Ý NGHĨA 3 TÂM TRONG KINH DUY-MA-CẬT. VẬN DỤNG Ý NGHĨA 3 TÂM VÀO ĐIỀU LUẬT HT/GĐPT VN
03-01-2022 | | 0 Phản Hồi
☸ Tuệ Nam – Đào Nhã Phương
Kinh Duy-ma-cật sở thuyết (Vimalakīrti nirdeśa) là một tác phẩm quan trọng của Phật giáo Đại thừa, có ảnh hưởng rất lớn đến nền Phật giáo tại Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản. Kinh xuất hiện khoảng thế kỉ thứ 2 stl., mang tên của Duy-ma-cật là một nhân vật lịch sử sáng chói nhất trong phong trào vận động Đại thừa (một cư sĩ giàu có, sống cuộc đời thế tục nhưng vẫn đi trên con đường Bồ-tát). Đồng thời, đó là tinh yếu của học thuyết về sự cao thượng thù thắng của người học Phật, không bị ô nhiễm, không bị xoay chuyển bởi danh lợi phàm tình. Với những ý nghĩa này nên kinh còn có tên gọi khác là Bất tư nghì giải thoát.
Kinh Duy-ma-cật có ba bản dịch từ chữ Sanskrit ra chữ Hán còn được lưu lại trong Đại Chính Tân Tu Đại tạng kinh:
1. Phật thuyết Duy-ma-cật kinh, gồm 2 quyển do Chi Khiêm dịch vào đời Ngô (Tam quốc) đầu thế kỉ thứ 3 sau CN
2. Duy-ma-cật sở thuyết kinh, gồm 3 quyển do Cưu-ma-la-thập dịch vào đời Dao Tần (343 – 413)
3. Phật thuyết Vô Cấu Xưng kinh, gồm 6 quyển do Huyền Trang dịch vào đời Đường (600 – 664)
Nhan đề kinh tiếng phạn Vimalakīrti nirdeśa-sũtra: Những lời dạy của ông TỊnh Danh – Diệt Cấu Minh – Vô Cấu Xưng(xưng tán hạnh thanh tịnh). Tinh Danh hay Vô Cấu Xưng là biểu trưng của tinh thần nhập thế của Bồ-tát đại thừa. Từ đó, Vimalakīrti nirdeśa được Cưu-ma-la- thập dịch là Duy-ma-cật sở thuyết, Huyền Trang dịch là thuyết Vô Cấu Xưng.
Kinh Duy-ma-cật thuộc hệ Bát-nhã mà đỉnh cao là lý bất nhị được diễn tả bằng sự im lặng (một sự im lặng sấm sét) của Duy-ma-cật (Vimalakīrti ) trước câu hỏi của Bồ-tát Văn thù. Im lặng ở đây không phải là không hiểu, không diễn bày mà chính là ngôn ngữ tuyệt đỉnh, ngôn ngữ duy nhất có thể trình bày cái Bất khả tư nghì. Bất tư nghì giải thoát còn có nghĩa là đề cao sự tu tập của hàng cư sĩ.
Nội dung kinh Duy-ma-cật nói về sự biện tài vô ngại của cư sĩ Duy-ma-cật tại thành Tỳ-xá-ly, ở Trung Ấn thời Phật, có 14 chương. Trong đó mười một chương rưỡi đầu nói về Tịnh độ của Phật và nhấn mạnh tư tưởng Bồ tát đạo. Lấy trực tâm, thâm tâm và bồ đề tâm làm thực tiễn hành động. Hai chương rưỡi sau nói về lợi ích của kinh này và khuyến khích mọi giới cần phải tu tập và nổ lực hoằng truyền để đem lại lợi ích cho chúng sanh ở hiện tại và tương lai, khiến cõi Phật trang nghiêm thanh tịnh.
“Trực tâm là đạo tràng vì không giả dối”. Trực tâm là tâm bất nhị biểu tượng cho thiền định và trí tuệ. Trực tâm là mục tiêu của con đường tu chứng, tu là tiến thẳng đến con đường giải thoát, giác ngộ. Dù khó khăn đến đâu cũng vượt qua, dù ở đâu vui thích cũng không dừng lại hưởng thụ mà quyết chí hướng về giải thoát, giác ngộ. Đây là hình thái tu tập cao nhất, chỉ có thể đạt được bằng công phu thiền định, thâm nhập trí tuệ. Người Huynh trưởng GĐPT phải nỗ lực công phu thiền định để tăng trưởng đạo tâm, thâm nhập trí tuệ. Có như vậy mới đủ khả năng vượt qua những khó khăn từ nội ma, ngoại chướng, mới đủ khả năng hướng dẫn dìu dắt và làm chỗ dựa vững chắc cho đàn em của mình trong thời đại hiện nay.
“Thâm tâm là đạo tràng vì tăng ích công đức”. Thâm tâm là thực hành tu tập theo hướng sử dụng phương tiện, tức vận dụng ngũ minh (Nội minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh và y phương minh) để tu tập. Nhờ các hoạt động phương tiện như văn nghệ, hoạt động thanh niên, trại mạc, công nghệ thông tin,… để chúng ta đưa vấn đề giáo dục Phật giáo vào cho tuổi trẻ, dạy dỗ cho các em giáo lý về nhân quả, về tình thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ cho nhau, cho đồng loại và muôn loài. Người Huynh trưởng nỗ lực trau dồi Ngũ minh để hoàn thiện chính mình(tự lợi), sau đó có điều kiện để giúp mọi người cùng giác ngộ (lợi tha). Từ đây ta đạt đến vô ngã.
“Bồ-đè tâm là đạo tràng vì không thể sai lầm”. Bồ-đề tâm biểu tượng cho đại bi tâm, từ bi tâm, tứ vô lượng tâm. Người Huynh trưởng sống và hành hành hoạt lấy sự khổ đau của chúng sinh, của đàn em làm tiêu chuẩn để chia sẻ giúp đỡ đàn em vơi đi những khổ đau tiến đến một đời sống an lành, hạnh phúc. Từ đó các em biết chia sẻ nỗi khổ niềm đau với người khác. Người Huynh trưởng GĐPT Việt Nam luôn lấy việc cứu độ chúng sanh làm mục tiêu cho sự tu tập của mình, không vì lợi ích của cá nhân mình có vậy mới xoá tan được vị ngã để đạt được vị tha. Đây là đặc trưng của tư tưởng Đại thừa.
Các điều luật của GĐPT Việt Nam được các anh chị tiền bối rút ra từ giáo lý trong kinh điển Đại thừa trong đó có giáo lý ba tâm của Kinh Duy-ma-cật. Trực tâm tương ứng với điều luật thứ ba của GĐPT VN Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật. Người Huynh trưởng luôn luôn sống với trực tâm, tu tập để trở về với trực tâm tức là trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật. Thâm tâm tương ứng với điều luật thứ tư của GĐPT VN Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Muốn vậy ta phải tu tập Ngũ minh, sử dụng các phương tiện để rèn luyện mình thể hiện qua cuộc sống trong sạch từ thân cho tới tâm cho nghiêm chỉnh. Bồ đề tâm tương ứng với điều luật thứ hai và thứ năm của GĐPT VN đó là Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống và Phật tử sống hỷ xã để dũng tiến trên đường đạo.
GĐPT Việt Nam đã ra đời và hành hoạt suốt hơn 70 năm qua. Chính là nhờ quý anh chị Huynh trưởng tiền bối đã biết vận dụng ý nghĩa của Kinh Duy-ma-cật trong cuộc sống cũng như mọi hành hoạt của tổ chức. Vì vậy, chúng ta là những Huynh trưởng tiếp nối cần tư duy, chiêm nghiệm để ứng dụng tinh tuý của đạo Phật vào đời sống. Được như vậy thì GĐPT Việt Nam sẽ mãi là hình ảnh đẹp trong dòng chảy Đạo pháp và Dân tộc.
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)