Đề tài Hội thảo: THỰC TRẠNG TU HỌC CỦA HUYNH TRƯỞNG VÀ ĐOÀN SINH TẠI CÁC ĐƠN VỊ VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC.

IMG_1404

Đề tài Hội thảo:

THỰC TRẠNG TU HỌC CỦA HUYNH TRƯỞNG VÀ ĐOÀN SINH

TẠI CÁC ĐƠN VỊ VÀ GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC.

DÀN BÀI:

  1. Dẫn nhập:
  2. Chánh đề:

1.-Thực trạng chung;

1.1-Tu học của Đoàn sinh

1.2-Tu học của huynh trưởng tại đơn vị

2.-Thực trạng tu học của huynh trưởng

2.1.-Huynh trưởng hướng dẫn

2.2.-Huynh trưởng học viên

3.-Mục đích của tổ chức GĐPT

4.-Những nhu cầu cần nắm rõ

4.1.-Đối với Đoàn sinh

4.2.-Đối với huynh trưởng

5.-Giải pháp khắc phục để thích ứng với giai đoạn hiện nay

5.1.-Về thời gian

5.2.-Về nhân sự

5.3.- Về tư duy

5.4.- Về phương pháp

5.4.1.-Trong sinh hoạt

5.4.2.-Trong tu học

5.5.-Tổ chức lớp bồi dưỡng”Kỹ năng” cho huynh trưởng

C. KẾT LUẬN

Đề tài:

THỰC TRẠNG TU HỌC CỦA HUYNH TRƯỞNG VÀ ĐOÀN SINH TẠI CÁC ĐƠN VỊ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ HIỆN NAY-CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

 

BAN HƯỚNG DẪN BÀ RIẠ VŨNG TÀU                                             GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

TIỂU BAN NGHIÊN HUẤN                                                                              BI – TRÍ – DŨNG

  *************                                                              *****

  1. DẪN NHẬP:Gia Đình Phật Tử Việt Nam ra đời từ chiếc nôi uyên nguyên nhiệm màu của đạo Phật, của nền văn hóa đạo lý dân tộc, với hơn 70 năm có mặt trên đất nước Việt nam và hiện nay cũng đã lan tỏa nhiều nước trên thế giới. Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục sinh hoạt tu học cộng đồng dành cho các lứa tuổi Thanh-Thiếu-Đồng niên, con em của đạo hữu tín đồ Phật Giáo và những gia đình tin Phật.Mục đích của GĐPT là: “Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”. Như mục đích đã nêu, nói đến vấn đề tu học của huynh trưởng và đoàn sinh. Tất nhiên tất cả Ban hướng dẫn từ trung ương đến các tỉnh thành đều phải đặt lên hàng đầu. Cho nên, là những người chịu trách nhiệm giáo dục cho thế hệ trẻ, chúng ta phải nắm bắt được thực trạng tu học của huynh trưởng và đoàn sinh tại các đơn vị địa phương nhằm đánh giá đúng về cả số lượng và chất lượng hiện nay của huynh trưởng và đoàn sinh tăng hay giảm. Qua đó, xem lại vấn đề truyền trao của anh chị  em giảng viên và trình độ tiếp thu của học viên nói chung để chúng ta tìm cách phát huy thêm các phương pháp dạy và học, sao cho càng ngày huynh trưởng và đoàn sinh phải tiến bộ hơn.

    2.-CHÁNH ĐỀ:

1.- Thực trạng chung:

Trên mặt bằng chung của tất cả các đơn vị GĐPT tỉnh, thành hiện nay đang sinh hoạt trực thuộc Ban Hướng Dẫn Trung Ương .GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu là một trong những đơn vị mạnh về lãnh vực tu học và huấn luyện. Cụ thể qua các trại huấn luyện cấp Huyền Trang, Vạn Hạnh và những kỳ giải trình luận văn bậc Lực do Trung Ương tổ chức, Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã có nhiều huynh trưởng trại sinh xuất sắc và giỏi. Tại đơn vị Tỉnh, qua các trại Lộc Uyển, A-dục cũng sản sinh nhiều trại sinh ưu tú, giỏi về các bộ môn tu học. Riêng đoàn sinh có những hội thi vượt bậc, hay hội thi Đường về Linh Thứu, Đường lên Yên Tử,Đường về Núi Tuyết, tiếng hát ngành Thiếu, ngành Đồng v.v..ở cấp độ Trung Ương hay Tỉnh tổ chức, các đoàn sinh chúng ta cũng đạt nhiều giải cao. Điều đó cho thấy Ban Hướng Dẫn GĐPT.Bà Rịa Vũng Tàu rất quan tâm về khâu đào tạo và huấn luyện cho huynh trưởng và đoàn sinh trên phương diện sinh hoạt và tu học .

 Tuy nhiên, vài năm trở lại đây tình hình tu học của cả huynh trưởng và đoàn sinh bị chững lại vì nhiều lý do. Ngạn ngữ có câu “ Sự học như chèo thuyền ngược nước, không tiến ắt lùi”. Vậy, sự thụt lùi đó do đâu?

Hôm nay, chúng tôi trong Tiểu ban Nghiên huấn BHD.BRVT xin trình bày trước hội thảo một số ý kiến có thể là chủ quan, để anh chị em huynh trưởng các cấp có cái nhìn trung thực, tham gia cùng thảo luận, tìm ra những nguyên nhân sâu xa đã và đang ảnh hưởng xấu đến tình hình tu học của huynh trưởng – đoàn sinh và tìm ra giải pháp tốt nhất để khắc phục .

1.1– Tu học của đoàn sinh: Sút giảm vì những lý do sau:

  • Một số đạo hữu không mấy thiết tha, ít nhiệt tình cho con em đến với tổ chức
  • Huynh trưởng chưa tạo được gạch nối với phụ huynh Đoàn sinh, nên chưa nắm chắc được tình hình sinh hoạt học tập của Đoàn sinh ở nhà cũng như ở đơn vị
  • Đa số Huynh trưởng trẻ đã qua các trại huấn luyện thì phải tiếp tục học Đại học, Cao đẳng, học nghề…, rồi sau khi ra trường lại bận rộn mưu sinh nên không có điều kiện trở về đơn vị sở tại sinh hoạt, dẫn đến tình trạng thiếu Huynh trưởng cầm Đoàn có năng lực.
  • Hầu hết Huynh trưởng còn sinh hoạt tại đơn vị đều lớn tuổi, không qua trường lớp kỹ năng sư phạm, không biết và không đủ điều kiện sử dụng công nghệ thông tin. Lại có nhiều Huynh trưởng chưa tập trung soạn bài trước nên thiếu chủ động, thiếu tự tin khi hướng dẫn Đoàn

      *Nội dung và hình thức sinh hoạt còn đơn điệu khô khan, chưa thực sự lôi cuốn, hấp dẫn. Phương pháp giảng dạy còn thiếu sáng tạo linh động, chưa bắt kịp nhu cầu của thanh thiếu niên hiện nay.

  • Nhiều nơi, cách sinh hoạt tu học đối với các em gần như là một nhà trường thứ hai mà các em lại tiếp tục chịu đựng thêm
  • áp lực của sự học hành. GĐPT chưa thể hiện được danh xưng của mình, cụ thể là chưa tạo được mái ấm trong yêu thương, chưa giải tỏa những khúc mắc trong tâm tư tình cảm…của Đoàn  sinh, để các em thấy những lợi lạc khi đến với GĐPT, tạo được niềm tin, tình cảm gắn bó dưới mái nhà
  • Về hoạt động thanh niên: nội dung lễ nhạc, các bài hát tập thể, các trò chơi sinh hoạt…vẫn chỉ ở mức độ tạm “sống còn”, chưa tạo ra được sự sinh động và cuốn hút cho tuổi trẻ. Trong lúc đó, thế giới games muôn màu muôn vẻ, điện thoại di động, vi tính truyền thông… đã lôi kéo nhiều tâm hồn tuổi trẻ một thời gắn bó với GĐPT ra khỏi quỹ đạo của chùa chiền.
  • Đoàn sinh hầu hết là học sinh, các em bận học tập nhiều để đuổi kịp chương trình năm học và đáp ứng phong trào nhà trường nên ít chú trọng việc tu học tại chùa.
  • Tuổi trẻ bây giờ không mấy hứng thú với GĐPT bởi bên ngoài xã hội có quá nhiều thú vui hiện đại, hấp dẫn khác hoặc đôi khi chỉ là đi dự tiệc sinh nhật bạn, cũng bỏ simh hoạt.
  • Trong hoàn cảnh con người chạy theo lợi nhuận vật chất, đạo đức băng hoại, đầy dẫy những tệ nạn đang xảy ra trong xã hội hiện nay đã ảnh hưởng xấu đến tầng lớp trẻ, cho nên đời sống tâm linh phần nào bị xem nhẹ.

Hầu hết các đơn vị tu học ổn định.Tuy nhiên có một số đơn vị các em đi sinh hoạt rất sớm, một số em tự đi xe đạp hoặc chở nhau đi, một số em được gia đình đưa đón nên rất đúng giờ, nhưng Huynh trưởng thì luôn đến sau các em. Thậm chí có lúc không có huynh trưởng đến hướng dẫn làm cho các em chán nản không còn hứng thú đến sinh hoạt nữa.

Khác với các em ngành Đồng, các em ngành Thiếu luôn chậm rãi, từ từ, tập trung theo nhóm tán gẫu chờ anh chị tới gọi mới tản ra vào lớp chuẩn bị chỗ học, trong giờ học cũng hay trao đổi riêng tư, chưa tập trung cao nên ít phát biểu khiến lớp học thụ động, uể oải, nhất là nhằm đề tài có nội dung dài, khô khan (và cũng mong học cho xong để ra chơi sớm).

Ngành Thanh là những anh chị lớn tuổi, là lứa tuổi của những người đã có gia đình, có lối sống trầm tĩnh, sẵn sàng tích cực hỗ trợ về mọi mặt, thích hoạt động  thích tham gia vào các cuộc thi đua tay nghề, nữ công gia chánh, làm công tác từ thiện…

Vấn đề tu học bồi dưỡng kiến thức Phật pháp, có phần hạn chế vì gia cảnh, vì tuổi tác,với những đề tài Phật pháp khô khan, khó hiểu dễ sinh nhàm chán nếu giảng viên không linh động trong tiết học sẽ dẫn đến tình trạng nặng nề cho cả lớp.

1.2- Tu học của huynh trưởng tại đơn vị

  • Trên đà phát triển của xã hội vật chất, nhiều huynh trưởng kinh tế còn khó khăn, phải tất bật trong việc mưu sinh, thời gian dành cho cho tổ chức và tu luyện bản thân không nhiều nên việc sinh hoạt bị xao lãng, ngừng trệ.
  • Một số Huynh trưởng chưa có tinh thần cao về việc tu học, vấn đề hành trì tu tập còn hạn chế, kỹ năng sinh hoạt chưa cao, chưa thể hiện hết mình, nhận thức trách nhiệm đối với tổ chức. Từ đó chưa đủ kiến thức về nội điển, thiếu năng lực để cảm hóa các
  • 2.Thực trạng tu học của huynh trưởng

Việc tu học của huynh trưởng do nghiên huấn BHD tỉnh chịu trách nhiệm chung ngoài các khóa tu Bát quan trai hàng năm còn mở ra các lớp Kiên, Trì, Định theo khóa học tập trung. Tuy nhiên số lượng ban đầu đăng ký học thì đông nhưng khi tham gia vào lớp học thì số lượng có phần giảm thiểu với nhiều nguyên do, nên chất lượng học tập không thể nào đạt được theo mục đích yêu cầu đề ra.

Từ đây đã cho chúng ta thấy rõ vấn đề còn tồn đọng quá nhiều trong sinh hoạt cũng như trong tu học.

2.1.- Huynh trưởng hướng dẫn

Đa số huynh trưởng hướng dẫn các bậc học được ủy viên nghiên huấn chọn lựa kỹ để hướng dẫn các đề tài cho Kiên, Trì, Định. Trong đó có một số anh chị đã qua trại huấn luyện Phú Lâu Na, một số anh chị đã đang là giáo viên và một số anh chị đã có kinh nghiệm lâu năm trong công tác hướng dẫn, tuy nhiên sự phân bổ các đề tài chưa đúng với sở trường, sở đoản của giảng viên nên sự tiếp thu kiến thức của học viên cũng bị hạn chế, hoặc bộ phận nghiên huấn chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của đề tài để bố trí giảng viên thích hợp, chưa có sinh hoạt đề tài hay kiểm tra bài giảng trước khi lên lớp nên khi hướng dẫn xày ra trường hợp học viên khó hiểu  là điều khó tránh khỏi.

2.2.- Huynh trưởng học viên

Tất cả học viên tại các lớp Kiên, Trì, Định là những huynh trưởng tại hàng của các đơn vị, chưa được đào tạo kỹ năng soạn giáo án và nghệ thuật giảng dạy, nhưng khi về đơn vị phải hướng dẫn tất cả các bậc nên còn tùy tiện, và coi thường việc hướng dẫn, tạo cho các em không có ý thức nghiêm túc trong tu học , đa số huynh trưởng ít chịu khó đọc sách, nghiên cứu tài liệu và trong lớp học thì thụ động, không phát biểu, không có tinh thần cầu thị trong học tập, thì làm sao hướng dẫn các em đạt hiệu quả.

Ngoài ra, còn rất nhiều những đoàn sinh và huynh trưởng cá biệt nữa, cũng là nguyên nhân dẫn đến số lượng đoàn sinh và huynh trưởng suy giảm trong mấy năm gần đây

3.-Mục đích của tổ chức GĐPT:

Như chúng ta đã biết mục đích của tổ chức GĐPT là: “Đào luyện Thanh – Thiếu – Đồng niên thành phật tử chân chính. Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”.

Từ mục đích này, ta thấy rõ vai trò và nhiệm vụ của phần hành Nghiên huấn là gì? Là “đào tạo” và “rèn luyện” cho lứa tuổi “hôm nay và ngày mai” thành người phật tử chân chính, để xây dựng xã hội ngày một thăng tiến theo tinh thần Phật giáo. Do đó, việc tổ chức các lớp học, các buổi hội thảo, các lớp bồi dưỡng, các trại mạc… rất cần thiết nhằm hoàn thiện hơn cho từng đối tượng tham dự học, giúp tổ chức ngày một vững mạnh hơn.

4.-Những nhu cầu cần nắm rõ:

4.1–Đối với đoàn sinh:

  • Là sự hiếu động nhẹ nhàng, thích thú với những câu chuyện kể, ca hát với vừa học vừa chơi, dễ lôi cuốn các em vào việc học tập và sinh hoạt tập thể.
  • Là cả một sự tò mò, vừa tìm hiểu, năng động, thích khám phá cái mới, ưa hoạt động ngoài trời, ngoài thiên nhiên hơn và cũng biết lắng nghe học hỏi.
  • Là lứa tuổi của những người đã có gia đình, có lối sống trầm tĩnh, thích hoạt động với lòng thiện nguyện, sẵn sàng tích cực hỗ trợ về mọi mặt, là ngành chủ đạo của các đơn vị sở tại. Vấn đề tu học có phần hạn chế vì gia cảnh, tuổi tác, trình độ văn hóa.
  • 4.2- Đối với Huynh trưởng:

* Huynh trưởng trẻ: đa số thích hoạt động, thế học vượt trội, luôn tháo vát tích cực nhưng chưa đủ kinh nghiệm để xử lý, giải quyết vấn đề bất cập phát sinh. Trong sinh hoạt, học tập dễ dàng tiếp thu nhanh, nhưng sự chú ý tập trung chưa cao.

* Huynh trưởng lớn tuổi: thích trầm ngâm, tĩnh lặng, dày dặn kinh nghiệm, nhanh chóng xử lý các tình huống khó khăn, linh động…một số có khó khăn về phương tiện di chuyển, luôn bị động về thời gian,trình độ hạn chế việc sinh hoạt tu học còn gặp nhiều khó khăn

 5.- Giải pháp khắc phục để thích ứng với giai đoạn hiện nay:

  • Tài liệu tu học-huấn luyện cần chú trọng đến thực hành, giảm lý thuyết. Các trại huấn luyện nên tăng cường thời gian cho trại sinh thực hành về kỹ năng điều khiển sinh hoạt và tổ chức.
  • Huynh trưởng phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình, không ngừng tìm tòi học hỏi, trau dồi kiến thức sâu rộng, hành trì tu tập để có một trí tuệ sáng suốt, lập trường kiên định.
  • Trong quá trình hướng dẫn tu học, huynh trưởng cần trang bị cho mình kiến thức vững vàng, soạn và nghiên cứu bài trước, chuẩn bị dụng cụ trực quan…
  • Huynh trưởng phải thực sự nhiệt tâm, chăm sóc, lo lắng, yêu thương đoàn sinh, tạo chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các em. huynh trưởng phải hiểu tâm lý trẻ, liên hệ thường xuyên với phụ huynh đoàn sinh, tường tận hoàn cảnh từng em một để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của các em, nhằm có phương pháp giáo dục thích ứng và có kế hoạch giúp đỡ khi các em cần; giúp các em phát triển thể chất, trí tuệ và tâm hồn, có được đời sống vui tươi an lạc.
  • Chúng ta phải xác định giáo dục của tổ chức GĐPT đặt cơ sở trên tinh thần hướng dẫn và thực hành, lấy sinh hoạt làm phương tiện hướng dẫn, biến đề tài học tập thành chủ đề vui chơi sinh động để thực hiện “học mà chơi, chơi mà học”. Môi trường GĐPT không phải là trường học mà là nơi “vui chơi tu học”. Vui chơi là để thư giãn và chính sự vui chơi năng động ấy làm bước đệm cho sự tu tâm dưỡng tánh. Tu học bao gồm giáo lý và phương pháp thực hành, truyền đạt giáo lý cho các em không theo cách Thầy dạy trò mà theo cách Anh Chị chia sẻ với Em. Tùy duyên thay đổi khung cảnh, tự nhiên, thân ái, tạo không khí sinh động, hấp dẫn, hứng thú tiếp thu.
  • Thực hiện chương trình đúng và đủ, học đi đôi với thực hành trong đời sống, chú ý rèn luyện Đoàn sinh những đức tính tốt trong gia đình, học đường và xã hội. Qua đó, tánh hạnh ngôn ngữ của các em sẽ ngày càng chuẩn mực và tự giác cao hơn.
  • Để việc hướng dẫn sinh hoạt linh động, huynh trưởng luôn có sẵn trong mình ba túi: chuyện kể, trò chơi và bài hát (mang tính Phật hóa)
  • Với ngành Đồng cần áp dụng phương pháp giáo dục “quan năng” : nghe, nhìn, mô tả kết hợp rồi mới dẫn giải. Do vậy đòi hỏi phải lựa chọn khung cảnh thích hợp, phải có trợ cụ hướng dẫn và trợ cụ học tập. chúng ta cần đến những con người năng động linh hoạt, làm khơi dậy tính năng động nơi các em qua các bài học, qua vui chơi nhằm giáo dục và phát huy năng lực vốn có nơi các em và làm đối tượng cho các em học tập, cùng học, cùng chơi, cùng làm việc chung với các em
  • Với ngành Thanh, Thiếu cần áp dụng phương pháp giáo dục “hàng Đội Chúng tự trị” để tạo cho các em tinh thần tự chủ, tự giác, tự lực và tự cường để vươn lên.
  • Tổ chức sinh hoạt liên kết theo ngành hoặc với các đơn vị bạn để giao lưu, học hỏi lẫn nhau, giúp tăng trưởng tình đoàn kết, thân ái.
  • Nên tổ chức sinh hoạt dã ngoại, tham quan du lịch… giúp thu hút có hiệu quả đối với tuổi trẻ năng động ngày
  • Ngành Thiếu rất cần sự mạnh mẽ, quyết đoán, nhanh nhẹn từ anh chị trưởng. Chúng ta không giao việc, không sai bảo các em mà phải cùng đồng hành với các em, qua đó mới hiểu được tâm sinh lý của các em, từ đó có hướng giáo dục phát huy năng lực cho các em, làm cho các em luôn tin tưởng yêu mến mình hơn vì lứa tuổi này rất dễ cảm xúc, dễ bị tổn thương lòng tự trọng nên rất cần sự tin tưởng, yêu thương, thấu hiểu từ anh chị trưởng
  • Ngành Thanh rất cần sự đồng cảm để chia sẽ tâm tư, nguyện vọng từ anh chị cấp trên nhiều vì hay mang mặc cảm tự ti do lớn tuổi,một số do trình độ thế học kém, hoàn cảnh khó khăn, do trí nhớ không bền khó tiếp thu, nên chúng ta phải luôn an ủi, động viên, nhắc nhở khéo léo, không có sự phân biệt làm tổn thương nhau. …sẽ giúp Đoàn sinh gắn kết và dễ dàng học hỏi, tu sửa bản thân ngày càng hoàn thiện hơn.

Qua một số sự kiện nêu trên cho chúng ta thấy rằng điều đó chưa phải là xong hết mà chúng ta phải nhìn nhận ra được việc làm, quan trọng nhất đó là cùng nhau góp sức, chung lòng đổi mới các sự kiện, đổi mới các vấn đề còn tồn đọng từ lâu nay bằng những giải pháp thiết thực qua các hoạt động làm thăng hoa và phát huy tinh thần tu học nơi mỗi con người cũng như tổ chức giáo dục.

5.1.- Về thời gian: phải biết tôn trọng thời gian.

Tự bản thân mỗi chúng ta cần phải biết tôn trọng thời gian cho chính mình cũng như cho mọi người. Nên đến sớm hơn thời gian đã quy định (để không làm phiền người khác).

Có sắp xếp được thời gian, quý trọng thời gian thì mới hiểu được giá trị công việc, làm chuẩn mực là cần thiết và cố gắng duy trì.

Xem thời gian của mỗi công việc là thời gian làm việc trên đất trại

5.2.- Về nhân sự: Tôn trọng người đồng sự. Trong giao tiếp cũng như trong việc làm, chúng ta cần nên tin tưởng và tôn trọng người đồng sự, tôn trọng đối tượng cần giao tiếp. Có tôn trọng nhau, quý mến nhau thì công việc mới hoàn thiện. Người được giao phó nhiệm vụ cần phải tư duy, cân nhắc sự việc kỹ lưỡng. Trước khi bắt

tay vào làm việc phải có sự chuẩn bị, đầu tư cụ thể cho từng sự việc và tập trung  làm cho đúng tiến độ, không đợi nước đến chân mới nhảy.

Người huynh trưởng phải hiểu tường tận về mình, phải đánh giá hết sức chân thật về kiến thức, kỉ năng, tư duy, không tránh né, không đùn đẩy.

Luôn nổ lực học hỏi những cái hay của những huynh trưởng khác, dù đó là một huynh trưởng lớn hay huynh trưởng nhỏ.

Phải luôn đặt câu hỏi làm thế nào để đơn vị được phát triển lớn mạnh, làm thế nào để các em xem mình là một điểm tựa tinh thần chắc chắn

Mỗi Huynh trưởng chúng ta hãy luôn đặt mình là một trại sinh gương mẫu trong từng công việc. Tự nhìn thấy việc mà làm, không chờ người khác nhắc nhở ; có được sự tự giác nơi mỗi người mọi công việc tất sẽ hanh thông, nhanh chóng, kết quả như mong đợi.

5.3.-Về tư duy: Suy nghĩ và việc làm.

Chúng ta cần có một cái nhìn thoáng hơn, cởi mở hơn trong công việc, không gây áp đặt, gò bó, cần sự cởi mở để nhìn nhận những sai phạm không nên có, cần sự cảm thông để khắc phục những khó khăn trong mỗi tình huống khác nhau, không dẫm chân lên công việc của nhau mà làm tổn hại, khó khăn cho nhau. Khi giao  nhiệm vụ cho ai, ta nên cân nhắc cẩn thận, chọn đúng đối tượng vào đúng công việc thích hợp và luôn tin tưởng vào khả năng của họ, cho dù hiệu quả chưa cao (cần động viên khích lệ để lần sau thành công hơn) điều đó cho thấy rằng mỗi cá nhân cần nâng cao nhận thức trong công việc làm, tránh sự thụ động, không lề mề làm chậm tiến độ công việc.

5.4.-Về phương pháp: Trong sinh hoạt và giảng dạy.

Đây là những mấu chốt quan trọng, giúp công việc đạt hiệu quả cao nhất.

5.4.1.-Trong sinh hoạt:

Khi vui chơi sinh hoạt, các em rất năng nổ tích cực tham gia, reo hò la hét dữ dội, chúng ta cần nhắc nhở khéo để tránh sự rung động quá mức khiến các em mất sức, chóng mệt mỏi. Anh chị trưởng phải luôn tìm tòi những trò chơi phù hợp với lứa tuổi, làm mới cách chơi, tập giao cho các em điều khiển vòng tròn trong khi chơi, giúp các em làm quen tập thổi còi điều khiển vòng tròn, không chỉ định một em riêng biệt.

Ngành Thiếu cần thực hiện chuẩn mực hoạt động tự trị, sinh hoạt riêng ngành (với những đơn vị có đông đoàn sinh, đủ cả đội – chúng đoàn) nhiều hơn sinh hoạt chung, cho các em tập làm lễ riêng Đoàn sau lễ Gia đình và hát bài ca của đoàn mình. Các anh chị trưởng hướng dẫn, theo dõi và nhắc nhở. Cần chuẩn bị đầy đủ đạo cụ trước khi tiến hành chơi trò chơi. Soạn sẵn trò chơi cụ thể mang tình giáo dục đạo đức lành mạnh .

5.4.2.-Trong tu học Phật pháp:

Các anh chị trưởng cần soạn bài dạy cụ thể trước khi hướng dẫn các em học. Tránh tình trạng cầm tài liệu trên tay đọc giảng, rồi rập khuôn cho các em ghi chép vào vở. Nêu câu hỏi gợi mở để dẫn dắt các em vào bài học, tập cho các em cách suy nghĩ, cách giơ tay phát biểu xây dựng bài và thuộc bài trên lớp qua từng ý của câu hỏi trong bài và kết thúc bài bằng một đại ý ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.

Với ngành Thiếu các em có thể tự rút được đại ý của bài, nêu được nội dung trọng tâm của bài học (các em cần có tài liệu riêng để xem bài trước ở nhà). Để giúp các em học tập tốt hơn thì các anh chị trưởng phải xem kỹ bài dạy, soạn bài cụ thể, chuẩn bị đồ dùng dạy học đầy đủ trước khi hướng dẫn các em.

Với anh chị Huynh trưởng cần có đầy đủ các loại sổ sách để theo dõi việc tu học sinh hoạt của Đội – Chúng/ Đoàn nhằm đánh giá đúng mức năng lực tu học của các em. Nên đưa các em có độ tuổi thích hợp vào đúng bậc học, không gò ép cho các em học theo bậc chưa đúng độ tuổi, làm mất đi tính hồn nhiên, khả năng tiếp thu của các em (ngành Thiếu nên học đủ bốn bậc của ngành: ví dụ 13 tuổi học Hướng thiện, 14t học Sơ thiện, 15t học Trung thiện, 16 và 17 học Chánh thiện) như thế các em lên học Bậc Kiên không bị hụt hẩng kiến thức để trở thành một huynh trưởng thực thụ.

Các đơn vị cần có sự thống nhất chung, cụ thể các bài học về HĐTN, về các bài hát của bậc học.

5.5.-Tổ chức lớp bồi dưỡng “Kỹ năng” cho Huynh trưởng .

Để hoàn thiện điều này, các anh chị Trưởng cần được bồi dưỡng thêm về các kỹ năng soạn giảng căn bản, kỹ năng đứng lớp thiết thực, kỹ năng sinh hoạt vòng tròn… và cần có sự hy sinh nhiều hơn để đổi mới toàn bộ những tồn đọng lâu nay .

Có đổi mới các mặt hoạt động nêu trên thì mới làm trẻ hóa được công việc. Trẻ hóa trong nhân sự, trong tư duy, trong phong cách, cũng như trong các phương pháp giảng dạy, là đã trẻ hóa toàn bộ mục đích yêu cầu của tổ chức mong muốn. Không phải là đưa lớp trẻ lên thay thế lớp cao niên để làm việc là trẻ hóa được, mà cần phải có hướng đào tạo và bồi dưỡng kịp thời cho lớp trẻ, để lớp trẻ từng bước học hỏi những kinh nghiệm thiết thực nơi các anh chị Trưởng đã và đang đi trước để trở thành những con người hữu dụng, kế thừa hoàn thiện của tổ chức.

C. KẾT LUẬN:

Anh chị Huynh trưởng thân mến!

Trong bất kì một tổ chức nào, một đoàn thể nào cũng cần có sự tôn trọng đường lối hoạt động, phong cách làm việc, tính kỷ luật cao. Với thực trạng tu học và sinh hoạt của Huynh trưởng và đoàn sinh chúng ta hiện nay có phần giảm sút, chưa linh hoạt và còn thụ động, để cải thiện điều này mỗi chúng ta cần có sự hy sinh nhiều hơn, cao hơn, biết lắng nghe và chia sẽ với nhau nhiều hơn để đổi mới công việc, đổi mới con người trong từng lúc, từng thời, và cần lắm các lớp học bồi dưỡng thường xuyên cho Huynh trưởng về kỹ năng sinh hoạt, chuyên môn soạn giảng, lên lớp…

Trong một xã hội mà bộ mặt “văn hóa thế giới” đang thay đổi nhanh chóng từng giây, từng phút về khoa học kỹ thuật, về phương tiện truyền thông và giao lưu như hiện nay, tuổi trẻ cần phải được giáo dục về trí tuệ giải thoát của Đạo Phật. Bên cạnh đó, giáo dục tinh thần dũng mãnh của đạo Phật được thể hiện bằng sự quán sát kỹ càng, hành xử quyết đoán đúng lúc. Trước tình hình xã hội có chiều hướng suy đồi đạo đức trầm trọng như ngày nay, chúng ta dựa vào đó để đưa ra những giải pháp kịp thời trong quá trình giáo dục. Những giải pháp này cần có sự tập hợp trí tuệ của tập thể, xây dựng, đóng góp ý kiến, đoàn kết, chung tay, chung sức để đưa tổ chức GĐPT ngày càng phát triển đúng tôn chỉ và mục đích.

Chúng ta hãy vì chất lượng đào tạo mà thực hiện, không vì số lượng mà làm hỏng chân kiến thức căn bản. Chúng ta hãy xem “mỗi ngày sinh hoạt, tu học là một ngày trại huấn luyện”. Chúc các anh chị luôn thành công trong sự sáng tạo và đổi mới công việc./.

                                                                    Thiện Thọ-Nguyễn Văn Lộc

Câu hỏi gợi ý thảo luận:

  1. Ngoài những thực trạng đã nêu trên quý anh chị còn phát hiện thêm những gì xin nêu lên để cùng nhau thảo luận.
  2. Để việc hướng dẩn tu học cho Đoàn sinh có hiệu quả anh chị có sáng kiến nào xin chia xẻ.
  3. Bộ phận nghiên huấn cần phát huy những gì để công việc đạt hiệu quả cao hơn
digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb