ĐỂ CÓ MỘT MÙA XUÂN THỰC SỰ AN LẠC CHO MUÔN LOÀI

the-gioi-chao-don-mua-hoa-xuan_9

Xuân về, tết đến đem lại niềm vui, đem lại sức sống mới  cho muôn loài, từ cổ chí kim các văn nhân thi sĩ đã tốn không biết bao nhiêu là giấy mực để ca ngợi mùa xuân. Nào là muôn hoa đua nở khoe sắc, tỏa hương chào đón chúa xuân, nào là vạn vật  đang nao nức tưng bừng đón mùa xuân mới, nào là vạn vật đang trở mình ươm chồi, nẩy lộc để đón  xuân về. Ôi! mùa xuân dù chỉ là chu kỳ luân chuyển của đất trời, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông cứ thế tuần hoàn không bao giờ cùng tận. Năm tháng cứ thế tiếp nối đi qua, mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng của nó, nhưng mùa xuân được cho là tượng trưng cho sức sống mới, cho sự đổi thay của đất trời để cho vạn vật được mới hơn, tươi hơn và đẹp hơn. còn đối với con người thì xuân về tượng trưng cho sức sống mới, nhiều niềm vui mới, nhiều hy vọng mới và rất nhiều điều tốt lành mới hơn năm cũ.

Khi con người đón chào năm mới, mà khởi đầu là những ngày tết nguyên đán thì họ sẽ dành tất cả những điều tốt đẹp để đón mùa xuân mới. Đối với người Việt Nam ta thì tết nguyên đán cổ truyền đã trở thành nét văn hóa truyền thống dân tộc không thể thiếu trong đời sống. Xuất phát từ nước ta thuộc nền văn minh lúa nước, hầu hết người dân đều làm nghề nông và thời điểm tết nguyên đán là những lúc nông nhàn nên có tục lệ ăn tết dài ngày như câu ca dao “tháng giêng là tháng ăn chơi” mà ông bà ta đã truyền lại. Bây giờ xã hội thay đổi, nước ta cũng đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa nên tỷ lệ người dân làm nghề nông ít lại, một phần lớn người dân trẻ tuổi đều làm trong các xí nghiệp, nhà máy theo đời sống công nghiệp, thế nên những ngày tết nguyên đán họ vẫn bận rộn với công việc chứ không nhàn hạ như những thế hệ ông bà trước đây. Thế nhưng thói quen ăn tết, chơi tết dài ngày đã ăn sâu trong gốc rễ người Việt nên truyền thống lễ hội, tiệc tùng, cùng trăm ngàn tập quán lễ hội tốn rất nhiều công, của, thậm chí có phần phung phí trong các ngày tết rất khó thay đổi vì ai cũng có cùng suy nghĩ “tết mà !”  nên có vung tay một tý cũng không sao, một phần cũng ảnh hưởng như lời ông bà ta xưa đã truyền tụng “đói cũng ngày tết, hết cũng ngày mùa” hàm ý nói dù đói nhưng ba ngày tết vẫn ăn ngon mặc đẹp, cho dù qua năm có hết lúa nhưng ngày mùa vẫn được ăn no, ăn ngon…quả thực để thay đổi một thói quen đã trở thành truyền thống qua nhiều đời thật không dễ dàng chút nào!

Cũng xuất phát thói quen ăn uống thả giàn trong mấy ngày tết mà từ những ngày cuối tháng chạp cho đến nửa tháng giêng là nhà nhà mở tiệc, người người ăn tiệc, công ty, xí nghiệp, cơ quan cũng tổ chức tiệc tất niên, hội hè, đình đám cũng được tổ chức và thế là hàng triệu gia súc, gia cầm đã bị giết để lấy thịt phục vụ cho tiệc tùng, lễ hội của con người. Để có những bửa tiệc “hành tráng” và ngon miệng, thỏa mãn được niềm vui khoái khẩu người ta đã vắt óc nghĩ ra trăm ngàn kế sách để chế biến thịt chúng sanh thành những món ăn sao cho ngon hơn, bắt mắt hơn, khoái khẩu hơn và …tốn kém hơn!

Vậy đó, trong khi  con người luôn tự hào là chúa tể của muôn loài, vì con người là một động vật có lý trí, con hầu hết  động vật khác đều sống theo bản năng. Cũng vì con người có lý trí và là động vật cao cấp hơn các chúng sanh khác nên tự cho mình cái quyền là được giết hại muôn loài để ăn thịt như là một điều tất yếu. Nhưng nếu bình tâm suy nghĩ kỷ thì con người cũng phải tự hỏi ai đã trao cho chúng ta cái quyền đó, trong khi chúng sanh vạn loại đều có quyền được sống và bản năng sinh tồn thì đều tham sống sợ chết như chúng ta. Vậy thì tại sao chúng ta lại được quyền tước đoạt sinh mạng của chúng?!

Đọc các con số thống kê (chỉ riêng trên đất nước Việt Nam thôi)  đã có hàng triệu gia súc, gia cầm bị giết để cung cấp hằng trăm ngàn tấn thịt phục vụ cho con người tiệc tùng, chè chén trong mấy ngày tết chúng ta cảm thấy rùng mình! Thế nhưng chúng ta cũng rất thản nhiên ăn uống vui vẻ nâng ly chúc nhau sự bình an, chúc nhau sống lâu trăm tuổi trên bàn tiệc có không biết bao nhiêu sinh mạng của chúng sanh đã mất mạng để phục vụ cho các bửa tiệc của con người.

Khi diễn tả về  mùa xuân chúng ta luôn nói xuân thanh bình, xuân đến đem niềm vui mới cho muôn loài, xuân về đem lại nguồn sống mới cho vạn vật…vv. và vv…còn hàng ngàn mỹ từ khác để ca ngợi mùa xuân. Tất cả đều hướng đến sự an lạc, trường thọ, thanh bình, hoan hỷ, vui tươi… mà quên rằng để đem lại nguồn vui cho con người  khi đón xuân về tết đến thì có hàng triệu sinh linh đã phải mất mạng. Thế thì xuân có còn là xuân thanh bình vì mang đến  niềm vui, có còn mang đến sức sống mới, hạnh phúc mới, có còn mang đến sự trường thọ cho muôn loài nữa không?!

Con người là chúa tể của muôn loài, không có nghĩa là con người có quyền sinh sát muôn loài, mà đã là chúa tể của muôn loài thì phải sống sao cho xứng với chức danh cao cả đó và không tự cho mình cái quyền giết hại sinh mạnh của loài khác để thỏa mãn cho thú vui hưởng thụ của mình và cuối cùng là khi nói đến mùa xuân đem niềm vui, đem sức sống mới cho muôn loài chúng ta là chúa tể của muôn loài thì phải  hành xử thế nào cho mùa xuân thực sự đem đến sự an lạc cho muôn loài.

       Những ngày giáp tết Canh Tý 2020

                      Tâm Lễ

(Bài đã được đăng trên trang web Thư Viện Hoa Sen.org)

hinh-anh-chuc-mung-nam-moi-2018-mau-tuat-2

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb