NHỚ VỀ MỘT VÌ SAO ĐÃ TẮT.
Tôi đến viếng tang đảnh lễ giác linh trưởng lão Hòa thượng Thích Quảng Độ vào một buổi chiều Sài Gòn nhạt nắng, tuy vậy trời khá oi bức. Tang lễ của ngài được tổ chức trong một ngôi chùa nhỏ, tại một con đường nhỏ của một quận nhỏ (quận 8) giữa lòng một thành phố lớn. Tuy tang lễ được tổ chức hết sức đơn sơ, giản dị, thanh tịnh, trang nghiêm ở một nơi có vẻ nhỏ nhoi trong một thành phố siêu lớn có 13 triệu dân như thế, nhưng bên trong tang đường đang ấp ủ nhục thân của một bậc đại nhân, một nhân cách lớn, một bậc chân tu với những đại nguyện cao cả, ngài như một vì sao sáng giữa bầu trời đêm tăm tối nên hầu như cả thế giới đều biết tiếng ngài.
Tang lễ hết sức giản dị, thanh tịnh, không lẳng hoa, trướng liễn, không có lễ nhạc, không có điếu văn, cảm tưởng, không có các hình thức thông thường khác…những người đến viếng chỉ có lễ bái, thọ tang trong thanh tịnh. Một tang lễ của một vị cao tăng đang là Tăng Thống của một Giáo Hội Phật giáo mà hết sức đơn sơ đến… ngỡ ngàng. Trong khuôn viên nhỏ hẹp của chùa không lúc nào có số lượng Tăng Ni, phật tử quá đông đến chật lễ đường mà chỉ có những đoàn đến lễ viếng với từng nhóm nhỏ rồi ra về. Không gian trong tang đường yên ắng, thanh tịnh rất khác với những tang lễ của các vị cao tăng trước đây mà chúng ta thường thấy.
Sau khi đảng lễ giác linh, thọ tang và cùng với Chư Tăng tụng một thời kinh Di Giáo, đoàn chúng tôi ra về. Buổi chiều Sài Gòn đang tắt nắng, không khí tương đối dịu mát, giờ tan tầm của một thành phố lớn bậc nhất VN này dù trong mùa đại dịch corona vẫn tấp nập xe cộ lưu thông trên đường chứ không đến nỗi hoang vắng như người ta đồn thổi.
Trên đường về lòng tôi cứ nặng trĩu một nỗi xao xuyến trong lòng, có thể nói đó là một nỗi buồn không thể gọi tên hay đúng hơn là một nỗi u hoài chất chứa bao nỗi niềm. Sự ra đi của Hòa thượng ví như một vì sao sáng đã tắt trên nền trời, ngài hiện diện giữa cõi trần tục lụy này với nhân duyên trở thành một bậc tu hành xuất thế, hơn thế nữa trong vai trò của một vị lãnh đạo cao nhất của giáo hội trong những năm tháng đầy biến động của đất nước. Đạo nghiệp của ngài ngoài các công trình biên dịch kinh sách, biên soạn, trước tác nhiều tác phẩm giaó lý Phật giáo, ngài còn để lại cho đời một công trình đồ sộ là bộ Phật Quang đại từ điển…. Nhưng sự nghiệp và những gì ngài để lại cho đời không chỉ có chừng đó, đối với thế giới người ta biết đến ngài như là một nhà đấu tranh nhân quyền và tự do tôn giáo vì thế ngài đã được trao tặng rất nhiều giải thưởng về nhân quyền của quốc tế, có lúc ngài được đề nghị trao giải Nobel Hòa Bình.
Người phật tử Việt Nam đã rất ngưỡng một ngài vì những công trình dịch thuật và biên soạn giáo lý của Đức Phật để xiễn dương đạo pháp, thế nhưng điều cao hơn cả ở ngài đã tác động sâu xa đến tâm thức người phật tử là đức vô úy, tinh thần bất khuất của ngài khi phải đấu tranh trực diện với nhà đương quyền để đòi tự do, bình đẳng cho phật giáo và nhân quyền, tự do, dân chủ cho nhân dân, cũng chính vì tinh thần đó mà ngài đã nhiều năm trong vòng lao lý, rồi quản thúc suốt mấy mươi năm cho đến hết cuộc đời. thế nhưng dù phải chịu bao nhiêu bao nhiêu khảo đảo trước sau như một ngài vẫn hiên ngang đứng trước đầu sóng ngọn gió như thực hành câu châm ngôn “vô ma khảo bất thành đại đạo”!
Chính cái tinh thần uy vũ bất năng khuất, đức vô úy của ngài là những bài thuyết giáo không lời cho hàng triệu phật tử cũng như những người mến mộ ngài phải cúi đầu bái phục. Đức vô úy là một hạnh lớn mà giáo lý đạo Phật luôn đề cao, hơn thế nữa trong hạnh bố thí thì thí vô úy được xem là cao thượng hơn cả. Giáo lý của đức Phật đã dạy cho hàng đệ tử rõ ràng như thế, nhưng giờ đây khi đối diện với phong ba bão táp của thời cuộc nhìn lại có được bao nhiêu bậc thực hành được tinh thần đó. Đối với đạo Nho thì “uy vũ bất năng khuất” là bậc đại trượng phu, đối với đạo phật thì “thí vô úy” là hạnh của bồ-tát, cả hai điều này ngải đã đạt được nên ngài trở nên một vì sao sáng trong đêm tối miên trường!..
Ngày mai thân xác của ngài sẽ được đưa đi trà-tỳ và theo di huấn của ngài thì tro cốt của ngài sẽ rải ta biển, thân tứ đại trả về cho tứ đại, ra đi tức thị trở về, ngài đến từ đâu thì về lại chốn cũ cuối cùng thì không vẫn hoàn không. Ngải đã đến cõi trần gian này lưu lại dấu tích của một đời người rồi trả buồn vui lại cho nhân thế để ra về tay không. Cuộc đời của ngài như bài thơ của ngài Thiên Y-Nghĩa Hoài
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô lưu tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Thế nhưng dù muốn dù không, cho dù thân xác của ngài đã hòa nhập vào lòng đất mẹ nhưng đối với ngài thì nói như cụ Nguyễn Du:
Kiều rằng: Những đấng tài hoa
Thác là thể-phách, còn là tinh-anh…
Và hơn thế nữa….
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)