TRỞ LẠI VĨNH MINH NHỚ LỜI THẦY
TRỞ LAỊ VĨNH MINH NHỚ LỜI THẦY
TÂM LỄ
Tôi trở lại thăm Vĩnh Minh Tự Viện vào một ngày cuối thu nhân một chuyến đi dự lễ khánh thành một ngôi chùa trên Đà Lạt. Trời chiều cuối thu cao nguyên gió se lạnh, nắng hanh vàng vương vãi phủ lên vạt vật một màu vàng rơm thật quyến rũ. Đường vào chùa vẫn những đồi thông hai bên reo rì rào trong gió, tôi thấy cái âm thanh ấy sao mà quá đổi thân quen, hình như lần nào về Vĩnh Minh tôi cũng nghe tiếng vi vu của những hàng thông ấy nghe thật ấm lòng như người con xa xứ lâu ngày trở lại quê hương. Đường chiều thật vắng vẻ, sự cô tịch của núi rừng Đại Ninh làm tăng thêm sự tỉnh lặng của chốn thiền môn,
Vĩnh Minh Tự Viện là đây, vẫn cái cổng đá cổ kính đơn sơ, thô mộc mà uy nghiêm trầm mặc. Tôi thơ thẩn đi từng bước chậm rãi vào chùa vừa quan sát cảnh vật hai bên và thấy không thay đổi mấy, mọi thứ vẫn như ngày xưa nhiều lần chúng tôi đến khi còn thầy cũng như khi thầy đã về miền tịnh cảnh. Trên lối dẫn vào chùa là những kiến trúc cổ kính như tượng Phật nhập niết bàn, tượng Phật tham thiền nhập định, ao thất bảo với hình ảnh những vị đã vãng sanh ngồi trên những đóa hoa sen giửa hồ, cảnh giới của cỏi Tịnh Độ với “chín phẩm sen vàng lên giải thoát”. Một hình ảnh tráng lệ, nổi bật nhất mới được xây dựng là tượng Phật Di Đà cao 35 mét uy nghi, đồ sộ nổi bật lên nền trời xanh thẳm của cao nguyên mùa thu. Công trình mang tên “Vạn Phật Di Đà” được một thí chủ cúng dường là một công trình điêu khắc đẹp, uy nghi, phía trong lòng tượng được tôn trí mười ngàn tượng Phật Di Đà. Một công trình thật ý nghĩa biết bao!
..Tôi thơ thẩn vào chùa định lễ Phật trên chánh điện nhưng đang giờ công phu chiều của Tăng chúng trong chùa nên chỉ đứng ngoài cửa chắp tay xá Phật và suy nghĩ mông lung. Năm xưa, chốn này nhiều lần anh em huynh trưởng chúng tôi đến và đã được thầy thương yêu, đùm bọc, bảo ban, che chở. Trong thời gian Gia Đình Phật Tử Việt Nam đang trải qua những ngày bão nổi, chính thầy là niềm tin, là điểm tựa cho lam viên yên lòng vững dạ vượt qua cơn nguy khốn. Trong những năm tháng “Pháp nhược ma cường” biết bao nhiêu người đã trở mặt quay lưng, nếu không nương thế lực cường quyền làm bao điều khó khăn cho tổ chức thì cũng quay mặt làm ngơ, chứng kiến GĐPT đang chịu bao khảo đảo bủa vây mà vờ như không thấy vì sợ liên lụy, sợ vạ lây, sợ đủ thứ! Trong khi đó thì thầy đã không khuất phục uy quyền mà công khai bảo bọc, chở che cho GĐPT vững bước duy trì mạng mạch của tổ chức. Ôi thương biết bao mỗi lần nghe các anh em lam viên bất kỳ ở đâu đến thầy cũng gác lại các phật sự khác để tiếp đón, phục vụ nhắc nhở từng bửa cơm, nơi ăn chốn ngủ. Thầy đã bỏ ra hằng giờ để đến với anh chị em những bài pháp thoại thắm tình đạo vị, thầy trò. Những bài giảng về nội điển của thầy thật khúc chiết, cô đọng và dễ hiểu, thầy giúp anh em nằm được những tinh yếu của các bổ kinh Đại Thừa PG trong chương trình bậc Lực. Những lời thầy nhắn nhủ anh chị huynh trưởng trong tang lễ anh Như Tâm Nguyễn Khắc Từ mãi mãi vang vọng: “Đời sống của huynh trưởng chúng ta giống như một con tằm, con tằm chỉ ăn một thứ lá dâu xanh mà thôi, còn những thứ lá khác dẫu có ngon ngọt đến biết bao nhiêu cũng không trêu nhử được nó. Tằm ăn lá dâu xanh để nhả cho đời những sợi tơ vàng óng ánh!” Lời của thầy đã trở thành một tuyên ngôn kiên định lập trường, tôn chỉ của GĐPT.VN, cho dù ở vào hoàn cảnh nào đi nữa thì cũng không thay đổi. Đây là một lời di huấn thiêng liêng mà bất kỳ một huynh trưởng nào cũng cần học thuộc, trang đầu của một cuốn sách nào viết về lý tưởng áo lam cũng nên ghi lại và bất kỳ một đoàn quán GĐPT nào cũng nên đóng khung treo vào nơi trang trọng, dễ nhìn thấy nhất để anh chị em huynh trưởng nhớ lấy mà hành hoạt cho đúng. Những ai đã trót quay lưng, như con tằm đã trót ăm nhằm thứ khác mà không phải lá dâu mà cho ra đời không phải tơ tằm óng ánh giúp cho đời mà lại cho ra đời tơ nhện bủa giăng làm hoen ố đời, làm vướng bẩn cuộc sống phải giật mình tỉnh giấc! Có lần nơi pháp hội Hoa Nghiêm thầy đã nhắc nhở huynh trưởng:
“ Huynh trưởng ăn không cầu no, ở không cầu an, giàu có không phóng đãng, đói nghèo không khuất tiết, uy vũ không nhuất phục, là tạo nên năng lực, là tài bồi pháp lực, để thừa hành Bồ-tát đạo, rốt ráo liễu chứng vô sanh” Những lời giáo huấn thật chân tình mà thấm đẩm đạo vị, tình thầy trò, nghĩa đệ huynh!…và còn đây nữa lời thầy nói về sự phát nguyện của huynh trưởng: “Lời phát nguyện của Huynh trưởng chúng ta phải như phiến đá trên đường rừng, ý chí của chúng ta phải như cành thông không hề khô héo khi mùa đông, như lá thông không hề rơi rụng khí gió thổi, tâm thành của chúng ta phải như liễu xanh soi bóng trên bờ hồ, dù đường sá có gập nghềnh, ngày tháng có dài lâu cũng không sờn lòng, không nản chí”…
Cả cuộc đời thầy gắn liền với GĐPT, khi còn trai trẻ thầy là một huynh trưởng kiên trung, nhiệt tình, tận tụy với tổ chức; khi đã cắt ái ly gia khoác áo sa môn thầy cũng chưa bao giờ hết trăn trở với tổ chức, nếu có cơ hội là thầy sẵn sàng ra tay trợ duyên bảo bọc và cuối cùng là những ngày tang lễ của thầy trong sân chùa cũng rợp bóng áo lam khắp mọi miền đất nước câu hội về tiễn đưa thầy lần cuối.
Đứng trong khoảng sân vắng ngó mông lung cảnh vật thân quen, nghe tiếng thông reo trong chiều nhạt nắng, đối diện với sự im ắng của không gian tôi nhớ lại một ngày mùa xuân năm 2004 khi nghe tin thầy xã báo thân, chúng tôi (Huynh trưởng GĐPT.BRVT) cũng như huynh trưởng GĐPT khắp toàn quốc đã câu hội về để tiễn đưa báo thân thầy về với lòng đất mẹ và từ đó GĐPT khuất bóng một cội tùng đã bao năm giang rộng vòng tay bảo bọc chở che. Thế nhưng ĐI hoặc Ở lại chốn ta bà này đối với thầy đều vô ngại như thầy đã bày tỏ trong bài thi kệ của thầy:
ĐI – Ở
Đi cũng tốt
ở cũng vui lòng
Đi-Vui theo nhịp Lâm Tòng hoa chư tổ
Ở lại- Tùy duyên hóa độ chúng sanh
Đi- sẵn sàng thắp sáng huệ tâm linh
Ở lại- cùng chúng hửu tình vui diệu pháp
Đi cũng tốt…
Ở cũng vui lòng…
Rời Vĩnh Minh Tự Viện bóng chiều đã dần khuất sau những hàng thông, buổi chiều muộn trên cao nguyên như lãng đãng khói sương, vẫn tiếng vi vu của ngàn thông, không gian trầm lắng cô tịch. Không còn được diện kiến hình bóng thầy nhưng lời thầy như còn vang vọng mãi, Thầy ơi!…
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)