CÓ MỘT LÃO GIÀ NHƯ THẾ!
13-05-2021 | | 0 Phản Hồi
Tôi biết lão thắm thoắt cũng đã bốn mươi năm rồi, từ ngày tôi mới bước chân vào chùa làm chú tiểu. Bốn mươi năm trước lão cũng đã là một ông già, trong mắt tôi. Dáng cao, lưng thẳng, mắt sáng, da ngâm, ra chiều cương nghị. Chỉ có nụ cười trên môi thì ngược lại, mềm mại và từ tốn đến quyến rũ. Lão thường đi cùng một người nữa, có lẽ là đàn em. Người kia dáng thấp, đậm người, chưa già nhưng tóc đã hoa râm. Duy có giọng nói thì vang vang như chuông, câu từ chắc nịch, đủ sức nhiếp phục cả ngàn người dù đang hạ giọng. Đi đâu tôi cũng thấy họ đi cùng. Khi có chuyện hay tiếp xúc với ai, chỉ có người kia nói, như là phát ngôn viên chính thức của lão. Ban đầu tôi cứ tưởng lão chẳng biết nói năng gì, chẳng có tài cán gì, chỉ là lớn tuổi nên được làm anh. Sau hỏi ra mới biết, lão từng là chuyên viên cấp cao của Nha Bản Đồ ở Đà Lạt trước năm 1975. Vẽ bản đồ, la bàn thì tỉ mỉ và chính xác, trí tưởng tượng không gian chắc là tuyệt vời lắm. Khi Thầy tôi làm chùa có mời lão xuống đắp phù điêu, tôi mới biết lão là một hoạ sĩ, một nhà thiết kế, một điêu khắc gia tầm cỡ. Tôi nói tầm cỡ không phải là tên tuổi. Ở đời có người họ không muốn lập danh. Họ chỉ muốn lập hạnh và lập đức. Ai thấy lão cầm dao điêu khắc phù điêu trên tường mới cảm hết tài nghệ của lão. Một bức tường xi-măng vừa đắp, lão cầm bay phác hoạ vài đường, một bức tranh sơn thuỷ hiện ra với núi mây hoa đá, quyến rũ như một hoạ sĩ thuỷ mặc vẽ bằng bút lông. Nhưng đó chưa phải là tuyệt kỹ của lão. Sở trường của lão là điêu khắc nhân vật. Lão chỉ cần cầm bay nhấn nhá vài nét là hiện ra một tượng Phật, với đầy đủ nét từ bi, hoan hỷ. Lão gọt vài đường là hiện ra tượng Bồ-tát và chư thiên, áo bay phất phới, mình ngọc tay ngà. Tất cả các bức phù điêu ở chùa tôi đều do lão làm. Từ Lộc Uyển đến Câu-thi-na, từ Lâm-tỳ-ni đến Bồ- đề Đạo tràng ẩn mật. Các tượng Thập bát La-hán, các bức tranh Thiền đều được lão gia tâm làm rất đẹp. Tôi thích nhất là hai bức “Bích diện cửu niên” điêu khắc cảnh Tổ Huệ Khả cầu pháp an tâm nơi Đạt-ma Tổ sư trên Thiếu thất và bức “Hổ Khê tam tiếu” kể về giai thoại Nho sĩ Bạch Lạc Thiên cùng Đạo sĩ Lục Tu Tĩnh lên Lô Sơn thăm Tổ Liên tông Huệ Viễn. Hai bức này nằm trên tường nhà Tổ chùa tôi. Sau này có nhu cầu nới rộng nhà Tổ, tôi đã không dám phá huỷ hai bức phù điêu này, phải thuê thợ bằng mọi cách dời bức tường ra sau với điều kiện không làm hư hoại bức phù điêu. Tôi vui mừng là đã làm được, vì nghĩ rằng sẽ không bao giờ và không có ai đắp được lại những bức phù điêu có hồn như thế.
Năm lão 90 tuổi, tôi mạnh dạn mời lão xuống chùa làm những bức phù điêu Cửu phẩm Liên Hoa. Mỗi bức cao 3m, rộng 4m, 9 bức như thế tạo thành một bức tranh lớn đến 32m, với đủ ý nghĩa từ Thượng phẩm đến Hạ phẩm vãng sanh trong kinh Quán Vô Lượng Thọ. Không ai nghĩ rằng đó là tác phẩm của một lão già 90 tuổi, mềm mại, sắc xảo và ấn tượng vô cùng. Đó cũng có lẽ là tác phẩm điêu khắc cuối cùng của lão lưu lại đời này.
Tưởng lão chỉ biết thiết kế và điêu khắc, ai ngờ lão tài hoa rất mực. Lão có thể chơi rất nhiều loại nhạc cụ, từ dương cầm, phong cầm, organ, guitar, mandolin, thổi tiêu thổi sáo ở mức độ có thể trình diễn hoà tấu. Tiếng Anh tiếng Pháp thành thạo, có khả năng viết văn, soạn thảo tư liệu tu học cho tổ chức mà lão trọn đời cống hiến. Ai cũng thấy được tài hoa của người đàn em thường đi cùng lão, nhưng khi biết hết tài năng của lão mới thấy bậc đàn anh thâm hậu dường nào. Có những người sinh ra là để làm anh. Lão là anh cả của những đàn anh như thế. Không phải ở tài hoa, ở tuổi tác, mà chính ở đời sống của lão: Sự hoan hỷ, từ ái, khiêm cung, hiền hoà nhưng rất mực trung kiên, vô cùng nền nã.
Năm nay lão xấp xỉ 100 tuổi. Lão đã sống qua nhiều triều đại, trải bao thời cuộc. Duyên lành đã cho lão được gặp Phật pháp, kính tín Tam Bảo, được đi theo lý tưởng của mình từ những ngày đầu mà tổ chức được thành lập. Lý tưởng của lão cũng đơn sơ thôi, bình dị thôi: “Giáo dục thanh thiếu đồng niên trở thành những người công dân tốt của xã hội theo tinh thần Phật pháp”. Người chọn cho mình một lý tưởng để theo, một lẽ sống để cống hiến, rồi đi theo lý tưởng ấy suốt một đời, từ thuở đồng ấu hoa niên đến trăm năm tùng hạc như lão là hiếm có trên mãnh đất Việt Nam ngàn đời khổ luỵ này. Tôi thường nói: bất kỳ người con dân Việt Nam nào cũng đều là những đám lau sậy bị xô dạt bởi những cơn gió thời cuộc. Không nghiêng ngã bên này thì cũng nghiêng ngã bên kia. Lão thì đúng là cây tùng cây bá. Phong ba bão táp, nắng đổ mưa sa gì tùng bá vẫn đứng thẳng, vẫn mãi xanh. Khi vòng xoáy của dân tộc cuốn phăng con thuyền độc mộc, nhiều người đã bước sang một con thuyền khác, lão vẫn ở đó, bám chặt vào mạn thuyền, sừng sững, kiên nghị, nhẹ nhàng nhưng vững chãi, uyển chuyển nhưng quyết liệt. Câu nói nổi tiếng của lão: “Cha mẹ bỏ con, nhưng chúng con không bao giờ bỏ cha mẹ”. Đó là câu nói của lão trước những bậc Thầy, khi bị thuyết phục thoả hiệp với một đời sống mới. Cha mẹ muốn ra đi thì cứ đi, con không hề oán trách. Con xin ở lại giữ mảnh vườn hương hoả mà tổ tiên để lại. Và lão ở đó, trong ngôi vườn cổ tích, bạc thếch một chiếc áo màu Lam, hái những hoa trái cành cao độ nhật, lượm những hạt mầm rơi rớt dưới cội Bồ-đề, ươm giống cho những mùa sau. Có lần tôi hỏi lão về một vài người nổi tiếng, cũng bận chiếc áo màu Lam như lão, nhưng đang sống trong một ngôi nhà khác. Lão nói ngay, họ là những kẻ theo đốm ăn tàn, không có gì để nói. Vậy đó, lão chẳng chống báng ai, chẳng trái nghịch với ai, lão chỉ xin làm người muôn năm cũ, tận hiến đến hơi thở cuối cùng cho lý tưởng giản đơn mà lão đã chọn.
Những lần lên thăm lão, lão vui như có đứa cháu nội ngoan hiền, chống gậy dẫn tôi đi dạo quanh vườn hoa sân trước. Ai đến thăm lão cũng vui vẻ, hoà ái, nhất là những đàn em nhỏ tuổi của lão. Lão ngồi vỗ tay cùng hát, cùng chơi, tiên ông như một lão ngoan đồng. Năm ngoái lên thăm, thấy lão đang ngồi trên một chiếc ghế, trước mặt là chiếc bàn vuông nhỏ nhắn. Lưng vẫn thẳng tắp, đôi mắt kính long lên trên nụ cười điềm đạm. Tôi đến gần, phát hiện lão đang ngồi trì kinh Pháp Hoa, bằng chút hơi tàn thều thào chậm rãi. Tôi đứng sửng người, chẳng dám hỏi thăm, sợ phá vỡ dòng Kinh đang chảy trong từng mạch máu của lão, trong từng ngày, từng giờ với tuệ giác Pháp Hoa. Từ đó mỗi lần lên chơi khu vườn A-lan-nhã tại thành phố Ngàn thông, tôi ít bước vào phòng, chỉ đi quanh để hưởng năng lượng toả ra từ căn phòng vôi tím, thứ năng lượng thoát lên từ những trang kinh, mà thú thật còn hơn nghìn trang triết luận, hơn cả những đúng sai hay dở, hơn thua được mất của cuộc đời. Tuổi trẻ chúng ta cứ đổ thừa cho thời cuộc, do kinh tế thị trường, do công nghệ thông tin, do thế thời phải thế, rồi than buồn, than khổ, tại bên nọ, bởi bên kia… Còn lão, vẫn mãi nụ cười an tịnh trên môi, và mãi ngồi yên ngắm cuộc đời huyễn hoá.
Thuỳ Ngữ thất, tiết Vệ-xá-khư, PL. 2565. Nhất Thanh Thích Nguyên Hiền
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)