Huynh trưởng GĐPT với tinh thần: TU HỌC, HÀNH TRÌ VÀ TRUYỀN ĐẠT

THAM LUẬN

       HỘI THẢO NGHIÊN HUẤN GĐPT BÀ RỊA VŨNG TÀU NĂM 2020      

IMG_1446

Đề tài: Huynh trưởng GĐPT với tinh thần:

TU HỌC, HÀNH TRÌ VÀ TRUYỀN ĐẠT

  1. DẪN NHẬP.

Huynh trưởng GĐPT khi đối trước Tam Bảo để dâng lời phát nguyện là tự mình gánh vác sứ mệnh huynh trưởng tu tập thăng tiến tự thân, Phật hóa gia đình và phụng sự Dân tộc, Đạo pháp và Lý tưởng. Trong sứ mệnh phụng sự lý tưởng ngoài chức năng duy trì hoạt động và phát triển tổ chức GĐPT ra có một lĩnh vực mà người huynh trưởng có bổn phận và trách nhiệm trong suốt cuộc đời thực hiện hạnh nguyện huynh trưởng của mình là giáo dục, đào tạo các thế hệ đàn em. Để thực hiện cho được các sứ mệnh đó, bản thân người huynh trưởng phải nổ lực  để thực hiện cho được đồng thời một lúc ba nhiệm vụ đó là : TU HỌC, HÀNH TRÌ VÀ TRUYỀN ĐẠT .

Trong phạm vi bài tham luận này chỉ xin đề cập tới đối tượng là hàng huynh trưởng đang sinh hoạt tại hàng về ba lĩnh vực nêu trên

B./ NỘI DUNG.

 

I./ VẤN ĐỀ TU HỌC: Tổ chức GĐPT là một tổ chức giáo dục thanh, thiếu, đồng niên tu học theo giáo lý Phật-đà. Vì vậy dù một lam viên đang là một em đoàn sinh Oanh Vũ hay là một anh chị trưởng đang lãnh đạo thì vấn đề tu học vẫn là then chốt được đưa lên hàng đầu. Để có một nền tảng giáo lý vững chắc làm hành trang tu tập thì tự thân một phật tử phải tu học giáo lý đức Phật, đối với tự thân người huynh trưởng thì vấn đề tu học càng bức thiết hơn.

Vì sao phải đặt vấn đề tu học của người huynh trưởng  một cách quá quan trọng như vậy? Đây là những yếu tố để một yêu cầu một người huynh trưởng phải tu học:

- Nổ lực tu học để tự trang bị cho mình một kiến thức về giáo lý đạo Phật một cách vững chắc từ căn bản cho đến chuyên sâu. Giáo lý của Đức Phật bao la mênh mông như trời biển, nếu huynh trưởng chúng ta không trang bị cho mình một vốn liếng giáo lý làm hành trang trên hành trình thực hiện sứ mệnh huynh trưởng thì chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều điều bất cập sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện sứ mệnh huynh trưởng của mình. Vì sứ mệnh huynh trưởng rất thiêng liêng và cao cả nên muốn thực hiện cho được điều đầu tiên và trên hết là chúng ta phải nổ lực học hỏi không ngừng dù anh chị đang ở vị trí nào trong tổ chức. Nếu chúng ta tự đóng khung lại kiến thức nội điển cũng như ngoại điển thì chính chúng ta đã đóng lại cánh cửa tiến vào ngôi nhà Phật pháp và tạo chướng ngại ngăn che sự thăng tiến cho tự thân và tạo chướng ngại cho việc thực hành bồ-tát đạo của người huynh trưởng.

- Chúng ta không thể biện minh cho sự giải đãi của mình bằng cách nói rằng tu Phật cốt tại tâm, học hành chỉ là phương tiện nếu không thuận duyên trong việc học hành thì chúng ta chọn phương tiện khác. Điều này có thể đúng với các hành giả chỉ tu tập cho bản thân chứ không thể đúng với người huynh trưởng GĐPT. Vì ngoài việc tu tập thăng tiến tự thân chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục đàn em nữa, một huynh trưởng không tự trang bị cho mình một nền tảng giáo lý vững chắc thì lấy gì để trao truyền cho đàn em? Đó là chưa nói đền giảng  giải sai ý nghĩa  giáo lý của  đức Phật cho đàn em  đến tai hại  khó lường!

II./ VẤN ĐỀ HÀNH TRÌ.

Hành trì là pháp hành của một người theo đạo Phật. Tất cả thiên kinh địa quyển mà chúng ta đã học được trong suốt cuộc đời sẽ trở thành một mớ lý thuyết suông không giúp ích gì cho bản thân, nếu có chăng thì cũng chỉ để thỏa mãn kiến thức hoặc đem ra hý luận chứ không hề có giá trị thực tiễn nào cả. Nói như thế để anh chị huynh trưởng thấy rằng việc học là rất quan trong nhưng  hành trì mới mà then chốt. Giáo lý đạo Phật có nhiều tầng bậc khác nhau, có thể là đơn giản rất gần gủi với cuộc sống thường nhật hoặc uyên bác, cao siêu với triết lý siêu đẳng, nhưng tất cả chỉ có một mục đích duy nhất là giải thoát khổ đau, phiền não, đem đến sự an vui, giải thoát  cho chúng sanh. Thế cho nên giáo lý ấy không phải chỉ  dùng để học (cho biết) mà phải ứng dụng giáo lý ấy một cách thiết thực trong đời sống hằng ngày. Đối với đạo Phật, một học giả khác xa một hảnh giả. Có thể một học giả lả nhà nghiên cứu sâu sắc tam tạng thánh điển và am hiểu giáo lý một cách uyên thâm nhưng chưa chắc là một hành giả đúng nghĩa, vì có thể họ hiểu đạo theo kiến giải  nhưng không sống đạo, không đem giáo lý ấy ứng dụng vào đời sống thực tiễn. Huynh trưởng GĐPT chúng ta là một hành giả chứ không phải là một học giả nên dù anh chị có học hết các bậc học từ Mở Mắt cho đến bậc Lực, thậm chí có thể tự nghiên cứu giáo lý một cách am tường đi nữa mà không ứng dụng được kiến thức đó để chuyển hóa thân tâm, chuyển hóa phiền não thành an vui, chuyển hóa tâm thức để có một thái độ sống an lạc ngay trong hiện kiếp này thì những điều anh chị đã học hỏi qua giáo lý đức Phật chỉ là một mớ kiến thức hổn độn không đem lại sự lợi ích thiết thực nào cả. Điều này ứng với câu “học mà không tu thì chỉ là cái đảy đựng sách” !

Đối với tự thân thì người huynh trưởng phải là một người biết thực hành giáo lý đạo Phật một cách có hiệu quả, lợi ích một cách thiết thực trong cuộc đời, tức là có một phong cách sống đạo  giữa đời thường, nhận thức được sự lợi ích của ứng dụng giáo lý đạo Phật ngay tại đây và trong giây phút hiện tại chứ không phải chờ đến lúc giả từ cuộc đời mới cầu vãng sanh về cõi Tịnh Độ của đức Phật A-di-đà!

Là một huynh trưởng GĐPT, chúng ta vẫn không thể quên rằng mình hành trì, tu sửa cho tự thân mà còn cho tha nhân nữa. Điều trước tiên trong việc ứng dụng giáo lý đạo Phật chuyển hóa tự thân là trang bị cho mình một nhân cách cao thượng,  thể hiện tư cách, tác phong bên ngoài và đạo đức bên trong. Phải chứng minh cho được chúng ta có duyên phước được tu học theo lời dạy của Đức Phật thì phải có sự khác biệt với quần chúng theo chiều hướng đạo đức hơn, nhân cách, tác phong, tư cách chuẩn mực hơn những người không có may mắn được học hỏi nương theo ánh đạo vàng của đức Phật trong đời sống hằng ngày.

Vì là một huynh trưởng GĐPT cho nên chúng ta còn  có sứ mệnh trao truyền giáo lý đức Phật cho đàn em, tạo dựng hình ảnh người huynh trưởng GĐPT đối với Chư Tôn Đức, đạo hữu, phụ huynh đoàn sinh  và cộng đồng xã hội vì thế vấn đề thân giáo là khởi điểm hết sức quan trọng luôn đặt lên hàng đầu. Không có thân giáo thì tất cả những giáo lý tốt đẹp của đức Phật mà chúng ta truyền đạt lại cho đàn em sẽ trở nên sáo rổng vì chúng ta  đang tự mâu thuẩn giữa lời nói với việc làm.

Ví dụ:  Chúng ta không thề giảng cho các em ý nghĩa và sự lợi ích của ăn chay trong khi tự thân chúng ta không ăn chay, hoặc nói về sự nguy hại về uống rượu trong khi tự thân chúng ta vẫn thường uống rượu. Tổng quát hơn chúng ta không thể nói với các em về một đời sống đạo đức và chuẩn mực trong khi tự thân chúng ta đang sống bê tha, giãi đãi! Không hành trì để chuyển hóa thân tâm chúng ta sẽ biến mình trở thành kẻ vọng ngôn vì nói mà không làm, tất cả những gì chúng ta rao giảng cho đàn em sẽ trở nên vô nghĩa và phản tác dụng. Đối với chư tôn đức, đạo hữu, phụ huynh và cộng đồng khi người huynh trưởng không thể hiện được công năng tu tập, hành trì trong cuộc sống hằng ngày là một cách vô tình chúng ta  đã làm mất đi thanh danh của tổ chức GĐPT và làm xấu đi hình ảnh của người huynh trưởng GĐPT trong mắt công chúng.

Thân giáo là sự biểu hiện của người có  tu tập, nhưng hành trì đối với người huynh trưởng không phải như thế là đủ. Tiến tu là một điều thiết yếu của người huynh trưởng, trạch pháp tức là chọn cho mình một pháp môn thích hợp để hành trì là một điều tối cần thiết cho một huynh trưởng GĐPT, trong hành trình tu tập. nếu chúng ta chỉ tâm đắc việc học để thỏa mãn kiến thức hiểu biết nội điển mà thiếu sự hạ thủ công phu thì chưa phải là một hành giả đúng nghĩa. Biết bao nhiêu hệ lụy xảy ra khi một người huynh trưởng GĐPT chỉ đặt nặng việc học mà xem nhẹ việc hành trì, những hệ lụy ấy biến thành tai họa trong quá trình chúng ta sống, giao tiếp, ứng xữ trong cuộc đời, trong tổ chức và những mối quan hệ  đối với anh em cộng sự cũng như đối với cộng đồng xã hội.

Vì học nhiều mà thiếu hành trì sẽ phát sinh tâm cống cao ngã mạn, tự cho mình là tài giỏi hơn người khác từ đó xem thường người khác, vì học mà thiếu hành sẽ nuôn lớn bản ngã. Khi bản ngã quá lớn chúng ta khó mà sống chan hòa tình thương và bình đẳng được. Bản ngã càng lớn thì khổ đau càng nhiều, vì khi không áp đặt được ý kiến của mình lên người khác, hoặc ý kiến của mình không được anh em đồng tình thì sẽ phát sinh bất mãn hoặc bất cộng tác,  buông trôi nhiệm vụ, bỏ bê công việc làm ảnh hưởng đến việc điều hành  các phật sự chung. Đây là một điều mà chúng ta thường vấp phải trong việc sinh hoạt của tổ chức, mọi hệ quả phát sinh đều xuất phát từ việc học và hành không song hành cùng nhau. Học và hành ví như đôi chân trong một cơ thể, muốn đứng vững trên đôi chân ấy và bước đi thật vững chắc thì bắt buộc đôi chân ấy phải cao bằng nhau, việc tu hành cũng vậy chúng ta không thể tiến tu hoặc phụng sự lý tưởng GĐPT khi mà học và hành không tướng xứng với nhau như người đi bằng chân cao, chân thấp thì không thể nào bước vững chắc được!

III./ VẤN ĐỀ TRUYỀN ĐẠT

Truyền đạt giáo lý cùng các lĩnh vực khác cho đàn em là  trách nhiệm, bổn phận đồng thời là một thiên chức của người huynh trưởng GĐPT. Tôi thường hay nói với các anh em huynh trưởng học viên rằng

-Ta không thể cho người  khác cái gì mà chính tự thân chúng ta không có.

Một huynh trưởng gánh vác trách nhiệm giáo dục truyền trao cho các thế hệ đàn em, đó là đường lối tu học trong GĐPT, truyền đạt cho đàn em trên tinh thần người đi trước chỉ vẽ lại cho người đi sau. Tinh thần tu học trong GĐPT là truyền đạt trên tinh thần quan hệ đồng hàng tức là anh, chị bảy vẽ, hướng dẫn lại cho đàn em chứ không phải  là quan hệ thầy trò. Giáo dục đàn em trên tinh thần đồng hàng sẽ đem lại hiệu quả do sự thân thương, gần gủi và sự thành tâm muốn đàn em mình trưởng thành trong những năm tháng cùng nhau sinh hoạt trong mái nhà lam. Vì là anh em nên các em sẽ thấy gần gủi với các anh chị của mình, vì thế chúng ta cần khuyến khích các em mạnh dạn thắc mắc hoặc nhờ chỉ bảo những điều gì mà các em chưa biết hoặc chưa hiểu. vì thương đàn em như thương em út trong nhà nên chúng ta rất muốn các em là những đoàn sinh ngoan, chuyên cần và có thiện chí tu học, hiểu rỏ những gì mà huynh trưởng truyền trao.

Thế nhưng để các em nghe, hiểu và hứng thú tromng học tập người huynh trưởng cần trang bị cho mình kiến thức nội điển cũng như ngoại điển, kiến thức phổ thông, phải thể hiện thân giáo để song hành với lời nói cùng với tình yêu thương chân thật ra  cũng cần trang bị cho mình kỹ năng về truyền trao, kỹ năng lên lớp của người giảng viên mới thu hút các em tiếp thu tốt bài học được. Ở đây tôi không đề cập đến các kỹ năng sư phạm như các giáo viên khi đứng lớp. Các giáo viên khi lên lớp sẽ có phương pháp sư phạm làm khuôn mẫu và họ cứ tuân thủ quy tắc như thế, nhưng một lớp học của đoàn sinh GĐPT khác với một lớp học ở trường đời. Một lớp học của GĐPT là một lớp học “mở”, nên không thể đóng khung trong giáo án khô cứng, mà nó tùy thuộc hoàn toàn kỹ năng của giảng viên (tức là anh chị huynh trưởng đứng lớp). lớp học của GĐPT có thể là dưới một tượng Phật lộ thiên, có thể là một buổi sinh hoạt dã ngoại, một buổi làm công tác từ thiện xã hội, có thể là một câu chuyện dưới cờ v.v…thế nên giáo án lên lớp của huynh trưởng giảng viên là hết sức linh hoạt, không đóng khung trong một nguyên tắc nào hết. Các em phải được học trong tâm thái thoải mái và thực sự yêu thích vì thực tế hiện nay các em đang bị nhồi nhét kiến thức bằng cách học suốt ngày, suốt tuần học chính khóa, học phụ đạo, học thêm, học luyện v.v…nên suốt cả tuần lễ các em đã quá ngán ngẩm việc học rồi, nay đến chùa chiều chủ nhật anh chị trưởng còn bắt mấy em học như thế thì sao mà các em không ngán được !

Thực tế hiện nay huynh trưởng tại các đơn vị ít đầu tư cho việc giảng dạy, hướng dẫn, truyền trao, rất ít sáng tạo các mô hình tu học mới, lạ, hấp dẫn mà cứ đi theo lối mòn, có ít huynh trưởng chịu khó soạn bài cẩn thận và chọn ý tưởng thể hiện bằng các nghệ thuật lên lớp mới. Thậm chí có anh chị đến với các em bằng quyển tài liệu tu học các bậc rồi cứ thế đọc cho các em chép, không nghiên cứu trước đề tài nên không thể giảng giải một cách tường tận cho các em, đôi lúc bí quá “cương ẩu” giảng sai ý nghĩa của giáo lý nữa. các anh chị nên biết rằng giảng sai ý của đức Phật tai hại khôn lường nên huynh trưởng chúng ta cần cẩn trọng khi giảng về bộ môn Phật pháp. Vì thế việc nghiên cứu kỷ đề tài và soạn bài giảng cẩn thận là một việc làm hết sức cần thiết không thể làm qua loa được. Huynh trưởng chúng ta cũng cần thấy được rằng chính nhờ lên lớp giảng dạy, hướng dẫn cho các em mà chúng ta được ôn lại kiến thức Phật pháp, được huân tập giáo lý của đức Phật nên rất lợi lạc cho bản thân.

III./ KẾT LUẬN.

Là một huynh trưởng GĐPT chúng ta tự nguyện gánh vác sứ mệnh đối với lý tưởng, dù có nói đến hay không chúng ta cũng đang đi trên hành trình hành bồ-tát hạnh. Thế nên tu học, hành trì để “thượng cầu phật đạo” tức  giác ngộ tự thân ra chúng ta còn phải “hạ hóa chúng sanh” tức là có bổn phận, trách nhiệm giáo dục đàn em cùng buớc đi trên hành trình ấy. Đây là một nhiệm vụ hết sức nặng nề nhưng cũng rất cao cả, vì thế anh em huynh trưởng chúng ta muốn thực hiện được nhiệm vụ ấy thì phải không ngừng nổ lực một cách toàn diện về cả ba phương diện tu học, hành trì và truyền trao. Dù phải chịu nhiều gian khó cũng phải thực hiện đồng thời cả ba lĩnh vực trên thì mới hy vọng thành toàn sứ mệnh huynh trưởng GĐPTVN

                                                                             Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật

 

Câu hỏi gợi ý thảo luận:

  1. Theo anh, chị vấn đề tu học của huynh trưởng hiện nay gặp chướng ngại ở điểm nào. Chúng ta có thể khắc phục được tình trạng đó không?
  2. Việc hành trì giáo lý của đức Phật đối với người huynh trưởng GĐPT cần thực hiện cụ thể như thế nào để cò công năng, nội lực?
  3. Để có kỹ năng truyền đạt hiệu quả và thu hút anh chị cần trang bị cho mình những điều thiết yếu nào?

 

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb