KỲ III: THAM QUAN CHÙA BÁI ĐÍNH.
15-05-2024 | | 0 Phản Hồi
KỲ III: THAM QUAN CHÙA BÁI ĐÍNH.
Rời Tràng An chúng tôi đi tiếp chùa Bái Đính. Chùa Bái Đính là một ngôi chùa đồ sộ có cả một quần thể kiến trúc kỳ vĩ và đa dạng, được xếp vào ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, đồng thời là ngôi chùa có nhiều kỷ lục nhất Việt Nam. Chùa Bái Đính có lịch sử hình thành từ thời Đinh nhưng vẫn có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý. Núi chùa Bái Đính chính là nơi vua Đinh Tiên Hoàng lập đàn tế trời cầu mưa thuận gió hòa, là nơi diễn ra lễ tế cờ khi vua Quang Trung ra Thăng Long đại phá quân Thanh
Vì chùa rộng lớn và có nhiều công trình cách xa nhau nên chúng tôi thuê một cô hướng dẫn viên dẫn đi và giới thiệu từng cảnh quan của từng hạng mục. Cô hướng dẫn viên tên Trang dẫn chúng tôi tham quan từng công trình thờ tự và giới thiệu cho chúng tôi biết về lai lịch cũng như công năng từng ngôi điện thờ.
Những kiến trúc nơi đây rất hiện đại và kỳ vĩ nhưng được thiết kế theo lối kiến trúc cổ với những nhà rường gỗ, cột chuốt đòng đòng, vững chải và bề thế, mái đôi uốn cong như các ngôi chùa cổ thời Lý-Trần.
Hầu như tất cả kiến trúc hùng vỹ của chùa Bái Đính đều mới được xây dựng, còn ngôi chùa cổ, nơi dấu tích tiền nhân thì tọa lạc trên một ngọn núi cao 187m, nằm cách điện Tam Thế của khu chùa mới khoảng 800m về phía đông nam. Khu chùa này nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là hang sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của hang sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến động tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.
Chùa Bái Đính mới (Bái Đính tân tự) là một công trình lớn, có diện tích rộng 80 ha, nằm phía bên kia núi so với chùa cổ và ở phía Tây cố đô Hoa Lư. Một số hạng mục chính: điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, Bảo Tháp, Tháp Chuông và các công trình hạ tầng, phụ trợ, khu học viện Phật giáo, khu đón tiếp…
Chùa Bái đính cũng nổi tiếng có hành lang La Hán dài nhất châu Á (hành lang La Hán dài gần 3 km), khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam (500 vị bằng đá xanh cao khoảng 2m)..
Buổi chiều nắng trải vàng trên khắp chùa, mặc dù thời tiết không quá nắng nóng nhưng vì phải leo lên những dốc đá nên cũng thấm mệt vì thế mà chúng tôi không lên được ngôi chùa Bái Đính cổ ở trên đỉnh ngọn đồi phía bên kia.
Đặc biệt chùa Bái Đính có điện thờ Thánh Nguyễn tức là thiền sư Nguyễn Minh Không, người đã phát hiện chùa Chùa Bái Đính cổ , ông là người đã biến các hang động thành chùa khi đến đây tìm cây thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông. Tương truyền rằng nơi đây có nhiều cây thuốc quý mà Thánh Nguyễn Minh Không thường xuống hái lượm mang về chế “thuốc tiên”. Sau này nhiều lương y ở khắp nơi cũng tìm đến kiếm cây thuốc quý về chữa bệnh cho nhân dân.
Đến với chùa Bái Đính trong một buổi chiều cuối xuân, thời tiết tương đối mát mẻ và được tham quan chiêm bái một công trình thờ tự của Phật giáo kỳ vĩ hòa quyện quá khứ với hiện tại, được chiêm ngưỡng các công trình cổ kính và hiện đại đan xen nhau, dấu vết tiền nhân còn lưu dấu và những kiến trúc thờ tự hoành tráng, những pho tượng Phật, Bồ -tát, La hán, Long thần, Hộ pháp rất thần thái và đồ sộ.
Chúng tôi rời chùa Bái Đính khi hoàng hôn đang xuống, mặt trời chỉ còn le lói những tia nắng vàng cuối ngày sau những rặng núi đá vôi. Cảnh sắc cuối ngày của chùa Bái Đính thật đẹp như một bức tranh thủy mặc với những gam màu sáng, tối hòa quyện. Đoàn chúng tôi rời chùa Bái Đính cũng là kết thúc ngày đầu tiên tham quan chiêm bái các thắng tích, chùa chiền trên đất Bắc và trực chỉ về thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Sau khi về tới thành phố Hạ Long, sau một hồi loanh quanh tìm nhà, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được nơi cần đến, đó là nhà anh chị Thắng, một phật tử trong đạo tràng Niệm Phật của thầy Hạnh Từ, gia đình anh chị Thắng và các đạo hữu trong đạo tràng đã đón chúng tôi như những thượng khách. Chúng tôi rất cảm động trước sự niềm nở, hiếu khách của gia đình anh Thắng và các đạo hữu đến phụ nấu ăn buổi tối cho chúng tôi. Hai mâm cơm ngon lành được sắp sẵn để chờ chúng tôi, thật chu đáo biết bao! Ở đây tôi cảm nhận được một điều là các phật tử miền Bắc khi đã phát tín tâm thì họ rất tha thiết hộ đạo và luôn thân tình, niềm nở, có chút hân hoan khi đón tiếp chúng tôi, những những người bạn đạo từ phương Nam ra.
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)