KỲ XV: THAM QUAN CHIÊM BÁI TRÚC LÂM BẠCH MÃ và LỜI KẾT

441405261_2262820220715940_1276501236065083449_n

KỲ XV: THAM QUAN CHIÊM BÁI TRÚC LÂM BẠCH MÃ
và LỜI KẾT
Rời chùa Tam Chúc, đoàn chúng tôi hướng về phương Nam trực chỉ, đến đây cuộc hành hương về danh thắng, cổ tự phương Bắc xem như đã hoàn thành. Trên đường trở về chúng tôi dự kiến ghé thăm Trúc Lâm Bạch Mã ở Huế, vì đây cũng là một ngôi thiền viện khá nổi tiếng. cách đây mấy năm trong lúc đi cứu trợ bão lụt miền Trung trở về chúng tôi dự định ghé chiêm bái Trúc Lâm Bạch Mã, nhưng lúc đó đang là mùa mưa bão nên không thể thực hiện ý định được.Trong lộ trình dự kiến, khi đi vào chúng tôi sẽ ghé động Phong Nha ở Quảng Bình và thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, Huế. Nhưng chuyến đi nầy hầu như chúng tôi đã tham quan hang động quá nhiều rồi nên quyết định chỉ ghé Trúc Lâm Bạch Mã, Huế.
Tối hôm đó xe về tới Bồng Sơn,Bình Định, nhờ sự hỗ trợ của những người bạn chị Gia, chúng tôi đã tổ chức một đêm hội ngộ tình lam trong một căn phòng ăn khá tươm tất và riêng tư.
Gọi là hội ngộ kết nối tình lam vì suốt cuộc hành trình hành hương đất Bắc chúng tôi chưa một lần ngồi lại với nhau để bày tỏ tâm tư, tình cảm và những cảm xúc của mình trong chuyến đi. Chúng tôi đã có một đêm hội ngộ thật hào hứng và vui nhộn, sau khi mỗi thành viên bộc bạch những cảm xúc của mình trong chuyến đi là phần phát thưởng cho những thành viên xuất sắc về một lảnh vực nào đó, ví như giải ca sĩ hát hay nhất, giải người leo núi giỏi nhất, giải trang phục ấn tượng nhất, giải MC hay nhất v.v…Sau mỗi bình chọn và trao giải chúng tôi có được một trận cười sảng khoái quên đi sự mệt nhọc trong cuộc hành trình…
Đoàn chúng tôi đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã thì cũng đã 10 giờ, trời nắng nóng.
Muốn vào thiền viện chúng tôi phải mua vé đi một chặng xe điện rời đi bộ xuống bến đò, đò máy sẽ đưa chúng tôi băng qua hồ Truồi để đến thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã. Muốn lên thiền viện chúng tôi phải leo 172 bậc tam cấp khá dựng đứng mới đến được cổng tam quan, rồi sau đó băng qua một khoảng sân rộng có hai lầu chuông trống hai bên mới đến được chánh điện của thiền viện.Vì đang là giờ trưa nên thiền viện rất tỉnh lặng khiến chúng tôi cũng phải đi nhẹ nói khẽ. Sau khi đảnh lễ ở chánh điện, chúng tôi đi một vòng để xem cảnh quan của thiền viện, không dám đi nhìn ngắm các công trình khác vì sợ động giờ chỉ tịnh của chư tăng.
Khi chúng tôi bước xuống sân định trở về thì có một vị thầy tuổi cũng khá cao đi tới hỏi han chuyện trò và cũng nói một số điều về pháp tu hiện nay của Trúc Lâm Bạch Mã. Chúng tôi đứng dưới nắng cũng khá lâu giữa sân để nghe thầy thuyết pháp nên cũng cảm thấy nóng, thế nhưng thầy chỉ nói chuyện một lúc vì chắc chắn thầy cũng cảm thấy nóng như chúng tôi vậy!
Chúng tôi lại lên đò trở lại nơi phòng vé, có một nhà chờ rộng rãi có bán hàng ăn và giải khát. Thức ăn chúng tôi đã chuẩn bị từ sáng nên chỉ mượn địa điểm để ăn cơm..
Xe chạy xuyên đêm và cuối cùng chúng tôi kết thúc hành trình hành hương phương bắc khi trời đã vào trưa, kết thúc cuộc hành hương mười ngày về phương Bắc hết sức thú vị và bổ ích…..
LỜI KẾT:
Thế là cuộc hành hương về thăm danh thắng và các ngôi chùa cổ nổi tiếng ở phương Bắc đã được như ý nguyện. Một chuyến đi tương đối là gian khổ nhưng cũng rất hữu ích. Giờ đây ngồi nhìn lại những nơi chốn đã qua thấy lòng bồi hồi như những thước phim quay chậm hành trình một chuyến đi đầy cảm xúc.
Viết lại thiên ký sự về chuyến Hành Hương Phương Bắc bản thân chúng tôi chỉ muốn ghi lại một cách trung thực nhất những gì chúng tôi đã trải nghiệm trong chuyến đi. Tôi nghĩ rằng thời gian và trí nhớ kém cỏi sẽ xóa nhòa tất cả kể cả những ký ức đẹp, những điều mắt thấy tai nghe và trực tiếp chứng kiến về những danh thắng và các ngôi cổ tự lưu dấu hàng ngàn năm một nền văn hóa Phật giáo cũng là văn hóa của Dân tộc. Một điều nữa là tôi muốn lưu lại những trang tư liệu cho các anh chị thành viên chuyến đi khi cần ôn lại những trải nghiệm thú vị và bổ ích, những kiến thức quý báu mà chuyến đi mang lại. Tôi tin rằng theo năm tháng và tuổi đời chồng chất những gì mà chúng ta cho là đã ghi nhớ rất kỷ về chuyến đi sẽ dần bị nhạt phai và từ từ đi vào quên lãng. Tôi cũng quan niệm những chuyến hành hương ý nghĩa như thế là hết sức bổ ích cho một huynh trưởng GĐPT trong việc cũng cố đạo tâm, gia tâm tu trì và đồng thời cũng là hành trang quý báu để tăng trưởng bản thân và phụng sự tổ chức.
Có trực tiếp đến những nơi danh thắng, những ngôi cổ tự lưu dấu tích tiền nhân mới thấy rằng văn hóa dân tộc Việt Nam là văn hóa Phật giáo, đó là một điều không thể phủ nhận.
Đến những ngôi chùa lớn hiện đại bậc nhất hiện nay để thấy rằng những ngôi chùa đó sẽ là văn hóa vật thể của Phật giáo và của quốc gia trong mai sau dù bây giờ đang chịu nhiều ý kiến trái chiều. Có trực tiếp thăm Văn Miếu-Quốc Tử Giám mới thấy được một nền văn minh, văn hóa tôn trọng sự học, tôn trọng hiền tài mà tiền nhân đã rất thông tuệ và minh mẫn để tìm cách lưu dấu tích. Đồng thời để tự hào dân tộc Việt tuy ít người, đất nước Việt tuy nhỏ bé nhưng đã sản sinh những anh hùng dân tộc và ý thức bảo vệ đất nước, bảo tồn văn hóa văn minh dân tộc rất được coi trọng.
Đến với danh thắng và những ngôi cổ tự của miền Bắc để thấy rằng đất nước ta thật xinh đẹp, người dân có thể nhắc nhau rằng trước khi bỏ tiền, bỏ công đi du lịch nước ngoài thì hãy gắng thu xếp thời gian đi du lịch một vòng tổ quốc để trải nghiệm được đất nước ta xinh đẹp biết dường nào!.
Chuyến hành hương đã viên mãn, tất cả bây giờ chỉ còn là những kỷ niệm đẹp. Qua thiên ký sự này thay mặt cho đoàn hành hương của BHD.GĐPTBRVT chí thành niệm ân Đại đức Thích Hạnh Từ đã trợ duyên cho đoàn rất nhiều, cảm ơn gia đình anh Thắng cùng đạo tràng Phật tử ở thành phố Hạ Long, gia đình chị DiệuTrang và các đạo tràng và phật tử ở Hà Nội. Vợ chồng em Việt Tú cùng các đạo hữu, huynh trưởng GĐPT đã trợ duyên, ủng hộ và luôn sách tấn tinh thần cho anh chị trong đoàn vượt qua mọi chướng ngại để hoàn thành chuyến hành hương viên mãn. Cầu chúc cho tất cả thân tâm an lạc, sáu thời an hòa.
Viết xong 15/5/2024
Tâm Lễ

436097299_2262821167382512_2113925309392382798_n

427990091_2262822994048996_4487685803215449849_n

435993820_2262823127382316_2884120197726614187_n

436236854_2262823014048994_6025996415817555070_n

436333284_2262823260715636_8648158746725744785_n

439873916_2262821774049118_2221668487509591373_n

439959777_2262823280715634_6970676221105587609_n

440606854_2262823117382317_6701477661989128558_n

441405261_2262820220715940_1276501236065083449_n

441498909_2262823220715640_1529408074483243516_n

441712034_2262823137382315_9145452996992480768_n

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb