KỲ II: THAM QUAN DANH THẮNG TRÀNG AN
15-05-2024 | | 0 Phản Hồi
KỲ II: THAM QUAN DANH THẮNG TRÀNG AN
Chúng tôi rời Thanh Hóa vào lúc 5 giờ sáng tiếp tục cuộc hành trình đi về khu du lịch danh thắng Tràng An bắt đầu cho cuộc hành hương đất Bắc.
Chúng tôi đến Tràng An trời còn sớm, sương mù còn giăng giăng cảnh vật còn mờ ảo sau màn sương, không khí mát mẻ dễ chịu. Vì tất cả anh em trong đoàn đều mù mờ về cách đặt tour, mua vé nên tất cả phó thác cho chị Gia là một người từng trải kinh nghiệm du lịch, vả lại chị cũng có những người quen biết trải dài khắp các tỉnh thành trong nước.
Quần thể danh thắng Tràng An là sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và văn hóa, di chỉ khảo cổ học với ba vùng liền kề nhau, gồm khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động, khu du tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư gắn liền với triều đại vua Đinh Tiên Hoàng, sau này được nhà Trần sử dụng làm căn cứu chống lại quân Mông – Nguyên cùng rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư. Vì khu danh thắng Tràng An là một quần thể tổng hợp gồm các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận là Quần thể di sản thế giới ở Ninh Bình, Việt Nam. Cũng như các vùng khác ở Ninh Bình khu danh thắng Tràng An là một quần thể du lịch sinh thái thiên nhiên với những hang động của núi đá vôi được hình thành cách đây hàng triệu năm. Sau khi mua vé chúng tôi được hướng dẫn xuống những chiếc thuyền chéo tay.
Chúng tôi đi thuyền trên dòng sông hai bên là những ngọn núi đá vôi với cây cối mọc um tùm, cảnh quan sơn thủy hữu tình trông thật hùng vĩ và nên thơ. Trên dòng sông nhỏ thuyền chở du khách ra vào tấp nập hầu hết du khách trên thuyền đều mặc áo phao màu cam nên cảnh tượng trông thật vui mắt, cảnh vật trên sông vui như ngày lễ hội. Thỉnh thoảng thuyền lòn vào một hang động với những cấu trúc kỳ bí như một kho tàng của cổ tích hoang đường, có những hang mái thấp lè tè người ngồi trên thuyền phải cúi đầu để tránh đụng đầu. Lần đầu trông thấy cảnh quan đẹp hùng vỹ như thế nên hầu hết anh em trong đoàn đều thủ sẵn điện thọai gặp cảnh đẹp là bấm máy liền.
Điểm dừng chân là đền Trình, là nơi thờ tự của bốn vị công thần khai quốc triều đại nhà Đinh gồm: Ngoại giáp Đinh Điền, Định Quốc công Nguyễn Bặc, Đô hộ phủ sỹ sư Lưu Cơ, và Trịnh Tú. Nơi đây ngày xưa các đoàn muốn vào trong phải ghé vào đây dâng lễ vật và trình báo hành trình cũng như cầu nguyện chư thần phù hộ cho chuyến đi được bình an vô sự. Cảnh quan trước cửa đền Trình thật tấp nập, du khách khắp nơi về tham quan, có rất nhiều du khách người Tây cũng đến đây du lịch. Chúng tôi gặp một “liền anh” trong đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, trong trang phục áo dài, khăn đóng, dù cầm tay, chỉnh tề như sắp vào show hát nhưng không thấy “liền chị” đâu cả, chúng tôi trò chuyện thân mật với “liền anh” trên 70 tuổi này một cách thân tình vui vẻ, ông còn hát tặng chúng tôi mấy câu quan họ nữa. Tiếp theo chúng tôi tiếp tục lên thuyền qua các hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Nấu Rượu rồi lên bờ và leo gần 500 bậc đá để vào dâng hương tại đền Trần. Sau đó xuống thuyền đi qua hang Sính, hang Si, hang Ba Giọt, hang Seo, hang Sơn Dương và lên thăm phủ Khống, rồi tiếp tục lộ trình đến hang Khống, hang Trần, hang Quy Hậu và trở về điểm xuất phát, kết thúc chuyến tham quan.
Khu danh thắng Tràng An xứng danh là một quần thể di sản văn hóa thiên nhiên thế giới được tổ chức Unesco công nhận. Chúng tôi được trải nghiệm đi thuyền chèo trên sông nước trong vắt, hai bên bờ là núi non hùng vỹ thỉnh thoảng lại thấy một ngôi đền, ngôi miếu cổ kính, im lìm nhìn mặt ra sông, nếu không có những nhà hàng với biển quảng cáo nhiều màu sắc lòe loẹt, mang hơi hướng hiện đại thì tôi tưởng như đang đi trên dòng sông trong cổ tích. Nếu ai đó đã du lịch phía Bắc mà không trải nghiệm một chuyến tham quan danh thắng Tràng An thì thật là đáng tiếc!
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)