Lễ Hiệp Kỵ GĐPT Việt Nam
Lễ Hiệp Kỵ GĐPT Việt Nam
07 – 3 – Giáp Ngọ
Trong Kinh Phương Tiện Phật dạy rằng “Điều người Phật tử phải làm trước tiên và trên hết là phải biết Tri Ân và dốc lòng Báo trả “ Đạo Phật nói chung ,Gia Đình Phật Tử nói riêng ,ngoài chí nguyện giải thoát ,người Phật tử phải thấm nhuần lời dạy vàng ngọc của chư Phật ,Chư Tổ .thấm nhuần đạo lý: “Ẩm thuỷ tư nguyên” uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
GĐPT Việt Nam hơn 70 năm, nguyện khắc cốt Tứ ân trọng báo. Mùa Hiệp kỵ trở về khơi nguồn đạo lý, áo lam mọi miền tưởng niệm tri ân, nơi linh đường pháp sự tuyên hành, ánh từ quang Tam bảo sáng soi, nguồn năng lượng đại tăng gia trì chú nguyện, phước lạc âm dương, đôi đường lưỡng lợi. Cung thỉnh Chư Giác Linh, Chư Chơn Linh, Chư Hương Linh chí thành đảnh lễ Chư tôn tịnh đức hiện tiền với tấc lòng tôn kính, niệm cảm ân sâu, Chư tôn đã tác thành viên mãn hiếu sự nhà lam của chúng con.
Bác Tâm Minh Lê Đình Thám sáng lập viên GĐPT Việt Nam
-Bác sĩ Lê Đình Thám được bạn bè và những người đồng liêu đánh giá là người làm việc rất tận tụy, quên mình. Đối với các bệnh nhân, ông đối xử ân cần, bình đẳng, không phân biệt địa vị xã hội, người giàu, kẻ nghèo…
-Vào thời gian làm việc tại bệnh viện Hội An năm 1926, khi đi tham quan thắng cảnh chùa Tam Thai (thường gọi là chùa Non Nước), Đà Nẵng, bác sĩ đã đọc được bài kệ của Tổ Huệ Năng khắc trên vách chùa:
Bồ đề bổn vô thọ,
Minh cảnh diệc phi đài.
Bổn lai vô nhất vật,
Hà xứ nhạ trần ai.
Đó là cơ duyên đưa Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám đến với đạo Phật.
– Năm 1932, vâng lời của Chư tôn Thiền đức những người tha thiết với đạo, có địa vị và uy tín trong xã hội, đã đi đến việc thành lập Hội An Nam Phật Học.
– Năm 1933, mở trường ANPH tại chùa Vạn Phước, sau đó dời về chùa Báo Quốc do HT. Trí Độ làm Đốc giáo. Năm 1935, mở trường Sơn Môn Phật Học, lớp Đại học mở tại chùa Trúc Lâm do HT. Giác Tiên làm Giám đốc; lớp Trung học mở tại chùa Tường Vân do HT. Tịnh Khiết làm Giám đốc. Bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám là người mẫn tiệp, uyên thâm triết học Đông-Tây, nhất là về Kinh Luận, do vậy được Chư vị Cao Tăng mời dạy các trường nói trên. Trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận (tập III), trang 89 có ghi: “Lê Đình Thám có lẽ là người cư sĩ đầu tiên ở thế kỷ XX đã dự phần vào việc đào tạo Tăng tài. Phật học của Ông được các bậc Tôn túc công nhận là thâm uyên, cho nên Ông đã được mời vào giảng dạy trong các Phật học đường Trúc Lâm và Tường Vân…”. Mặc dù có một kiến thức cao rộng, nhưng cung cách của bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám rất khiêm nhã và trân trọng, mỗi lần có giờ giảng, bác sĩ luôn mặc áo tràng và đảnh lễ Chư Tăng trước khi lên bục giảng. Tốt nghiệp khóa học đầu tiên của Phật học đường Báo Quốc gồm có các Học Tăng tiêu biểu như Thiện Siêu, Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Hoa, Trí Tịnh, Nhật Liên… Chư vị này về sau trở thành những vị giáo phẩm lãnh đạo cao cấp, lèo lái con thuyền Phật giáo Việt Nam vượt qua phong ba bão táp trong thời kỳ bị chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp năm 1963.
– Nhà sáng lập các tổ chức giáo dục Thanh Thiếu niên Phật tử: Vào ngày 14 tháng 8 năm 1938, trong kỳ Đại hội đồng của Tổng hội ANPH tại Huế, bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám đã phát biểu: “Không có thành tựu bền vững nào lại không nhắm tới hàng ngũ Thanh Thiếu niên. Họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai…”. Một câu nói xuất phát từ suy nghĩ sâu xa và có tầm nhìn chiến lược mà sau đó đã hình thành các tổ chức giáo dục Thanh Thiếu niên Phật tử. Bắt nguồn từ mối quan tâm trên, vào mùa Thu năm 1940, bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám đã thành lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục (ĐTNPHĐD) do đích thân bác sĩ điều khiển. Đoàn Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục thành lập Phật học Tùng thư để xuất bản kinh sách mà phần lớn do Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục biên soạn. Ngày Phật đản 8 tháng 4 năm Giáp Thân – 30.04.1944 (đến năm 1952 mới thống nhất làm lễ Phật đản vào ngày Rằm tháng Tư theo Nghị quyết của Hội Liên Hữu Phật giáo Thế giới), Đại hội Thanh Thiếu niên Phật tử tại rừng Quảng Tế, Huế, đã đi đến thành lập Gia đình Phật Hóa Phổ (GĐPHP). Các GĐPHP đầu tiên gồm có Gia đình Tâm Minh (do bác sĩ Lê Đình Thám là Phổ trưởng); Gia đình Thanh Tịnh (do bác sĩ Tôn Thất Tùng làm Phổ trưởng); Gia đình Tâm Lạc (do bác Phạm Quang Thiện làm Phổ trưởng) và Gia đình Sum Đoàn (do bác Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng). Đến năm 1951, đại hội GĐPHP tại chùa Từ Đàm, Huế đã quyết định đổi danh xưng thành Gia đình Phật tử, như vậy GĐPHP là tiền thân tiếp cận của Gia đình Phật tử Việt Nam.
Chiều ngày 06.03.Giáp Ngọ(05.04.2014), Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam cung thỉnh ban Kinh sư Tu viện Quảng Hương Gìa Lam cúng tiên thường, Đại bái cúng tiên thường Huynh trưởng Cấp Dũng Phó Trưởng Ban – Nguyên Hoành Lê Văn San cùng quý anh chị trong Thường Vụ TƯ cùng một số Huynh trưởng của các Tỉnh.
8h30 ngày 07.03.Giáp Ngọ (06.04.2014), BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tiến hành tổ chức Lễ Hiệp kỵ, trước khi vào chánh Hiệp kỵ, Quý anh chị Trưởng Phó ban, Hội đồng Huynh trưởng Cấp Dũng, Ủy viên, phụ tá Ủy viên, Đại diện Miền, cùng các BHD GĐPT các Tỉnh thị: Thừa Thiên, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam 1, Quảng Nam 2, Bình Định, Khánh Hoà, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cam Ranh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bình Phước , Bà Rịa Vũng Tàu, Gia Định, Quảng Đức Sài Gòn, Biên Hoà, Tây Nam Phần, Đăk Lăk, Đăc Nông, Ban chấp hành Cựu Huynh trưởng GĐPT Việt Nam, BHD GĐPT Việt Nam trên Thế Giới, cùng toàn thể Huynh trưởng và Đoàn sinh trên toàn quốc, đến đảnh lễ, tưởng niệm, nhiễu quanh Bảo Tháp Tổ khai sơn Tu viện Quảng Hương Già Lam, Đệ tam Viện trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN, Ân sư GĐPT Việt Nam.
Đến 9h00 toàn thể lam viên GĐPT Việt Nam tề tựu trước linh đường cung thỉnh Hòa thượng Thích Đức Chơn – Thượng thủ, Hoà thượng Thích Minh Chiếu – Phó Thượng thủ, Hoà thượng Thích Kiến Tánh – Giám Luật trong Hội đồng Tăng già Chứng minh, Hoà Thượng Thích Minh Tâm- Phó Ban Ban Thường Trực Hội Đồng Cố Vấn Giáo hạnh GĐPT Việt Nam, Chư Tôn thiền đức trong Ban Thường trực – Hội đồng Cố vấn Giáo hạnh GĐPT Việt Nam, Chư Tôn Hòa thượng, Thượng toạ, Đại đức Tăng Ni Cố vấn Giáo hạnh Gia Đình Phật Tử các Tỉnh thị, cùng Ban Kinh sư quang lâm Đàn tràng chứng minh Đại lễ Hiệp kỵ.
Đại lễ Hiệp kỵ năm Giáp Ngọ (2014) có rất nhiều Tăng, Ni gốc GĐPT Việt Nam cũng về tham dự. Các BHD các Tỉnh thị đầy đủ, số lượng Huynh trưởng và cựu Huynh trưởng, quý Bác Ban bảo trợ lên khoảng 700 người.
Ban Tổ chức cung thỉnh Hòa thượng chứng minh niêm hương bạch Phật, kế tiếp là phần dâng Lục cúng do BHD GĐPT Gia Định đảm trách “Lục cúng với ý nghĩa nguyện cầu cho những người đã khuất giải thoát oan khiên. Nếu có Lục Cúng Hoa Đăng được diễn trong đêm có tổ chức Đàn Chẩn Tế với ý nghĩa hoàn mãn, vui mừng, chúc mọi người còn sống được thái bình, hạnh phúc, an lạc”.
Ban kinh sư tổ chức Lễ Kỳ siêu – Thỉnh Linh an toạ.
Bài ca chính thức của GĐPT Việt Nam “Sen Trắng” được toàn thể lam viên đồng loạt nghiêm trang cất cao tiếng hát, tưởng niệm Chư Ân sư, Cố vấn, Sáng lập, Chư Thánh tử đạo, Gia trưởng, Huynh trưởng, Đoàn sinh quá cố đã trọn đời phụng sự cho đạo pháp và dân tộc.
Lời cảm niệm của Anh Trưởng ban Ban hướng dẫn Trung Ương GĐPT Việt Nam “… Ngày hội trị ân của GĐPT Việt Nam đang trở về trong tâm thức, trong hành động, trong hạnh nguyện của từng Lam viên với tất cả lòng thành kính nguyện xin đáp đền ân đức tiền nhân đã: khai lập, giữ gìn, tô bồi cho lý tưởng mãi ngời toả hôm nay. Xin chân thành cung kính bái tạ trước đàn tiền, cảm niệm sâu xa duyên lam, tình lam, ân nghĩa áo lam mà truyền thống đã tương tục qua gần 1 thế kỷ nối dài ánh vô tận đăng..”
Đạo từ của Hoà thượng Phó Thượng thủ Hội đồng Tăng già Chứng minh “…Hôm nay là ngày Hiệp Kỵ GĐPT Việt Nam, Lễ Huý Nhật Cư Sĩ Sáng lập Viên GĐPT Việt Nam – Tâm Minh Lê Đình Thám, đãi lao Hòa thượng Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh, tán thán quý bậc Tăng Ni xuất thân từ Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tán thán quý anh Chị Em GĐPT VN đã vượt qua khó khăn, duy trì tổ chức sinh hoạt… Ngày nay 7.3.Giáp Ngọ là ngày huý kỵ lần thứ 45 cụ Tâm Minh Lê Đình Thám và hiệp tiến chư Hương linh Đoàn viên quá cố GĐPT do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tổ chức tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam. GĐPT đã học được gì ở đạo Phật, ở các vị tiền bối mà chúng ta là hàng hậu sinh. Đạo Phật là đạo Từ bi, là đạo hòa bình của nhân loại, điều này đã được các đại diện toàn thế giới tại Liên Hiệp Quốc công nhận. Vì căn cứ vào lịch sử truyền bá đạo Phật chưa hề làm rơi một giọt máu nào của Nhân loại…”
Đến 10h00, Ban kinh sư tiến linh, nguyện thập phương Thường trụ Tam bảo, Đức Phật A Di Đà tiếp dẫn chư anh linh, chơn linh, hương linh siêu sanh tịnh độ.
Anh Phó Trưởng Ban Nguyên Hoành Lê Văn San thay mặt Ban tổ chức dâng lời tri ân Chư Tôn thiền đức quang lâm đàn tràng chứng minh, chân thành cảm tạ tòan thể quý bác trong Ban bảo trợ cùng toàn thể áo Lam bốn phương ủng hộ tịnh tài, tịnh vật để Đại lễ Hiệp kỵ thành công viên mãn.
Cung thỉnh Chư tôn thiền đức hồi liêu phương trượng. Toàn thể Lam viên thọ trai trong tình thương yêu, gắn bó, đồng tâm hiệp lực xây dựng mái nhà Lam ngày càng bền vững.
Nguồn: Trang nhà GĐPT Quảng Đức
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)