Tinh thần Bồ tát đạo và lý tưởng GĐPT

KHOÁ TU BÁT QUAN TRAI Th.6/2010 GĐPT TỈNH BÀ RỊA VŨNG TÀU

 

TINH THẦN BỒ-TÁT ĐẠO VÀ LÝ TƯỞNG GĐPT

Tỳ kheo THÍCH NHUẬN CHÂU

Đến với đạo Phật, chúng ta thường nghe nói đến Bồ-tát. Từ nầy gợi cho chúng ta một ý niệm cao cả thiêng liêng, sự xả thân hy sinh cứu đời, vì lợi lạc cho mọi người.

Trong văn học bình dân Việt Nam có câu: “Của người Bồ-tát, của mình lạt buộc” cho thấy ảnh hưởng của Đạo Phật và tinh thần Bồ-tát vào trong đời sống dân gian khá sâu đậm. Thật vậy, với tinh thần Bồ-tát mà Đạo Phật đã giúp cho sức sống của Dân tộc Việt Nam chúng ta có được sự bền bỉ, gắn bó trong lòng người, để vượt qua mọi gian truân ách nạn, tạo nên sự thăng hoa bất tận.

I. BỒ -TÁT

Là tiếng phiên âm từ Sanskrit, BODHISATTVA, người Hán gọi đầy đủ là Bồ-đề tát-đỏa. Từ nầy do hai thành tố ghép lại:

- BODHI: phiên âm bồ-đề. Nghĩa là Trí, Giác

- SATTVA: phiên âm là tát-đỏa. Nghĩa là chúng sinh, hữu tình.

BODHISATTVA, bồ-đề tát-đỏa có nghĩa là Chúng sinh giác ngộ. Một hữu tình có trí huệ. Một con người như vậy phải có nhân cách rất lớn, rất cao cả, đáng kính ngưỡng. Nên trong  kinh văn Sanskrit thường  gọi là MAHĀ BODHI SATTVA, Hán có khi gọi tắt là Ma-ha tát-đỏa hay là Ma-ha-tát và Hán dịch là Khai sĩ, Đại sĩ, Thượng sĩ, Đại đạo tâm chúng sinh, Thiện sĩ,…

II. BỒ-TÁT THỪA TRONG NGŨ THỪA.

Trong Kinh hệ nguyên thủy, như A-hàm và Nikāya, danh từ Bồ-tát được dùng để chỉ Bồ-tát tối hậu thân, đời sống cuối cùng từ sơ sinh cho đến trước khi thành đạo.

Cho đến khi Bản sinh truyện (Jātaka) được lưu truyền rộng rãi, khái niệm Bồ-tát được mở rộng thêm, bao gồm những đời sống quá khứ của đức Thích Tôn thực hành các ba-la-mật để mong cầu thành Đẳng chánh giác. Từ đó, Bồ-tát được xem là một hạnh tu để đạt đến giác ngộ cứu cánh, để thành Phật. Nên có Bồ-tát thừa trong Ngũ thừa Phật giáo:

1. Nhân thừa: Thực hành pháp Tam quy y và Ngũ giới.
2. Thiên thừa: (Deva-yāna): Dùng  phương tiện 10 điều thiện làm cỗ xe, giúp chúng sinh tu tập,  kết quả tái sinh vào các cõi trời.
3. Thanh văn thừa: (Śrāvaka-yāna): Dùng pháp môn Tứ diệu đế, giúp chúng sinh tu tập để thoát khỏi ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, thành A-la-hán.
4. Duyên giác thừa: (Pratyeka-yāna): Còn gọi Bích chi thừa, Độc giác thừa. Dùng giáo lý 12 nhân duyên làm phương tiện, giúp chúng sinh ra khỏi  ba cõi, Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, thành Bích chi Phật.
5. Bồ-tát thừa: (Bodhisattva-yāna): Dùng pháp môn Lục độ ba-la-mật-đa làm phương tiện, đưa chúng sinh đến giác ngộ viên mãn Vô thượng bồ-đề.

* Theo Tông Thiên Thai thì gọi Phật thừa thay cho Bồ-tát thừa. Còn theo Kinh Diệu pháp Liên Hoa  (Saddharmapuarīka) và kinh Hoa Nghiêm thì Ngũ thừa gồm:

1. Nhất thừa: Dùng pháp Thực tướng Nhất thừa làm phương tiện để đạt đến Niết-bàn.
2. Bồ-tát thừa: Dùng Lục độ Vạn hạnh làm phương tiện tu tập.
3. Duyên giác thừa: Dùng phương tiện Thập nhị nhân duyên  là cỗ xe để vượt thoát ba cõi.
4. Thanh văn thừa: Dùng giáo lý Tứ diệu đế làm phương tiện.
5. Tiểu thừa: Tức Nhân-thiên thừa: Dùng Ngũ giới, Thập thiện làm phương tiện tu tập để vượt thoát 4 đường dữ: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la.

III. LÝ TƯỞNG BỒ TÁT VÀ NHỮNG NHÂN CÁCH SIÊU VIỆT:

1. ÚC-GIÀ TRƯỞNG GIẢ:

Úc-già trưởng giả có bốn người vợ nết hạnh đảm đang. Sau khi giác ngộ theo Phật, ông cho phép các bà tự lựa chọn chồng khác, và chính ông làm chủ hôn cho đám cưới, vì từ đây ông sống đời tịnh hạnh ngay tại gia. Những tỳ thiếp nào chấp nhận đời sống ấy thì có thể ở lại nhà ông, và ông sẽ cấp dưỡng cho trọn đời.

Ông thực hành bố thí bình đẳng. Chư thiên bảo cho ông biết ai là Thánh giả, ai là phàm phu, vị nào trì giới thanh tịnh, người nào phá giới; nhưng ông không chấp theo những lời dự cáo ấy, mà hành bố thí bình đẳng cho tất cả. Ông tin Phật với tín tâm bất động, thực hành Pháp và kính trọng Tăng.

Trong lúc ông đang hành bố thí, thì “trên biển lại còn có một chiếc tàu buồm lớn chở đầy hàng hóa trở về, giá trị đến trăm ngàn, vừa bị chìm mất”, mà ông không hay. Các Thượng tôn Trưởng lão biết được điều này, có lẽ do các ngài vận dụng thiên nhãn, hay có chư Thiên nào đó báo cho biết. Vì muốn ngăn chận tình trạng sạt nghiệp và vỡ nợ có thể xảy ra cho ông Trưởng giả, nên Tăng đoàn đã họp và cùng đồng ý, theo thủ tục yết-ma của Tăng-già, bấy giờ Tôn giả A-nan được Tăng đoàn sai đến khuyến cáo ông Trưởng giả hãy tạm thời ngưng việc bố thí.

2. THỦ TRƯỞNG GIẢ:

Thủ Trưởng giả, hay Hatthaka, là con trai của vua Aḷavī. Đối với những người thân thích, gia nhân, những người giúp việc, bất cứ ai mà ông gặp từ trong nhà ra ngoài ngõ, bất cứ ai mà ông gặp bất cứ đâu, ông đều thuyết pháp, soi sáng đạo lý, khuyến khích, gây tin tưởng và hoan hỷ. Tự bản thân, ông thường xuyên tu tập bốn vô lượng tâm; cho đến chư Thiên trên Tam Thập Tam thảy đều kính phục tôn trọng.

Ông quản lãnh một chúng hội đông đảo, có đến 500 người. Tất cả cùng sinh hoạt cùng tu thiện, trong sự hòa hiệp. Được đức Phật hỏi ông bằng phương pháp gì mà ông có thể duy trì sự hòa hiệp của một tập thể đông đảo như vậy, ông đáp: “Con hành theo bốn nhiếp sự mà Thế Tôn đã dạy. Đó là bốn thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.”

3. DUY-MA-CẬT:

Đoạn kinh dưới đây được trích từ Kinh Duy-ma-cật sở thuyết, cho ta thấy nhân cách lý tưởng của một Bồ-tát Cư sĩ  tại gia:

Tuy là hàng bạch y ông vẫn tuân hành mọi luật tắc thanh tịnh của Sa-môn. Tuy là cư sỹ ông vẫn tự tại không vướng mắc ba cõi. Tuy thị hiện có vợ con ông luôn sống đời tịnh hạnh. Tuy hiện thân giữa các thuộc hạ, vẫn thường vui thú viễn ly”.

4. THẮNG MAN PHU NHÂN:

Các đệ tử Ưu-bà-di được Phật tán thán là Thắng Man phu nhân. Bà đại biểu cho những người phụ nữ Phật tử đương thời, sinh hoạt hằng ngày, ngoài phận sự của người vợ hay người mẹ trong gia đình, họ dành hết tâm trí cho sự tu tập bản thân và hộ trì Tăng, gồm cả hai bộ chúng Tỷ-khưu và Tỷ-khưu-ni, bình đẳng như nhau. Hộ trì, có nghĩa là chu cấp những nhu yếu hằng ngày cho các Tỷ-khưu và Tỷ-khưu ni, nhất là những vị còn trẻ. Nhờ sự hộ trì ấy mà các vị có đủ thuận duyên để tu tập. Bà rất hiểu những nhu cầu của các vị xuất gia trẻ, nên thỉnh cầu Phật để bà có thể cung cấp cho họ. Phật hỏi bà về ý nghĩa những điều thỉnh cầu, bà đáp:

Nếu có tỳ kheo từ phương xa đến, bạch Thế Tôn rằng: ‘Có Tỳ kheo tên như vậy vừa qua đời. Vị ấy sinh về chỗ nào?’ Lúc bấy giờ đức Thế Tôn liền ký thuyết cho rằng, trong bốn đạo quả, vị ấy ắt sẽ chứng hoặc quả Tu-đà-hoàn, hoặc quả Tư-đà-hàm, hoặc quả A-na-hàm, hoặc quả A-la-hán. Và con sẽ thưa, ‘Vị Tỷ-khưu vừa qua đời kia đã từng đến Xá-vệ này chưa?’ Nếu con được biết vị ấy đã từng đến, con lại có ý nghĩ, ‘Vị Tỳ kheo khách ấy đã từng nhận thức ăn do con cúng dường…. Khi nghe những lời như vậy con liền phát sinh hoan hỷ. Do tâm hoan hỷ, con xả bỏ những điều xấu. Do xả bỏ những điều xấu mà an lạc. Do an lạc mà được chánh định. Khi tâm được chánh định thì có thể tu tập căn, lực, giác chi.”

Thực tế hành động của Bồ-tát đạo ở đây, như được thấy trong phát nguyện, là hành bốn nhiếp sự. Trong địa vị một Vương hậu hay Vương phi, người tuy có thể không đứng ngay trên đỉnh cao của quyền lực thế gian, nhưng một cách nào đó cũng đang đứng tựa bên quyền lực ấy, cho nên hành bốn nhiếp sự để duy trì trật tự và đạo đức xã hội là điều kiện tất yếu.

5. THIỆN TÀI ĐỒNG TỬ:

Thiện Tài là biểu tượng nhân cách cho Bồ-tát niên thiếu, học tập để kế thừa cho chủng tánh Như lai không bị đứt đoạn. Sự kế thừa không phải chỉ để tiếp nhận một gia tài có sẵn, mà kế thừa trong sự nghiệp chinh phục thế gian, chiến đấu diệt trừ những thế lực u ám ngự trị thế gian. Sống trong đó là những lớp chúng sinh nô lệ, mà chúa tể ngự trị trên cao là Ma Vương, kiểm soát thần dân của nó bằng đe dọa sự chết. Do bởi động lực khát ái sinh tồn, nên bị không chế bởi những sợi dây ái dục, bởi những gông cùm tham lam, bởi những vũ khí thù hận. Để đạt được mục đích đó, người niên thiếu này cần phải trạng bị cho mình một sức mạnh siêu việt. Sức mạnh đó, ở đâu? làm sao có? Đây là những lời thưa thỉnh của Thiện Tài sau khi nghe bởi Bồ-tát Văn-thù giảng pháp, sau khi giác ngộ được thế giới này “tam giới bất an, ví như nhà lửa”. Người thanh niên này muốn học tập để có sức mạnh chiến đấu. Thiện Tài thỉnh cầu: “Kính lễ vị anh hùng vĩ đại, mình vận khôi giáp nhẫn nhục tối thắng, tay cầm thanh gươm trí tuệ sắc bén, hãy hỗ trợ con trực diện chiến đấu với Ma quân.”

IV. BỒ-TÁT NGUYỆN VÀ CHỦNG TÁNH NHƯ LAI:

Hạt giống Phật đã được gieo trồng trong chúng ta từ thuở nào, nay bị khuất lấp bởi nhiều bụi mờ phiến trược. Phát nguyện sống theo lý tưởng Bồ-tát là cho hạt giống Phật ấy có được những nhân duyên tốt đẹp để nẩy mầm thành cây, ra hoa và kết trái, rồi lại gieo hạt giống vào lòng đất, ươm nên những chồi non khác.

Trong  câu hỏi mở đầu kinh Kim cang, ngài Tu-bồ-đề thưa với Đức Phật  rằng:

“Bạch Thế Tôn, Thiện nam tử, Thiện nữ nhân đã khởi hành với Bồ-tát thừa, nên an trụ như thế nào, nên thực hành như thế nào, nên điều phục tâm mình như thế nào?’

Ngài Vô Trước giải thích:

Bát-nhã ba-la-mật này được lưu hành ở đời là vì để chủng tánh Phật không bị đoạn tuyệt. Để nêu rõ ý nghĩa chủng  tánh Phật không bị đoạn tuyệt này, Thượng tọa Tu-bồ-đề thoạt tiên bạch Phật rằng: “Hy hữu thay, Thế Tôn, Như Lai bằng sự nhiếp thọ tối thượng mà nhiếp thọ các Bồ-tát; bằng sự trao truyền tối thượng mà trao truyền các Bồ-tát.”

V. LÝ TƯỞNG GĐPT:

Từ những nhân cách siêu việt đó, lý tưởng GĐPT đã tỏa sáng với những công hạnh rạng ngời của những người Huynh trưởng, từ bậc tiền bối sáng lập Tâm Minh Lê Đình Thám, đến Quách thị Trang, Nhất Chi Mai, Nguyến Đại Thức v.v…

Lý tưởng GĐPT chính là hạnh nguyện thực hành Bồ-tát đạo. Qua các châm ngôn của GĐPT, chúng ta đã thấy rõ  tinh thần siêu tuyệt ấy. “Phật  tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống; Phật tử sống hỷ xả, để dũng tiến trên đường đạo”.

Với ý nguyện ấy, lý tưởng Bồ-tát đã được thể hiện qua tổ chức GĐPT, bằng sự cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục Đoàn sinh, Phật hóa gia đình và xã hội theo tinh thần Phật giáo. Tổ chức GĐPT trong suốt nửa thế kỷ tồn tại, đã làm cho gia đình, xã hội an hòa là nhờ các tầng lớp Huynh trưởng đã biết tu dưỡng theo tinh thần:

- Nuôi dưỡng chủng tánh Như Lai thông qua ý chí tự rèn luyện.

- Góp phần thăng hoa gia đình và xã hội bằng giáo dục theo nội dung Phật pháp.

VI. KẾT LUẬN:

- Chất liệu và năng lực để thực hiện hai điểm trên chính là tinh thần Bồ-tát đạo.

- Người Huynh Trưởng muốn có được chất liệu và năng lực đó thì nên bắt đầu khởi hành với Bồ-đề tâm  trên ba phương diện:

  • Đối với bản thân mình: Tích cực hành trì Tứ vô lượng tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả.
  • Đối với tha nhân: Hành trì Tứ nhiếp sự: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự.
  • Đối với lý tưởng Giải thoát Giác ngộ rốt ráo: Thực hành Lục độ: Bố thí, Trì giới, An nhẫn, Tinh tấn, Thiền định, Trí huệ.

- HẾT -

PHỤ LỤC:

- Kinh Úc-già Trưởng giả.

- Kinh Thủ Trưởng giả.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb