SỰ PHÂN CHIA GIAI CẤP TRONG XÃ HỘI ẤN ĐỘ NHÌN TỪ KINH TIỂU DUYÊN.
Kinh Tiểu Duyên (Aggaññasutta) trong tiếng Pali có nghĩa là kinh nói về nguyên nhân hay bài giảng về khởi nguyên các pháp, là bản kinh thứ 27 trong Trường Bộ Kinh (Dīghanikāya), trong Trường A Hàm bản Hán tạng là bản kinh thứ 5. Kinh do Đức Phật giảng tại Savatthi cho hai đệ tử là Bà-tất-tra (Vāsettha) và Bà-la-đọa (Bhāradvāja) , hai đệ tử này thuộc giai cấp Bà-la-môn khi xuất gia theo Phật họ bị những người Bà-la-môn khác trách mắng rằng:
-Chúng ta là dòng Bà-la-môn tối cao bậc nhất, các bậc khác là thấp hèn…cớ gì ngươi bỏ dòng thanh tịnh của mình mà vào dòng dị pháp của Cù-đàm kia? Bạch Thế Tôn, thấy chúng con ở trong Phật pháp mà xuất gia tu đạo nên họ lấy lời lẽ như thế chê trách chúng con.”
Nhân đó Đức Phật giải thích về nguồn gốc thế giới cũng như sự phân chia giai cấp trong xã hội loài người, phủ nhận quan niệm cho rằng đẳng cấp Bà-la-môn là cao quý hơn đẳng cấp Sát-đế-lỵ là giai cấp mà Đức Phật xuất thân.
Theo giáo lý của Hindu giáo thì con người được phân thành bốn giai cấp chính đó là:
1 Bà-la-môn (Brahman): Đây là những người thuộc giới tăng lữ, triết gia, học giả. Đây được xem là một giai cấp lãnh đạo tinh thần, nằm quyền lực trong lãnh vực văn hóa, tôn giáo và tham gia công việc triều chính để cố vấn , tổ chức nghi lễ, tế tự cho chính quyền. Họ quan niệm là được sinh ra từ miệng Phạm Thiên (Brahma – Đấng Tối cao của Hindu giáo), thay mặt cho Phạm Thiên để lãnh đạo tinh thần cho dân chúng nên có phải được các giai cấp dưới tôn kính và họ có toàn quyền hưởng thụ mọi sự sung sướng.
2.Sát-đế-lỵ(Kshastriya): Họ là những người thuộc giai cấp quý tộc hoặc là vua chúa, quan quyền, nắm quyền về cai trị đất nước. Họ tự cho mình là sinh ra từ cánh tay Phạm Thiên, thay mặt Phạm Thiên nắm quyền thống trị dân chúng về chính trị, quân sự nên cũng phải được các giai cấp khác tôn kính.
3.Vệ-xá (Vaisya): Là tầng lớp của những người buôn bán, thợ thuyền, họ được cho là sinh ra từ bắp vế Phạm Thiên. Tuy là giai cấp bình dân nhưng họ có của cải, một số là giới giàu có trong xã hội và đóng góp sưu thuế phục vụ hai giai cấp trên nên họ cũng có một số đặc quyền và cũng được coi trọng.
4.Thủ-đà-la (Soudra): Đây là những người tiện dân, các giai cấp trên xem họ được sinh ra từ gót chân của Phạm Thiên và họ được đối xử rất tàn tệ, họ chỉ được phép làm những việc thấp kém, nặng nhọc để phục vụ cho các giai cấp trên.
Ngoài ra còn một tầng lớp thấp kém nhất không được xếp vào một giai cấp nào cà đó là Chiên-đà-la ( Ba-ri-a, Pariah), đây là một hạng người được xem là thấp kém nhất trong xã hội Ấn Độ. Họ không được xếp vào giai cấp nào cả mà họ chỉ tồn tại để làm những công việc thấp kém, họ được sinh ra để làm nô lệ cho những giai cấp trên. Họ bị đối xữ như thú vật, thậm chí còn bị đánh đập, hành hạ khi đụng vào chéo áo hoặc nhìn vào thức ăn, hoặc vô tình đạp lên cái bóng của những người Bà-la-môn. Sát-đế-lỵ.
Hindu giáo quan niệm rằng con người sinh ra thuộc đẳng cấp nào thì họ thuộc về đẳng cấp đó, cho dù những người thuộc các giai cấp thấp kém có phấn đấu đến đâu cũng không thể trở thành giai cấp cao hơn được. Vì thế người thuộc gia cấp Bà-la-môn, Sát-đế-lỵ thì không được kết hôn với các giai cấp dưới và như đã được sắp đặt từ trước những người thuộc giai cấp cao quý thì được làm những việc được cho là cao quý, còn những người thuộc giai cấp thấp hèn thì chỉ làm những việc thấp hèn. Điều đó được xem là bất di bất dịch không thể thay đổi được. Tất cả những điều được đề cập trên đây đều xuất phát từ bộ luật Manu của Hindu giáo với những quy định ngặt nghèo về sự phân chia giai cấp trong xã hội Ấn độ ra đời khoảng 1200 năm trước Thiên Chúa giáng sinh.
Luật Manu của Hindu giáo ghi rõ: “Một người Bà-la-môn dưới 10 tuổi cũng có thể coi là cha của một kẻ ở các đẳng cấp dưới, dầu cho kẻ ấy đã 100 tuổi”.
Thế nhưng từ khi Đức Phật thành đạo và truyền bá giáo lý của ngài thì mọi quan niệm về giai cấp được cho thành trì kiên cố để những người Bà-la-môn và Sát-đế- lỵ dựa vào đó mà thống trị dân chúng đã bị đảo lộn. Đức Phật phủ nhận toàn bộ quan niệm về giai cấp trong luật Manu của Hindu giáo đang được thực hành trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Giáo lý của Đức Phật quan niệm rằng tất cả mọi chúng sanh đều bình đẳng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh và có khả năng thành Phật. Sự bình đẳng của giáo lý Đạo Phật được thể hiện một cách triệt để trong đời sống và mọi hành hoạt của Đức Phật, ví như trong giáo đoàn bao gồm 1250 đệ tử xuất gia của Đức Phật đều có đủ thành phần xã hội từ Bà-la-môn, đến Chiên-đà-la. Tất cả trong số họ đều được đối xử bình đẳng, cùng ngồi chung chiếu, cùng sống chung trong một tinh xá, sống với nhau trong tinh thần lục hòa cộng trụ, họ chỉ hơn nhau về mức độ tu tập và sự chứng ngộ.
Trong kinh Tiểu Duyên, Đức Phật đã giải thích về nguồn gốc cùng sự hình thành xã hội loài người. Qua đó Đức Phật khẳng định khởi thủy quả đất được hình thành chưa có một sinh vật nào tồn tại, sau một thời gian rất dài loài người xuất hiện, ban đầu chỉ thụ hưởng cuộc sống một cách tự nhiên nhưng dần dần do tham lam mà hình thành sự tư hữu và chiếm dụng. rồi từ đó nãy sinh ra những mâu thuẩn, bất đồng và tranh giành đất đai, của cải mà không có ai là người có thẩm quyền đứng ra phân xử. Vì vậy họ họp nhau và bầu ra một người có uy tín, có sức mạnh, nhan mạo đoan chính để làm trọng tài phân xử mọi sự tranh chấp trong cộng đồng gọi là Mahāsammato (Tàu dịch là ‘Đại bình đẳng chủ). Bấy giờ họ đồng ý với nhau rằng mọi người phải đóng góp lương thực để nuôi sống vị “Đại bình đẳng chủ” mà họ tôn lên. “”Người kia thường lấy lời hay đẹp ủy lạo mọi người và mọi người đều hoan hỷ tôn xưng rằng: Lành thay Đại vương! Lành thay Đại vương! Từ đó thế gian mới bắt đầu có danh từ vua. Lấy chánh pháp trị dân, nên gọi là Sát-lỵ và thế gian bắt đầu có tên “Sát-lỵ”( Kinh Tiểu Duyên- bản Việt dịch của HT Tuệ Sỹ). Xã hội ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều điều xấu ác, giành giật quyền lợi, làm nhiều điều bất thiện khiến cho có người chán ghét mà từ bỏ cuộc sống thế tục lên rừng sâu hằng ngày khất thực, sống tỉnh lặng, thiền tịnh tu hành, xa lìa các ác pháp, đến giờ ăn thì mang bình bát đi khất thực, từ đó trong thế gian mới xuất hiện tên Bà-la-môn. Các giai cấp sau đó cũng theo nhu cầu xã hội và tính đặc thù của từng công việc mà hình thành.
Như vậy theo kinh Tiểu Duyên thì giai cấp do nhu cầu và sự chuyển hóa của con người và xã hội mà hình thành chứ không phải được phân định từ những vị thần như trong giáo lý đạo Hindu. Có một điểm cần lưu ý là do nhu cầu thiết yếu mà con người thỏa thuận với nhau là bầu lên một vị minh chủ, làm trọng tài để phân xử các tranh chấp và duy trì sự trật tự của xã hội. Như vậy từ ý thức ban đầu, những vị vua chúa được bầu lên một cách dân chủ và bình đẳng, được dân chúng góp tiền của để nuôi vị minh chủ này, nó không khác gì xã hội đương đại bầu cử Tổng thống một đất nước vậy. Với luận thuyết này Đức Phật đã bác bỏ tất cả các quan niệm về giai cấp của đạo Hindu trước đây, bác bỏ quan niệm cho rằng giai cấp Bà-la-môn vốn là thượng đẳng được sinh ra từ miệng Phạm Thiên, thay mặt Phạm Thiên để thống trị loài người.
Đức Phật cũng khẳng định răng sở dĩ con người được tôn kính hay bị chê trách, khinh bỉ là do hành vi thiện hay ác mà họ tạo tác chứ không phải là dòng dõi hoặc giai cấp mà họ xuất thân. Tất cả chúng sanh đều bình đẳng như ngài đã tuyên thuyết : “ Không có giai cấp trong giọt máu cùng đỏ và nước măt cùng mặn”.
Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật
(bài đã được đăng trên trang Thuvienhoasen.org)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)