NHỮNG LẦN XA MẸ

NHỮNG LẦN XA MẸ

                                                                                                                   Tâm Lễ

Là một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó bên bờ sông Vĩnh Định, xuất thân từ một gia đình nghèo như bao gia đình khác trong làng, cha mẹ tôi phải dầm mưa dãi nắng quanh năm suốt tháng trên đồng ruộng khô cằn để kiếm cái ăn cái mặc cho con cái. Cái thời mà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc mà được cắp sách đi học, hơn nữa lại được học trường Nguyễn Hoàng thì đúng là một diễm phúc lớn của đời tôi. Cái diễm phúc đó đã do đôi bàn tay đen sạm, thô ráp vì lao động nhọc nhằn của cha, của mẹ mang đến cho tôi, sự hy sinh bao la như biển cả, mà thầm lặng như dòng sông thế mà không phải lúc nào ta cũng cảm nhận được!

 Ký ức về một tuổi thơ nghèo khó nhưng đầm ấm hạnh phúc luôn ngự trị trong tôi, tôi đã lớn dần theo năm tháng trong vòng tay ôm ấp nâng niu của mẹ mà không hề ý thức về sự diễm phúc đó cho đến khi lần đầu tiên trong đời tôi phải sống xa vòng tay mẹ mới thấy được mẹ chăm sóc ôm ấp mới quý giá làm sao! Đó là lúc tôi phải xa nhà đi ở trọ để học bậc trung học.

 Năm 12 tuổi tôi thi rớt vào Đệ Thất trường Nguyễn Hoàng, mặc dù nhà nghèo nhưng vì thương con nên được cha mẹ nhờ ông chú đang làm việc trên quận kiếm cho tôi một nơi ở trọ ăn cơm tháng và nạp đơn cho tôi vào học trướng Bán Công Hải Lăng. Thế là tôi phải khăn gói giả từ người thân và ngôi nhà thân yêu lên Diên Sanh ở trọ để đi học, lần đầu tiên phải xa mẹ để lên sống ở một ngôi nhà xa lạ, với những người chưa kịp quen tôi thấy nhớ mẹ, nhớ nhà quay quắt. Nỗi nhớ cứ dâng trào trong bữa cơm với những ngườì lạ khiến tôi không nuốt nổi, nỗi nhớ đeo đẳng tôi trên đường từ nhà đến trường, vào lớp học và vào cả giấc ngủ với những giấc mơ chập chờn. Không thể chịu đựng lâu hơn, thế là chiều thứ tư của tuần đầu tiên (tức là tôi mới xa gia đình được bốn ngày) không có giờ học tôi đi ra chợ Diên Sanh tìm người quen và cùng họ  theo đường băng qua truông Cu Hoan về làng. là những cồn cát chạy dài nối tiếp nhau như sa mạc, cát trắng lóa cả mắt, mềm lún xuống dưới mỗi bước chân, cát nóng muốn bỏng chân khi đi qua đó vào buổi trưa, chỉ có những cây hoang dại như sim, móc, cơm rượu, tràm gió… mọc lúp xúp không có bóng mát, đó cũng là một nghĩa trang bao la dành để chôn người chết. Bao nhiêu lời đồn đại hoang đường về chuyện bắt cóc người thả xuống một hồ nước sâu để tế thần hoặc cướp giật, hảm hiếp khi đi qua truông Cu Hoan được đồn thổi nên ít ai dám đi qua truông một mình mà thường đi theo đoàn, riêng tôi là thằng bé nhát gan, sợ ma nên có thuê bạc triệu cũng không dám đi đường đó môt mình. Sau này muốn về nhà mà không tìm được người quen thì tôi đành phải đi theo đường lộ từ Diên sanh về Mỹ Thủy, đến cầu Hội Yên thì rẻ trái theo đường ven sông Vĩnh Định mà về mặc dù đường này xa gấp đôi đường rú.

Mới 12 tuổi đã phải xa mẹ để đi trọ học, thời gian đầu tôi ngỡ mình không chịu đựng nổi, thế nhưng nỗi nhớ cũng nguôi ngoai dần theo thời gian khi đã quen người, quen cảnh. Năm sau tôi thi lại và đậu vào Đệ Thất trường Nguyễn Hoàng, thế là phải đổi chổ trọ từ Hải Lăng ra thị xã Quảng trị và cứ thế năm này qua năm khác chỉ về quê vào dịp nghỉ hè. Những năm sau này chiến tranh ác liệt quê tôi bom cày, đạn xới, làng mạc tiêu điều xác xơ, quê tôi vì chiến tranh bom đạn nên nhiều người bỏ lên tỉnh lánh nạn và tìm kế sinh nhai. Cha mẹ tôi vì nặng tình quê với lại mồ mả ông bà tổ tiên, từ đường, hương hỏa nên không nở ra đi mà bám trụ lại quê nhà chấp nhận cuộc sống đầy hiểm nguy vì bom đạn ngày đêm trút xuống. Thế là sau này dù là nghỉ hè hè tôi cũng ít về mà ở lại mở lớp dạy hè cho con nít trong xóm hoặc kiếm việc làm thêm kiếm tiền ăn và mua sách vở cho năm học tới…

… Chiến trận mùa hè đỏ lửa năm 1972 nổ ra, cả tỉnh Quảng Trị chìm trong bom đạn, máu lửa, chết chóc. Tôi ở thị xã nên kịp theo gia đình anh chị thoát thân vào Huế, gia đình tôi ở quê nhà chỉ còn lại mẹ và một người chị gái (cha tôi mất vì chiến tranh năm 1971) bị kẹt lại trong vùng lửa đạn ở quê nhà không biết số phận thế nào. Lần xa mẹ thứ hai này làm cho tôi vô cùng đau đớn, những ngày ở Huế tôi lang thang khắp Phu Vân Lâu lục lọi tìm kiếm trong đoàn người tỵ nạn từ Quảng Trị đổ vào, gặp ai quen cũng hỏi thăm nhưng tin tức về mẹ vẫn bật vô âm tín. Mấy ngày sau tôi theo gia đình anh chị vào trại tỵ nạn ở Đà Nẵng thì xem như tôi đã thực sự mất mẹ vì quê hương ngày đêm bom đạn đang cày xới từng tấc đất sự sống thật mong manh. Chưa nguôi nỗi đau mất cha lại chồng thêm nỗi đau mất mẹ khiến những ngày sống trong trại tạm cư của tôi buồn bã vô vọng. Mặc dù hoàn cảnh bi đát như thế nhưng với nổ lực vượt qua mọi chướng ngại mùa hè năm đó tôi thi đổ tú tài ở Huế, một thành quả sau bao năm tháng cha mẹ tôi phải nhịn ăn, nhịn mặc để nuôi tôi đi học, nếu có mẹ chắc bà phải mừng rơi nước mắt. Thế nhưng niềm vui thi đổ của tôi không có mẹ để chia sẻ lại không biết mẹ đang sống, chết thế nào khiến tôi buồn vô hạn. Tôi sống lay lắt qua ngày đoạn tháng và cuối cùng là bước chân vào quân ngũ…

…Thế nhưng cuộc đời luôn có những sự kỳ diệu xảy ra mà mình không thể đoán trước. Năm 1975 ngày tàn cuộc chiến, tan hàng rã ngũ tôi trở về quê nhà với hai bàn tay trắng cùng với vết thương lòng vì những mộng ước chưa kịp hình thành. Mẹ tôi cũng từ vùng sơ tán trở về với hai bàn tay trắng cùng với sức khỏe tàn tạ vì chịu đựng bom đạn và thương con mỏi mòn. Mẹ con tôi gặp nhau ở bến đò làng, ôm nhau khóc mừmg mừng, tủi tủi.

Thế là từ đây mẹ con được đoàn tụ và cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trong cuộc sống, gầy dựng lại mái nhà trên đống hoang tàn đổ nát. Những năm tháng sau đó là chuổi dài gian khổ lao động vất vả để kiếm miếng cơm manh áo. Làm việc quần quật mà vẫn không đủ ăn tôi lại phiêu bạt phương nam làm kẻ tha phương cầu thực, vì thương tôi lỡ làng thân phận, lỡ thầy, lỡ thợ mà phải bôn ba xứ người vật lộn với cuộc mưu sinh nên  mẹ lại phải theo con mà nỗi nhớ quê cha đất tổ cứ canh cánh bên lòng.

Làm kiếp tha phương thấm thoát thế mà đã hơn ba mươi năm, tôi lập gia đình ở miền nam, cháu chắt mẹ cũng sinh ra và lớn lên ở miến nam thế nhưng đối với mẹ chỉ có làng Lam Thủy nghèo khó bên bờ sông Vĩnh Định mới là quê hương và nguyện vọng của mẹ là sau này mẹ mất được gởi nắm xương tàn ở quê nhà.

Mọi khó khăn, gian lao vất vả rồi củng theo năm tháng qua đi, nỗi nhớ quê hương cũng nguôi ngoai dần theo thời gian. Quá nửa đời phiêu bạt, hồi tưởng lại những năm tháng đã qua đôi lúc giật mình về sự chịu đựng vô hạn của mẹ, tuổi già sức yếu mà phải lặn lội theo con lên rừng xuống biển, những năm tháng mới vào miền nam phải chịu cảnh đói ăn, thiếu mặc, chịu khó chịu khổ nơi đất khách quê người mà không một tiếng thở than.

… Những ngày giáp Tết Tân Mão như ngọn đèn cạn dầu tàn lụi dần, mẹ tôi từ giã cõi đời ở cái tuổi 98, trong lúc thiên hạ đang nao nức đón xuân về thì nhà tôi rộn ràng lo hậu sự cho mẹ. Tang lễ của mẹ được tổ chức hết sức trang nghiêm nhờ bà con và thân hửu của gia đình và đặc biệt là anh chị em trong GĐPT đã tận tình lo toan, sáng ba mươi tết con cháu nội ngoại, bà con thân bằng quyến thuộc đã tiễn đưa mẹ về nơi an nghỉ cuối cùng.

 Đây là lần xa mẹ vĩnh viễn, dù đã cận kề tuổi sáu mươi nhưng tôi vẫn thấy xót xa đau đớn khi phải xa lìa người mẹ kính yêu, người đã ghi dấu ấn sâu  đậm nhất trong cuộc đời tôi. Cứ nghĩ đến từ đây không bao giờ được thấy hình bóng thân quen của mẹ là nước mắt tôi lại tuôn trào. Anh Tâm Chế đã phúng viếng và chia buồn với gia đình tôi bức thư pháp với nội dung:

                                    Xuân này hết vẫn còn xuân khác

                                    Mất mẹ rồi muôn thuở biết tìm đâu!

Thật là thấm thía niềm đau mất mẹ, cho dù bạn là ai và bao nhiêu tuổi!

                                                                                                Ngày giỗ đầu của mẹ

                                                                                                            Tâm Lễ

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb