ĐẦU XUÂN ĐI LỄ CHÙA.

dau-xuan-di-le-chua

ĐẦU XUÂN ĐI LỄ CHÙA.

Đi lễ chùa ngày đầu năm là một nét văn hóa đẹp của người dân Việt Nam, đặc biệt là đối với phật tử. Có thể nói ngày đầu năm đi lễ chùa cũng gần như dự một lễ hội, vì tới đó chúng ta sẽ bắt gặp rất đông phật tử và chúng ta cũng có thể gặp những người không phải là phật tử nhưng họ có đức tin vào Đức Phật. Vào những ngày đầu năm hầu hết các chùa được tô điểm muôn màu rực rỡ với màu vàng của hoa mai, hoa cúc, màu đỏ của hoa hồng, hoa lay-ơn, của câu đối, thư pháp…chứ không mang nét u tịch, trầm lắng như những ngày thường trong năm. Đi lễ chùa đầu năm chúng ta sẽ bắt gặp những tà áo dài truyền thống tha thướt đủ màu rực rở trong nắng sớm, ta cũng sẽ gặp hình ảnh nam thanh nữ tú cùng diện những trang phục đẹp nhất đến chùa dù thường ngày họ rất ít khi đi lễ, ngày đầu năm chùa cũng được điểm tô muôn màu muôn sắc chứ không phải chỉ một màu lam sương khói hay áo nâu sồng dân dã. Trong chánh điện khói hương quyện tỏa, phảng phất mùi trầm hương nhẹ lan trong không gian thanh tịnh, thỉnh thoảng vài tiếng chuông u trầm ngân nga tạo nên một không gian trầm mặc huyền bí, thiêng liêng. Đối trước Phật tiền hàng thiện nam tín nữ phật tử thành kính dâng hương và dâng lời cầu nguyện. nhìn những nét mặt thành kính hướng về hình tượng Đức Phật đang ngự trên đài sen chúng ta đọc được tất cả tấm lòng thành kính của họ.

Sẽ đẹp biết bao nếu những lời cầu nguyện, khấn hứa đó là lời cầu nguyện một năm mới an lành, càng đẹp hơn nữa nếu những lời cầu nguyện đó là những ước nguyện chư Phật, chư Bồ-tát phù hộ, độ trì, trợ duyên cho họ được tinh tấn tu tập, chuyển đổi tâm thức để có một lối sống thiện lương, làm lành tránh ác, tạo nhiều thiện nghiệp, phụng sự cho đạo, cho đời và cho chính bản thân được thoát ra khỏi bể khổ nguồn mê như lời trong bài cúng hương

… Cầu phật từ gia hộ

Tâm bồ-đề kiên cố

Chí tu học vững bền

Xa biển khổ nguồn mê

Chóng quay về bờ giác.

Những hình ảnh và đẹp và ý nghĩa cao quý trong ngày lễ Phật đầu năm là một nét văn hóa đẹp của dân tộc Việt Nam đã qua mấy ngàn năm và đã trở thành một truyền thống thiêng liêng, mang nặng bản sắc dân tộc cần gìn giữ và phát huy. Có thể nói đó là nét đẹp mang tính quốc hồn, quốc túy.

Tiếc rằng những nét đẹp đó có chút tàn phai khi sự cầu nguyện mang hơi hám thế tục và chuyển tải những ước vọng nhuốm mùi lợi danh. Những nét đẹp đó cũng bị lấn át bởi những buổi cầu an dâng sao giải hạn, xin xăm bói toán… diễn ra trong chốn thiền môn vốn được du nhập từ những tôn giáo khác không hề có trong giáo lý Phật-đà.

Ta có thể hình dung vào nhiều thế kỷ trước khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa và Việt Nam, để thich ứng với nền văn hóa bản địa một vài lễ lược, tập tục của địa phương đã được lan vào chùa chiền bằng nhiều phương tiện khác nhau. Ngày đó để làm phượng tiện giáo hóa chúng sanh, quý thầy trong các chùa đã du nhập vào chùa một số lễ nghi cầu kiến, lễ lược cho thuận với truyền thống của dân gian tại từng quốc độ với mục đích “Dĩ huyễn độ chơn’, đưa những tập tục nhân gian đó đến chùa, dùng phương tiện tập tục thế gian để những người trước đây chỉ quen với lễ bái cầu kiến theo nghi lễ Khổng Nho hay Đạo giáo không bị hụt hẩng hoặc bị sốc khi đến chùa  trở thành một Phật tử, để rồi các nhà sư sẽ từ từ chuyển hóa họ nhận chân được sự nhiệm mầu và rất thực tiển trong đời sống của giáo lý Đức Phật dạy mà quy y, nương tựa. Chúng ta có thể hiểu và chấp nhận một sự thật lịch sử như thế đối với dòng chảy lưu truyền của Phật Giáo Việt Nam qua hai ngàn năm Thế nhưng cái giai đoạn phôi thai của Phật giáo phải dùng phương tiện của đạo khác mà giáo hóa phật tử, nhưng theo thời gian khi mà nhận thức của phật tử đã trưởng thành thì những pháp phương tiện nào không phù hợp với chánh pháp thì cũng phải từ từ đào thải chứ  không thể bén rễ xanh cây cắm sâu vào thân mẹ như những cây tầm gửi bám chắc vào cây bồ đề như thế!.

Nền tảng giáo lý của Đức Phật được xem là uyên áo, sâu sắc và mang tính chân lý tuyệt đối phù hợp với nhân loại vượt thời gian và không gian, nhà khoa học vĩ đại của đầu thế kỷ XX Albert Einstein đã phải nhìn nhận rằng: “Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật Giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó” (The religion of the future will be a cosmic religion. It would transcend a person God and avoid dogmas and theology. Covering both the natural and the spiritual, it should be based on a religious sence, arising from the experience of all things, natural and spiritual, as a meaningful unity. Buddhism answers this description).

Đạo Phật lấy con người làm trung tâm (chứ không phải thượng đế). Trong kinh Trung Bộ, Đức Phật dạy rằng con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp, vì thế con người phải chịu trách nhiệm mọi hành vi của mình tạo tác, vạn pháp sẽ được vân hành theo quy luật nhân quả, nghiệp báo chứ không có một đấng quyền uy nào phán xét công hay tội để cho họ lên thiên đàng hoặc đày đọa xuống hỏa ngục đời đời, giáo lý đạo Phật cũng hàm chứa một hệ tư tưởng, triết lý thâm sâu về vũ trụ quan và nhân sinh quan mà chủ yếu mọi lý giải đều dựa trên thuyết duyên sinh. Cốt tủy đạo Phật nằm trong Tam Tạng Giáo Điển chứ không phải trong lễ nghi cầu bái. xin xăm bói toán, dâng sao giải hạn…

Sáng nay đi lễ một ngôi chùa mà thầy trụ trì là chỗ thân quen, chánh điện chùa ngày tết được trang hoàng rất trang nghiêm với những chậu hoa, câu đối… đặc biệt cũng như mọi năm có một “Cây mùa xuân” ở đó treo lủng lẳng những lá xăm trong các bao “lì xì” màu đỏ. Hầu hết mọi người đều đến đó lâm râm khấn nguyện rồi bốc lấy một quẻ xong đem xuống cho thầy giải xăm. Sau khi đảnh lễ Phật xong, tôi xuống nhà khách vấn an thầy trụ trì, thường lệ như mọi năm thầy ngồi trên cái ghế được đặt ở đầu bàn nhìn xuống và phật tử ngồi vào hai hàng ghế theo thứ tự ai tới trước ngồi trước rồi di chuyển dần lên. Thầy bận giải xăm, coi giờ tất xấu nên không thể tiếp tôi lâu được, nhìn những khuôn mặt đang nóng lòng chờ đợi tôi cũng không thể chiếm dụng thời gian của thầy và của họ lâu được, vì thế tôi đã nói vài lời vấn an, chúc tết thầy rồi tạm biệt để thầy còn tiếp tục công việc…

Trên đường về nhà nắng xuân đã trải vàng trên con đường trước mặt, nhà cửa hai bên đường trang hoàng những chậu hoa nhiều màu sắc và những lồng đèn màu đỏ đang đu đưa trong gió, cảnh vật làng quê ngày tết thật yên ả và thanh bình. Đường sá khá vắng vẻ và tâm tôi thì cứ lan man suy nghĩ mãi những nam thanh nữ tú, phơi phới tuổi xuân mà tôi gặp sáng nay đang ngồi sắp hàng chờ đợi đến lượt trình thầy quẻ xăm mới bốc được. Không biết họ đang nghĩ gì khi chuẩn bị cho cuộc hành trình về một năm mới vừa sang và tự tin được bao nhiêu phần trăm về năng lực của chính mình khi đối diện với cuộc sống hay là chỉ biết cầu nguyện và chờ đợi một vận hạn  nào đó được dự báo sẽ đến do những lá xăm mà họ bốc được trong ngày đầu năm!

Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật

̣̣ ( Bài đã đăng trên trang web thuvienhoasen.org)

https://thuvienhoasen.org/a40777/dau-xuan-di-le-chua

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb