TRUNG THU: NGÀY ẤY – BÂY GIỜ
TRUNG THU: NGÀY ẤY – BÂY GIỜ
Tâm Lễ
Mặc dầu còn cả tuần lễ nữa mới đến ngày tết trung thu nhưng giờ đây không khí đón trung thu trong khu vực tôi ở đã rộn ràng lắm rồi! Có lẽ khởi động cho không khí đón tết trung thu là từ những em Thiếu Nam GĐPT cứ khỏang 7 giờ tối là tập trung ở sân bóng tập dượt lại các bài múa lân, khi ấy thì tiếng trống lân lại vang lên rộn rả khắp cùng thôn xóm và âm vang của tiếng trống như đánh thức các em nhỏ (kể cả người lớn) là tết trung thu đang đến thật gần…
Cũng từ đó, đêm đêm từng tốp các em nhỏ rủ nhau xách lồng đèn đi dạo trên các đường xóm, những em bé nhỏ hơn thì chính mẹ vừa bồng con vừa xách lồng đèn tháp tùng theo đoàn các em nhỏ cho đến khi buồn ngủ quá mới chịu về. Mấy năm trước thì lồng đèn điện của Tàu chiếm đa số với nhiều màu sắc và chủng loại, có cả tiếng nhạc du dương nhưng bây giờ thì các em cũng bắt đầu thấy chán cái loại lồng đèn công nghiệp đó rồi và quay trở lại xài lồng đèn giấy làm thủ công của Việt Nam.
Những chiếc lồng đèn giấy xinh xắn nhiều màu sắc với ánh lến lung linh huyền ảo khiến cho các em bé say mê. Không những chỉ riêng các em mà đến một người lớn tuổi như tôi cứ tối đến đứng trong hiên nhà nhìn các em từng tốp, từng tốp xách lồng đèn đi qua trước nhà chuyện trò ríu rít, cùng với màu sắc của những chiếc lồng đèn được ánh nên tỏa sáng thật lung linh huyền ảo khiến cho tâm hồn tôi như trẻ lại và ký ức những ngày thơ ấu xa xưa chợt hiện về cũng bàng bạc huyền ảo…
Ký ức đưa tôi trở về những ngày tháng xa xưa của tuổi hoa niên trong xóm nghèo. Vào cái thời mà những đứa trẻ chúng tôi đi học còn đi chân đất, áo quần lôi thôi lếch thếch vì nhà nghèo cha mẹ lam lũ trên ruộng nương kiếm cơm chưa đủ ăn, áo mặc chưa đủ ấm thì được đi học là quý lắm rồi lấy gì mà mặc cho đẹp!…
Hồi đó một lần tết trung thu về thì thầy giáo bắt chúng tôi phải làm thủ công là những chiếc lồng đèn. Đối với những đứa trẻ 9, 10 tuổi như chúng tôi thì làm sao mà tự chẻ tre làm khung được nên phải nhờ cha, anh hoặc ai đó làm khung dùm. Nhưng cha thì bận công việc đồng áng suốt ngày nên để chẻ dùm cho con một cái khung lồng đèn ú hay ngôi sao cũng không phải dễ. Thế là đôi lúc tôi cũng cuống lên hoặc phát khóc vì gần đến ngày đem đi chấm điểm rồi mà lồng đèn chưa có.không biết phải làm sao đây!.
Thế nhưng bằng mọi cách tôi cũng dán được một chiếc lồng đèn ú hoặc ngôi sao đem đi chấm điểm như các bạn khác, vì hồi đó lũ học trò hoang nghịch chúng tôi mặc dầu được ví là “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò!” nhưng lại rất sợ thầy, cô giáo.
Những chiếc lồng đèn tự tạo ngày ây có lẽ rất thô vụng và xấu lắm vì nó được dán bằng giấy dầu đục vừa dày vừa thô và lại được dán bằng cơm nên nó không đều và không căng, nhưng dưới mắt trẻ thơ chúng tôi cũng rất tự hào vì thành quả của chính mình.
Sau khi chấm điểm xong chúng tôi lại xách lồng đèn về nhà cất giử cẩn thận để vài bữa đến tối rằm tết trung thu xin mẹ mua vài cây nến nhỏ đem vô trường liên hoan văn nghệ mừng tết trung thu. Sau khi tổ chức một đêm văn nghệ “cây nhà lá vườn” vừa ngô nghê vừa vụng dại nhưng rất dễ thương, sau khi kết thguc1 đêm văn nghệ được thầy cô cho mấy cục kẹo loại rẻ tiền rồi vừa đi vừa ngậm và rước lồng đèn trở về nhà. Về đến xóm thì trời cũng khá khuya và những cây nến tí hon cũng đã cháy hết chúng tôi chia tay nhau về nhà kết thúc một tết trung thu vui vẻ sau bao ngày háo hức chờ đợi. Đêm ấy mặc dù lên giường ngủ đã lâu nhưng ánh nến bập bùng lung linh huyền ảo cứ chập chờn theo tôi vào giác ngủ, một giấc ngủ thần tiên của tuổi thơ không một chút ưu tư muộn phiền…
Tết trung thu thời thơ ấu của tôi chỉ có vậy nhưng sao mà nó thật đẹp, dễ thương và ghi đậm nét trong tiềm thức. Cho đến bây giờ sau mấy mươi năm làm kiếp tha phương lưu lạc xứ người, đường đời đã như bóng nắng chiều xế bóng, trãi qua bao nỗi nhọc nhằn của kiếp nhân sinh, nhưng mỗi lần tết trung thu về nhìn con, cháu và các em nhỏ xách những chiếc lồng đèn giấy thật đẹp đi dạo khắp phố phường và hát những bài đồng giao tự nhiên trong lòng tôi lại có một cảm giác rộn ràng, bâng khuâng.
Một nỗi buồn xa xăm như còn vấn vương một chút tiếc nuối những ngày xưa dấu ái như lời một bài hất… ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi? cho tôi tìm lại những ngày ấu thơ…
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)