Thuốc hỗ trợ điều trị bệnh Tay-Chân-Miệng ở trẻ em

Hình minh họa bệnh Tay-Chân-Miệng

Hình minh họa bệnh Tay-Chân-Miệng

Bệnh tay – chân – miệng là một bệnh lý nhiễm trùng do virus gây nên. Những virus gây bệnh chủ yếu là Coxackievirus (nhóm A16) và Enterovirus tuýp 71 (EV71). Đặc biệt, các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV 71.

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 35.000 ca mắc bệnh tay – chân – miệng và trên 80 trường hợp tử vong. Khoảng 2 năm trở lại đây, số lượng trẻ mắc bệnh này có xu hướng gia tăng ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Bệnh có diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt trong những tháng tới, nhất là vào năm học mới, nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi là rất cao.

Đây là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi, hiếm gặp hơn ở nhóm trẻ dưới 6 tháng và trên 5 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng tập trung nhiều vào tháng 2 – 4 và tháng 9 – 12.

Biểu hiện lâm sàng chủ yếu của bệnh tay – chân – miệng là tổn thương da, niêm mạc dưới dạng nốt phỏng nước trên da và loét niêm mạc miệng.

Điều đáng lưu ý là bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi… Để đề phòng các biến chứng nguy hiểm này, cha mẹ và gia đình cần theo dõi sát trẻ, phát hiện sớm các biểu hiện diễn biến xấu như: sốt cao, thở bất thường, kích thích hoặc li bì, bỏ bú, nôn trớ, co giật…

Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao và nhanh chóng xảy ra, nhất là trong bệnh cảnh trụy mạch và phù phổi cấp.

Thuốc điều trị:

Đây là bệnh do virus gây ra nên hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu.

Các biện pháp điều trị nhằm giải quyết các triệu chứng và biến chứng của bệnh.
Điều trị sốt và loét miệng:

- Hạ nhiệt: Khi trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên cần cho trẻ dùng ngay thuốc hạ nhiệt Acetaminophen (Paracetamol).

- Bổ sung đủ nước: Cho trẻ uống dung dịch điện giải (Oresol; Hydrit).

- Khi trẻ có sốt và loét miệng cần bổ sung Vitamin C, kẽm…

- Điều trị loét miệng họng: Dùng dung dịch Glycerin Borat lau sạch miệng trước và sau ăn. Gel rơ miệng (Kamistad; Zyttee…) có tác dụng sát khuẩn và giảm đau giúp trẻ ăn uống dễ dàng hơn.

Khi có triệu chứng não – màng não:

- Cần dùng thuốc chống co giật: Phenobarbital.

- Dùng kháng sinh: Cefotaxim điều trị như viêm màng não vi khuẩn.

- Theo dõi sát các triệu chứng hô hấp.

Triệu chứng màng não – não kèm liệt, rối loạn tri giác:

- Thuốc chống co giật.

- Kháng sinh: Cefotaxim hoặc Ceftriaxon.

- Điều chỉnh rối loạn nước, điện giải, thăng bằng kiềm toan, đường máu.

- Theo dõi sát mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở, kiểu thở, tri giác, SpO2.

Suy hô hấp, trụy tim mạch:

- Điều trị suy hô hấp: thông đường thở, thở ôxy, điều chỉnh rối loạn thăng bằng kiềm – toan (nếu có).

- Điều trị chock.

- Điều trị bằng kháng sinh như trên.

Ngoài ra, đối với các trường hợp có biến chứng thần kinh, rối loạn tri giác có chỉ định điều trị bằng Gammaglobulin trong 6-8 giờ, 2 ngày liên tiếp. Tuy nhiên, chưa có chứng cứ hiệu quả chắc chắn của biện pháp điều trị này.

Theo khuyến cáo của BYT, tình hình bệnh tay – chân – miệng vẫn ở mức báo động, đặc biệt đề phòng đỉnh dịch vào tháng 9 – 10 tới. Để ngăn chặn dịch tay – chân – miệng bùng phát thì các biện pháp dự phòng đóng vai trò quan trọng.

Các biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là phòng không đặc hiệu vì hiện nay chưa có vaccin dự phòng.

- Tuân thủ nguyên tắc vệ sinh cá nhân, nhất là thói quen rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ. Đặc biệt là sau khi tiếp xúc dịch tiết, chất thải của trẻ bệnh.

- Khử trùng dụng cụ, đồ chơi cho trẻ bằng dung dịch khử khuẩn (Cloramin B).

- Cách ly trẻ ngay khi phát hiện triệu chứng sớm nhất và đặc biệt trong tuần đầu của bệnh.

- Tăng cường dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

Bác Sỹ Nguyễn Bạch Yến

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn 13:18 – 17/09/2011 1.

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb