KÝ SỰ “ VỀ VỚI MIỀN TRUNG THÂN YÊU” PHẦN II: Vượt qua mưa bão về với Quảng Trị thân yêu

image0 (1)

Tha hương luôn  nhớ quê nhà

Thương em bé nhỏ, thương tà áo bay

Ta về Quảng Trị chiều nay

      Thương quê lũ lụt bốn bề mênh mông

Hướng về Quảng Trị, xe chúng tôi lướt đi dưới màn mưa và ngoài trời gió rít từng cơn, xa quê lâu ngày tôi quên mất cái chuyện mưa gió ở quê mình, ở miền Nam dù mưa tầm tả nhưng khi trời quang mây tạnh là lúc mưa chấm dứt và công việc sẽ trở lại bình thường, nhưng mưa miền Trung thì khác, thỉnh thoảng trời có tạnh mưa và trời sáng lên tưởng chừng đã hết mưa nhưng chỉ một chốc sau đó thì mưa lại tiếp tục đổ xuống và gió vẫn thét gào càng ghê hơn trước. Một giờ sau xe ra đến địa phận xã Hải Trường, đi qua Chiêu Linh Đài có tượng ngài Bồ-tát Địa Tạng lộ thiên. Đây là một đài tưởng niệm hàng ngàn người dân đã chết một cách thê thảm trên đoạn đường này khi chạy giặc vào những ngày cuối tháng 4 năm 1972 và đoạn đường này được nhà báo Ngy Thanh, phóng viên báo Sóng Thần đặt cho một biệt danh nghe thật rùng rợn: ĐẠI LỘ KINH HOÀNG. Sau khi quân đội VNCH tái chiếm Quảng Trị báo Sóng thần tổ chức một đoàn thu gom hài cốt những nạn nhân xấu số bỏ mạng trên đoạn đường này và họ đã thu được gần 2000 bộ hài cốt đem chôn tập thể.  Năm 1973 một đại trai đàn được tổ chức tại đây để chiêu hồn những người đã bỏ mạng trên đoạn đường đầy máu và nước mắt này, tôi còn nhớ hai câu đối rất hay được dựng lên tại trai đàn: “Đây đại lộ kinh hoàng gieo  lắm cảnh bi thương muôn thưở không nguôi niềm tủi hận. Nọ dòng sông Bến Hải khơi bao nguồn sóng gió  ngàn thu luống chạnh nỗi chia ly”, sau đó đài tưởng niệm gọi là Chiêu Linh đài gồm có một tượng ngài Địa Tạng và một miếu thờ được dựng lên ở đây, cách đây mấy năm một lần về quê khi đi ngang qua đây tôi chợt nhớ đến năm xưa mình cũng đã là một người chạy giặc qua đây nhưng may mắn thoát chết và tôi đã viết ký sự “Trở lại con đường xưa máu lửa” (bài này đã được đăng trong Đặc san Nguyễn Hoàng Bắc Cali USA).

 Thầy Hải Tạng đón đoàn ở cây xăng Hải Trường sau đó dẫn đoàn thi theo hướng về Mỹ Thủy để đến chùa Trung Đơn thuộc xã Hải Thành, xe đi qua đoạn đướng mà bốn bề ngập nước mênh mông, có những anh chị lần đầu thấy nước bủa vây tứ phía và mênh mông đến cuối trời  mà cảm  thương bà con miền Trung mình quá, thầy Hải Tạng nói đây chỉ là bên rìa vùng trũng chứ càng đi về dưới thì nước càng ngập mênh mông hơn nữa. Cuối cùng khi vào làng trong cơn mưa gió thét gào chúng tôi nghe tiếng nói phát ra từ chiếc loa công cộng: “đề nghị bà con không ra khỏi nhà vì bão số 9 đang đổ bộ vào đất liền, đề nghị các đoàn cứu trợ ngưng ngay việc cấp phát để tránh nguy hiểm cho bà con”. Tôi thầm lo ngại tình hình này sẽ làm sao đây, nhưng khi xe vừa đến chùa Trung Đơn thì thấy bà con đã tập trung đông đủ rồi, nhìn bà con đội mưa đứng chờ mà cảm thấy thương tâm. Để tránh trở ngại cho việc phát quà sau khi thầy Hải tạng có vài lời nhắn nhủ, anh Tâm Chế trưởng đoàn đã chia sẻ vài lời với bà con chúng tôi tiến hành phát quà ngay. Dưới sự điều động của thầy trụ trì chùa Trung Đơn bà con sắp hàng lên nhận quà trong trật tự và nề nếp, ngoài 150 phần quà gồm một gói nhu yếu phẩm trị giá 100.000 đ và bao thư 300.000 đ tiền mặt chúng tôi còn ủng hộ thêm một số thuốc men cần thiết và một khăn quảng cổ cho những người già. Khi công tác phát quà hoàn tất chúng tôi vào chánh điện lễ Phật, cúng dường một số tịnh tài và chia tay thầy trụ trì, chia tay bà con Trung đơn về chùa Long An ở thôn Xuân An, xã Triệu Thượng nơi thầy Hảỉ Tạng trụ trì. Trời vẫn mưa nặng hạt và gió giật liên hồi

Chùa Long An mà người dân trước năm 1975 quen gọi là chùa Sư Nữ, vì trước đây ngài khai sơn đã cho đệ tử Ni giới đến trụ trì và phát triển Ni Chúng, sau năm 1975 thì chùa không thầy trụ trì vì tình hình xã hội thời bấy giờ rất khó khăn, thầy Hải Tạng là đệ tử của HT khai sơn đã về đây hoằng pháp và gầy dựng lại ngôi chùa trên đống đổ nát. Những năm tháng gian khổ đó thầy Hải Tạng là người đi tiên phong trong việc phục hưng lại chùa chiền và Phật giáo tại Quảng Trị. Nay chùa Long An rất bề thế với lối kiến trúc chùa thuần Việt  nhà rường gổ nhìn mặt ra bờ sông Thạch Hãn. Ở đây vào mùa hè thì cảnh quan rất đẹp, thời đi học thỉnh thoảng tôi cùng bạn bè đi đò sang sông ghé chơi chùa ngắm cảnh, nhưng đến mùa bão lụt thì nước sông Thạch Hãn dâng cao khiến chùa rất dễ bị tắc đường.

Nghỉ ngơi cơm trưa tại nhà một anh chị huynh trưởng địa phương mời đoàn xong, chúng tôi về lại chùa Long An,  thầy Hải Tạng báo tin điểm mà đoàn chúng tôi dự kiến đi cứu trợ chiều nay là ở Dakrong thuộc huyện Hướng Hóa vì mưa bão nên không thể tập trung dân được, hẹn với đoàn là sáng mai sau khi bão tan. Thế là đoàn chúng tôi có một buổi chiều rỗi rảnh nhưng không biết đi đâu vì bốn bề mưa gió não nề, thế là chọn giải pháp ngủ. Trong hoàn cảnh nay tôi chợt nghiệm ra là khi hoàn cảnh không cho phép ta làm việc theo dự định thì phương án tiếp theo đôi lúc cũng tốt, như trong trường hợp này được trùm mền ngủ trong cái lạnh se ngoài kia mưa gió bão bùng cũng thú vị thật!

Tội cho anh em, có người tiếng là quê Quảng Trị thế nhưng đã về trên đất quê hương mà không thời gian về thăm nên rất nóng lòng. Buổi chiều có mấy anh chị rủ ra Đông Hà chơi nhưng tôi đang trùm mền đọc tập thơ “Bụi và Sương” của anh Trương Viên tặng, nhìn mưa gió não nề như thế tôi thấy quá ngán, vả lại tôi biết phố xá  Đông Hà mà mưa gió thế này chẳng ai muốn mở cửa, dân bản xứ thì không thích ra đường còn du khách thì mùa này không có nên từ chối và nói đùa: “Không đi không biết Đông Hà, đi rồi mới biết ở nhà sướng hơn”. Đúng như thế thật anh em đi về nói phố xá vắng tênh, chỉ ai đi vì công việc gia đình thôi còn đi chơi thì chẳng được gì, thế là tôi cười đắc thắng.

Ngủ một đêm trong căn phòng nhỏ thật ấm áp trong khi bên ngoài gió mưa thét gào không dứt, nhìn cây cối trong vườn chùa oằn mình theo những luồng gió xoáy tôi ngỡ như báo số 9 đang đổ bộ trực tiếp vào Quảng Trị. Sáng hôm sau thức dậy thấy trời quang mây tạnh, thế nhưng nước sông Thạch Hãn dâng cao, dòng sông giờ đây rộng mênh mông và nước đục ngầu cuồn cuộn chảy và ngập cả con đường trước chùa rất sâu. Thấy nước lênh láng anh em lại nhìn nhau lắc đầu ngao ngán, chẳng lẽ lại bị cô lập ở đây?!. May mà thấy trời mưa gió hồi hôm thầy trụ trì đã đề nghị đem xe qua thị xã Quảng trị gởi vì lỡ đêm nay nước lên thì ngày mai xe ra không được. Sự tính toán của thầy đã chính xác, nếu xe giờ này mà nằm trong sân chùa thì đành bó gối thôi! Sau khi dùng điểm tâm xong thầy kêu cho anh em chúng tôi một chiếc đò đễ chở anh em qua thị xã, kể ra về quê mà được đi đò qua sông Thạch Hãn cũng thú vị thật, thế nhưng nhìn dòng nước đục ngầu chảy cuồn cuộn cũng hơi chột dạ. Qua đến bờ sông phía thị xã tôi thấy con đường phía trước chùa Tỉnh Hội cũng ngập sâu trong nước, trong sân chùa có mấy phật tử đang khoát nước rửa bùn. Xe chở anh em về phía quảng trường nhà thả hoa định kiếm  quán cà phê, vừa bước chân xuống xe tôi chợt nghe tiếng gọi tên mình. Tôi nhìn tới phía tiếng gọi thì thấy Thái Đào đang ngồi uống cà phê với mấy người bạn. Tôi mừng quá tiến tới tay bắt mặt mừng và ngồi xuống trò chuyện với mấy bạn một lúc. Thái Đào và tôi cùng học Nguyễn Hoàng nhưng khác lớp, ở trường chúng tôi không chơi với nhau nhưng hai chúng tôi trở thành thân thiết khi cùng ở chung một lán ở trại cải tạo Áí Tử, vì thế cùng có với nhau những kỷ niệm vui buồn trong những ngày tháng gian khổ trong trại. Sau này hai đứa cùng ra trại một lần vào những ngày giáp tết, tôi chỉ đi với Thái Đào ra đến quốc lộ 1 sau đó tôi để Đào đi sau và tôi đi như chạy cho kịp vì nhà thì còn quá xa mà trời thì đã tối rồi.

Vì không thể đi Hướng Hóa được nên thầy chọn cho chúng tôi đi cứu trợ một điểm khác đó là thôn Cổ Lũy, xã Hải Ba. Đây là địa phương ở gần quê của tôi, có anh em biết tôi theo đoàn cứu trợ hỏi sao không về cứu trợ ở làng nhưng tôi trả lời mình đi theo đoàn và điểm cấp phát thì đã có thầy chọn rồi nên không thể, vả lại dù ở đâu cũng là đồng bào mình cả giúp cho ai bớt khổ là mình cũng vui rồi.

Chùa Cổ Lũy nằm trên một cánh đồng mênh mông nước ở gần quốc lộ 49 (con đường này ngày xưa là đường tỉnh lộ 68). Tại chùa Cổ Lũy đoàn chúng tôi phát 200 phần quà trị giá như trên. Đặc biệt là anh em huynh trưởng trong GĐPT địa phương nghe tin đến chào hỏi rất thân tình. Việc cấp phát xong xuôi chúng tôi vào đảnh lễ Tam Bảo tại chánh điện, cúng dường một ít tịnh tài, tặng quà cho anh em huynh trưởng GĐPT Cổ Lũy, một huynh trưởng trong đoàn thấy số xi măng chuẩn bị xây hậu tổ bị nước ngập “chết” nên đã phát tâm cúng dường 70 bao xi măng, thầy trụ trì và đạo hữu rất hoan hỷ. Điều đặc biệt nữa là trời quang mây tạnh khi chúng tôi đến phát quà thế nhưng nước thì dâng lên và đang tràn vào sân, thế là sợ ngập đường không ra được nên chúng tôi vội chào từ giả thầy trụ trì, đạo hữu và anh em  Huynh trưởng để ra xe trở vào Huế.

Đướng quốc lộ 49 giờ đây đã có nơi ngập nước, nhìn ra bốn bề mênh mông chỉ nước và nước chúng tôi mới cảm nhận được mùa lũ của quê mình người dân khốn khổ như thế nào. Chúng tôi bùi ngùi chia tay với quê mẹ Quảng Trị nơi tôi đã sinh ra và lớn lên trong gian khó, có lẽ cũng nhờ xuất thân ở vùng đất khắc nghiệt “mùa đông thiếu áo mùa hè thiếu ăn” , mùa hạ gió nam lào thổi khô khốc nóng cháy da thịt, mùa đông gió bấc thổi lạnh buốt thấu xương, nên đã trui rèn cho người dân Quảng Trị giàu nghị lực luôn lạc quan để sống và luôn vươn lên trong cuộc sống để thoát cảnh nghèo cùng.

Về đến Huế chúng tôi tìm nơi nghỉ ngơi và thầm cảm ơn trời Phật đã phù hộ cho chúng tôi được hoàn thành tâm nguyện, đem những món quà tuy khiêm tốn của những người phát tâm tin tưởng gởi gắm đến với bà con vùng lũ. Hy vọng đêm nay chúng tôi có một đêm an giấc để ngày mai trở về nhà, kết thúc hành trình.

Trên đường về anh em trong đoàn vui vẻ và thấy lòng thanh thản vì việc lớn đã hoàn thành tốt đẹp. Giã từ quê hương miền Trung thân yêu, giã từ bà con vùng lũ Thừa Thiên, Quảng Trị chúng tôi theo xe xuôi vào Nam nhưng nghĩa tình với đồng bào miền Trung vẫn luôn trong trái tim của những người con xa xứ…

Tâm Lễ

image0 (1)

image1 (2)

image2 (2)

image1

image2

image3

image4

image6

image7

image8

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb