HỒI KÝ NỖI NIỀM HƯỚNG VỀ MIỀN TRUNG THÂN YÊU lần 2
Quảng Trị, Đất Nặng Nghĩa Tình
Như đã nêu ở phần trên vì mưa lũ tràn về trong đêm, giao thông lên miền núi, bị chia cách trầm trọng nên chúng tôi đành phải lỗi hẹn với bà con ở miền thương du Quảng Trị… Hôm nay trở lại Quảng Trị lần 2 với ước mong được làm tròn lời hẹn hôm nào. Rời Tam Kỳ Quảng Nam, xe vun vút xuyên qua những tia nắng chiều vàng, buông xõa trên đường cao tốc. Đến Tứ Hạ-Huế tạm dừng chân, lại thêm một bữa ăn bụi rồi vội vã lên đường. Đúng 22h cùng ngày xe lăn bánh vào thành phố Đông Hà- Quảng Trị, có lẽ vừa tĩnh giấc sau những ngày giông bão nên đường phố khá im vắng lúc đêm về, chúng tôi cũng tranh thủ tìm nhà trọ, để ngày mai lên Trường Sơn. Tiên lượng trước những chặng đường miền thượng du, nên anh em đã lục tục thức dậy, khi mọi con đường, ngỏ phố còn chìm trong giấc ngủ. Rời khỏi nhà nghỉ, anh em chung tay xếp hàng hóa lên xe, rồi liền ghé lại nhà hàng chay trong vườn Cọ Dầu TP Đông Hà, do đến quá sớm và có lẽ thời gian này các đoàn cứu trợ cũng thưa dần, nên nhà hàng không còn tấp nập nhộn nhịp như trước, tuy nằm giữa lòng phố thị nhưng khung cảnh trông rất yên bình. Anh em bên nhau dùng bữa điểm tâm đạm bạc đầu ngày, dưới những giọt nắng mai, rơi đều qua kẽ lá những hàng cây cọ dầu thật ấm áp, bữa điểm tâm vừa xong, mọi thứ cũng đã sẵn sàng. Đúng 8h tiệp tục cuộc hành trình lên thượng nguồn Hướng Hóa – Khe Sanh, Quảng Trị.
Nhờ sự trợ duyên của Ôn Hải Tạng, chúng tôi đã kết nối với thầy Khai Đạo trụ trì chùa Khe Sanh, được Thầy hoan hỷ tiếp đón và cho biết điểm chúng ta cần đến cứu trợ hôm nay là xã Hướng Lập một trong những nơi có hoàn cảnh rất khó khăn. Sau thời gian ngắn trà đạo, trao đổi,chia sẻ tình hình thiệt hại tại các địa phương. Đúng 9h30 Thầy liền cử phật tử của chùa, trực tiếp dẫn đường đến Hướng Lập, vừa lên xe chị Hương người dẫn đường, là một giáo viên miền núi và là một chị trưởng áo lam chùa Khe Sanh, cho chúng tôi biết “từ Khe Sanh vào đến điểm phát quà, chúng ta phải vượt trên 50km đường đèo dốc hiểm trở, anh chị hãy bình tĩnh và bác tài cũng phải hết sức cẩn thận”. Tất nhiên với anh chị em thì vẫn thường luôn bình tĩnh, vẫn những tiếng hát xua tan mưa gió trên những con đường ngập tràn nước lũ ở hạ du lần trước. Bây giờ vẫn vậy, vẫn những tiếng hát nhịp nhàng, nâng bánh xe quay hướng về rừng xanh, bỏ lại sau lưng những con phố, đường làng và hình như con đường càng lúc, càng hòa điệu với những tiếng hát, khi thì vút lên cao, khi thì chùng xuống thấp rồi gập ghềnh nhỏ hẹp. Chị Hương cho biết, chúng ta đang chuẩn bị vượt qua con đèo Sa Mù, khoảng chừng 30km, ở đấy quý anh chị sẽ chứng kiến những cảnh tượng khủng khiếp trên con đường, sau cơn bão lũ. Thế là từng mét hành trình bánh xe lăn qua, là từng giây phút trải nghiệm sự hiểm trở mà người dẫn đường đã báo trước. Địa hình núi đồi, sông suối nơi đây đã đắp lên hình dáng con đèo, vốn ngoằn ngoèo,uốn lượn dưới những thác ghềnh và chông chênh trên những triền núi, mép sông, trông rất ngoạn mục mà cũng rất phiêu lưu. Càng đi sâu vào con đèo, những cảm giác hồi hộp, rùng rợn lại càng dồn dập, khi chiếc xe phải chậm rải lần bò, trườn qua những đoạn đường đứt gãy, những khúc gấp rách nát, tan hoang, những mảng núi rừng sụp đổ, cắt sẻ con đèo thành những dòng thác, xô sập những đoạn đường đổ xuống vực thẳm, lòng sông. Hoặc những đồng lúa, nương rẫy, là sự sống bao đời của người dân tộc bản xứ, giờ bỗng hóa thành những cồn bảỉ, đất đá, cây rừng, chồng chất, ngổn ngang và càng ghê rợn hơn, khi đi qua những khối đá, nằm cheo leo trên những vách núi sạc lở, rạn nứt, như những mối hiểm họa luôn chực chờ trên đầu kẻ lử hành. Chưa vượt qua hết những giây phút hãi hùng thì người dẫn đường bảo xe chạy chậm lại, chỉ tay về phía trước, một bải đất đá mới, trải dài dưới chân núi và cho biết, đấy là nơi núi vỡ, đất tràn san lấp toàn bộ một doanh trại, đã chôn vùi sinh mạng của 22 chú bộ đội, một thảm họa thương tâm, trong trận hồng thủy vừa qua. Vẫn biết vạn vật luôn biến đổi để sinh tồn, sao lòng vẫn ngậm ngùi thương xót những đồng loại không may, giấc ngủ đêm hôm ấy của họ, đã hóa thành giấc ngủ thiên thu. Để lại cho gia đình, người thân bao nỗi chia ly tang tóc!
Chiếc xe đã vượt qua hết đèo Sa Mù, con đường vào Hướng Lập đã gần kề. Nhưng cũng lắm khúc khuỷu quanh co nguy hiểm! Dọc hai bên đường, dưới chân núi, trên bờ sông lác đác một vài căn nhà nhỏ nhoi, lụp xụp của người dân bản địa, giữa đại ngàn hoang vu, heo bề bao phủ. Dân chúng ở đây hầu hết là người dân tộc Vân Kiều, Tà Ôi, sống rải rác trong các bản làng, khuất tận rừng sâu. Tuy giao thông đã và đang luôn bị ngăn cách bởi sông suối, thác ghềnh, nên việc đi lại rất khó khăn, nhưng bà con cũng đã tập trung từ rất sớm và đông đủ. Đồng thời được sự tiếp đón và hổ trợ tích cực của UBND xã nên việc trao quà cho 400 hộ dân diễn ra rất êm đẹp, đượm nghĩa đồng bào. Cô chủ tịch xã đại diện cho dân, trân trọng tỏ lời tri ân đến đoàn và chúng tôi cũng nói lời chúc từ và tạm biệt người dân Hướng Lập. Trước rời hướng lập về lại Khe Sanh. Thay vì bữa cơm trưa, anh chị em quay quần, bên nhau trên chiếc cầu nối liền đôi bờ con sông Rào Quán, uốn mình ngang qua dưới chân đôi ngọn núi xanh vòi vọi, dù đang cơn đứng bóng giữa trưa mà bầu trời vẫn bàng bạc lững lờ những áng mây trôi bồng bềnh trên đầu ngọn núi, như những bức họa sơn thủy hữu tình, và rồi cùng nhau ghi lại một vài tâm hình nơi đây, để cảm nhận sức sống thiên nhiên núi rừng Quảng Trị và để làm nhật ký cho những chuyến đi xa của áo lam BRVT.
Trở lại Khe Sanh vẫn con đường xưa. Con đường có quá nhiều nguy hiểm phải vượt qua, nhưng trên xe luôn nhộn nhịp những giọng hát, tiếng cười xua tan sợ hãi… Xe trở lại sân chùa Khe Sanh bóng đã xế tà, anh em tranh thủ, chuyển hành lý vào chùa, nhận phòng nghỉ ngơi. Bỏ qua bữa ăn trưa nhưng mặt mày ai nấy đều xông xáo, tươi tĩnh vui mừng. Vì chỉ cần một cơn mưa nặng hạt, vô tình trút xuống con đèo đã lắm thương tật, thì cả nhà chắc phải làm khách bất đắc dĩ với thung lũng Hướng Lập đêm nay, hoặc nhiều ngày hơn nữa. Sau chút ít thì giờ thư giãn, ngày đầu hành trình về với bà con miền núi cũng đã tạm khép lại với bữa cơm chiều của chùa thật ấm tình đạo vị. Những món chay đạm bạc và rất chân quê, do tự tay thân mẫu Thầy trú trì và cô gái khiếm thính làm công quả, đã ưu ái, quan tâm chăm sóc, nên bữa ăn rất ngon miệng và có lẽ vì đây là lần đầu được ăn cơm, sau hơn 3 ngày dọc đường gió bụi trên đất Quảng Nam cho đến tận Đông Hà chỉ thấy mì và bún thay phiên nhau. Giờ cơm vừa qua là lúc những hạt nắng chiều muộn màng, đang rơi dần về phía bên tê (kia) đầu ngọn núi, những áng mây cuối chiều cũng đang cùng nhau bàng bạc, kéo về phố thị, đem đến cho lữ khách cái cảm giác se lạnh của chốn núi rừng. Ngoài trời màn đêm đang dần buông xuống, ánh đèn đang lên, anh chị em tươm tất thân tâm, lên chánh điện đảnh lễ Tam Bảo, rồi cùng nhau thả bộ xuống thị trấn tham quan phố núi Khe Sanh. Khe Sanh vốn là vùng thổ nhưỡng tiếng tăm của hương vị cà phê, hồ tiêu miền núi Quảng Trị, nhưng phần nhiều người Việt trong Nam, ngoài Bắc được biết đến cái tên Khe Sanh là những vùng trần địa, là cái chảo lửa khổng lồ, trong cuộc chiến tương tàn. Có những tên đồi, tên suối nơi đây đã hóa thành tên tuổi của những trận chiến ác liệt. Đâu đó dưới những thảm rừng xanh, dưới những dòng nước biếc của ngọn suối, dòng sông bây giờ là những nghĩa trang không mồ, là nơi an nghỉ nghìn thu của những người trai trẻ, những đứa con yêu dấu của mẹ Viêt Nam đã vĩnh viễn nằm lại với núi rừng, dù họ ở bên này hay bên kia đôi bờ ý thức hệ, trong cuộc chiến tranh. Từ trong những nỗi đau, tan tác của quê hương, Khe Sanh hôm nay đã thực sự hồi sinh sau ngày tàn chiến cuộc. Bên quán nhỏ anh em ngồi nghe vị đắng của ly cà phê Khe Sanh, tên gọi cũng chính là vùng thổ nhưỡng, là nơi nó được sinh ra. Đêm phố núi lung linh ánh đèn , như niềm hy vọng một tươi lai tươi sáng, cho mảnh đất đã có một quá khứ điêu tàn! Thời gian đang trôi dần về khuya. Những hạt mưa phùn hòa trong làn gió nhẹ, theo bước chân người lữ hành trở lại chùa, tìm giấc ngủ qua đêm, để ngày mai tiếp tục cuộc hành trình, đến với bà con ở các làng bản phía Đông trường sơn.
Hồi chuông công phu khuya của chùa vừa yên lắng, anh em liền thu dọn phòng nghỉ, sắp xếp hành lý chuẩn bị lên đường. Trước khi tạm biệt, được thân mẫu của Thầy chiêu đãi bữa điểm tâm bằng món xôi nếp mật rất đặc biệt, không những ăn mà còn cho, đùm gói đem theo. Thời gian lưu trú tại chùa rất ngắn nhưng những tấm thiện tình mà anh em đã nhận được từ thân mẫu của Thầy và cô gái khiếm thính làm công quả ở chùa, là những bài học rất dài về một tấm lòng. Trước khi lên đường tự trái tim mình chúng tôi đảnh lễ niệm ân Thầy và chân thành tri ân những tình cảm cao đẹp bà Mẫu và cô gái công quả đã dành cho anh em, trong thời gian lưu trú tại chùa. Đúng 6h30, chiếc xe chầm chậm lăn bánh rời sân chùa Khe Sanh, trong sự đong đầy đạo tình quí mến, được ẩn hiện trên những cánh tay, trong những đôi mắt, nụ cười, chào- tiễn chia tay.
Theo hướng Đông đường 9, xe lắc lư vượt qua những nẻo đường làng, tuy cũng quanh co, nhỏ hẹp nhưng không nguy hiểm, phiêu lưu như đường vào Hướng Lập hôm qua. Đúng 8 giờ xe vào đến xã Thanh, huyện Hướng Hóa, địa phương có nhiều làng bản sinh sống dọc theo dòng sông Sê Pon nơi giáp ranh biên giới Việt -Lào. Đời sống người dân nơi đây vốn vất vã đói nghèo, khi bão lũ ập xuống, họ lại rơi vào hoàn cảnh, khó khăn chồng lên khó khăn. Được kết nối thông tin với bộ đội biên phòng về tình hình của địa phương, chúng tôi đã dành 300 phần quà, đến chia sẻ với bà con đặc biệt cơ cực. Địa điểm phát quà, tổ chức tại sân bóng chuyền của xã, chúng tôi được ông PCT xã cùng với các vị Trưởng bản tiếp đón thân mật. Ở đây cũng na ná như mấy ngày trước tại Bắc Trà My Quảng Nam, nghe đoàn đến các em thiếu nhi đã tụ tập rất sớm. Trong lúc chờ đợi dân chúng tập trung, các anh chị đã quay vòng tròn sinh hoạt và chị Gia phải nhờ xe máy chở đi mua gom hết sa-nach các quán về phát cho các em. Cùng ăn cùng hát rất thân thiện, gần gũi hòa đồng với giọng nói, tiếng cười hồn nhiên của tuổi thơ miền núi “ chưa có đoàn mô về đây mà miềng (mình) được cho tiền, cho áo quần, được bắt tay múa hát và ăn bánh kẹo, chơi vui như đoàn ni”. Không khí sinh hoạt với các em rất tươi mát, nhộn nhịp nhưng phải tạm dừng, khi dân chúng đã tập trung đầy đủ. Sau lời thăm hỏi cuộc sống bà con trong và sau cơn bão lũ, chúng tôi đã tiến hành trao gởi 300 phần quà đến tận tay người dân, rất trân trọng và đầy lòng nhân ái, giữa người cho và người nhận. Buổi phát quà đã khép lại với lời cảm ơn chân thành của ông phó chủ tịch xã Thanh và chúng tôi cũng nói lời tạm biệt với bà con cùng chính quyền sở tại trước khi rời xã Thanh, rời điểm cứu trợ cuối cùng, trong chuyến Hướng Về Miền Trung Thân Yêu Lần 2 của GĐPT/BRVT vào lúc 9h30 cùng ngày. Chia tay phố núi Khe Sanh, chia tay suối, rừng Hướng Hóa, chúng tôi về lại chùa Long An thị xã Quảng Trị, thăm ôn Hải Tạng. Sau khi trình bạch phật sự và vấn an sức khỏe Ôn, và anh em cũng không quên kèo nài Ôn thêm một vài mẩu chuyện cười để làm quà, trước khi lên đường trở lại trời Nam.
Đầu giờ chiều ngày 24, sau hơn năm ngày vượt hàng ngàn cây số từ Nam ra Trung. Vượt hàng trăm km đường, thác ghềnh, núi đèo hiểm trở, đến với đồng bào miền núi ở Bắc Trà My Quảng Nam và Hướng Hóa- Khe Sanh, Quảng Trị. Giờ đây chiếc xe đã mạnh mẽ, nhưng rất êm đềm trực chỉ phương Nam. Chiều dài không gian trở lại Vũng Tàu càng lúc, càng được rút ngắn lại. Cũng là lúc khoảng cách với Quảng Trị, Quảng Nam càng lại xa dần. Nhưng những cung bậc cảm xúc: trước những cảnh tượng rách nát, sụp đổ của núi đèo, thiên nhiên. Trước những nổi khắc khổ, đói nghèo, cơ cực đã in đậm lên nét mặt của đồng bào giữa chốn rừng sâu, núi thẳm, thì luôn còn đọng mãi trong những trái tim lam.
Trên những nẻo đường Hướng Về Miền Trung Thân Yêu Lần 2 của GĐPT/BRVT hôm nay, luôn tiềm ẩn nhiều mối hiểm họa và cũng lắm vất vã gian nan. Nhưng chính chuyến đi này đã đem lại cho anh chị em niềm an lạc và những dấu ấn đẹp, có ý nghĩa về giá trị cuộc sống. Những chiếc áo màu lam và màu cờ hoa sen trắng, đã phất phới tung bay, băng đèo vượt suối, vượt cả mưa bão, hiểm nguy, đem tấm từ tâm đến chia sẽ những mất mát đau thương cùng đồng bào trong cơn hoạn nạn. Đã hiện thực hóa những giá trị cao quý, chứa đựng trong nôi dung tu học và phương châm hành động của GĐPTVN “mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống” vào thực tiển hoàn cảnh xã hội. Đã biểu hiện sống động của người áo lam, biểu hiện mục đích của GĐPTVN luôn gắn liền với quê hương với dân tộc, trên những bước thăng trầm.
Sau Mùa Bão Lũ Canh Tý 2020
Tâm Chế
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)