KỲ XI: THAM QUAN CHIÊM BÁI CHÙA MỘT CỘT
16-05-2024 | | 0 Phản Hồi
KỲ XI: THAM QUAN CHIÊM BÁI CHÙA MỘT CỘT
Nói tới Chùa Một Cột thì người Việt Nam ta hầu như ai cũng biết, mặc dù rất nhiều người chưa một lần đến đó. Chùa Một Cột ở giữa lòng thủ đô Hà Nội là một ngôi chùa nhỏ, diện tích rất khiêm tốn tuy nhiên so về tiếng tăm của chùa thì tất cả các ngôi chùa ở Việt Nam không chùa nào sánh bằng!
Chùa Một Cột có tên ban đầu là Liên Hoa Đài tức là Đài Hoa Sen với lối kiến trúc độc đáo: một điện thờ đặt trên một cột trụ duy nhất. Liên Hoa Đài là công trình nổi tiếng nhất nằm trong quần thể kiến trúc Chùa Diên Hựu được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào mùa đông tháng mười (âm lịch) năm Kỷ Sửu 1049, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ nhất. Hoa sen được xem như biểu trưng trong văn hóa Phật giáo, gợi đến cho người ta những đức tính cao quý, sinh ra từ bùn mà không nhiễm mùi bùn, tượng trưng cho sự vô nhiễm trong đời sống phạm hạnh của người tu theo đạo Phật … Liên Hoa Đài được tạo tác theo hình tượng bông sen đặt trên trụ đá cao giữa lòng hồ Linh Chiểu như đang vươn mình hướng lên thoát khỏi thế tục. Một hình ảnh vô cùng thanh tao, thuần khiết và độc đáo.
Truyền thuyết kể lại rằng, chùa được xây dựng theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028-1054) và theo gợi ý thiết kế của nhà sư Thiền Tuệ. Vào năm 1049, vua đã mơ thấy được Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen dắt vua lên tòa. Khi tỉnh dậy, nhà vua kể chuyện đó lại với bày tôi và được nhà sư Thiền Tuệ khuyên dựng chùa, dựng cột gỗ Lim như trong chiêm bao, làm tòa sen của Phật bà Quan Âm đặt trên cột như đã thấy trong mộng và cho các nhà sư đi vòng quanh tụng kinh cầu kéo dài sự phù hộ, vì thế chùa mang tên Diên Hựu.
Chùa Một Cột nguyên thủy đã qua nhiều lần trùng tu nhưng vẫn giữ được kiến trúc cũ. Năm 1954, quân đội Viễn chinh Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa Một Cột, sau này chính quyền miền Bắc cho xây dựng lại vào năm 1955. Năm 1962, quần thể chùa Một Cột ở Hà Nội đã được công nhận là Di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Đến năm 2012, chùa Một Cột đã vinh dự được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất Châu Á”.
Hiện nay chùa một cột llà biểu tượng của thủ đô Hà Nội và đồng thời cũng là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Cách đây nhiều năm trong một lần du lịch Trung Quốc, khi tới thăm khu công viên CỬA SỔ THẾ GIỚI, đây là một công viên rộng lớn ở Thẩm Quyến đó tất cả công trình kiến trúc tiêu biểu của tất cả các quốc gia trên thế giới đều được chọn làm biểu tượng cho quốc gia đó, họ chia không gian công viên thành các khu riêng biệt cho từng châu lục, nên muốn kiếm công trình của nước nào cũng dễ. Việt Nam nằm trong khu châu Á và biểu tượng được chọn là Chùa Một Cột, Tuy nhiên chùa một cột vốn đã nhỏ lại được xây dựng theo tỷ lệ thiết kế nên trông thật khiêm tốn so với công trình của các nước khác. Nhưng dù sao khi nhà thiết kế công viên chọn biểu tượng của VN là Chùa Một Cột tôi nghĩ họ đã chọn đúng.
Một vài dòng giới thiệu sơ lược về Chùa Một Cột như thế cũng đã chứng minh vị thế Chùa Một Cột tầm cỡ như thế nào đối với nền văn hóa dân tộc, đồng thời cũng thấy rằng nền văn hóa dân tộc Việt hòa quyện với văn hóa Phật giáo đậm đà bản sắc như thế nào rồi!
Đoàn chúng tôi đến tham quan, chiêm bái vào đầu giờ chiều. Vì chùa nằm trong khuôn viên lăng Hồ Chủ Tịch nên tất cả những người tham quan chùa đều phải qua cửa rà soát an ninh như đi qua cửa hải quan ở phi trường vậy.
Được đến dây chiêm bái, đứng nhìn tận mắt kiến trúc chùa mời thấy tiền nhân của chúng ta quá tài năng và trí tuệ khi có ý tưởng sáng tạo ra một ngôi chùa hình đóa hoa sen nổi trên mặt nước, diện tích tuy khiêm tốn nhưng ý nghĩa thì cao siêu, thông tuệ. Lên chùa lễ Phât, nhiểu quanh chùa ngắm nghía từ nhiều góc cạnh khác nhau để ghi dấu ấn về vẻ đẹp tiềm ẩn của Chùa Một Cột tôi lại càng thán phục người xưa.
Chúng ta ai có tìm hiểu về kiến trúc đền chùa, lăng tẩm của tiền nhân đều thấy rằng hầu hết kiến trúc đều tuân thủ nghiêm ngặt thuật phong thủy và cảnh quan chung quanh. Ngày xưa khi cho xây Chùa Một Cột dù không to lớn nhưng tiền nhân đã nghiên cứu cảnh quan thiên nhiên rất thoáng đảng và tỉnh lặng. Nhưng nay chùa bị lọt thỏm giữa các công trình vĩ đại, hoành tráng chung quanh như Viện Bảo Tàng Lịch Sử, Lăng Hồ Chủ Tịch, quảng trường Ba Đình nên Chùa Một Cột bây giờ trông thật…(không biết dùng chữ gì cho chính xác!).
Dù sao chúng tôi cũng đã được đến đây chiêm bái biểu tượng của Dân tộc lòng cũng đã thỏa nguyện niềm mơ ước của một người Phật tử rồi…
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)