Hòa thượng Thích Thiện Hoa: Gương sáng ngàn năm (phần 2)

thich-thien-hoa

Một sự nghiệp của đời tôi

  (phần 2)

                                                                                                                                                                                              Thích Thiện Hoa

 

V. NỘI DUNG

Trong thời gian trên, ngoài bộ “Phật học Phổ thông” 12 tập, chúng tôi còn soạn bộ “Bản đồ tu Phật ” 10 tập, “Duy thức học” 6 tập và các loại sách khác, như Bài học ngàn vàng v.v… tất cả là 10 loại, gần 80 thứ .

Nội dung bộ “Phật học Phổ thông”, chia làm 12 khoá: Từ khoá I đến khóa IV, nói về “Ngũ thừa Phật giáo” và những vấn đề cần biết như nhơn quả luân hồi, Đạo Phật v.v… Khoá V, năm bài đầu nói về Lịch sử truyền bá của Phật giáo, từ Ấn Độ sang Trung Hoa đến Việt Nam và các nước Phật giáo, ba bài tiếp nói về Đại cương Phật giáo (10 tôn phái), 2 bài sau nói về “Nhơn sanh và vũ trụ” là hai vấn đề rất quan trọng.

Khoá thứ VI và VII là Đại cương kinh Lăng nghiêm, khoá thứ VIII là kinh Viên giác, 2 bộ kinh này thuộc về tánh tôn và được ca tụng nhiều nhứt trong Thiền môn. Khoá thứ IX là Duy thức học (Luật Đại thừa Bá pháp, Bát thứ qui cũ, Duy thức Tam thập tụng, A Đà Na thức, và luận Nhơn Minh). Khoá thứ X và XI là luận Đại thừa khởi tín, một bộ luận có tiếng tăm trong Phật giáo. Duy thức học và luận Khởi tín, thuộc về Tướng Tôn. Thế là từ khoá I đến khóa XI, có thể giúp cho độc giả hiểu được căn bản giáo lý là Ngũ Thừa Phật giáo, Tánh Tôn và Tướng Tôn, cùng những vấn đề quan trọng trong Phật giáo. Đến khóa thứ XII là kinh Kim Cang Bát Nhã và Tâm kinh, thuộc về Tánh không tôn, để giúp cho hành giả muốn lên cao phải cởi mở rủ bỏ những gì nặng nề đã mang từ lâu.

Chúng tôi chia ra 12 khoá, từ thấp đến cao giúp cho quí Phật tử dễ học; cũng như cây thang có 12 nấc để cho người dễ leo.

VI. LỢI ÍCH

Bộ “Phật học Phổ thông” và các loại sách “Phật học tùng thư” của chúng tôi từ khi được phổ biến đến nay, đã đem lại các lợi ích như sau:

Truyền bá giáo lý được sâu rộng trong quần chúng
Giúp cho rất nhiều Phật tử hiểu biết Phật pháp để tu hành
Giúp cho Tăng, Ni các Phật học viện mau hiểu giáo lý
Giúp tài liệu cho quí Giảng sư và Giáo sư để giảng dạy giáo lý.

VII. NHỮNG YẾU TỐ ĐỂ THÀNH CÔNG TRONG VIỆC SÁNG TÁC VÀ PHIÊN DỊCH

1. KHẢ NĂNG

Muốn làm công việc gì trước tiên cần phải có đủ “khả năng” về công việc ấy. Như người muốn sáng tác và phiên dịch giáo lý, tất nhiên phải có đủ khả năng về việc này, phải có một học lực khác, cả nội điển lẫn ngoại điển, tương đương với công việc, mới có thể làm được.

2. BỀN CHÍ

“Bền chí” là một yếu tố cần nhứt trong mọi công việc, nhứt là việc sáng tác và phiên dịch. Công việc này đòi hỏi rất nhiều sự “cần cù, rị mọ”, ngồi cặm cụi suốt ngày đêm trên bàn viết, từ tháng này đến năm nọ. Người không bền chí, không thể đeo đuổi được lâu dài. Nếu chỉ do hứng thú nhứt thời, thì chỉ viết hoặc dịch được một vài quyển mà thôi.

3. SỨC KHOẺ

“Sức khoẻ” cũng là một yếu tố cần thiết trong mọi công việc. Nếu làm việc gì mà thiếu sức khoẻ thì khó thành công miễn mãn. Sức khoẻ kém, cố nhiên thân thể mỏi mệt, tinh thần bì quyện, không minh mẫn sáng suốt, không thể ngồi lâu, để phiên dịch hoặc sáng tác.

4. THÍCH THÚ

Làm công việc gì, mặc dù có khả năng sức khoẻ và bền chí, nhưng nếu không thấy “thích thú” thì cũng khó mà thành tựu, nhứt là việc phiên dịch và sáng tác. Có cảm thấy thích thú, mới vượt qua được sự khó khăn cực khổ, mài miệt nơi bàn viết ngày đêm, không chán.

Người sáng tác hoặc phiên dịch, khi thực hiện được một tác phẩm nào, tự cảm thấy vui mừng và thích thú, không khác gì anh nghèo cất được cái nhà mới. Phải có thích thú như thế, mới làm được việc này.

5. TIÊU CHUẨN PHIÊN DỊCH VÀ SÁNG TÁC

Người xưa nói: “Văn tức là người”. Đúng như thế. Người tánh tình như thế nào, thì viết văn cũng như thế ấy.

Viết văn hay diễn giảng ai cũng muốn cho nhiều người đọc và dễ hiểu. Nhưng trái lại, khi viết hay giảng, phần nhiều người muốn nói thật cao siêu khó khăn, làm cho người đọc và nghe phải mệt trí! Như thế không khác gì người muốn đi tới mà hai chân lại bước lui. Thật ra, điều đó là do ảnh hưởng tánh tình, cũng khó mà thay đổi.

Chúng tôi nhắm vào tiêu chuẩn: khoa học (rõ ràng thứ lớp), Đại chúng (Phổ thông, bình dân) và Dân tộc (sắc thái Việt nam), nên những kinh sách, mặc dù khó đến đâu, qua sự phiên dịch hoặc sáng tác của chúng tôi, cũng đều làm cho người đọc được dễ hiểu và rõ ràng.

Theo sự kinh nghiệm của chúng tôi trên mười năm nay về việc trước tác và phiên dịch, nếu tác phẩm nào thiếu ba điểm trên (Khoa học, Đại chúng và Dân tộc) thì khó có thể phổ biến sâu rộng trong quảng đại quần chúng.

6. TẠO HOÀN CẢNH THÍCH HỢP

Hoàn cảnh là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại. Chúng ta nên hay hư, hay hay dở, đa số đều do ảnh hưởng hoàn cảnh tốt hay xấu. Chúng tôi làm được một vài công tác về phiên dịch và sáng tác, là do chúng tôi tự tạo ra một hoàn cảnh thuận tiện, để nó thúc đẩy chúng tôi trên công việc này.

Trước nhất, chúng tôi mở ra một lớp học giáo lý hằng tuần (bắt đầu năm 1953 đến nay, mỗi tuần vào tối thứ tư hoặc tối thứ năm), và soạn chương trình giáo lý từ sơ cấp đến cao đẳng. Mỗi tuần tôi soạn một bài giáo lý để dạy. Và tôi phải nghiên cứu cách dạy (nghệ thuật trình bày) mỗi bài phải dạy thế nào cho hấp dẫn, người học dễ thâu thập và thích thú. Vì thế mà người học mỗi ngày mỗi đông và bắt buộc tôi mỗi tuần phải soạn ra một bài để dạy. Một năm tôi mở day hai hoặc ba khoá (trước hạ, giữa hạ và sau hạ). Nhờ thế mà bài vở mỗi ngày thêm nhiều và nghệ thuật giảng dạy mỗi ngày càng thêm điêu luyện.

Sau khi đã có sẵn một số tài liệu về giáo lý, và nắm chắc kết quả về sự giảng dạy ở trong tay rồi, chúng tôi liền mở ra các lớp huấn luyện cán bộ: Giảng sư, Trụ trì và Như Lai Sứ giả để huấn luyện về chuyên môn của chúng tôi.

Sau khi được huấn luyện thuần thục, nắm chắc sự thành công trong tay, các vị cán bộ được cử đi các Tỉnh hội Phật học mở khoá dạy giáo lý, mỗi nơi 10 đêm. Người học mỗi đêm càng đông. Người dạy mỗi ngày thêm hào hứng. Nhờ thế mà chúng tôi gây được phong trào học giáo lý trong các năm vừa qua ở miền Nam. Không gì thích thú bằng: bài mình soạn có người dạy, sách mình viết có người đọc. Hoàn cảnh này thúc đẩy chúng tôi phải cố gắng biên soạn, để cung ứng nhu cầu về giáo lý cho quí Phật tử bốn phương

7. SÁNG KIẾN

Với “sáng kiến”, công việc của chúng ta dù cũ cũng thành mới mẻ. Trong khi giảng dịch hay viết, nếu không có một đôi chút sáng kiến thì người nghe hay đọc cảm thấy khô khan, buồn mãn. Trái lại, nếu chúng ta có sáng kiến thêm vào, thì người đọc cảm thấy như thưởng thức được vài phần hương vị mới lạ. Chúng tôi xin dẫn một vài bằng chứng điển hình: Bộ Đại thừa Bá pháp minh môn là một bộ luận đã có từ nghìn xưa, người đọc rất khó hiểu. Nhưng chúng tôi có sáng kiến, căn cứ vào đó, sáng tác quyển TU TÂM, làm cho người đọc dễ hiểu và thích thú. Kinh Lăng nghiêm đã có mấy nhà dịch ra chữ Việt, nhưng bản dịch của chúng tôi, vì có đôi phần sáng kiến và sáng tác, nên được nhiều người thích đọc, vì rõ ràng và dễ hiểu. Bởi thế nên “sáng kiến” không những rất cần trong việc phiên dịch và sáng tác, mà còn rất cần trong mọi công việc và mọi hoàn cảnh.

8. KẾ HOẠCH VÀ TỔ CHỨC

Phàm làm việc gì có kế hoạch và biết tổ chức thì công việc mới thành tựu dễ dàng. Trên đoạn thứ 6 nói về hoàn cảnh, chúng tôi đã nói một vài khía cạnh về sự tổ chức việc làm của chúng tôi. Đến đây chúng tôi nói rõ thêm, để giúp ích phần nào cho những người bạn muốn đi theo con đường của chúng tôi.

Theo đúng kế hoạch và tổ chức, chúng tôi chia công việc ra làm 3 phần như sau: Biên soạn, Xuất bản và phổ biến (phát hành).

1. Phần biên soạn và phiên dịch: Chúng tôi lập “Phật học Tùng thư”, chia ra làm 10 loại sách sau đây: 1. Kinh, 2. Luật, 3. Luận, 4. Phật học Phổ thông, 5. Bài giảng, 6. Phật học giáo khoa, 7. Giáo lý dạy Gia đình Phật tử, 8. Tạp luận, 9. Sự tích, 10. Kinh tụng (các nghi thức tụng niệm).

Tất cả 10 loại sách này, gồm 80 thứ, phân chia làm 8 bộ:
Bộ Phật học Phổ thông, 12 khoá (hay Cây thang giáo lý, 12 nấc)
Bộ Bản đồ tu Phật, 10 tập (Đại cương Phật giáo: 10 tôn phái)
Bộ Duy thức học, 6 quyển (các sách vở chánh tông của Duy thức)
Phật học Giáo khoa các trường trung học Bồ Đề (từ đệ Thất đến đệ Nhất)
Giáo lý dạy Gia đình Phật tử (sắp thức hiện)
Nghi thức tụng niệm (kinh Nhựt tụng Đại bổn và Tiểu bổn v.v…)
Tám quyển sách quí, bài học ngàn vàng v.v… (tạp luận)

Sự tích.

Các bộ sách này, sắp có thứ tự và theo hệ thống từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, làm cho người đọc được dễ hiểu, như cây thang có nhiều nấc, khiến cho người leo lên cao không khó (muốn rõ hệ thống tổ chức và nội dung của mỗi bộ sách nói trên, xin quí vị xem quyển “Mục lục kinh sách” của hương Đạo xuất bản”).

2. Phần xuất bản: Chúng tôi tổ chức một cơ quan xuất bản gọi là “nhà xuất bản Hương Đạo”, để xuất bản kinh sách của chúng tôi phiên dịch và sáng tác từ trước đến nay.

Từ hai bàn tay trắng, chúng tôi chỉ lấy công làm lời, lấy lời làm vốn. Ban đầu in từ quyển ách nhỏ, như Tu Tâm, lần đến các tập Phật học Phổ thông v.v… Ngoài sự trả tiền in cho nhà in và bút phí, chúng tôi rất tiện tặn, không dám tiêu xài. Dành dụm cho tới ngày nay, nhà xuất bản Hương Đạo của chúng tôi, được một kho sách gần 80 thứ.

3. Phần Phổ biến: Như đoạn trên, trong phần thứ 6 nói về hoàn cảnh, chúng tôi có nói sơ lược: sau khi đã có sách vở rồi, chúng tôi mở lớp giáo lý tại Thủ Đô dạy theo chương trình chúng tôi đã soạn. Rồi chúng tôi huấn luyện cán bộ đi các tỉnh, cũng dạy theo tài liệu nói trên. Ngoài ra, chúng tôi còn gởi các nhà phát hành kinh sách ở Trung và Nam để họ phổ biến sâu rộng trong quần chúng. Nhờ thế, mà giáo lý được phổ biến và giúp cho sự xuất bản được dễ dàng và sự phiên dịch sáng tác khỏi bị khủng hoảng.

9. KINH NGHIỆM

Mỗi khi chúng ta làm một việc gì, dù thất bại hay thành công đều là một bài học cho chúng ta rút kinh nghiệm, để làm việc sắp đến.

Về việc sáng tác phiên dịch, xuất bản và phổ biến, trên 10 năm nay, chúng tôi rút rất nhiều kinh nghiệm về sự thất bại cũng như thành công. Gặp thành công, chúng tôi giữ y như thế mà tiến. Gặp thất bại chúng tôi rút kinh nghiệm để sửa chữa. Mỗi khi ra một quyển sách hay giảng một bài nào, chúng tôi dọ hỏi dư luận quần chúng, tìm hiểu những phê bình chỉ trích hơn là lời khen ngợi. Nhờ thế mà chúng tôi gặt hái được những thành quả hôm nay.

10. TRÌNH BÀY TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO ĐÔNG PHƯƠNG QUA PHƯƠNG PHÁP TÂY PHƯƠNG

Chúng tôi vào chùa từ thuở bé, lo học giáo lý nhà Phật, chỉ hấp thụ tư tưởng Phật giáo Đông phương. Một duyên may, năm 1941, tôi được dự thính lớp Thanh niên Đức Dục tại Huế, do bác sĩ Lê Đình Thám đảm nhiệm. Bác sĩ là người rất giỏi về Âu học và cũng rất thâm về Á học. Bác sĩ đem phương pháp giảng giải của Tây phương mà giảng giải phân tích nền triết học cổ học Đông phương một cách rõ ràng rành mạch mà vẫn giữ được phần cao siêu thâm thuý. Chúng tôi thích thú vô cùng. Mặc dù hấp thụ trong thời gian không lâu, nhưng một khi hạt giống đã rơi vào tâm điền rồi, từ đó về sau nó sẽ tiến hoá luôn, nứt mộng, nẩy chồi cho đến khi đơm bông kết trái.

Về sự giảng dạy cũng như sự trước tác phiên dịch của chúng tôi, người nghe và người đọc được dễ hiểu, rõ ràng và rành mạch là nhờ chúng tôi áp dụng được đôi phần phương pháp Tây phương.

11. ĐẶT SÁT VẤN ĐỀ

Một vài người bạn đến chơi và thân mật phê bình: “Thầy không thông minh lắm, chậm chạp và ít sáng kiến, nhưng mỗi khi có một sáng kiến nào, thì thầy đeo đuổi và làm cho kỳ được. Điều quý nhất là thầy biết đặt sát vấn đề, biết cân nhắc đắn đo, chọn người chọn việc, đặt đúng chỗ và dùng đúng thời, nên thành công được nhiều khả quan”.

12. KHÔNG ĐI XA MỤC ĐÍCH

Mỗi khi làm một việc gì, trước nhất chúng tôi tự hỏi: “Mục đích để làm gì?”. Sau khi hạ thủ công việc ấy, chúng tôi luôn luôn nhắm mục đích ấy mà tiến, không dám đi lạc đường. Như việc phiên dịch và sáng tác này, trước khi bắt tay vào việc, chúng tôi tự vấn lương tâm: “Mục đích để làm gì? Vì danh? Vì lợi? Hay vì hoằng pháp lợi sinh?”. Sau khi chúng tôi quyết định: “Mục đích để phổ biến giáo lý” và may ra có lợi phần nào, thì tiếp tục in thêm các kinh sách khác và giúp cho quí vị cán bộ diễn giảng hay những người đang thiếu thốn chung quanh.

Vì mục đích trên, các năm đầu, mỗi tháng chúng tôi đều có cúng dường theo bản nguyện. Sau một thời gian thấy quí vị giảng sư được thành công trong việc diễn giảng, có đủ phương tiện để tự túc, chúng tôi lại bớt phần cúng dường, xoay lại để làm bút phí cho sự sửa chữa, hay tu chỉnh các tác phẩm và dịch phẩm đã xuất bản. Đến nay, công việc tu chỉnh và xuất bản v.v… vẫn còn tiếp tục.

Nhờ không đi sai “mục đích” hay “bản nguyện”, nên chúng tôi được toại nguyện khá nhiều.

13. BIẾT DÙNG VÀ DÁM DÙNG TIỀN

Đành rằng: “không tiền thì không làm được việc gì”. Nhưng có tiền mà đắn đo rít rắm, tiện tặn quá, thì cũng không làm nên việc gì lớn lao. Lại nữa, có tiền mà không biết dùng tiền, nghĩa là dùng tiến không đúng chỗ không hợp thời, thì có tiền chỉ thêm hại mà thôi. Trái lại, dùng tiền trúng chỗ hợp thời thì được thành công tốt đẹp.

Xuyên qua các đoạn trên (phần xuất bản và đoạn thứ 12: không đi xa mục đích) quí vị thấy chúng tôi lấy công làm lời, lấy lời làm vốn, rất tiện tặn dành dụm và tích trữ mới thành một sự nghiệp (một kho sách, 10 loại, gần 80 thứ). Mặc dù chúng tôi tiện tặng tiết kiệm như vậy, nhưng vì muốn cho thành “một sự nghiệp văn hoá” nên với việc đáng dùng như “tu chỉnh, sửa chữa” lại các bộ sách đã xuất bản, chúng tôi dám xuất số tiền, có thể nói gần quá sức lo của chúng tôi. Không sợ tốn kém, miễn sao thành tựu công việc thì thôi. Nhờ thế chúng tôi thâu góp được kết quả theo ý muốn.

(còn tiếp)

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb