DU LỊCH TÂM LINH : ĐƯỢC VÀ MẤT

1529375237-300-3-xuan-lam-le-hoi-bd-360x360

Cách đây khoảng chục năm thuật ngữ “du lịch tâm linh” xuất hiện ở nước ta và ngày càng được phổ biến rộng rãi hơn. Mới đầu nghe thuật ngữ này tôi thấy rất lạ lẫm và cố tìm hiểu nghĩa của nó, vì sao mà du lịch và tâm linh là hai phạm trù cách biệt như mặt trời và mặt trăng như thế lại được kết hợp với nhau như một sự cưỡng hôn vậy  Sau nhiều năm tìm hiểu và học hỏi từ những người hiểu biết tôi cũng còn rất mơ hồ, thế là tôi phải tìm đến internet để tìm kiếm và tôi đã được biết loại hình này ở phương Tây gọi là Spiritual tourism, và một số giải thích như thế này: Du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh vừa làm cơ sở vừa làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần.” Và được giải thích thêm như thế này: “Theo cách nhìn nhận đó, du lịch tâm linh khai thác những yếu tố văn hóa tâm linh trong quá trình diễn ra các hoạt động du lịch, dựa vào những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với lịch sử hình thành nhận thức của con người về thế giới, những giá trị về đức tin, tôn giáo, tín ngưỡng và những giá trị tinh thần đặc biệt khác.

Theo đó, du lịch tâm linh mang lại những cảm xúc và trải nghiệm thiêng liêng về tinh thần của con người trong khi đi du lịch.”

Để cụ thể hóa những địa điểm thích hợp cho loại hình du lịch này người ta liệt kê một số địa điểm như Côn Đảo, nơi có mộ bà Võ Thị Sáu nghe nói là rất linh thiêng, Núi Yên Tử, nơi Phật Hoàng-Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành và xiễn dương phái thiền Trúc Lâm, Chùa Hương, là một quần thể chùa chiền và đền đài, hang động rất nổi tiếng ở Hà Nội, Khu di tích đền Hùng, nơi có đền thờ quốc tổ Hùng Vương ở Phú Thọ, Chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình, Chùa Thiên Mụ ở Huế, chùa Tam Chúc, ngôi chùa lớn nhất thế giới ở Hà Nam…

Nghe giải thích về ý nghĩa du lịch tâm linh như trên thì cũng thấy thú vị thật, du khách đi du lịch đến những địa điểm thờ tự của các tôn giáo, đền đài …để vừa được tham quan tìm hiểu các nơi linh thiêng của tôn giáo vừa được thể hiện đức tin của mình thì thật là một công hai việc. Tôi không biết các nước khác họ khai thác loại hình du lịch tâm linh này như thế nào nên không dám lạm bàn, cũng xin không đề cập đến các địa điểm du lịch tâm linh thuộc về di tích chiến tranh, di tích lịch sử hay các đền tài của các tôn giáo,  tín ngưỡng khác mà chỉ đề cập đến một số địa điểm  chùa chiền của Phật giáo được đưa vào danh sách những địa điểm du lịch tâm linh thu hút khách. Cụ thể ở đây  chỉ xin đề cập đến những chùa cổ được xây dựng cách đây hằng mấy trăm năm và quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, nơi được cho là thánh địa của Phật giáo Việt Nam. Những ngôi chùa trước đây vốn được cho là nơi tôn nghiêm bao nhiêu đời nay duy trì đúng truyền thống văn hóa thờ tự và là nơi để tín đồ đến đó để tu học và chiêm bái bỗng nhiên khi du lịch tâm linh tràn vào thì nó đã bị biến chất hoàn toàn. Hàng đoàn người nườm nượp đổ xô đến những nơi tôn nghiêm này tạo không khí huyên náo và bát nháo phá vở sự thanh tịnh, uy nghi trầm mặc vốn có từ bao đời. Rồi thì hàng quán mọc lên bán đủ thứ thượng vàng hạ cám để phục vụ du khách, các dịch vụ ăn theo cũng mở ra trăm ngàn thứ, người ta thản nhiên mở những cửa tiệm ăn uống, nhậu nhẹt trước đường vào chùa, nhiều hàng quán bán thịt động vật thậm chí có cả thịt thú vật hoang dã bị cấm bắt giết cũng được bày bán công khai, chưa kể hàng trăm hệ lụy khác nữa do du lịch tâm linh mang đến. Chỉ lấy ví dụ như quần thể chùa chiền ở Yên Tử, vốn được xem như thánh địa của Phật giáo Việt Nam, vì đây là nơi đã được Phật Hoàng-Trần Nhân Tông chọn để làm nơi tu hành. Từ một ông vua có đầy đủ quyền lực cùng mọi thứ dục lạc trên trần gian, ngài đã từ bỏ tất cả để tìm đến nơi núi rừng hoang vắng nầy xuất gia tu hành. Hành động của ngài không khác gì hai mươi sáu thế kỷ trước thái tử Tất-đạt-đa đã từ bỏ cung vàng điện ngọc, vơ đẹp con ngoan, từ bỏ ngôi vị quân vương đang chờ mình ngự trị để xuất gia tìm đạo và ngài đã vượt quan biết bao nhiêu chướng duyên, nghịch cảnh để tìm ra ánh sáng chân lý cứu khổ chúng sanh. Vua Trần Nhân Tông cũng đã xem ngai vàng “như đôi dép rách” nên đã từ bỏ nó cùng mọi thứ dục lạc khác để một thân một mình lên núi Yên Tử tu hành và khai sáng ra thiền phái Trúc Lâm-Yên Tử. Vì thế nơi đây  được phật tử xem như là thánh địa để hành hương, chiêm bái. Phật tử tín tâm sẽ phát nguyện đến nơi đây với tâm nguyện hành hương thánh tích, về lại nơi mấy trăm năm trước Phật Hoàng-Trần Nhân Tông đã đặt dấu chân của mình nơi rừng sâu, núi thẳm, đối diện với bão tố mưa sa, đối diện với rừng hoang, thú dữ, ma thiêng nước độc để quyết chí xuất gia học đạo. Khi phát tâm nguyện đến hành hương chiêm bái nơi đây là phật tử đã có ý niệm noi theo công hạnh của ngài để tu tập, được quỳ lạy nơi thánh địa thiêng liêng này để tỏ lòng ngưỡng mộ và quy kính đức Phật Hoàng. Chính tâm nguyện của phật tử muôn phương khi đến nơi này rất thanh tịnh và trong sáng như thế nên đã tạo ra một nguồn năng lượng thanh tịnh và tinh tấn, thế nên bao nhiêu năm quần thể Trúc Lâm-Yên Tử vẫn bảo tồn dấu tích của tiền nhân và hồn thiêng sông núi vẫn được giữ gìn. Nhờ thế mà những người đã đến hành hương chiêm bái nơi đây  như được tiếp nguồn năng lượng thanh tịnh, từ bi để làm tư lương cho mình trong hành trình tu tập theo giáo pháp của Phật. Thế nhưng giờ đây, khi nơi đây đã trở thành một địa điểm du lịch tâm linh, để thu hút và tạo điều kiện dễ dàng cũng như mọi tiện nghi vật chất  cho du khách, cáp treo được xây dựng, hàng quán mọc lên cùng vô số dịch vụ phục vụ du khách không thiếu một thứ gì kể cả các quán bán thịt thú rừng, chưa kể nạn lợi dụng đức tin của phật tử để tạo nên một số dịch vụ phục vụ cho cầu kiến nhằm mục đích moi tiền du khách. Thật đáng tiếc cho một thánh địa, thiêng liêng giờ đây trở thành nơi đô hội, bát nháo với muôn vàn hệ lụy xấu đang xảy ra.

Chỉ nêu lên một Yên Tử thôi để chúng ta có thể chiêm nghiệm lại khi loại hình du lịch tâm linh phát triển thiếu định hướng như thế, thì sẽ được gì, mất gì?

Trước tiên nói về cái ĐƯỢC: Cái được thì rất dễ nhận biết. Trước tiên là các công ty du lịch sẽ vin vào yếu tố tâm linh để thu hút du khách tham gia tour và họ sẽ “ăn ra làm được” và thu vào nhiều lợi nhuận, thứ hai giúp cho một số người có thu nhập nhờ vào các dịch vụ ăn theo, đó là nói những dịch vụ công khai minh bạch chứ các dịch vụ “tâm linh” như mua bán lễ phẩm hoặc lợi dụng đức tin của du khách để trục lợi một cách tinh vi hơn thì nguồn thu của họ sẽ rất cao, thứ ba là nhà nước (lớn, nhỏ) cũng thu được một số tiền từ thuế và ngoại tệ do du khách mang đến, thứ tư là ban quản trị chùa hoặc khu di tích sẽ có  khoản thu từ các thùng phước điền, công đức. Còn vô số lợi lộc khác mà số người sống vin theo loại hình du lịch này thu được…

Bây giờ nói về cái MẤT: Cái được thì dễ nhận biết vì nó hiển hiện cụ thể, còn cái mất thì lớn hơn nhiều nhưng khó nhận biết hơn vì nó thuộc về giá trị tâm linh và tinh thần. Cái mất trước tiên là đã đánh mất cái hồn của vùng đất thánh, cái hồn đó đã được un đúc từ khí thiêng sông núi, của công đức tu hành mà Phật Hoàng cùng những vị cao tăng bao nhiêu thế hệ đã tạo ra. Cái hồn đó cũng đã được sự gia trì, ủng hộ của chư vị Bồ-tát, của chư thiên và long thần hộ pháp, nhưng khi vùng đất này bị thế tục hóa với những thứ uế tạp thì những mãnh lực hộ trì của những vị này cũng rút lui dần. Cái mất thứ hai là vì những cái lợi nhuận vật chất của một số thành phần nêu trên hưởng được khiến cho Phật giáo nước nhà mất đi những thánh địa, những nơi hành hương chiêm bái thuần túy cho tín đồ phật tử tín tâm. Một cái mất lớn hơn nhiều là nước ta đã mất đi những nơi tôn nghiêm mang giá trị đỉnh cao của trí tuệ và nơi lưu dấu tích tiền nhân, những địa danh mang giá trị lịch sử ghi dấu một nền văn hóa  đặc sắc, tinh hoa của dân tộc…

Với sự tính toán của con người hiện đại thực dụng và mưu trí để phát triển một loại hình kinh  doanh tôn giáo được núp bóng dười cái tên là “du lịch tâm linh”, một loại hình kinh doanh siêu lợi nhuận nên họ đã khai thác tối đa và triệt để mà không quan tâm tới những tinh túy của dân tộc đã bị đánh mất bởi sự kinh doanh du lịch thiếu định hướng này. Những  di sản văn hóa của dân tộc được hun đúc bằng tâm huyết và xương máu  tiền nhân đã bị tiêu vong vì lợi nhuận của một thiểu số. Trước thực trạng này. xin những nhà lãnh đạo có trách nhiệm, những nhà văn hóa quan tâm tới di sản của tiền nhân, những nhà kinh doanh du lịch hãy trân quý những viên ngọc sáng của nền văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc do tiền nhân qua mấy ngàn năm hun đúc, tạo dựng nên. Quý vị có thể thu được nhiều tiền bạc của nhiều nơi bằng nhiều phương cách nhưng hãy xin chừa lại những nơi này vì tiền bạc, của cải thì có thể tạo ra bằng nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, mất tiền của có thể kiếm lại được, nhưng khi đã phá vỡ di sản văn hóa tâm linh, phá vỡ tinh túy, cốt tủy văn hóa dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm  của tiền nhân thì vĩnh viễn không thể nào tạo dựng lại được.

Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật

(bài đã đăng trên trang thuvienhoasen.org)

chua-quang-ninh

khoi-huong-nghi-ngut-den-trinh

nguoi-dan-leo-chua-dong

tray-hoi-yen-tu

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb