LẠI CHUYỆN PHÓNG SANH

NHỮNG CÂU CHUYỆN MÙA VU LAN-BÁO HIẾU
CHUYỆN THỨ NĂM
373545295_2095590547438909_4128511162671903872_n
LẠI CHUYỆN PHÓNG SANH
Không hiểu từ động cơ nào mà trong mùa Vu lan báo hiếu năm nay đã có nhiều người lên án việc phóng sanh một cách mãnh liệt đến thế! Họ phát tán hình ảnh một tổ chim non bị chết trơ bộ xương rồi cho rằng đó là do việc phóng sanh làm chết cha mẹ của chúng nên chúng bị đói khát mà chết theo, họ cũng phát tán hình ảnh một chùa nào đó xếp các lồng chim trước mặt rồi các vị sư tụng kinh chú nguyện trước khi thả chúng ra. Từ những hình ảnh đó đã có rất, rất nhiều người dựa vào đó để tha hồ chửi rủa, nhục mạ Tăng sĩ, chửi rủa tín đồ Phật giáo, họ cho là sư sãi vẻ ra ra chuyện phóng sanh để làm điều ác, để thu tiền bá tánh mục đích hưởng lợi cho mình… Còn phật tử thì ngu muội, mê tín nên nhắm mắt làm theo gây ra cảnh chết chóc cho muông thú và chỉ làm lợi lạc cho sư sãi tha hồ mà thu tiền rồi hưởng thụ một cách sung sướng.
Bỏ qua một bên thành phần cố tình lợi dụng những sơ hở trong việc hành đạo lệch lạc của một vài nơi để nhục mạ, xúc phạm Phật giáo cho thỏa lòng ganh ghét, thù hận, đối với loại người này thì họ đánh phá Phật giáo có chủ đích nên không cần đề cập tới họ làm gì. Chỉ tiếc là một số người cũng cho mình là phật tử nhưng bị những luận điệu xuyên tạc đó mà hùa theo tạo thành hội chứng bầy đàn triệt hạ uy tín của Phật giáo.
Bài này tôi viết vào mùa Vu lan hai năm trước, nhưng thiết nghĩ những lúc như thế này cũng cần nói lại cho mọi sự được tỏ tường tránh sự nhầm lẫn rồi nghĩ sai về đức phóng sanh trong đạo Phật rồi hùa theo tiếp tay cho những người cố tình nhục mạ Phật giáo đang trở thành phong trào rầm rộ như hiện nay.
Sau khi thành đạo tại gốc cây bồ-đề, trong suốt 45 năm còn lại của cuộc đời Đức Phật, ngài đã du hóa thuyết giảng về giáo lý của ngài để cứu độ cho vô số chúng sanh. Tuy giáo lý của ngài được chép ra thiên kinh vạn quyển nhưng tựu trung Đức Phật đã dạy cho chúng sanh hai giáo lý căn bản
1. Cuộc đời là khổ
2. Con đường thoát khổ
Để thực hành giáo lý của Đức Phật cần phải dựa vào hai nền tảng chính đó là TỪ BI – TRÍ TUỆ- DŨNG LỰC. Bi-Trí-Dũng hỗ tương cho nhau để một hành giả thực hành lời dạy của Đức Phật một cách đúng chánh pháp.
Trong khi loài người của chúng ta tự hào là một loài động vật cao cấp nhất, các loài động vật khác hầu hết sống theo bản năng thì vì có lý trí cho nên loài người tự xem là chúa tể của muôn loài, các loài động vật khác đều bị xem là tầng lớp thấp kém. Giáo lý từ bi của Đức Phật xem tất cả chúng sanh đều bình đẳng, vì thế khuyên chúng ta phải tôn trọng sự sống của muôn loài và không được xâm phạm mạng sống của chúng, tất cả muôn loài dù chỉ là phận con sâu con kiến hay các động vật to lớn như voi, cọp đều có đức tính hiếu sinh, tham sống sợ chết. Thế nên vì tôn trọng mạng sống của chúng sanh mà Đức Phật chế giới không sát sanh, đó là giới đầu tiên trong 5 giới của người phật tử. Đối với người tu thập thiện (thực hành 10 điều lành) thì giới không sát sanh được nâng lên một bực là không sát sanh mà phóng sanh.
Kinh Phạm Võng dạy rằng: “Người Phật tử nếu lấy tâm từ mà làm việc phóng sanh thì thấy tất cả người nam đều là cha mình, tất cả người nữ đều là mẹ mình. Vì mình trải qua nhiều đời đều do đó mà sinh ra, nên chúng sanh trong sáu đường đều là cha mẹ của mình. Nếu giết hại sinh mạng để ăn thịt tức là tự giết cha mẹ mình, cũng là giết thân cũ của mình. Tất cả đất, nước là thân trước của mình. Tất cả gió lửa là bản thể của mình. Cho nên, thường thực hành phóng sanh thì đời đời sinh ra thường gặp Chánh pháp. Khuyên dạy người làm việc phóng sanh, nếu thấy người đời giết hại súc vật, nên tìm phương tiện để giải cứu, khiến cho chúng được thoát khổ nạn.”. Luận Đại Trí độ dạy rằng: “Chư dư tội trung sát nghiệp tối trọng, chư công đức trung phóng sanh đệ nhất”. “Trong tất cả các tội ác, tội sát sanh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, phóng sanh là công đức lớn nhất”.
Từ trong ý niệm vì thương cho sự sống của muôn loài mà Đức Phật khuyến khích mọi người nên phóng sanh, tức là đem lại sự sống cho một con vật sắp chết hoặc giải thoát cho chúng sanh thoát khỏi cảnh giam cầm được trở về môi trường sống của mình. Việc phóng sanh phải được xuất phát từ lòng từ bi muốn đem lại sự sống cho chúng sanh sắp phải bỏ mạng hoặc giải thoát chúng khỏi cảnh bị giam cầm vì thế việc làm phóng sanh phải được thực hiện trong bất kỳ lúc nào, có thể là một lúc tình cờ và ngẫu nhiên nào đó. Ví dụ đi đường gặp người thợ săn bắt được một con nai đem đi bán cho quán nhậu, ta bỏ tiền ra mua rồi thả nó về rừng, hoặc thấy một đàn kiến qua suối bị cuốn cuốn trôi ta thả cho nó một khúc gổ để nó an toàn qua sông, hoặc đơn giản hơn đang lái xe đi trên đường gặp con vật đang di chuyển băng ngang, ta dừng xe lại hoặc tránh đi để con vật được sang đường an toàn, cứu một con bướm sa vào bẩy nhện v.v…
Dù cho việc phóng sinh là do tình cờ hay có chủ ý thì cũng phải xuất phát từ lòng từ bi và đặt nặng mục đích là ban tặng sự sống cho các loài vật sắp bị mất mạng, thế nên phóng sinh là phải đưa nhanh những con vật được giải thoát khỏi cái chết nhanh chóng trở về với môi trường sống của chính nó, ví dụ như con chim phải được bay về trời cao, con cá cần phải được sống trong nước một cách an toàn mà không cần phải câu nệ hình thức.
Từ những ý nghĩa nêu trên việc phóng sinh phải được thực hiện nhanh chóng và đúng cách, đúng ý nghĩa của phóng sinh. Có thể xuất phát từ tâm có ý định muốn phóng sinh có chủ ý, một buổi sáng ta ra chợ mua một số cá, chim rồi thực hiện việc phóng sinh vào một dòng sông an toàn hoặc thả cho chim bay về trời ngay tức khắc mà không cần phải đem về chùa chờ đợi thầy chú nguyện rồi mới đem phóng sinh. Trong tất cả các việc phóng sanh nếu có quý thầy chú nguyện sự an toàn cho các con vật được phóng sinh thì càng tốt nhưng việc thiết yếu là phải nhanh chóng giải thoát cho nó, nếu không có điều kiện đó ta cần nên nhanh chóng phóng thích con vật nhanh chóng trở lại môi trường sống của nó một cách an toàn và kịp thời.
Về mặt hình thức phóng sanh có nghĩa là mình ban tặng sự sống cho những con vật sắp bị giết hoặc giải thoát những con vật đang bị cùm kẹp mà trả cho nó được tự do. Còn về nghĩa bóng, phóng sanh là phóng thích những cái tâm ô uế như cái tâm tham, cái tâm đố kị, hơn thua và thù hận ra khỏi con người mình để mình được tự do,đó là ý nghĩa của việc phóng sanh. Nếu việc phóng sanh được thực hiện bởi hai ý nghĩa nêu trên thì công đức phóng sinh sẽ vô lượng.
Hiện nay hầu hết các chùa hay tư gia, những người phát tâm phóng sanh đa số được thực hiện đúng ý nghĩa và đúng cách như đã nói ở trên chỉ có một vài nơi các phật tử mua chim của những người làm nghề bẫy chim đem đến chùa, hoặc bán ngay trước cửa chùa để quý thầy chú nguyện rồi sau đó mới thả ra. Có một số chim vì bị bắt thả nhiều lần nên một số chim suy kiệt bị chết , một số khác quá yếu không bay xa được thế là bị những kẻ bẩy chim bắt lại đem bán lại cho người phóng sanh. Việc phóng sanh không đúng pháp và đúng cách như thế đã khiến cho một số người có thể vì không hiểu hết ý nghĩa của sự phóng sanh hoặc có chủ ý muốn dùng hình ảnh này để xuyên tạc, bêu rếu hạnh phóng sanh của đạo Phật gây sự hiểu lầm đáng tiếc trong cộng động xã hội kể cả những Phật tử chưa am tường. Để cho công đức phóng sanh đem lại lợi lạc cho người phóng sinh và vật được phóng sanh và không để ngoại đạo xuyên tạc thiết tưởng quý Tăng, Ni cần phải hướng dẫn một cách cụ thể ý nghĩa và cách phóng sanh đúng pháp, đúng tinh thần từ bi, trí tuệ cho phật tử thực hiện.
Là phật tử chúng ta cần đem trí tuệ để soi rọi lòng từ bi sao cho việc phóng sanh cần được thực hiện đúng chánh pháp, đúng ý nghĩa, đúng cách. Có như thế mới đem lại sự sống một cách an toàn cho loài vật được cứu mạng và đem đến phước đức cho người thực hành hạnh phóng sinh.
Như đã nói ở trên khi thực hành một thiện pháp phật tử cần dựa trên nền tảng từ bi ,trí huệ và dũng lực. Phải biết áp dụng trí tuệ để thực hành hạnh từ bi cụ thể ở đây là việc phóng sanh mới có thể đem lại lợi lạc cho chúng sanh và phát triển hạnh từ bi nơi chính mình. Dứt khoát không thực hành việc phóng sanh bằng cách đặt hàng trước, hoặc mua chim cá của những người săn bắt bán trước cửa chùa rồi đợi chư tăng chú nguyện một cách câu nệ hình thức để rồi khi thả ra có con quá yếu bay không nổi bị chết trên đường hoặc bị những người săn chim bắt lại. Các chùa cũng cần nhìn nhận lại cách phóng sanh của chùa mình để điều chỉnh cho phù hợp với chánh pháp.
Tâm Lễ
( bài đã đăng trong trang web thuvienhoasen.org)
Có thể là hình ảnh về 1 người và chim
Tất cả cảm xúc:

2121

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb