KỲ IV: CHIÊM BÁI NON THIÊNG YÊN TỬ.

440218801_2255066664824629_7378947738400311101_n

KỲ IV: CHIÊM BÁI NON THIÊNG YÊN TỬ.
Trọng tâm chính của chuyến hành hương phương Bắc của chúng tôi lần này là bằng mọi giá phải đến chiêm bái Trúc Lâm Yên Tử, lên đến Chùa Đồng để đảnh lễ thánh tượng Phật Hoàng-Trần Nhân Tông, một vị vua với những chiến tích lẫy lừng khi đánh bại quân Nguyên-Mông sang xâm lược nước ta, sau đó ngài đã nhường ngôi cho con trưởng là Trần Thuyên kế vị ngai vàng hiệu là Trần Anh Tông vào năm 1293 rồi xuất gia tu hành, ngài đã đắc đạo quả khai sáng Thiền phái Trúc Lâm, một phái thiền đặc thù của Phật Giáo Việt Nam, hậu thế tôn vinh ngài là Phật Hoàng. Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử là một địa điểm tọa lạc trên núi Yên Tử, thuộc địa bàn thôn Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công, Thành phố Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh. Thiền Viện Trúc Lâm Yên Tử còn có tên gọi khác là Chùa Lân, tên chữ là Long Động Tự. Địa điểm du lịch này thuộc Quần thể di tích danh thắng Yên Tử.
Đây là một ngôi chùa linh thiêng và được vua Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành. Sau khi về đến Núi Yên Tử, ngài đã cho xây dựng một nơi trang nghiêm, thanh tịnh và sạch sẽ để tiện tu hành. Ngài cùng hai môn đệ là thiền sư Pháp Loa và Huyền Trang thường tụng kinh, giảng đạo cho chư tôn, tăng ni đến nghe.Tại đây, năm 1299 ngài đã sáng lập Thiền Phái Trúc Lâm mang lại nhiều giá trị văn hóa cho Phật giáo Việt Nam, và hai vị tổ của thiền phái kế tiếp là đệ nhị tổ ngài Pháp Loa và đệ tam tổ ngài Huyền Quang,.ba vị tổ đầu tiên của Thiền phái Trúc Lâm được xưng tụng là Trúc Lâm Tam Tổ.
Chúng tôi đến đây vào một buổi sáng mù sương, mây mù phủ khắp không gian, sương mù nặng hạt và có vẻ như sẽ chuyển thành mưa. Từ nơi đợi xe điện đến đón, anh em trong đoàn đã mua sẵn gậy leo núi và áo mưa. Xe điện đưa chúng tôi đến trạm dừng và chúng tôi pheo leo núi một đoạn khá xa mới lên tới trạm cáp treo đầu tiên, vì mỗi carbin cáp treo chỉ chở có 6 người nên anh em tùy nghi tuần tự lên điểm trung chuyển, tại đây chúng tôi ngồi nghỉ ngơi, ăn nhẹ trước khi leo núi một đoạn khá dài và cao để đến ga cáp treo 2 để lên Chùa Đồng. Khoảng cách từ ga cáp treo 1 đến ga cáp treo 2 chúng tôi phải leo núi một đọan khá xa và dốc cao dựng đứng, trên đường di chúng tôi dừng lại vào đảnh lễ tại chùa một mái. Đây là một ngôi chùa có kiến trúc đặc đáo, chỉ một mái chùa đưa ra ngoài còn lại nửa phía trong của ngôi chùa dựa vào vách đá. Trong này có một cái hang nước trong thạch nhủ chảy ra, phật tử thập phương vào đảnh lễ và hứng nước để uống vừa trong vừa ngọt.
Tiếng là đi cáp treo hai lần như thế nhưng chúng tôi cũng phải leo núi rất nhiều, địa hình vách núi cheo leo hiểm trở, mặc dù đã được bàn tay con người dùng đá tạo nên nhiều bậc cấp để cho khách thập phương có thể leo lên, leo xuống một cách an toàn, thế nhưng độ dốc cao, trời mưa lất phất, mây mù giăng kín và leo càng cao gió thổi càng mạnh tưởng chừng như thổi bay người khiến cho ai nấy đều toát mồ hôi và chân bắt đầu đau, gối bắt đầu mỏi. Có chị trong đoàn đã không kham nổi đành ngồi lại tại trạm trung chuyển, một vài anh chị khác thì sức khỏe kém nhưng với tâm nguyện phải lên tới được non thiêng Yên Tử nên đã anh dũng vượt qua một cách thần kỳ. Với cá nhân tôi, thì vì có bệnh đau khớp gối, hơn nữa cũng ít khi đi bộ, hoặc leo núi quảng đường dài nên hai chân đau tê dại. Tuy thế đã ra tới Yên Tử mà không lên chiêm bái Chùa Đồng thì tệ quá nên cũng quyết tâm chấp nhận cơn đau để tiếp tục cuộc hành trình.
Càng leo cao chân càng đau, người càng mệt, thế nhưng chúng tôi chỉ leo núi từng đoạn ngắn khoảng trước khi có ga cáp treo lần thứ nhất, khoảng giửa của hai ga cáp treo và 600m từ ga cuối cáp treo lần thứ hai để lên Chùa Đồng mà cũng cảm thấy ná thở rồi. Nghĩ lại trước đây chưa có cáp treo mà nhiều người còn leo bộ lên tới Chùa Đồng với độ cao 1068 m so với mực nước biển thì thật kính nể ý chí của họ.
Sau một thời gian dài, đổ mồ hôi, rả rời đôi chân đoàn chúng tôi kẻ trước người sau cũng lên tới đỉnh thiêng Yên Tử có ngôi Chùa Đồng trên chóp đỉnh.Chúng tôi đảnh lễ Phật tại Chùa Đồng và ngồi quây quần nghỉ ngơi, ghi hình lưu niệm, sau cuộc hành trình gian khổ.
Chùa Đồng mới tôn tạo lại năm 2006 trên nền chùa cũ và đã được các nghệ nhân nổi tiếng đúc đồng ở Ý Yên, Nam Định thực hiện. Và ngôi chùa được đúc theo nguyên mẫu của chùa Dâu Keo (Thuận Thành, Bắc Ninh). Chùa Đồng diện tích gần 20 m vuông, nặng 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m và chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m. Trong đó, mỗi viên ngói nặng khoảng 4 kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn. Quả chuông và khánh đồng nặng trên 250 kg.
Hệ thống tượng Phật trong chùa gồm 1 pho tượng Phật Thích Ca và 3 pho tượng Tam Tổ Trúc Lâm. Tượng có kích thước cao trung bình từ 0,45-0,87m tọa trên đài sen, trong đó 3 pho tượng Tổ được tạo tác lớn hơn. Tượng Thích Ca trong trang phục áo cà sa, tọa thiền với tư thế kiết già (thế liên hoa tọa). Tượng Đệ nhất Tổ (Trần Nhân Tông) mặc áo cà sa, tay úp lên hai đùi, tư thế ngồi “kiết già kiểu cát tường” hay còn gọi là “cát tường tọa” mắt nhìn xuống soi rọi nội tâm. Tượng Đệ nhị Tổ (Pháp Loa) và Đệ tam Tổ (Huyền Quang) mặc áo cà sa, tư thế ngồi kiết già không lộ bàn chân, tay kết “định ấn”. Toàn bộ 3 pho tượng Tổ ngự trên đài sen đặt trên bệ, trang trí hoa văn hình sen, cúc, thị, lá lật, hoa văn sóng nước
Ngồi trên đỉnh non thiêng tôi có cảm giác như mình đang ở trong một truyện cổ tích hay trong một bộ phim kiếm hiệp Trung Hoa. Cảnh vật mờ ảo sau làn sương giăng kín, gió thổi vù vù, đưa mắt nhìn bốn phía thấy núi rừng mù mịt trong mây, cảnh quan đúng là non thiêng dành cho những vị tu hành đắc đạo.
Non thiêng Yên Tử nơi đức Phật Hoàng-Trần Nhân Tông chọn để tu hành, ngày xưa ngài từ bỏ ngai vàng, giã từ cuộc sống đế vương, một mình một ngựa băng rừng lội suối trên đoạn đường dài hơn 200km để đến đây leo lên chốn non cao rừng thẳm, bốn bề hoang vu, làm bạn với muông thú để sống đời thanh đạm tu hành. Chí nguyện của ngài lớn quá nên đã chứng thành đạo quả. Hàng hậu học chúng con đã dùng phương tiện hiện đại đi hai lần cáp treo chỉ leo núi sơ sơ mà cũng đã phờ phạc,thế mới biết ngày xưa sự phát tâm của Ngài kiên cường biết dường nào! Dù sức khỏe có kém cỏi nhưng chí nguyện được đến đây một lần đảnh lễ non thiêng, nơi ngài tu hành năm xưa đã giúp chúng con vượt qua mọi chướng ngại để đến được ngôi Chùa Đồng đảnh lễ tôn tượng đức bổn sư Thích-ca Mâu-ni và thánh tượng của Tam Tổ Trúc Lâm.
Nghỉ ngơi tại Chùa Đồng cũng khá lâu, trời đã hết mưa nhưng gió mạnh và sương mù vẫn giăng kín nên khó có thể ghi được một tấm hình rõ nét cho toàn đoàn được. Thôi thì mờ ảo nhạt nhòa vậy nhưng phản ảnh trung thực kỷ niệm trên đỉnh Yên Tử. Chúng tôi xuống núi theo con đường cũ, ai có leo núi mới biết thực ra xuống núi cũng mệt không kém khi lên!
Chúng tôi xuống núi toàn đoàn ghé chiêm bái vườn Tháp Huệ Quang nằm ở độ cao 500m so với mực nước biển, là nơi lưu giữ ngọc cốt của các nhà sư đã từng tu hành tại Yên Tử. Toàn bộ vườn tháp hiện nay còn lưu giữ 97 ngôi tháp mộ. Mỗi một tháp mộ đều có kích thước và độ cao thấp khác nhau, điều đó thể hiện vị trí, chức sắc của các nhà sư tu hành tại nơi đây. Tháp Tổ nằm ở vị trí trung tâm của vườn tháp, là nơi lưu giữ xá lợi của Phật Hoàng-Trần Nhân Tông. Tháp do Vua Trần Anh Tông cùng Triều Đình và Đệ Nhị Tổ Pháp Loa cùng các tăng sĩ thiền phái Trúc Lâm xây dựng vào năm Kỷ Dậu, niên hiệu Long Hưng thứ 17 đời Vua Trần Anh Tông (1309), sau khi Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308). Khu vườn tháp Tổ là nơi tụ vương linh khí của long mạch Yên Tử, phía sau Tháp Tổ là hai Mắt Rồng tụ thủy, lưu giữ khí thiêng sông núi, ở giữa hai hàng tháp mộ là đường lát gạch hoa cúc thời Trần tượng trưng con đường giác đạo, với ý nghĩa tôn kính anh linh Phật Hoàng-Trần Nhân Tông thượng đường giảng kinh truyền giáo ở Chùa Vân Yên như lúc sinh thời. Đoàn chúng tôi đã mang áo tràng và trang nghiêm đảnh lễ trước tháp của ngài Phật Hoàng và những ngôi tháp khác trong vườn tháp. Những ngôi tháp cổ kính, dấu vết thời gian đã in dấu rêu phong và sự hư hoại theo năm tháng. Tuy nhiên dù các ngôi tháp xem chứng khá đơn sơ so với những ngôi tháp của thời hiện đại nhưng trong không gian tĩnh lặng đó, chúng tôi như tiếng hồn thiêng sông núi và dấu tích tiền nhân đã lưu đậm nét nơi đây.
Đoàn chúng tôi xuống chân núi thì trời đã về chiều, cảnh vật mát mẻ, nhưng ai cũng thấm mệt. Theo kế hoạch thì đoàn sẽ tiếp tục đi chiêm bái thiền viện Trúc Lâm Giác tâm (tên nôm là chùa Cái Bầu ở Quảng Ninh nhưng tính toán đường về xa quá đến đó thì sẽ tối mất cho nên đành quay về thành phố Hạ Long, nơi gia đình anh Thắng và các đạo hữu trong đạo tràng đệ tử của thầy Hạnh Từ đã sẵn sàng đón tiếp chúng tôi tá túc trong thời gian ở Quảng Ninh.
Chúng tôi lên xe giã từ non thiêng Trúc Lâm Yên Tử, dù mệt nhưng lòng ai nấy đầu hoan hỷ vì đã mãn nguyện khi đã được đến chiêm bái chốn linh thiêng có một không hai của Phật Giáo Việt Nam sau bao ngày mơ ước…
Tâm Lễ

441405303_2255065294824766_6516947352956983904_n

439893337_2255066668157962_419480480149550129_n

439928564_2255068678157761_5345659138208851106_n

439953230_2255068271491135_1014168531487831419_n

439954044_2255066371491325_38540521877188730_n

440114426_2255066671491295_8345877218941857521_n

440218801_2255066664824629_7378947738400311101_n

440322856_2255068324824463_385635629364578241_n

440327770_2255068551491107_5304470484577150168_n

440340882_2255064754824820_3308214011442132162_n

440358248_2255065991491363_812468494942319438_n

440363290_2255068434824452_4812557120408989771_n

441405303_2255065294824766_6516947352956983904_n

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb