KỲ VI: DÂNG HƯƠNG TẠI MỘ PHẦN CƯ SĨ TÂM MINH-LÊ ĐÌNH THÁM.
15-05-2024 | | 0 Phản Hồi
KỲ VI: DÂNG HƯƠNG TẠI MỘ PHẦN CƯ SĨ TÂM MINH-LÊ ĐÌNH THÁM.
Hầu hết đoàn viên GĐPTVN đều biết đến danh tánh người sáng lập ra tổ chức của mình đó là cư sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám, vị sáng lập GĐPTVN, bác Tâm Minh là một vị bác sĩ Tây y nhưng uyên thâm nho học và phật học. Bác sinh năm Đinh Dậu (1897) tại làng Đồng Mỹ (Phú Mỹ), tổng Phú Khương, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bác xuất thân trong một gia đình quyền quý nhiều đời làm quan. Thân sinh là Binh bộ Thượng thư Lê Đỉnh dưới triều Tự Đức.
Cuộc đời và đạo nghiệp của cư sĩ Tâm Minh là một chuổi dài sự hy sinh phụng sự đạo pháp và xiễn dương chánh pháp bằng con đường giáo dục thanh thiếu niên phật tử. Ngày 10/8/1938 trong bài diễn văn của hội An Nam Phật học, Bác tuyên bố “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”. Một câu nói xuất phát từ suy nghĩ sâu xa và có tầm nhìn chiến lược mà sau đó đã hình thành các tổ chức giáo dục Thanh Thiếu niên Phật tử.
Cư sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám từ nhỏ đã nổi tiếng là một người thông minh và có trí nhớ tuyệt vời, cư sĩ tốt nghiệp thủ khoa y sĩ Đông Dương khóa 1916 và tốt nghiệp Bác sĩ y khoa ngạch Pháp năm 1930. Năm 1926, bác phụ trách điều trị tại bệnh viện Hội An (Quảng Nam). Nhân một buổi viếng cảnh tại chùa Tam Thai (tức Ngũ Hành Sơn), bácđược đọc bài kệ của Tổ Huệ Năng ghi trên vách chùa :
Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài,
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.
Đây là lần đầu tiên bác tiếp xúc với triết lý Phật giáo, bài kệ trên đã gieo vào tâm thức bác một ấn tượng sâu sắc về đạo Phật, mặc dầu thời điểm lúc ấy chưa cho phép bác đến gần với cửa thiền.
Bác Lê Đình Thám thọ tam quy, ngũ giới với Hòa thượng Giác Tiên được ban pháp danh là Tâm Minh, pháp tự là Châu Hải. Năm 1929, bác thọ học thêm với Hòa thượng Phước Huệ chùa Thập Tháp, Bình Định, và tự nghiên cứu kinh điển, giáo lý đạo Phật. Bác cũng chú tâm tìm hiểu va nghiên cứu đạo nghiệp cũng như tư tưởng và phong trào chấn hưng Phật giáo của ngài Thái Hư Đại Sư (Trung Hoa). Có lẽ tư tưởng và hành hoạt của ngài Thái Hư đã ảnh hưởng mạnh lên tâm thức của bác nên sau đó chính bác là người khởi xướng phong trào Chấn Hưng Phật Giáo tại Việt Nam và đồng thời cũng có ý tưởng đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên phật tử để rèn luyện, giáo dục họ thành những phật tử chơn chánh góp phần hoằng truyền Phật pháp.
Năm 1932 phong trào Chấn Hưng Phật Giáo nở rộ khắp ba miền Bắc Trung Nam, Hội An Nam Phật Học ra đời bác được bầu vào chức Hội trưởng, sau đó các trường Phật học ra đời để đào tạo tăng tài, bác lại được chư tôn đức chỉ định làm giáo thọ cho khóa phật học đầu tiên. Đây là một trường hợp đặc biệt mới có lần đầu tiên của PGVN khi bác là một cư sĩ lại làm giáo thọ cho tăng sĩ. Tuy thế bác là người khiêm cung , khi lên bục giảng bác luôn đảnh lễ chư tăng trước khi bắt đầu bài giảng và khi chư tăng không hiểu bài thì bác nhận lỗi về mình vì đã không biết cách truyền đạt. Hạnh khiêm cung của bác được lưu truyền trong giới cư sĩ, tăng sĩ thời bấy giờ…
Năm 1935 bác sáng lập ra ban Đồng Ấu Phật tử, rồi sau đó là Đoàn Phật học Đức Dục, kế tiếp là Gia Đình Phật Hòa phổ, đó là tiền thân của GĐPTVN hiện nay..
Nhớ đến công ơn người khai sáng tổ chức mà chúng con là những người hậu học, thừa hưởng sự nghiệp từ bác và các thế hệ huynh trưởng tiền nhân, đồng thời cũng là những người tiếp nối mạng mạch của tổ chúc để cho ngọn cờ sen trắng được mãi mãi lưu truyền. Hôm nay nhân chuyến hành hương đất Bắc chúng con lam viên GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu đến đây, nơi yên nghỉ nhục thân của bác để đốt nén tâm hương thành tâm tưởng niệm và tri ân bác, một vị thầy cao cả, một cư sĩ lỗi lạc của Phật Giáo Việt Nam, một vị sáng lập ra tổ chức giáo dục thanh thiếu đồng niên mang tên Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Nén hương này chúng con xin thắp lên tưởng nhớ bác nhưng đồng thời cũng như thắp lên một ngọn đèn tâm soi sáng tâm thức của chúng con, đẩy lùi những góc khuất tối tăm, những phiền não của cuộc đời để tinh tấn tu học, nối tiếp bước chân khai phá của bác và những huynh trương tiền bối đã suốt đời hy hiến cho Đạo pháp và tổ chức GĐPTVN được trường tồn…
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)