Hồi ký: HƯỚNG VỀ MIỀN TRUNG THÂN YÊU LẦN 2
BBT: Vào tháng 10 năm 2020 miền trung lâm vào cảnh màn trời chiếu đất vì bão lũ liên tiếp khiến cho đồng bào miền trung lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Chia sẻ hoàn cảnh khó khăn của đồng bào vùng bão lũ, GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu đã tổ chức phát động hai đợt cứu trợ về vùng bị bão lũ. Đợt cứu trợ đợt 1 về đồng bằng hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị đã được BBT đăng thông tin và hai bài ký sự của anh TL. Riêng đợt 2 tin, bài, ảnh cũng đã được đăng. Giờ đây để ôn lại kỷ niệm của chuyến cứu trợ về vùng cao các tỉnh Quảng Nam và Quảng Trị, BBT xin đăng bài hồi ký của anh Tâm Chếghi lại cảm xúc cuộc hành trình nhiều gian khổ nhưng cũng nhiều ý nghĩa này.
Kính gởi đến anh chị em lam viên gần xa cùng đọc.
HƯỚNG VỀ MIỀN TRUNG THÂN YÊU LẦN 2
Trước những trận thiên tai bão lũ theo nhau ùa về tàn phá cùng khắp quê hương miền Trung, đã gây nên nhiều cảnh chia ly tang tóc và xô đẩy cuộc sống người dân nơi đây lâm vào cảnh khốn khó trăm bề. Với tâm từ bi và sứ mệnh của người áo lam đối với quê hương với đồng bào ruột thịt trong cơn hoạn nạn, ngày 13/10/2020 Ban Hướng Dẫn GĐPT/BRVT đã gởi tâm thư, kết nối toàn thể lam viên và ân nhân, thân hữu mở rộng lòng thương Hướng Về Miền Trung Thân Yêu. Lần 1 được tiến hành từ ngày 26 đến 31/10/2020, sau hơn 5 ngày đồng hành cùng mưa bão BHD/GĐPT/BRVT đã về tận các làng quê bị thiệt hại nặng nề, thuộc các vùng đồng bằng duyên hải ở các tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị. Đến tận nơi, được trao tận tay những món quà thân yêu cùng với lời thăm hỏi sẻ chia, mới cảm thông được sự gian khổ của bà con, trong và sau cơn bão lũ. Với người dân ở miền xuôi sau khi bão lũ đi qua, bằng cách này hay cách khác bà con nơi đây có thể tiếp cận được sự chia sẻ của những nhà hảo tâm, những tấm lòng thiện nguyện. Nhưng với người dân miền núi, từ Quảng Trị cho đến Quảng Nam, những làng bản nằm chìm khuất trong rừng sâu, trong suối đèo hiểm trở, cho dù bão lũ đã đi qua họ vẫn phải sống cô lập cách biệt, thiếu thốn cơ cực, đang ngày đêm thấp thỏm trông chờ được kết nối với sự cảm thông chia sẻ của những tấm lòng từ bi, thiện nguyện từ bên ngoài. Sau khi lắng nghe và cảm nhận sâu sắc những nỗi khổ mà đồng bào miền núi đã và đang chịu đựng, vừa đặt chân trở lại BRVT, chưa kịp nghỉ ngơi sau gần một tuần đi- về trong mưa bão. BHD/GĐPT/BRVT liền tiến hành tổ chức tuần lễ Đêm Lam Ca Hướng Về Miền Trung Thân Yêu, như thay lời muốn nói để thêm một lần nữa, được kết nối sự đồng cảm đến với toàn thể lam viên, ân nhân, thân hữu khắp nơi, chung sức, chung lòng Hướng Về Miền Trung Thân Yêu lần thứ 2. Chỉ với thời gian ngắn ngủi, hơn một tuần lễ để khởi động, vào những đêm 14 và15 tháng 11/2020, tiếng hát Đêm Lam Ca… đã được ngân vang trên 6 sân khấu áo lam, khắp các huyện thị trong tỉnh. Tiếng hát của những lam viên vốn không chuyên, nên còn rất khiêm tốn về nghệ thuật, nhưng lại giàu lắm những cung bậc cảm xúc, vì người hát, đã hát bằng tất cả con tim và người nghe, cũng đang lắng nghe bằng tất cả con tim, để rồi hàng ngàn con tim đã hòa chung nhịp đập, vì một miền Trung ruột thịt, đang trong cơn hoạn nạn và đó chính là ý nghĩa cao đẹp đã chuyển ước mơ, tâm nguyện hướng về miền trung thân yêu, của lam viên BRVT lần thứ 2 thành hiện thực.
PHẦN 1: ĐẤT QUẢNG YÊU THƯƠNG.
Mọi việc từ nhân sự cho đến phẩm vật đã được chuẩn bị nhanh gọn nhưng rất chu đáo, đúng 6h30 ngày 19/11/2020 anh chị em đã có mặt tại nhà anh Khiên ở Ngãi Giao và liền lên xe sang nhà chị Phượng ở Hòa Bình, cùng chung tay sắp xếp hàng hóa cứu trợ lên xe và ghi hình xuất phát trước ngõ nhà chị Phượng lúc 8h, trên đường đi ghé chợ Bà Tô đón anh Luật và dùng bửa ăn sáng đầu tiên tại nhà hàng chay Khai Tâm chùa Phước Duyên, rồi tiếp tục cuộc hành trình về miền Trung thân yêu, từ Bà Tô- Bình Châu qua địa phận Bình Thuận ra quốc lộ 1 A. Vẫn con đường xưa, vẫn những làng quê quen thuộc hôm nào, tiếng gió xe vẫn miệt mài ríu rít, hòa trộn với những tiếng hát xua tan nổi nhọc nhằn trên đường dài ngàn dặm, đã được anh chị em cùng nhau hát vang, chiếc xe mạnh mẽ, nhưng rất êm đềm hướng về phía trước. Đúng 12h30 mọi thứ như đang báo động đã vượt qúa chỉ số bình thường, của những chiếc đồng hồ sinh học, vừa đúng lúc chiếc xe đang từ từ dừng lại, vẫn bên cái quán võng, giữa cánh đồng bát ngát, gió lộng tứ bề mà trong chuyến đi lần 1, chúng ta đã có một bữa ăn trưa tương rau rất đạm bạc nơi đây, và có lẽ lần này lại càng đạm bạc hơn, khi cô chủ quán cho biết, vì đoàn đến quá trưa nên cơm, rau không còn gì hết, trong những lúc như thế này, thì không có gì ngon hơn món mỳ ăn liền, chị Gia tranh thủ nấu nước chế gấp cho anh chị em mỗi người một ly mì chay, nhận được ly mì ai nấy đều lộ nét tươi tắn hẳn lên và chăm chú ăn rất tích cực. Qua một chút ít thời gian ngơi nghỉ, xe lại tiếp tục lăn bánh, trong xe lúc này vẫn những lời ca những câu chuyện cười, anh em thay nhau râm ran vui nhộn cho quên đi cái cơn mỏi mệt đường dài và chiếc xe mang tấm biển hoa sen trắng Hướng Về Miền Trung Thân Yêu, vẫn hiên ngang nhẹ nhàng tiến lên phía trước. Mãi tới 20h cùng ngày thì dừng chân nghỉ qua đêm tại Phú Tài, Phù Cát, Bình Định, bản thân người viết đã trải nghiệm qua chuyến đi lần 1, rất sợ những tiếng tàu đêm, muốn cho người viết được yên giấc, bảo đảm sức khỏe cho công việc những ngày sắp tới, vì đã đi xa hai lần liền kề, nên các em đã sắp xếp cho một phòng đơn. Đúng 4h sáng đánh thức, anh em bên nhau tĩnh táo cùng với ly cà phê đầu ngày thật ấm áp, rồi lại tiếp tục lên đường. Bình Định- Quảng Ngãi- Quảng Nam một chiều dài thăm thẳm, bên tây đồi núi chập chùng, bên đông biển cả mịt mùng mù khơi, lâu lâu mới bắt gặp một vài cánh đồng trải dài theo đôi bờ những con sông nằm vắt mình cùng năm tháng, nối liền trường sơn ra biển cả. Tầm 6h sáng xe dừng lại một khu chợ nhỏ cuối địa hạt Bình Định, các em Hiếu, Gia nhanh chóng mua vội một ít bánh ướt mang theo ăn sáng. Ghé chợ một lát rồi đi thôi, nhưng một chuyện lạ có thật đã xảy ra, làm cả nhà rối rắm vì hai hủ mắm của anh chàng trợ lý cho vợ bán hàng, tại chợ Hoài Nhơn, đã vô tình hay cố ý chạy theo gởi tặng cho Hiếu và Gia…. (Chuyện dài lắm người viết xin được kể vào môt dịp khác), xe lại tiếp tục lăn bánh, trong khi anh chị em đang lay hoay vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao anh chàng đẹp trai ở chợ Hoài Nhơn lại gởi hai hủ mắm lên xe mình, thì những chiếc đồng hồ sinh học cùng rung lắc, báo động mọi thứ đã vượt mức trung bình và chiếc xe cũng đã dừng lại một quán vắng bên đường, tiếp tục thêm một bửa ăn bụi đạm bạc, bánh ướt Hoài Nhơn chấm tương Quảng Ngãi… tuy không no nê lắm, nhưng cái gì thừa thì đã xả, cái thiếu cũng được bù đắp, xăng nhớt xem như tạm ổn, xe lại lên đường tìm về Đất Quảng. Đúng 10h xe lăn bánh vào đường phố Tam Kỳ, kết nối điện thoại với anh Ngữ, PTBHDQN được anh chỉ đường về thị trấn Nam Phước Duy Xuyên và được các em chờ sẵn đón đưa đoàn về văn phòng BHD.QN ( nhà của anh Võ Tấn Sáu). Một căn nhà cấp bốn cũ kỹ nằm sâu trong con hẻm nhỏ tại TT Nam Phước, vườn tược quanh đây chỉ năm ba bụi chuối và một vài cây ăn trái chanh, ổi.., nhưng cũng đã bị tả tơi, xơ xác, bởi cơn lũ lụt vừa qua. Nhìn quanh đây chúng ta có thể hiểu thêm về hoàn cảnh của anh Sáu, nhìn tấm bảng hiệu VP/BHD/QN ta lại càng cảm phục sự chịu đựng, đức hy sinh của anh lúc sinh thời, cho áo lam Quảng Nam được sống còn. Tuy ở xa nhưng tôi và anh Sáu, anh em rất thân tín với nhau, tôi rất quý kính anh, nhưng thật đáng tiếc ngày anh ra đi, nhằm trong mùa dich Covid nên tôi không có mặt tiễn anh lần cuối. Bước vào căn nhà của anh, bước vào văn phòng BHD.QN, nhìn di ảnh của anh, lòng tôi như trĩu xuống, quặn thắt, vẫn biết “ tứ đại giả hợp, ngũ uẫn giai không”, kính tiếc quá, anh đã đi thật rối! vắng anh tôi mất một đồng sự khả kính và thương cho vườn lam Quảng Nam đã vắng bóng một cây đại thụ, tuy anh chưa phải là một bậc trưởng lão niên, nhưng chính anh là một lá chắn đích thực cho vườn lam Quảng Nam qua bao mùa giông tố. Trước khi rời văn phòng, tạm biệt ACE Quảng Nam, đối trước di ảnh chúng tôi bùi ngùi đốt nén tâm hương, thầm nói với anh rằng, thân người tuy giới hạn nhưng tâm nguyện thì vô cùng, Anh linh thiêng tùy duyên che chở cho vườn lam Quảng Nam trong mọi hoàn cảnh và sớm hội nhập Ta Bà để tiếp tục hạnh nguyện anh nhé. Đúng 11h chúng tôi được ACE BHD/QN chiêu đải món mì quảng đầu tiên trên đất Quảng, trọ trẹ, mô tê răng rứa với nhau thật đậm đà hương vị tình lam, rồi lại tiếp tục lên đường. Trên đường đến điểm cứu trợ đầu tiên tại xứ Quảng chúng tôi đón tiếp Thầy Cố Vấn BHD/QN và thầy chỉ dẫn cho đoàn, đến những vùng cư dân thực sự khó khăn sau cơn bão lũ dọc ven sông Vu Gia và Thu Bồn thuộc các huyện Duy Xuyên, Tiên Phước và Đại Lộc. Đi qua cầu Giao Thủy, thầy dẫn chúng tôi đến tận chùa Hoa Hữu địa điểm tập trung bà con khó khăn thuộc xã Đại Hồng, H Đại Lộc. Đồng bào được tập trung đợi sẳn trước sân chùa, chúng tôi được Sư Cô trú trì niềm nở và mọi người hân hoan đón tiếp. Mọi thủ tục đã chuẩn bị đầy đủ, 150 phần quà được cấp phát nơi đây, rất ấm áp, thân thiện giữa người trao và người nhận. Đúng 12h , tạm biệt chùa Hoa Hữu, tạm biệt Sư Cô, lên đường đến chùa Long Hòa, tại đây TT Tọa Trú Trì, đã cấp phiếu và bà con cũng đã tập trung đông đủ. Điều đặc biệt ở chùa Long Hòa và ở chùa Hoa Hữu là tuy phát quà ở chùa nhưng đối tượng nhận quà thì không dành riêng cho phật tử mà Thầy và Sư Cô đã cấp phiếu rộng rãi cho mọi thành phần đang gặp khó khăn sau cơn bão lũ, tại các làng xã, quanh vùng chiếc cầu Giao Thủy nơi điểm hẹn của hai dòng sông Vu Gia và Thu Bồn. Không gian thì quanh co cách trở, thời gian lại “ngựa chạy tên bay”, đến chùa Long Hòa đã quá trưa, nhưng trong giảng đường rất tươi mát, mọi người vân tập ngồi chăm chú lắng nghe, lời giới thiệu của thầy và lời chia sẻ của chúng tôi, tuy không giấu được nổi khó khăn, nhưng nét mặt mọi người ai nấy luôn hiển lộ những nỗi niềm cảm xúc, chứa chan tình người, tình đạo, như đang muốn gởi gắm đến chúng tôi lời tri ân sâu sắc, khiến anh em không nén được xúc động khi trao những phần quà cho bà con nơi đây. Phát quà xong trời đã về chiều và trước khi tạm biệt chùa Long Hòa, được TT Thích An Nhơn Trú Trì cho ăn tiếp món mì quảng đặc biệt và đây là tô mì quảng thứ hai ngày đầu tiên trên đất Quảng. Đúng 17h, ngày cứu trợ đầu tiên trên đất Quảng đã khép lại sau bữa ăn chiều thân mật, chúng tôi ra thành phố Tam Kỳ kiếm chỗ nghỉ qua đêm. Cách đây hơn 20 năm BHD/GDPT/BRVT cũng đã thực hiện chuyến Hướng Về Miền Trung Thân Yêu trong cơn bão lũ 1999, bản thân người viết đã có dịp về ở lại một tuần, tại chùa Hoài An thị xã Tam Kỳ và hôm nay trở lại sau 20 năm, Tam Kỳ bây giờ đã có quá nhiều thay đổi, từ con phố, tên đường, cho đến con người. Những người anh, người bạn, những đứa em năm ấy cùng chúng tôi khuôn vác hàng hóa cứu trợ, vào những vùng quê hẻo lánh xứ Quảng, ở Núi Thành, đập Phú Ninh, Hội An, bây giờ người đã bước vào tuổi cửu tuần, người đã khuất bóng, kẻ trôi lăn theo dòng đời, bôn ba vì sự sống, vẫn biết các pháp vốn vô thường biến đổi sao lòng vẫn xao xuyến trước sự đổi thay…. Phố đêm Tam Kỳ hình như không chen chúc náo nhiệt, chỉ lưa thưa dăm ba chiếc bóng, dưới ánh đèn đêm nhạt nhòa. Thoang thoảng tiếng gió lao xao, xen lẫn với tiếng nhạc xưa, trong những quán cà phê đường phố, êm đềm vang vọng, nhịp nhàng trôi theo bước chân của những lữ khách thiện nguyện… đang đi tìm giấc ngủ qua đêm.
Đúng 6h30 sáng 21/11 lại tiếp tục thêm một tô mì quảng thứ 3 trên đất Quảng trước khi lên đường lên núi rừng Bắc Trà My. Từ Tam Kỳ đến Bắc Trà My ước chừng 60km, đường miền núi vốn quanh co hiểm trở, sau cơn bão lũ lại càng hiểm trở hơn, đúng 9h xe lăn bánh vào trung tâm huyện Bắc Trà My, chúng tôi được ông Hào một cán bộ lảnh đạo huyện, dẫn đường đến thôn 1 xã Trà Giang được biết đây là nơi người dân gặp nhiều khó khăn trong và sau cơn bão lũ, hầu hết là người dân tộc thiểu số. Thật bất ngờ tại đây các em thiếu nhi tập trung rất đông, tuy trên người các em với những bộ áo quần nhàu quắn, cũ kỹ, đôi bàn tay lấm lem những vết hằn bụi bặm, sương khói núi rừng, nhưng trên khuôn mặt các em luôn vẫn luôn tỏa nét ngây ngô với những nụ cười hồn nhiên và những đôi măt long lanh đen tròn thật dễ mến.
-Tôi đang lay hoay cho các em quà gì đây?
- Thì Gia liền ố lên anh ơi, em có mang theo mấy thùng sữa tươi trên xe….. Có quà rồi các anh chị cùng hát ca, cùng vui đùa và sắp xếp các em thành hàng rất trật tự, trên 100 em, mỗi em vui mừng được nhận 2 hộp sữa tươi, những bà bầu hiện diện cũng được tặng 4 hộp. Sau khi phát quà cho các em xong, chúng tôi liền tiến hành phát 150 phần quà cho đồng bào. Được sự hợp tác đầy thiện chí của chính quyền Huyện và Xã buổi phát quà đã kết thúc tốt đẹp với những lời tri ân sâu sắc của chinh quyền địa phương. Đồng hồ điểm 11h, theo sự giới thiệu của ô Hào MTTQ Huyện Bắc Trà My và sự đón tiếp, dẫn đường của cô Thủy hiệu trưởng, chúng tôi vượt trên 25 cây số đường uốn lượn, cua gấp, luồn lách giữa đèo dốc chông chênh, để đến trường tiểu học bán trú Trần Cao Vân thuộc xã Trà Giác, một ngôi trường nhỏ ẩn mình giữa chốn rừng sâu núi thẳm, rì rào tiếng thác đổ, gió reo, hôm nay nhằm ngày thứ bảy nên chỉ còn lại một số ít học sinh nội trú, một số các em vào rừng lấy nước, hiện diện tại trường chỉ có 14 em chúng tôi trao cho mỗi em 100 ngàn đồng, trao trên 100 bộ đồ và áo gió độ tuổi học trò ( áo quần mới 100/100) cho cô hiệu trưởng thay mặt BGH nhà trường tiếp nhận và sẽ phát cho HS toàn trường vào ngày thứ hai. Cô Thủy hiệu trưởng vui mừng, ngỏ lời tri ân trước khi cùng chúng tôi trở lại huyện lỵ Bắc Trà My. Trên đường đi cô giáo Thủy người dẫn đường và là người hướng dẫn viên tuy không chuyên nhưng rất vui tính, luôn nói cười thân thiện đã giúp chúng tôi biết được tên đèo, tên sông bản địa, và những tai họa đáng tiếc của thiên tai đã trút xuống trên những đoạn đường chúng tôi vừa đi qua, cũng như sự nguy hiểm luôn rình rập bởi những con đập thủy điện treo trên dòng sông Tranh, mỗi độ mùa mưa bão, rồi vui vẻ cùng chúng tôi ghi lại vài tấm hình kỷ niệm trên bờ sông ấy. Khách và chủ chưa đi qua hết những câu chuyện cười, thì xe đã lăn bánh vào huyện lỵ, và chúng tôi phải nói lời chia tay với người dẫn đường nhiều cảm mến, chia tay Bắc Trà My, trở lại thành phố Tam Kỳ, để tiếp tục cuộc hành trình Hướng ra Quảng Trị… Xe lăn bánh vào thành phố Tam Kỳ lúc này bóng thời gian cũng đã ngả về chiều, những chiếc đồng hồ sinh học đang cùng nhau báo động, lòng vòng đi hết mây quán chay tìm bữa cơm chay, nhưng hình như ở phố Tam Kỳ quán chay không gì ngoài bún và mỳ quảng, đúng như TT An Nhơn nói hôm trước “ mì quảng ngon thiệt, nhưng ăn ba bữa thành mỳ hoảng luôn”. Bữa ăn trưa muộn màng nơi thành phố Tam Kỳ cũng là nơi và lúc khép lại hai ngày đến với đất Quảng thân yêu. Bao sự mệt nhọc, vất vã lo toan trên đường đi, hầu như đang tan biến, thay vào đó là một niềm an lạc đang dâng tràn trong mỗi trái tim lam, khi đã hoàn thành tâm nguyện, được đến tận nơi và được chia sẻ chút ít gian khổ mất mát, với đồng bào trong cơn hoạn nạn. Tạm biệt TT An Nhơn một vị thầy quý kính với những câu chuyện cười thật cởi mở bao dung. Chia tay anh chị em thân hữu áo lam đất Quảng thân yêu, chiếc xe tiếp tục lăn bánh lên đường hướng về Quảng Trị vào lúc 15h30 cùng ngày.
Tâm Chế
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)