VIẾT TIẾP CÔNG HẠNH NGÀI PHÚ-LÂU-NA
VIẾT TIẾP CÔNG HẠNH NGÀI
PHÚ-LÂU-NA
Tâm- Lễ
Ngài Phú-lâu-na tên đầy đủ là Phú-lâu-na-di-đà-la-ni-tử (Purna Matrayaniputra) Tàu dịch là Mãn Từ Tử. Ngài sinh trưởng trong một gia đình quý tộc dòng dỏi Bà La Môn, xuất gia theo Phật và trở thành một trong 10 đại đệ tử của đức Phật. Ngài là một người có biệt tài về thuyết pháp, nên được tôn danh hiệu “Thuyết pháp Đệ nhất”. Ngài phát nguyện sống đời du Tăng, hành hạnh nhẫn nhục đem giáo pháp Phật Đà truyền bá đến cho nhân loại, cho dù đi đến những nơi biên địa, nhiều khó khăn gian khổ ngài cũng không từ nan.
Vùng Du-lô-na là một vùng biên địa, đất đai khô cằn sỏi đá, cư dân ở đây tính tình hung bạo, cương cường rất khó giáo hóa không một ai muốn đến truyền đạo nơi xứ nầy. Ngài Phú-lâu-na phát tâm đến đó hoằng hóa.
Trước khi đi Đức Phật gọi ngài lại hỏi thử:
- Vùng Du-lô-na là một vùng biên địa khắc nghiệt, dân chúng ở đây rất hung dữ nếu ông đi đến đó mà họ lớn tiếng chửi mắng thì sao?
Ngài Phú-lâu-na nhã nhặn thưa:
- Bạch Thế Tôn họ chửi mắng con, con vẫn thấy họ còn tốt vì họ chưa đánh đập con.
Phật hỏi tiếp:
- Nếu họ dùng nắm tay, gạch ngói, roi gậy đánh đập ông thì sao?
- Con vẫn thấy họ còn tốt vì chưa đến nỗi đâm chém con.
- Nhưng nếu họ dùng dao búa thì sao?
- Con cũng cho họ rất tốt, vì họ còn tình người chưa đến nỗi giết con.
- Nhưng họ giết ông chết thì sao?
- Nếu thế con cám ơn họ đã giết sắc thân của con để hổ trợ cho đạo nghiệp của con. Họ giúp con đem sanh mạng báo đền ân đức của Thế Tôn. Điều ấy đối với con không trở ngại chỉ sợ di hại ảnh hưởng không tốt cho họ mà thôi!
Đức Phật khen ngài Phú-lâu-na:
- Phú-lâu-na ông thật xứng đáng là đệ tử hạng nhất của ta. Với tâm nhẫn nhục thời ông sẽ an bình. Ta sẽ đưa ông lên đường…
…Lịch sử truyền thừa cho thấy rằng mặc dù đã chứng đắc A-la-hán nhưng ngài không nhập vô dư niết bàn mà phát nguyện tái sinh lại cõi Ta-bà để tiếp tục hóa độ chúng sanh. Các hậu duệ của ngài Phú-lâu-na đều phát tâm đi đến các vùng ma chướng dùng phương tiện tứ vô ngại giải và hạnh nhẫn nhục để đem giáo lý Phật đà đến với chúng sanh. Do đó ánh sáng chân lý của đức Phật ngày càng bừng sáng.
Giờ đây xin viết tiếp công hạnh của hậu duệ đời thứ 102 của ngài Phú-lâu-na…
Ngài Phú-lâu-na đời thứ 102 (từ đây xin gọi tắt là ngài Phú-lâu-na 102) cũng phát nguyện đi đến những nơi nhiều gian nguy, ma chướng để hóa độ. Cũng là miền Du-lô-na nhưng không phải như thời cách đây 26 thế kỷ trước với đất đai khô cằn sỏi đá, dân chúng hung tợn sống hoang dã, đói rách, tăm tối, mà Du-lô-na thời nay là miền đất phồn hoa giàu có, trù phú về vật chất nhưng lại rất nghèo nàn về tâm linh, người dân ở đây sống trong ăn chơi, đàng điếm trụy lạc, đạo đức suy đồi, sống tha hóa hủ bại vì vô minh che lấp. Dân chúng ở đây sống ngụp lặn trong biển lửa dục lạc mà không hề hay biết chỉ biết ngày đêm tận hưởng những thú vui trụy lạc của cuộc sống. Dân chúng thì mê muội, còn quan lại thì tham ô chỉ biết vơ vét công khố, nhận tiền cống nạp của các trà đình, tửu quán, sòng bạc ngày đêm vùi sâu trong đam mê tửu sắc, không hề hay biết thực trạng xã hội đạo đức suy đồi như thế nào!
Cho đến một ngày kia quan Tri phủ phát hiện ra tiền cống nạp của các Tổng, Huyện về các khoản thu từ cao lâu tửu quán, sòng bạc ngày càng ít đi. Quá ngạc nhiên, một hôm quan Tri phủ cho đòi các quan Tri huyện đến để tra vấn.
Tại phủ đường các quan huyện đều khai thời gian gần đây có một ông thầy tu đến thuyết pháp giáo lý của đức Phật, dân chúng nghe theo rất nhiều. Nhiều người đã từ bỏ cuộc sống sa đọa, tu nhân tích đức, làm lành tránh ác, kiếm sống bằng ngành nghề lương thiện. Các nhà thổ, trà đình tửu quán, sòng bạc… ngày càng ít khách nên thất thu lớn, có nơi phải dẹp tiệm, vì thế nên tiền cống nạp ngày càng ít đi.
Nghe qua quan Tri phủ nổi nóng:
- Người nào mà to gan thế ? Sao các ông không nhốt ông ta lại?
- Dạ bẩm quan phủ, ông ấy không hề làm trái với pháp luật của triều đình thì làm sao mà bắt được. Một quan huyện khúm núm thưa.
- Vậy thì mời ông ta đến đây để ta xét hỏi cho rỏ ngọn nguồn.
… Thế là ngài quan Phú-lâu-na 102 được mời đến dinh quan phủ. Quan Tri phủ ngồi trên tòa cao ra dáng đường bệ của một ông quan phụ mẫu với thói hống hách cố hữu bắt đầu cuộc thẩm vấn.
- Ông từ đâu đến và hiện nay đang ở đâu?
- Tôi từ vùng quang minh tới. Tôi đem ánh sáng đến cho những nơi tăm tối.
- Trong phủ ta không có chổ nào là tăm tối cả, ông không thấy đêm về đèn cao áp sáng choang mọi con phố. Đèn vũ trường, quán bar, nhà hát … xanh, đỏ, tím , vàng như cõi tiên đó sao?
Ngài Phú-lâu-na 102 bình thản trả lời:
- Bên trong những con đường sáng trưng ánh điện là những con hẻm tối tăm. Ở đó hằng trăm thanh thiếu niên nam, nữ đang hủy hoại cuộc đời của mình bằng những liều ma túy, thuốc lắc, những trò đồi bại.
Bên ngoài vũ trường, quán bar, tửu quán sáng trưng ánh đèn màu nhưng bên trong là những sàn nhảy, những quầy rượu, ở đó bóng tối mờ ảo đồng lõa với tội lỗi với những điệu nhạc cuồng loạn. Những cuộc vui suốt sáng, trận cười thâu đêm đang đốt cháy tinh lực của nhiều thế hệ thanh thiếu niên. Tệ hại hơn nữa là bên trong cái vỏ phồn hoa đô hội, của cải thừa mứa là những tâm hồn băng hoại, suy đồi đạo đức, sống lọc lừa dối trá chỉ biết hưởng thụ theo bản năng, dành dật nhau mà sống như bản năng của loài cầm thú. Trong khi đó một bộ phận lớn dân chúng ở nông thôn sống trong nghèo khổ, thậm chí không đủ cơm ăn, áo mặc, những năm trời gây bão lụt là cuộc sống người dân thêm kiệt quệ, đói rách rất khốn khổ! Các quan phụ mẫu có thấu nỗi lầm than đó không?
- Ông nói năng lung tung, mơ hồ quá! Hãy nói cụ thể: Ông thường trú ở đâu và hiện nay đang tạm trú nơi nào? Quan Tri phủ nổi nóng đập bàn quát.
- Cả cõi Ta-bà nầy đều là cõi tạm bợ thì làm gì có nơi thường trú. Ngài Phú-lâu-na bình thản trả lời, vẻ mặt an nhiên tự tại.
- Ông đã tuyên truyền điều gì với dân chúng của tôi?
- Tôi không tuyên truyền điều gì cả, tôi đem đến cho họ những lời dạy của Đức Phật để họ thấu hiểu cuộc đời này là bể khổ và làm sao để thoát khổ. Khi họ hiểu được giáo lý của Đức Phật và nghe theo những lời khuyên của tôi thì người lợi lạc nhất chính là các quan.
- Tại sao người được lợi lại là ta? Quan Tri phủ trố mắt ngạc nhiên.
- Khi dân chúng làm theo lời dạy của Đức Phật giử gìn năm giới thì không có kẻ giết người, trôm cắp, say sưa rượu chè quậy phá, nghiện ngập ma túy, dối trá lọc lừa thì triều đình bớt đi nhà tù, dẹp bỏ trại phục hồi nhân phẩm, xã hội yên bình, tòa án bớt việc làm, binh lính làm công tác giử gìn trật tự xã hội thất nghiệp. Triều đình cho những người lính cảnh vệ, những giám thị nhà tù, những người làm công tác bảo vệ an ninh về nhà đi cày ruộng tăng gia sản xuất. từ đó giảm gánh nặng cho công khố, ngân sách quốc gia, thế nên thần dân cũng được hưởng lợi. Đó là chỉ nói những điều lợi căn bản dễ thấy nhất, còn nếu dân chúng được học hỏi những điều sâu xa hơn, chuyên làm việc thiện, tránh xa việc ác thì xã hội thái bình thịnh trị, người người hoan lạc. Lúc đó các quan cai trị hết sức mhàn hạ, thế không phải người được lợi nhất chính là các quan sao?
- Ông nói hay lắm! nhưng việc này ta phải xin chỉ thị của quan Tổng Đốc.
Quan Tri phủ bấm số gọi điện thoại, không biết đầu dây bên kia nói gì mà chỉ thấy quan phủ dạ lia lịa.
Quan gác máy nhìn ngài Phú-lâu-na 102 dịu giọng
- Pháp luật của triều đình cho phép mọi người dân được tự do tín ngưỡng. Ông được tự do nhưng tôi cảnh báo cho ông biết nếu ông nói hay làm điều gì vi phạm thì tôi không để yên cho đấy!
Ngài Phú-lâu-na chào quan Tri phủ rồi đi ra, nét mặt bình thản như khi bước vào.
Đợi ngài Phú-lâu-na102 đi ra khỏi cổng, quan Tri phủ bấm chuông. Một thanh niên vạm vỡ mặc áo khoác da màu đen, mang kính đen to đùng che gần hết khuôn mặt nãy giờ núp ở phòng trong theo dõi câu chuyện bước ra.
- Anh hãy theo sát ông ta nếu có dấu hiệu gì là bắt giam ngay tức khắc. Quan phủ ra lệnh nét mặt căng thẳng.
- Nhưng bẩm quan, hồi nãy quan nói với ông ta…
Quan phủ khoát tay ngắt lời:
- Đầu óc anh tối tăm lắm, cho đi học mấy khóa rồi cũng không thông. Những gì tôi nói với ông ta là NÓI LUẬT, còn những gì tôi ra lệnh cho anh là LÀM LUẬT. Nghe rỏ chưa?!
TÂM LỄ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)