TẢN MẠN VỀ BỘ TƯỢNG TAM KHÔNG

image2

Thời còn đi học trong một lần ghé thăm một ngôi chùa tôi được thầy trụ trì tiếp chuyện trong phòng của thầy. Căn phòng nhỏ rất sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp, sách vở rất nhiều và được xếp đặt ngay ngắn trên những kệ sách. Trên bàn làm việc của thầy tôi chú ý đến bộ tượng ba con khỉ bằng đồng ngồi bên nhau, con thì bịt mắt, con thì bịt tai, con thì bịt miệng. Tôi cảm thấy rất thích thú và ấn tượng với bộ tượng này bèn hỏi thầy về ý nghĩa của bộ tượng, thầy chỉ mỉm cười nói đó là bộ tam không: không nghe, không thấy, không nói. Thầy chỉ giải thích chừng đó và chúng tôi nói sang những chuyện khác. Mấy mươi năm sau trong một chuyến du lịch, khi đi dạo tại các cửa hàng bán đồ lưu niệm tôi lại thấy bộ tượng tam không gồm ba chú khỉ bằng đá cũng bịt tai, bịt mắt, bịt miệng như thế và tôi mua về làm kỷ vật. Khi về nhà tôi bày những kỷ vật lưu niệm của chuyến đi cho cả nhà cùng xem. Thấy bộ tượng ba con khỉ bịt tai, bịt mắt… cả nhà đều phì cười. Lại một lần cách đây mấy năm trong chuyến công tác phật sự về các tỉnh miền Tây Nam Phần, khi ghé các quầy bán hàng lưu niệm đặc sản của xứ dừa Bến Tre tôi lại mua được bộ tam không làm bằng trái dừa khô tuy đơn sơ, thô tháp nhưng rất sáng tạo và nghệ thuật. Bộ tam không này được khắc trên một trái dừa nên nhìn một mặt ta chỉ thấy được một chú khỉ bịt mắt hay bịt tai, các chú khỉ này được tác giả đội cho một chiếc mủ và gắn cho một đôi mắt long lanh rất sinh động. Mới đây khi  thực hiện bộ sưu tập bonsai mini và tiểu cảnh tôi lên Sài Gòn săn lùng mấy tiệm bán đồ gốm sứ Nhật Bản để mua những chiếc dĩa và những tượng nhỏ. Một người bạn thân biết chuyện tặng tôi một số hàng gốm sứ Nhật trong đó có một bộ tượng tam không với ba chú khỉ nhỏ nhỏ, xinh xinh rất nghệ thuật, tôi đem để nó nơi bàn làm việc.

Tìm hiểu về ý nghĩa của bộ tượng tam không tôi thấy đa số đều cho rằng nó có ý nghĩa rất sâu sắc chứ không đơn thuần là không nghe, không thấy, không nói như ta nhìn vào hình tượng ba chú khỉ. Vì nếu như thế thì nó mang ý nghĩa tiêu cực với triết lý sống  thờ ơ với xã hội, ai làm gì thì làm mặc kệ họ ta cứ giữ thái độ bàng quang không nghe không thấy, không nói, không quan tâm tới chuyện của người khác để tìm sự yên lành cho bản thân Với thái độ sống như thế thì hóa ra ta quá ích kỷ vì chỉ lo bảo vệ sự an toàn cho bản thân mà không màng đến những gì đang xảy ra quanh ta, không giúp ích gì cho tha nhân, cho xã hội. Một thái độ sống như thế hoàn toàn không phù hợp với những phật tử hành bồ-tát hạnh.

Hầu hết đều đồng tình cho rằng ý nghĩa triết lý sâu xa của bộ tam không theo quan điểm của  người Nhật là tôi không nghe điều xấu, không thấy điều xấu, không nói điều xấu. Thế nên  không dùng tai để nghe mà dùng tâm để nghe, không dùng mắt để nhìn mà dùng tâm để nhìn, không dùng miệng để nói mà dùng tâm để nói, như vậy thì chúng ta sẽ thanh lọc được tâm. Dùng tâm thanh tịnh để mà thấy, nghe, nói thì sẽ không sa vào việc hóng hớt chuyện thị phi của thiên hạ hoặc nhìn vào lỗi người mà ganh ghét, hơn thua, nói những lời cay độc để hơn cho được người khác và làm cho người khác phải sầu khổ mà quay vào lắng tâm thanh tịnh để mà nhận định sự việc, phát khởi tâm thiện, tự thúc liễm thân tâm mà tu tập và hành xử cho đúng đạo lý.

Triết lý trong bộ tượng tam không cũng trùng với tư tưởng của Nho gia về cách đối nhân xử thế. Đức Khổng tử đã nói:  “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (có nghĩa là không nhìn điều sai, không nghe điều bậy, không nói điều trái, không làm điều quấy).

Đó là một vài sự lý giải về ý nghĩa của bộ tượng tam không được nhiều người đống tình nhất, ngoài ra cón có ý khác cho rằng bộ tượng tam không nhắc nhở cho chúng ta về “tâm viên ý mã” (tức là tâm ta lăng xăng như khỉ và lồng lộn như ngựa) để mà tu tập điều phục tâm cho an, để tâm tỉnh lặng không lăng xăng, loạn động về những chuyện nhiễu nhương trong cuộc sống, hoặc quá chú tâm nghe, nhìn  và bàn luận chuyện thi phi của thiên hạ khiến tâm không được phút giây nào thanh tịnh mà luôn chất chứa bao điều tạp niệm và phiền não.

Với tôi, ngoài những ý nghĩa sâu sắc của bộ tam không mà hầu hết mọi người đều đồng tình như trên, tôi thấy nó còn mang một ý nghĩa sâu sắc hơn nữa khi dùng bộ tượng tam không như một đề tài thiền quán. Đối với những hành giả tu tập thiền định, hình tượng ba con khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng là hình ảnh biểu tượng cho sự thực tập “đóng cửa các giác quan” để tu tập chánh niệm. Đóng cửa các giác quan không có nghĩa là không còn nghe, không còn thấy, không còn biết  tất cả các âm thanh,  sự vật đang xảy ra chung quanh mình mà là  không để bất kỳ một âm thanh, sự việc bất thiện nào chi phối tâm thức của  mình mà chỉ chú tâm vào thực hành chánh niệm. Rốt ráo hơn nữa là bất kỳ  âm thanh hay sự việc nào mà lục căn ta thấy, nghe..đều được  tiếp nhận một cách khách quan như nó đang là mà tâm thức ta mà không hề phát khởi một ý thức phân biệt, phán đoán, hoặc phát sinh bất kỳ một sự can thiệp hay nhận xét nào. Đó là nghe mà như không nghe, thấy mà như không thấy vậy.

Nhìn bộ tượng tam không thấy ba chú khỉ bịt mắt, bịt tai, bịt miệng trông thật ngộ nghĩnh và thật ấn tượng. Nhìn hình tượng thì thấy thật đơn sơ chân chất, hài hước như một vật trang trí cho vui nhà vui cữa, nhưng phân tích  ý nghĩa sâu sắc thì thấy thật là thâm thúy biết bao! Viết đến đây tôi ngừng tay ngắm nhìn ba chú khỉ trước mặt và chợt thấy hình thấy bốn con mắt đang tròn xoe nhìn tôi long lanh, nhấp nháy, còn chú ngồi giữa thì hai tay bịt mắt lại mất rồi…

Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật  

image7

image2

image3

image6

image5

image4

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb