KỲ VIII: THAM QUAN CHIÊM BÁI CHÙA THẦY.

435900562_2257779257886703_3980798667575180554_n

KỲ VIII: THAM QUAN CHIÊM BÁI CHÙA THẦY.
Ngày hôm nay đoàn chúng tôi sẽ dành hết thời gian để đi thăm các danh lam cổ tự quanh khu vực Hà Nội. Chúng tôi chọn một số chùa cổ tiêu biểu để tham quan, chiêm bái vì biết rằng không thể nào đi hết các ngôi cổ tự của vùng đất kinh đô xưa. Nơi mà đạo Phật một thời gian dài được xem là quốc giáo và Phật giáo luôn song hành cùng với tổ quốc để xây dựng đất nước. Thế cho nên vùng Ninh Bình, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Sơn Tây, Hà Đông, Thái Bình, Quảng Ninh…là những nơi ở miền Bắc có những ngôi chùa cổ có niên đại hàng ngàn năm.
Điểm đầu tiên trong ngày là chúng tôi đếm tham quan chiêm bái chùa Thầy. Sở dĩ chùa có tên nôm là chùa Thầy vì chùa nằm dưới chân núi thầy, một ngọn núi đá vôi ở vùng núi hình vòng cung Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội, cũng có truyền thuyết cho rằng ngài Từ Đạo Hạnh tu tập nơi đây đã cứu giúp cho dân quanh vùng vì ngoài thầy tu ra ngài còn là một vị thầy dạy chữ cho dân, ngài cũng là vị lương y rất giỏi chữa bệnh, dân trong vùng đều tôn kính gọi ngài là Thầy, chùa thầy tu là chùa Thầy, núi thầy đang ở là núi Thầy. Nghe qua hai chữ Sài Sơn bất giác tôi nhớ tới bài thơ “Đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, một bài thơ mà tôi yêu thích nhất trong số những bài thơ của Quang Dũng, trong đó có câu “Ngày mai trở lại đồng Bương Cấn, về núi Sài Sơn ngó lúa vàng..”
Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự 嵿山寺) trên núi và chùa Dưới, tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự (天福寺). Đầu thế kỷ 17, Dĩnh Quận Công cùng hoàng tộc chăm lo việc trùng tu, xây dựng điện Phật, điện Thánh; sau đó là nhà hậu, nhà bia, gác chuông. Theo thuyết phong thủy, chùa được xây dựng trên thế đất hình con rồng. Phía trước chùa, bên trái là ngọn Long Đẩu, lưng chùa và bên phải dựa vào núi Sài Sơn. Chùa quay mặt về hướng Nam, trước chùa, nằm giữa Sài Sơn và Long Đẩu là một hồ rộng mang tên Long Chiểu hay Long Trì (ao Rồng). Sân chùa như hàm rồng ,thủy đình như viên ngọc rồng ngậm.Hai cây cầu Nguyệt Tiên Kiều và Nhật Tiên Kiều như hai chiếc râu rồng. (Wikipedia). Vừa buớc chân xuống đường vào chùa Thầy chúng tôi rất ấn tượng về ngôi thủy đình nằm giữa hồ nước, đây là một thủy đình đẹp nhất miền Bắc tọa lạc giữa hồ Long Trì, lúc chúng tên đến trời còn sớm nên mặt hồ còn bảng lãng khói sương trông rất đẹp và nên thơ. Cũng cần nói thêm là ngôi thủy đình này rất nổi tiếng trên mọi trang sách báo viết về cảnh đẹp của Hà Nội hay chùa chiền miền Bắc đều có hình ảnh ngôi thủy đình này. Trong những bức ảnh phổ biến thì ngôi thủy đình này luôn có một cây hoa gạo đang nở bông đỏ ối rất đẹp. Bông gạo nở vào tháng ba, nhưng khi chúng tôi đến thì không thấy hình ảnh cây hoa gạo với bông đỏ đâu cả , hỏi ra mới biết hai cây hoa gạo đó đã chết và người ta đã trồng vào đó hai cây đa. Thật là đáng tiếc!
Vì ngài Từ Đạo Hạnh được xem là ông tổ loại hình nghệ thuật múa rối nước, nên tại ngôi thủy đình này vào mùa lễ hội luôn có các đoàn nghệ thuật múa rối nước biểu diễn cho khách hành hương thưởng ngoạn, Rất tiếc khi chúng tôi đến thì mùa lễ hội cũng vừa kết thúc nên chỉ thấy hình ảnh ngôi thủy đình nằm chơ vơ giữa lòng hồ tĩnh lặng.
Ở chùa thầy đặc biệt có hai cầu là Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Hai cây cầu có mái che bằng gổ, lợp ngói, kiến trúc khác vớ Chùa Cầu ở Hội An hay cầu ngói Thanh Toàn ở Huế.
Chúng tôi vào tham quan chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ, ở đây có một chị hướng dẫn viên thuyết minh về lịch sử ngôi chùa cũng như ý nghĩa các pho tượng thờ trong từng ngôi chánh điện và dãy hành lang dài hun hút thờ tượng A-la-hán rất sinh động mà uy nghiêm và cổ kính. Chúng tôi cũng leo lên một đoạn dốc đá cao để đảnh lễ tại ngôi đền thờ tại chính nơi mà ngài Từ Đạo Hạnh đã viên tịch tại đây.
Chùa Thầy nơi im đậm dấu tích của ngài Từ Đạo Hạnh một thời tu tập tại đây, đồng thời cũng đem ánh sáng Phật pháp lan truyền khắp các vùng Bắc bộ. Ngài cũng là vị danh y nổi tiếng đã ra tay cứu giúp biết bao người khi bị bệnh Về đây tu hành ngài là thầy tu, ngài còn là thầy lang, hái lá thuốc chữa bệnh cho dân khỏi rất nhiều căn bệnh hiểm nghèo. Ngài còn là thầy dạy chữ, dạy về văn hóa, như đá cầu, đánh vật, múa rối nước. Chùa có lối kiến trúc hình chữ Tam, song song với nhau gồm chùa Thượng, chùa Trung và chùa Hạ. Ở chùa Hạ có tượng Đức Ông và một bức bình phong lớn tái hiện cảnh địa ngục. Chùa Trung có hai pho tượng Hộ pháp cao gần 4m, là một trong những tượng Hộ Pháp lớn nhất ở các chùa của nước ta. Trên cao nhất có bức tượng Di Đà Tam Tôn, bên phải là tượng Quán Thế Âm dáng vẻ ung dung cùng tượng Pho Đại Thế Chí tạo thành một bộ tượng rất đẹp. Ở giữa là là tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh được tạc vào thế kỉ 19. Toàn bộ tượng Thiền sư và ba pho Di Đà được đặt trên một bệ đá hai tầng chạm khắc cánh hoa sen, hình rồng, hoa lá, bốn góc chạm hình thần điểu Garuda. Đến tham quan chùa Thầy, du khách còn được chiêm ngưỡng các bức tượng khác của Thiền sư Từ Đạo Hạnh như bức tượng Thiền sư ở kiếp Vua, tượng Thiền sư trong kiếp Thánh.
Đến chùa Thầy để được trải nghiệm một không gian sơn thủy hữu tình, đẹp như tranh vẽ, những kiến trúc chùa uy nghiêm cổ kính, rêu phong im đậm dấu tích tiền nhân để lòng thấy bùi ngùi cảm xúc nhớ ơn người xưa đã dày công bồi đắp non sông cẩm tú, hoằng dương chánh pháp cho dân tộc có một đời sống tâm linh cao đẹp, tạo dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc…
Tâm Lễ

436261385_2257778641220098_8687296456584100712_n

440322851_2257780281219934_4561747126191017289_n

440338434_2257779574553338_297061455717764565_n

440341236_2257779017886727_213967477764039348_n

440343159_2257780347886594_7719830368473497249_n

440367119_2257780001219962_7528375986321268166_n

440369589_2257778574553438_4758144390826552405_n

440372895_2257780157886613_2846945909711327023_n

441404811_2257778447886784_3616910334859597282_n

441405180_2257778497886779_955053761410370400_n

441405992_2257779977886631_646874197930409437_n

441416495_2257779424553353_3795601986958963325_n

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb