra sự thật của vấn đề ở trong hòa hợp, và khi giải tán chúng ta cũng giải tán trong sự hòa hợp.
Những gì chúng ta đã chấp nhận với nhau trong buổi họp thì chúng ta phải tôn trọng. Ra ngoài buổi họp chúng ta không nói ngược lại với những gì chúng ta đã đồng tình trong buổi họp… (biểu quyết lấy ý kiến số đông trong cuộc họp và khi ra ngoài không nói tới nói lui nữa). Nếu ra ngoài mà chúng ta nói ngược lại với những gì mà chúng ta đã đồng tình, đã biểu quyết trong buổi họp thì chúng ta chính là người phá tổ chức chứ không ai khác!
17.10.2019
Phượng Liên kính ghi lại và chia sẽ.
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)