Lễ nhập kim quan trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quang
10-11-2019 | | 0 Phản Hồi
Vào lúc 10 giờ 9-11-2019 (nhằm ngày 13-10-Kỷ Hợi), đông đảo chư Tăng Ni, Phật tử đã không hẹn mà cùng trở về chùa Từ Đàm đảnh lễ, hộ niệm lễ nhập liệm Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang.
Nghi lễ được cử hành theo không khí thiền môn, tất cả như kìm nén xúc động, không khí trang nghiêm đồng thanh niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà trong khi chư Tăng pháp tử cung thỉnh thân tứ đại của ngài rời phương trượng.
HT.Thích Giác Quang, Phó Chánh Thư ký Ban Thường trực HĐCM; HT.Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch HĐTS GHPGVN cùng chư vị giáo phẩm Tăng, Ni các tỉnh thành đã về dự lễ nhập kim quan Đại lão Hòa thượng.
Kim quan Đại lão Hòa thượng được tôn trí tại hội trường chùa Từ Đàm.
Thông tin từ HT.Thích Hải Ấn và chư vị pháp tử của Đại lão Hòa thượng, tang lễ của ngài có sự linh động về thời gian theo hoàn cảnh, nhưng vẫn thực hiện theo tinh thần các nội dung mà Đại lão Hòa thượng đã căn dặn.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang là một bậc danh tăng Việt Nam thời hiện đại. Ngài sinh năm Quý Hợi (1923), tại làng Diêm Điền, tỉnh Quảng Bình – ngôi làng có mối liên hệ chặt chẽ với phong trào Văn Thân của chí sĩ Phan Đình Phùng – trong một gia đình gồm sáu anh em trai. Gia đình Hòa thượng đều theo Phật lâu đời; thân phụ sau này xuất gia, làm đệ tử của ngài Đắc Quang – Tăng cang chùa Linh Mụ kinh thành Phú Xuân – Huế.
Được biết, sau vài ngày khiếm an về thân thể, ngài đã thuận thế vô thường viên tịch vào lúc 21 giờ 45 phút ngày 8-11-2019 (nhằm ngày 12-10-Kỷ Hợi) tại chùa Từ Đàm, nơi gắn bó với ngài trong thời kỳ pháp nạn Phật giáo phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo trong mùa Phật đản Phật lịch 2507, khởi đầu với lệnh triệt hạ cờ Phật giáo và đàn áp Phật tử tại đài Phát thanh ở Huế.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quang là nhân vật lịch sử, có vai trò quan trọng trong phong trào tranh đấu Phật giáo tại miền Nam năm 1963.
Trong hồi ký “Tâm sự tướng lưu vong”, Hoành Linh Đỗ Mậu viết: “Trong số những Tăng sĩ lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ Diệm, Thượng tọa Thích Trí Quang là nhân vật bị anh em nhà Ngô đánh giá là nguy hiểm hơn cả”.
Ngài cũng là vị “Tăng sĩ lãnh đạo Phật giáo” được báo chí trong và ngoài nước quan tâm nhiều nhất thời bấy giờ.
Tuy vậy, việc góp sức “vận động thống nhất Phật giáo Việt Nam” cũng như “lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ Diệm” không phải là tâm hướng của Hòa thượng; “sự biên dịch kinh sách (…) mới đích thực là thị hiếu và chí hướng bình sinh của đời tôi, là lòng mong ước của mẹ tôi” – như chính ngài đã tự sự như thế trong tập Trí Quang tự truyện, lược lại cuộc đời của chính mình tham dự, chứng kiến và đã đi qua gần một thế kỷ với bao biến động, đổi thay trên quê hương.bản tin video của Báo Giác Ngộ
Cô kết chí hướng bình sinh ấy của Đại lão Hòa thượng trong suốt mấy mươi năm độc cư là hàng chục bộ kinh, luật, luận được biên dịch, chú giải cẩn trọng, kết thành nhiều tổng tập, toàn tập đã được ấn hành, là pháp bảo cho Tăng Ni, Phật tử hành trì hằng ngày nhằm tăng trưởng nội lực thực tu, gợi hướng nhìn chánh kiến cho việc thực học một cách căn bản và lâu dài, không giới hạn về không gian và hoàn cảnh.
Tang lễ của Đại lão Hòa thượng, theo lời di huấn căn dặn các pháp tử là sau khi ngài viên tịch 6 giờ sẽ nhập liệm, sau đó sẽ thiêu, không báo tang, không thành phục, không phúng điếu (kể cả vòng hoa), không thông báo và mời ai đến dự lễ, chỉ tụng một trong các kinh Địa tạng, Kim Cương, Bồ-tát giới, Pháp Hoa, Thủy sám…
Cuộc đời 97 năm của Đại lão Hòa thượng, cho đến nay, và có thể cả sau này, còn rất nhiều cách nhìn tùy theo hoàn cảnh và tâm thế của mỗi người, nhưng có một cách nhìn khác trọn vẹn hơn, như chính Đại lão Hòa thượng đã tự kết luận: “Rốt cuộc, tôi không biết gì, không có ý định gì cả, nên cuộc đời tôi “không vẫn hoàn không”, không có gì đáng nhớ, đáng nói. Ngay như tự truyện này, vì không thể không có nên phải viết và phải in, mà thôi. “Không vẫn hoàn không” là Phật cho, tôi mới được như vậy”.
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)