KỲ IX: THAM QUAN CHIÊM BÁI CHÙA LÁNG.
16-05-2024 | | 0 Phản Hồi
KỲ IX: THAM QUAN CHIÊM BÁI CHÙA LÁNG.
Rời chùa Thầy chúng tôi tiếp tục đi tham quan chiêm bái chùa Láng. Sở dĩ chùa có tên là Láng vì tọa lạc ở làng Láng nay là phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa Láng có tên chữ là Chiêu Thiền Tự .Chùa Láng được khởi công xây dựng vào thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 – 1175), thờ thiền sư Từ Đạo Hạnh. Theo dân gian, vị thiền sư này đã đầu thai làm con trai của nhà quý tộc Sùng Hiền Hầu (em vua Lý Nhân Tông), sau đó được nối ngôi làm vua Lý Thần Tông (trị vì từ 1128 – 1138) khi vua không có con. Vì sự tích ấy, Lý Anh Tông, con trai của Lý Thần Tông đã cho dựng nên chùa Láng để thờ phụ vương và tiền thân của ngài là Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Chùa đã trải qua nhiều lần tu sửa, trong đó có các lần quan trọng nhất vào các năm 1656, 1901 và 1989. Chùa Láng trước đây từng được mệnh danh là “Đệ Nhất Tùng Lâm”, mang ý nghĩa là nơi có rừng thông đẹp bậc nhất ở khu vực phía Tây kinh thành Thăng Long.
Bước vào khuôn viên chùa Láng chúng tôi ấn tượng nhất là nhà Bát Giác được xây dựng có mái chồng 2 tầng, 16 mái, trên đầu được đắp 8 con rồng tượng trưng cho 8 đời vua Lý. Đây là một kiến trúc độc đáo không xen lẫn vào bất cứ ngôi chùa cổ nào ở miền Bắc.
Kiến trúc chùa Láng cũng tương tự như chùa Thầy, tiền điện thờ Phật hậu điện thờ Thánh và hình tượng của thiền sư Từ Đạo hạnh, Người ta thống kê được tại chùa Láng có 198 pho tượng thờ Phật, Bồ-tát, La Hán, Tứ Đại Thiên Vương và thiền sư Từ Đạo Hạnh…Lễ hội chùa Láng được tổ chức vào ngày 5 tháng ba âm lịch hằng năm, đó ngày giỗ của thiền sư Từ Đạo Hạnh.
Chùa Láng rất gần trung tâm thủ đô Hà Nội, lại có khuôn viên đẹp, thanh tịnh như một công viên nên dù không phải là ngày lễ hội người dân đến tham quan chiêm bái hoặc nghỉ ngơi thư giãn cũng rất đông. Ngoài kia là phố phường tấp nập huyên náo tiếng máy xe, tiếng còi xe và trăm thứ tiếng ồn ào của nhân thế nhưng bước chân vào đây trong không gian yên ắng lòng ta như dịu lại, ta sẽ tìm thấy sự bình an cho tâm hồn mà tạm quên đi cuộc sống bon chen, lo toan trong kiếp nhân sinh…
Đoàn chúng tôi chiêm bái, đảnh lễ Phật tại chánh điện và tham quan cảnh quan của chùa để cảm nhận nét đẹp kiến trúc cổ kính, mái ngói rêu phong, những phế tích ghi đậm dấu ấn tàn phá của thời gian như cảm nhận dấu chân của người xưa còn lưu dấu nơi đây…
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)