VẬN DỤNG CHỮ TÍN TRONG LÝ TƯỞNG HÀNH HOẠT CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

dp
 Khánh Phương- Cao Trần Kim Liên
UV Thiếu Nữ BHD.GĐPTBRVT
Người Huynh trưởng vận dụng chữ Tín trong lý tưởng hành hoạt của Gia Đình Phật Tử cần thấu hiểu hai vấn đề căn bản sau:
Một là phải xây dựng niềm tin vững chắc cho chính tự thân.
Hai là với niềm tin đó người Huynh trưởng sẽ có cơ sở để đi vào các ngõ ngách cuộc sống, để cống hiến phụng sự tổ chức, giáo dục đàn em mà không thối chuyển, không lui sụt trước mọi khó khăn gian khổ. Mới vững tin trên con đường đạo lắm chông gai, thử thách. Với những nhận định đó con xin triển khai đề tài theo những trình tự sau:
Trước hết chúng ta cần phải tìm hiểu về mặt ngữ nghĩa của chữ Tín.
Theo Hán ngữ, chữ Tín (信) nghĩa là niềm tin, là giữ đúng điều hẹn ước. Về mặt chữ viết thì chữ Tín được kết hợp giữa bộ Nhân (イ) và chữ Ngôn (言). Ngụ ý người có chữ Tín thì lời nói của người ấy phù hợp với việc làm, nói sao làm vậy từ đó sẽ tạo được niềm tin nơi người khác.
Tiếp theo, xin lược qua ý nghĩa chữ Tín trong hệ thống giáo lý kinh điển Đại Thừa.
Trong Kinh Thắng Man, chữ Tín được nhắc đến bởi biểu tượng ở niềm tin bất hoại của Thắng Man phu nhân trước Tam Bảo. Với niềm tin vững chắc ấy mà Thắng Man đã lập mười Đại Thọ và ba Đại Nguyện rộng lớn không thối chuyển trước sự chứng tri của Đức Thế Tôn. Chỉ với có một niềm tin đủ lớn trước Tam Bảo mới đủ lực để Thắng Man phu nhân phát nên những đại nguyện rộng lớn ấy.
Trong Kinh Hoa Nghiêm, Phẩm Nhập Pháp giới, hình ảnh tiêu biểu thiếu niên Thiện Tài Đồng Tử trên con đường cầu học 52 vị Thiện tri thức. Trong hành trình cầu học, mười giai vị đầu tiên thì hành giả đã cũng cố được niềm tin bất hoại trên bước đường giải thoát giác ngộ tự thân. Để cầu học mười giai vị đầu tiên ấy thì hành giả phải vượt qua bao chướng ngại như lên núi đao hay vào hầm lửa, mà vẫn với chí nguyện kiên cường không thối thất lay chuyển. Vượt qua 10 giai vị đầu tiên, hành giả đã xây dựng cho mình một niềm tin bất hoại, không lui sụt, không thối thất trên hành trình giác ngộ giải thoát. Đến đây hành giả đã có được niềm tin vững chắc, bất hoại. Khi hoàn thành mười giai vị đầu tiên ấy đến đây đã đạt được giai vị Thập Tín.
Chữ Tín được nhắc đến trong Kinh Kim Cang là biểu tượng Bồ-tát khi thực hành Bồ-tát hạnh. Chỉ với một niềm tin vững chắc thì bậc Bồ-tát sơ phát tâm mới đủ sức để phát Bồ-đề tâm kiên cố với chí nguyện vững bền. Mới đủ sức để An trú tâm là luôn giữ vững tâm không thối thất và đủ lực để Hàng phục tâm để vượt qua những chướng ngại, những gian nan, thử thách mà không thối thất tâm Bồ-đề. Có đủ niềm tin thì Bồ-tát có thể độ vô số chúng sanh mà không thấy có chúng sanh nào được độ. Với niềm tin vững chắc, niềm tin bất hoại thì Bồ-tát sẽ dễ dàng trong hành trình hành Bồ-tát hạnh. Nếu không thì hàng Bồ-tát sơ phát tâm sẽ dễ thối thất khi gặp khó khăn chướng ngại trong hành trình hành Bồ-tát hạnh.
Chữ Tín lại được nhắc đến trong Kinh Pháp Hoa ở Phẩm Tín Giải thứ tư Là niềm tin và sự rõ biết một cách trọn vẹn. Phẩm Tín Giải được thiết lập để nêu rõ việc Tin và Hiểu “Pháp môn Nhất thừa” của các bậc Trung thượng căn. Sau khi các ngài nghe Đức Phật tuyên bày thí dụ về “Nhà lửa”, đến đây các vị tỏ ngộ và trình bày theo sự tin hiểu của mình.
Tiếp theo chúng ta tìm hiểu chữ Tin được nhắc đến trong 37 phẩm trợ Đạo:
Tín Căn là đứng đầu trong Ngũ Căn. Tín Căn là niềm tin vững chắc vào Tam Bảo. Niềm tin ấy phát khởi từ trí tuệ có xét đoán, tìm hiểu rõ ràng, niềm tin vững chắc, mãnh liệt. Chính niềm tin đó là nền tảng căn bản để phát sinh muôn hạnh lành. Như lời Phật dạy “Tín là mẹ vô lượng công đức” đó là niềm tin vào sự giác ngộ giải thoát chính mình.
Tín Lực cũng được đề cập đầu tiên trong Ngũ Lực. Tín Lực tức là sức mạnh do Tín Căn sinh ra với công năng phá hủy tất cả mọi thứ tà tín.
Trong Thất thánh tài thì chữ Tín cũng được nhắc đến đầu tiên. Nói lên đức tin lòng chánh tín, tin vào sự giác ngộ của Như Lai.
Chữ Tín lại còn được nhắc đến trong tổ chức Gia Đình Phật Tử ở 10 điều Tâm niệm của người Huynh trưởng: “Tin vào Đạo, Tin vào tổ chức Gia Đình Phật Tử” đây là điều tâm niệm thứ nhất. Đây chính là điểm căn bản mà người Huynh trưởng phải nhận rõ ngay từ những bước đầu tiên. Mà tin vào đạo nghĩa là trước hết chúng ta phải tin vào Đức Phật lịch sử với những giáo lý mà Ngài đã chứng ngộ như: Luân hồi, Nghiệp báo, Nhân quả, Thập nhị nhân duyên, Vô thường, Vô ngã..v.v.. Còn Tin vào tổ chức Gia Đình Phật Tử nghĩa là chúng ta phải có niềm tin vững chắc vào đường lối của tổ chức. Niềm tin vững chắc vào một tổ chức được xây dựng dựa trên nền tảng của giáo lý Phật-đà và có hệ thống tổ chức rõ ràng. Một tổ chức mà chư vị Tổ sư, chư vị Tiền bối đã dày công xây dựng, sáng lập với biết bao thế hệ tri thức dày công bảo vệ giữ gìn và đã trải qua bao nhiêu thăng trầm biến động của thời cuộc mà tổ chức ấy vẫn lớn mạnh và trường tồn đến ngày hôm nay.
Chữ Tín còn được nhắc đến trong cấp bậc của Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử đó là cấp Tín. Huynh trưởng được thăng cấp Tín nghĩa là Huynh trưởng ấy đứng trong hàng ngũ lãnh đạo của tổ chức. Huynh trưởng đã thọ lãnh cấp Tín là phải chịu trách nhiệm thịnh suy của đơn vị và liên đới chịu sự thịnh suy đơn vị tỉnh. Người Huynh trưởng thọ nhận cấp Tín được coi như có niềm tin vững chắc với tổ chức và với niềm tin ấy tạo động lực cho sự hy hiến với tổ chức mà không lui sụt hay lười mỏi.
Đến đây, chúng ta đã thấy chữ Tín là điểm căn bản trong lộ trình hành đạo giải thoát, như vậy người Huynh trưởng áp dụng chữ Tín thế nào vào lý tưởng hành hoạt Gia Đình Phật Tử mà nhất là hoàn cảnh hiện nay.
Trước hết, người Huynh trưởng cần phải xây dựng niềm tin cho chính mình, tin vào sự giác ngộ của tự thân. Tin vào sự chuyển hóa của thân tâm mỗi ngày. Tin vào lời Đức Thế Tôn đã khẳng định “Như Lai là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Đó là niềm tin căn bản, mà đó cũng chính là động lực để chúng ta thăng tiến trên bước đường giác ngộ, giải thoát. Muốn biến niềm tin này thành thực tiễn thì chúng ta sẽ từng bước hành trì để chuyển hóa tâm thức trên lộ trình giác ngộ, giải thoát. Chúng ta sẽ bắt đầu chuyển hóa tâm thức từ hình thái vị ngã nâng dần lên vị tha, để rồi đạt đến vô ngã và lên tầng cao Giác Hạnh Viên Mãn. Mà để chuyển hóa Tâm thức nói thì đơn giản thế đó nhưng thực hành là một hành trình không đơn giản tý nào. Vậy nên trước hết chúng ta phải xây dựng cho bằng được niềm tin vào lý tưởng, vào con đường mình sẽ đi và đích mình sẽ đến là giác ngộ là giải thoát. Để đạt được đích mà chúng ta hướng đến thì chúng ta phải dốc công hành trì, phải vận dụng những điều đã học, đã biết vào cuộc sống đời thường để chuyển hóa chính bản thân mình qua hình thái đầu tiên là Tu Lễ. Mà muốn thuần thục được Tu Lễ chúng ta phải biết “Buông”, biết vận dụng cũng như sắp xếp thời gian cho hợp lý để có được những thời khóa dành cho việc công phu, hành trì: Tụng Kinh, Niệm Phật, thực hiện tọa thiền, phải phát tâm ăn chay, phóng sanh,… Thuần thục được những việc trên nghĩa là tâm thức cũng được nâng dần lên. Mà muốn thuần thục vấn đề tu lễ thì người Huynh trưởng cũng phải có nghị lực để vượt qua bao chướng ngại chứ không hề dễ. Như phải vượt qua được những cơn đau nhức, những lúc hôn trầm trong thời gian thực tập tọa thiền, hay vượt qua được cái vọng tâm lăng xăng lộn xộn,..v.v.. Rồi phải buông bớt công việc trong cuộc sống sinh nhai và bao chướng ngại khác… và dành thời gian hành trì tụng kinh hay niệm Phật mỗi ngày vì trong cuộc sống hiện nay có quá nhiều bận rộn. Lại nữa, người Huynh trưởng còn phải biết sắp xếp và tự vạch kế hoạch cho việc tu học, sinh hoạt như: tham gia các buổi học hay các kỳ tu Bát Quan Trai. Hay những chướng ngại khi phát tâm ăn chay, ..v.v.. Và với rất rất nhiều chướng ngại khác trong cuộc sống sinh nhai.
Nhưng với niềm tin vững chắc và chí nguyện kiên cường thì người Huynh trưởng dễ dàng để vượt qua những chướng ngại ấy. Với niềm Tin vững chắc mới là điểm căn bản và cũng là động lực của hành giả trên lộ trình giải thoát. Và nếu có được niềm tin vững chắc thì người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cũng dễ dàng vượt qua để hoàn thiện dần chính mình.
Khi đã dần hoàn thiện chính mình thì Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử phải thực hiện nhiệm vụ kép là giáo dục đàn em. Đây là bước chuyển sang hình thái Tu Hành. Lúc này chúng ta mới nói đến Mở và Cho, khi niềm tin chúng ta đủ lớn để chúng ta có thể bao dung, buông bỏ mà vượt qua những chướng ngại khi vào đời. Vậy khi chúng ta đã có vốn liếng rồi mới lấy cái vốn ấy mà làm tốt công tác lợi tha mà đối tượng của chúng ta là lớp đàn em. Mà hành trình giáo dục đàn em là một việc làm không hề dễ. Vẫn biết là phía trước chúng ta là một hành trình không hề đơn giản nhưng chúng ta đã phát tâm, phát nguyện bằng niềm tin vững chắc rồi thì chúng ta không hề gian khó mà lui sụt hay thối chí. Để hoàn thành sứ mệnh thì người Huynh trưởng phải có đức hy sinh, lòng khiêm hạ, biết lắng nghe và sửa đổi, giàu tình thương,… Có như thế chúng ta mới hoàn thành tốt trách nhiệm mà tổ chức giao phó. Trong sinh hoạt tu học với tổ chức chúng ta gặp phải những em đoàn sinh cá biệt khó nghe, khó dạy thì chúng ta phải tìm mọi cách để chuyển hóa các em. Phải tin vào khả năng giác ngộ ở các em. Phải tin vào sự chuyển hóa ở mọi người. Đồng thời Huynh trưởng phải có đức hy sinh, phải kiên trì, phải gần gũi để cùng hòa nhập, để thấu hiểu, để yêu thương và tha thứ cho các em. Chúng ta không được thối thất trước những khó khăn mà tổ chức giao phó.
Ở đây, con xin đưa ra những nhận định của con trong giai đoạn hiện nay. Trước nghịch cảnh xã hội hiện nay vẫn đề tu học của Gia Đình Phật Tử gặp nhiều chướng ngại, chính lúc này đây chúng ta nổ lực để vượt qua, ngay lúc này đây chúng ta phải tin sâu vào Nhân quả, Nghiệp báo, Vô thường,… để hành hoạt. Người Huynh trưởng lúc này nếu không vững niềm tin sẽ trở nên bi quan, lo sợ trước nghịch cảnh dịch bệnh. Chúng ta cần phải lạc quan quyết định cho chính bản thân mình và lan tỏa vào môi trường xung quanh. Ngay bây giờ chúng ta phải có niềm tin làm thay đổi chính mình từ thân đến tâm. Và chúng ta phải có nhận định “Không thể có một trí tuệ sáng suốt trong một thân thể bệnh tật”. Từ nhận định đó nên chúng ta phải ngay từ bây giờ phải thay đổi cách sinh hoạt cũng như thay đổi chế độ thức ăn, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý để chúng ta phải có một thân thể khỏe mạnh. Sau đó chúng ta mới nói đến việc tâm thức. Mà cũng chính thời điểm này là lúc mà ta sẽ có nhiều điều kiện để soi rọi lại chính mình. Mặt khác cũng chính lúc này đây chúng ta có nhiều thời gian để hành trì ứng dụng để chuyển hóa tự thân.
Và với tổ chức thì chúng ta mới tự tin đương đầu nhận lãnh những nhiệm vụ mà tổ chức giao phó và phải uyển chuyển vận hành, không từ nan hay thối thất. Bằng mọi hình thức mà chúng ta tiếp cận để hoàn thành sứ mệnh giáo dục đàn em. Để làm được điều đó những Huynh trưởng hiện nay phải tiếp cận công nghệ thông tin mới thuận tiện cho việc tu học cũng như giáo dục đàn em trong thời buổi hiện tại. Nếu không thì đây cũng là một chướng ngại mà làm lui sụt tinh thần trên bước đường hành hoạt phụng sự tổ chức. Vì hiện nay ứng dụng công nghệ thông tin là nơi để trao đổi, để sinh hoạt để học tập và cũng là nơi để tổ chức những sự kiện và cũng là nơi để lan tỏa năng lượng tu học. Mà vừa qua tỉnh nhà đã tổ chức biết bao sự kiện trên hệ thống trực tuyến như: Tổ chức các đêm Huân Tu, tổ chức hội thi kể chuyện cho Ngành Đồng, hội thi Viết Văn cho Ngành Thiếu, tổ chức Hiệp Kỵ, tổ chức các lớp học dành cho Huynh trưởng và đoàn sinh trong tỉnh,… Đó là những sáng tạo với những khối óc những con tim và sự nỗ lực hy hiến rất lớn của tất cả anh chị em lam viên tỉnh nhà. Để có được những thành tựu lớn như thế là sự kết chắc của niềm tin và tình thương vào sự gắn bó với tổ chức. Nếu người Huynh trưởng mà không đủ niềm tin vững chắc thì trước mắt cái gì cũng khó, việc gì cũng khổ và bao nhiêu chướng ngại bủa vây. Như chưa làm đã sợ không thành công, sợ không có người hợp tác, sợ thất bại sẽ bị khiển trách..v.v.. Mà đã làm Huynh trưởng thì không ngại khó, không sự khổ là nhờ vào có niềm tin vững chắc. Mà khi có được niềm tin vững chắc rồi thì từ suy nghĩ cho đến lời nói và việc làm cũng tích cực hơn, mãnh liệt hơn, lúc này sẽ không còn ngại khó hay không sợ khổ. Đến đây thì người Huynh trưởng sẽ đủ niềm tin để đương đầu trước những thử thách mà lại xem đó là niềm vui trên bước đường hành đạo. Như điều tâm niệm thứ tư trong Mười điều tâm niệm của người Phật tử: “Xây dựng đạo hạnh thì đừng cầu không bị ma chướng vì không bị ma chướng thì chí nguyện không kiên cường”.
Tóm lại, người Huynh trưởng để tồn tại và hành hoạt với tổ chức Gia Đình Phật Tử phải xuất phát từ niềm Tin mà phải là niềm tin vững chắc vào tổ chức. Có được niềm tin căn bản đó chúng ta mới có đủ ý chí cũng như nghị lực để vượt qua mọi thử thách, chướng ngại để hoàn thành sứ mệnh mà tổ chức giao phó.
Khánh Phương-Cao Trần Kim Liên
z2974894438672_ac5f3f1e8b040e07652a32c7cc800105-600x320
digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb