ĐỀ TÀI HỘI THẢO NGHIÊN HUẤN

ĐỀ TÀI HỘI THẢO NGHIÊN HUẤN

Ban Biên Tập:Anh chị Em lam viên thân mến.

Nhận thấy tình hình tu học Huynh trưởng tại tỉnh nhà hiện nay có phần kém hiệu quả.  BHD tỉnh đã tổ chức một khóa hội thảo Nghiên Huấn nhằm phân tích  nguyên nhân đồng thời tìm ta các giải pháp khắc phục để việc tu học Huynh trưởng tại tỉnh nhà đạt hiệu quả hơn.

Khóa hội thảo Nghiên Huấn tổ chức ngày 7.9.2014 đã được Hòa Thượng trưởng ban CVGH và Chư Tôn Thượng Tọa, Đại Đức quang lâm chứng minh và hướng dẫn hội thảo.

Chúng tôi xin đăng hai đề tài được thảo luận trong hội thảo để anh chị em Lam Viên gần xa tham khảo

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN I

THỰC TRẠNG TU HỌC CỦA  HUYNH TRƯỞNG GĐPT BRVT

Và NHỮNG GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC

GĐPTVN là một tổ chức giáo dục của Phật giáo với mục đích “Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo” . Để thực hiện được mục đích đó đòi hỏi người huynh trưởng phải có kiến thức về mọi mặt, nắm vững đường lối tổ chức, phương pháp giáo dục, biết hy sinh quyền lợi cá nhân để phụng sự lý tưởng .Do đó việc tu học của huynh trưởng là một điều hết sức quan trọng phải được đặt lên hàng đầu.

-Muốn  đạt  hiệu  quả  cao trong  việc  tu  học  và  huấn  luyện  cho  huynh trưởng chúng ta cần nhìn xem những mặt mạnh,mặt yếu để phát huy và khắc phục.

I./ Những mặt mạnh của GĐPT BRVT:

      –  Ban Cố Vấn Giáo Hạnh quan tâm để nên việc thỉnh giáo thọ để giảng dạy dễ dàng.

      – Chư Tôn Đức Tăng Ni thương yêu nên chính trú xứ già lam là nơi tu học cho huynh trưởng

      – Có huynh trưởng đã qua trại Phú-lâu-na hổ trợ về giảng huấn.

      – Được thường vụ BHD luôn luôn quan tâm nhắc  nhở, động viên…

II./ Những mặt  yếu cần khắc phục:

Tuy có nhiều thuận duyên  như trên nhưng vẫn còn nhiều hạn chế cần phải khắc phục như sau:

-Tình hình tu học của huynh trưởng trong thời gian qua:

Mặc dù Ban Hướng Dẫn và ban nghiên huấn đã cố gắng đầu tư và giúp đỡ để tổ chức đầy đủ các lớp học nhưng tình hình học viên tham dự quá  thấp (không  đạt  50%  sĩ  số  mỗi  kỳ).  Điều  này  cũng  do  nhiều  nguyên nhân nhưng chủ yếu cũng là tinh thần học viên chưa cao; chưa ý thức được sự cần thiết của việc tu học, chưa có tinh thần hy sinh hoặc đời sống kinh tế còn khó khăn v.v…

- Bốn bộ môn theo chương trình mà tài liệu chỉ có Phật pháp; còn 3 bộ môn VN,HĐTN,HĐXH không có tài liệu thống nhất để huynh trưởng tham khảo việc hướng dẫn cho đoàn sinh không đồng đều chủ yếu theo trí nhớ hoặc sưu tầm để đối phó …

- Bộ phận giảng viên cho các lớp không đáp ứng theo nhu cầu ; một số anh chị  giỏi và khá phải đảm nhận các chức vụ trong BHD đã dành nhiều thời gian cho công việc của tổ chức.
– Do số học viên tham gia học ít ỏi nên không dám mời thỉnh chư tôn đức vì Phật sự quý ngài rất nhiều, bỏ thời gian rất quý đến giảng dạy mà quá ít học viên thì quá lãng phí.

- Như trường hợp bậc Lực năm nay huy động tất cả các Năm cùng học một ngày được  Thượng  Toạ  cố  vấn hướng dẫn bộ Kinh Lăng Nghiêm (chương trình của năm thứ Ba) Các năm khác được học để tăng kiến thức về nội điển nhưng không đúng chương trình của mình nên đến kỳ thi cuối năm hầu hết đều không làm bài được; và đi học cũng thiếu nhiệt tình.

- Một số đơn vị ở quá xa phương tiện đi lại của các anh chị gặp khó khăn hoàn cảnh kinh tế eo hẹp nên không chuyên cần theo học được.

- Ngoài ra có số phụ huynh,huynh trưởng… muốn an phận nên không mạnh dạn cho con đi sinh hoạt, tu học, hoặc còn sợ ảnh hưởng đến cuộc sống làm ăn kinh tế, sợ bị trù dập v.v…

- Kiến thức về khoa học công nghệ thông tin của hàng huynh trưởng còn yếu kém chưa đủ khả năng để hướng dẩn đàn em…

- Căn cứ kết quả năm vừa qua và các trại huấn luyện vừa rồi so với những năm trước thì kém hơn nhiều. Nếu để tình trạng này kéo dài thì tổ chức càng ngày càng suy yếu làm sao đứng vững trước sóng gió cuộc đời.

III-Đề xuất kế hoạch tu học và huấn luyện thời gian tới:

-  Động viên, khuyến khích tất cả huynh trưởng các cấp đều học vi tính; nếu đơn vị nào có điều kiện thì tổ chức học chung nếu không thì mỗi huynh trưởng tự tìm cách học riêng  để lần lần áp dụng công nghệ thông tin vào sinh hoạt ,tu học của GĐPT.

- Khoa học ngày nay đã phát triển nhanh chóng về nhiều lãnh vực ,hàng ngũ huynh trưởng chúng ta không thể chỉ dùng những kiến thức cũ kĩ, lạc hậu , lỗi thời mà áp dụng trong việc giáo dục đoàn sinh , mà đòi hỏi chúng ta phải tự nỗ lực tìm tòi học hỏi về công nghệ thông tin để làm việc và hướng dẩn đoàn sinh, nhận rõ được mặt tích cực và tiêu cực;  tránh xa những tác hại có thể dẩn đến hậu quả không lường.

-  Để kết hợp việc tu học và hành trì cho huynh trưởng trong thời gian tới UVNH sẽ có kế hoạch thỉnh Chư Tôn Đức cố vấn giáo hạnh hướng dẫn những đề tài Phật pháp vào trong các khoá Tu Bát quan trai. Như vậy mỗi khoá tu Bát quan trai là một kỳ học của huynh trưởng.

- Ngoài chương trình trường kỳ của huynh trưởng theo kế hoạch của thường vụ BHD bộ phận nghiên huấn sẽ tổ chức những kỳ hội thảo chuyên môn, kỷ năng giảng dạy, làm luận văn kết khóa để giúp cho các huynh trưởng có thêm khả năng để sinh hoạt; hướng dẩn đoàn sinh.

- Nhận thấy chương trình thì nhiều đề tài mà thời gian tập trung để tu hoc thí quá hạn chế  khó bảo đảm hoàn tất đúng thời gian quy định để thi vượt bậc; hơn nữa huynh trưởng cần phải thay đổi cách học để khỏi lãng phí thời gian mà bảo đảm được chất lượng. Tài liệu có sẵn huynh trưởng học viên phải chủ động nghiên cứu trước; khi đến lớp sẽ cùng nhau thảo luận có huynh trưởng giảng viên hướng dẩn, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian và gây được hứng thú cho học viên.

 

A./ Bậc Kiên: Thời gian 1 năm(theo chương trình của BHDTW )

 Các đề tài học tại đơn vị  hoặc tại vùng ( do mỗi nhóm chủ động): -Tam quy-Ngũ Giới-Năm Hạnh-Tứ Ân-Tứ nhiếp pháp-Ngài Bồ Đề Đạt Ma-Ngài Khương Tăng Hội-Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi-Hệ thống tổ chức một Gia Đình Phật Tử-Cờ Phật giáo-Tìm hiểu tôn giáo bạn: Đạo Khổng, Đạo Lão-Cứu thương-Thể dục-Giáo dục Y tế: tác hại của Ma tuý-Sida-Bảng hiệu lưu thông.-Tin học-Bảo vệ môi trường, sinh thái.

Nếu đơn vị hoặc Vùng không có huynh trưởng giảng viên thì lớp chủ động liên hệ với UVNH để sắp xếp.

* Các đề tài học tập trung  thỉnh Chư Tôn Đức hướng dẫn:

     – Đại cương Kinh Đại Phương tiện Phật BáoÂn

     – Kinh Ưu Bà Tắc

 Một tháng 1 lần

*Các  đề  tài còn lại hội  thảo  theo  nhóm  mỗi  Huyện: Khối nghiên huấn chịu trách nhiệm mời giảng viên:

* Khảo sát cuối năm phải thực tập làm luậnvăn kết khoá

B./ Bậc Trì:Thời gian 2 năm (theo chương trình của BHDTW )

* Các đề tài Phật pháp sẽ mời thỉnh Chư Tôn Đức giảng sư hướng dẫn:

*Các đề tài còn lại thảo luận do ban nghiên huấn mời thỉnh giảng viên:

* Khảo sát cuối năm phải thực tập làm luận văn kết khoá

C./ Bậc Định: Thời gian 3 năm (theo chương trình của BHDTW )

Để  chuẩn  bị  cho  Trại  huấn luyện  HT  cấp  II  Huyền  Trang, cấp  lãnh đạo GĐ vấn đề tu học cần phải nghiêm túc hơn ; HT  học  viên  cần  nhận  rõ  trách  nhiệm  của  mình để  sẵn  sàng gánh vác sứ mệnh tổ chức giao phó.

* Các đề tài Phật pháp mời thỉnh Chư Tôn Đức giảng sư hướng dẫn:

*Các đề tài còn lại do ban nghiên huấn mời thỉnh giảng viên hướng dẩn thảo luận.

* Khảo sát cuối năm phải thực tập làm luận văn kết khoá

D./ Bậc Lực:Thời gian 5 năm( theo chương trình BHDTW ấn định)

Thời gian qua Thượng Toạ cố vấn lần lượt hướng dẩn các bộ kinh có trong chương trình bậc Lực do đó tất cả các khoá đều tham dự để nắm được kiến thức về nội điển. Tuy nhiên để theo sát chương trình mỗi khoá sẽ mời một huynh trưởng bảo trợ khóa để hướng dẩn những đề tài theo sự sắp xếp của UVNH. Thời gian và địa điểm do sự thống nhất giữa học viên và huynh trưởng trợ khóa, Khi thực hiện cần thông báo cho UVNH biết để tiện việc theo dõi và hỗ trợ.

- Bậc Lực năm thứ Nhất;

- Bậc Lực năm thứ Hai: Mời Htr THIện thọ làm trợ khóa

- Bậc Lực năm thứ ba: Mời Htr Nguyên Phước làm trợ khóa

- Bậc Lực năm thứ Tư: Mời Htr Tuệ Hòa làm trợ khóa

-Bậc Lực năm thứ năm : Mồi Htr Tâm Lễ làm trợ khóa

Sau mỗi năm BHDTƯ sẽ tổ chức thi, kết quả sẽ được thông báo về cho cho BHD tỉnh, kiến thức khảo sát cuối khóa năm thứ V nếu đạt thì BHDTU sẽ thông báo đủ điều kiện làm luận khóa.

IV./ KẾT LUẬN:

Để xứng đáng là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ của Phật giáo;đáp đền công ơn Chư Phật của lịch đại Tổ sư , các thế hệ tiền nhân, để tiếp tục giữ gìn sự đóng góp cho Đạo Pháp của tổ chức GĐPTVN; để đoàn sinh gắn bó với gia đình mãi mãi và nhất là tạo được niềm tin cho mọi người khi nhìn vào tổ chức GĐPT, đòi hỏi mỗi huynh trưởng chúng ta phải nỗ lực tu học và hiện đại hoá giáo dục trong thời gian tới.Do đó đề tài sẽ được hội thảo tiếp theo sẽ là   “Công nghệ thông tin với sinh hoạt GĐPT hiện nay”.

Một lần nữa chúng tôi thiết  tha kêu gọi sự đóng góp ý kiến bổ sung của tất cả quý anh chị.
Trân trọng kính chào tinh tấn.

                                                                                      Thiện Thọ Nguyễn Văn Lộc

ĐỀ TÀI THẢO LUẬN 2

NHẬN ĐỊNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN

TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ HƯỚNG DẪN TU HỌC

A-   MỞ ĐẦU:

+ Nhận định:

      Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục của Phật giáo có mặt trên đất nước Việt nam trên 70 năm, luôn tùy duyên để hành hoạt, tâm nguyện  duy nhất là bảo tồn và phát triển tổ chức trên định hướng của giáo lý Phật đà.

      Ngày nay CNTT càng phát triển tác động mạnh mẻ vào sự phát triển của tất cả các ngành trong đời sống xã hội. Khi CNTT phát triển thì việc ứng dụng CNTT vào tất cả các lỉnh vực là một điều tất yếu. Trong lỉnh vực GĐPT việc quản lý và hướng dẫn tu học bằng CNTT còn rất hạn chế, có thể nói chưa có. Trong chương trình tu học và huấn luyện được ban hành theo quyết định số: 13.063/HDTƯ/QĐ/TB ngày 22..6.2013, hoàn toàn không đề cập đến lỉnh vực này. Chúng ta cần phải nhanh chóng nâng cao chất lượng và tầm nhìn trong công tác quản lý và hướng dẫn tu học bằng cách ứng dụng CNTT vào lỉnh vực của mình. Để nâng cao chất lượng hướng dẫn tu học và nghiệp vụ quản lý, chúng ta không nên từ chối những gì mà CNTT mang lại lợi ích, biết cách tận dụng nó, biến nó trở thành công cụ hổ trợ hiệu quả cho công việc của mình, mục đích của mình.

      Tuy nhiên làm thế nào để ứng dụng và thực hiện hiệu quả trong GĐPT. Đó là vấn đề khó khăn mà tổ chức GĐPT đang gặp phải.

B- CHÁNH ĐỀ:

      I- QUẢN LÝ:

                  Từ lâu nay, GĐPT việc quản lý mọi mặt đều theo phong cách cổ điển và dưới cổ điển, tức là quản lý thông qua sổ sách, giấy tờ. Ngày nay CNTT phát triển, chúng ta đừng ngận ngại mà chuyển qua cách làm việc mới. Tại sao chúng ta không thử làm một cuộc thể nghiệm bằng cách ứng dụng CNTT vào công tác quản lý và giảng dạy, vấn đề được đặt ra đầu tiên là đối với Huynh trưởng lãnh đạo, một số huynh trưởng lãnh đạo vì một điều kiện nào đó hoặc không có năng khiếu về bộ môn này nên tầm nhìn rất hạn chế và cho đó là công việc vẽ thêm rồng thêm rắn trong GĐPT.

Chúng ta có thể có một ý tưởng và định hướng cho công tác này, để tuổi trẻ có cơ hội phát huy khả năng của mình và đừng để cho tổ chức GĐPT bị lạc hậu trước thời đại, hầu đem lại lợi ích cho GĐPT  Việt Nam nói chung và đơn vị GĐPT sở tại nói riêng.

      Sự bùng nổ của CNTT không ít làm cho tổ chức GĐPT bị thử thách trong cách nhìn về giáo dục mà hậu quả đến giờ này chưa giải quyết được.

1. Quản lý Diễn đàn và Trang mạng xã hội:

      Diễn đàn và trang mạng xã hội là một trang mục để chia sẽ những thông tin, kinh nghiệm và hiểu biết trên chiều hướng đã làm biến đổi thế giới, tuy nhiên hiện tại chúng ta đã thấy phần lớn là một trang mục để phô bày cái tiểu ngã được định hướng trên chiều hướng tiêu cực, hậu quả làm suy yếu tổ chức và rối ren xã hội.

            Hiện tại rất nhiều trang mạng xã hội được hình thành để phục vụ nhiều mặt cho con người. Ở buổi hội thảo này chúng ta chỉ đề cập đến trang mạng Facebook, đây là trang mạng xã hội có tính cách toàn cầu và vĩ mô.

            1.1 . Chúng ta tìm hiểu xem Facebook là gì?

            Facebook là một trang Web mạng xã hội phổ biến miễn phí, cho phép người dùng đăng ký để tạo hồ sơ, tải ảnh và video, gửi tin nhắn và giữ liên lạc với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.

            1.2. Lợi ích và tác hại của Facebook:

            Mạng xã hội ra đời trên internet có thể nói là một bước tiến mới của ngành CNTT, hiện đang thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất trên thế giới. Thế giới “ảo” này góp phần đưa con người đến gần nhau hơn.

            + Lợi ích của Facebook:

                        Một trong những tiện ích đầu tiên của facebook mà đa số người sử dụng công nhận đó là góp phần kết nối và đưa mọi người đến gần nhau hơn. Một trong những tiện ích khác không thể phủ nhận của facebook là việc chia sẻ: Thông tin, hình ảnh (cá nhân, tập thể hoặc của một nhóm người nào đó), tin tức thời sự mọi người đang quan tâm, cả những “tin” vừa phát hiện (tai nạn giao thông, hỏa hoạn,…) với tốc độ tính bằng giây. Bên cạnh đó, thông qua “Phây” giúp người sử dụng nắm được những thông tin mình quan tâm, như: Thời trang, những món ăn, thức uống, những quán café, điểm tâm mới, mua sắm quần áo, trang sức giá rẻ đến cao cấp… Có thể thấy, tất cả những thông tin bạn cần sẽ có trong tích tắc chỉ cần cái click chuột.

            +Tác hại của Facebook:

            Bên cạnh lợi ích cung cấp thông tin mang tính chất cộng đồng, facebook không đảm bảo về tính bảo mật. Facebook cũng là nơi chốn để công kích nhau, chuyển tải những nội dung phản giáo dục. Một điều cần phải quan tâm đề cập là bịnh “nghiện”, bịnh này rất khó chữa. Khi quá quen với việc trao đổi thông tin qua tin nhắn, hình ảnh, bài viết và nút like trên facebook, bạn ngày càng phụ thuộc vào mạng xã hội. Điều này khiến thời gian dành cho những cuộc gặp gỡ, chuyện ngoài đời thực… trở nên ít ỏi. Chúng thực sự không tốt bởi giao tiếp mặt đối mặt luôn mang đến trải nghiệm, cảm xúc chân thật và thú vị hơn. Nhiều bạn không bao giờ chia sẻ gì về mình trên facebook, nhưng lại dành rất nhiều thời gian để lượn lờ đọc facebook người khác, xem ảnh hoặc comment mãi để theo dõi “đối thủ”, người mình “để ý” mà không dứt ra được. Việc nghiện mạng cộng đồng không còn là điều hiếm thấy trong giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên. Facebook là niềm đam mê “tìm hiểu xã hội”, nhưng lạm dụng thái quá đam mê ấy sẽ trở thành tiêu cực, ảnh hưởng không ít đến thời gian học tập. Do đó, nên xem facebook là nơi chia sẻ tình hình, thông tin và những sự cảm thông hữu ích, đồng thời luôn cẩn trọng với những mối quan hệ mở, những người bạn dễ dàng có được chỉ bằng một cái click chuột. Ta không thể lường được họ sẽ mang đến những “tai hại” như thế nào. Nhẹ thì tổn thương về tinh thần nhưng nặng hơn thì cả về thể xác, thậm chí bị lừa đảo, lợi dụng.

            Có nhiều bạn mãi mê facebook đến nổi quên cả việc nhà, trì hoản việc học tập. Nhiều bạn sau khi quay lại bàn học vẫn “lưu luyến” với “ảnh Face” mà không thể tập trung. Một điều thật nhức nhối với chúng ta, do bị áp lực thời gian ở nhà và ở trường vào những buổi sinh hoạt không ít các em đã bỏ sinh hoạt tận dụng thời gian vào quán “net” để tiếp tục vào facebook, chính điều đó gây ảnh hưởng đến hiệu quả học tập và sinh hoạt của các em.

            Tuổi trẻ tiếp nhận CNTT rất bén nhạy và cũng là nỗi lo của các bậc phụ huynh, trên trang mạng thì có muôn ngàn lợi ích và cũng không thiếu những cạm bẩy mà tuổi trẻ không ít đã bị vướng vào. Để quản lý lảnh vực này người Huynh trưởng cần am hiểu CNTT để giáo dục và định hướng cho các em kịp thời, làm được vậy thì tổ chức của chúng ta mới là thực sự một nơi an toàn mà các bậc phụ huynh an tâm cho con đến.

2. Quản lý về hành chánh:

            Mặc dù hình thành và phát triển trên 70 năm, nhưng nhìn lại công tác quản lý hành chánh vẫn còn chồng chềnh, vẫn còn thiếu nhất quán. Quản lý hành chánh bằng cách thô sơ và cổ điển không mang tính khoa học ở một vài cấp trong GĐPT, hậu quả tài liệu bị thất lạc theo năm tháng, đến lúc cần viết lại, cần siêu tra không biết tìm đâu, căn cứ vào đâu, chỉ cần một tí am hiểu và định hướng, CNTT sẽ hổ trợ cho chúng ta công việc này một cách hoàn hảo.

            2.1. Chuyển tải văn thư:

            Chuyển tải văn thư bằng phương pháp cổ điển thật ư là phiền phức, mất nhiều thời gian, dễ bị thất lạc. Chỉ cần am hiểu một tí về CNTT, chỉ một cái click chuột trong tíc tắc(tính bằng giây) thì thông tin đồng loạt đến với mọi người. Trung Ương GĐPT. ViệtNamđã và đang thực hiện được phần này, tại tỉnh nhà của chúng ta cũng đang thực hiện phần này hiệu quả rất tốt.

            Ở mặt tiêu cực nào đó nãy sinh ra những ý tưởng mình già rồi thôi học làm gì, máy móc đâu mà học, thời gian đâu mà học, những suy nghỉ tiêu cực luôn hiện ra để biện hộ cho việc tiêu cực của mình đối với công tác ứng dụng CNTT vào hoạt động của GĐPT.

            2.2. Lưu giữ văn thư và lý lịch

            Việc lưu giữ văn thư và lý lịch của Huynh trưởng và Đoàn sinh cũng cần sự hở trợ của CNTT. Tìm kiếm một văn thư hoặc lý lịch của một ai đó, phải mất một thời gian đôi khi rất dài, soạn tung các tủ hồ sơ, nhưng chỉ cần chịu khó tìm hiểu và áp dụng CNTT chúng ta chỉ cần một vài giây đã tìm ra những điều cần tìm

II- HƯỚNG DẪN VÀ TU HỌC:

            Sự hướng dẫn tu học trước đây cũng đã đem lại hiệu quả trong giai đoạn hiện tại đó. Nhưng hiện nay sự bùng nổ CNTT, mọi hoạt động của các em gần như tiếp cận với CNTT hằng ngày, hằng giờ nên việc hướng dẫn và tu học bằng Phương pháp cổ điển như trước đây trở thành khô cứng, hạn chế sự sống động không thu hút được các em. Thực sự mà nói GĐPT có một phần chưa bắt kịp đà phát triển của xã hội. Nếu một Huynh trưởng biết lo cho tổ chức, có ý thức trách nhiệm khi chuẩn bị cho một buổi sinh hoạt hoặc hướng dẫn một bài học bằng phương pháp cổ điển phải mất nhiều thời gian và đồ dùng trợ giảng nhưng hiệu quả vẫn không cao, sự  sống động còn hạn chế.

Hiện nay bộ môn tin học đã được phổ cập vào các ngành các tổ chức và kết quả đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của xã hội. Còn GĐPT của chúng ta thực sự mà nói rất nhiều khó khăn, hầu hết Huynh trưởng chưa biết sử dụng máy vi tính, dù ở một chương trình đơn giản nhất.

            Việc thực hiện một bài giảng một cách công phu bằng dẫn chứng sống động trên các “slide” trong các giờ học kết quả rất cao. Sử dụng phương pháp hướng dẫn cổ điển với phấn trắng và bảng đen kết quả chỉ đạt khoảng 30% trong khi đó hiệu quả của phương pháp “Nghe, nhìn” đạt đến 70%  (thống kê của thế giới).

            Hướng dẫn tu học mang tính trực quan rất cần thiết trong giai đoạn này, chúng ta phải biết tận dụng CNTT trong công tác này. Lấy một vài ví dụ:

      1. Hướng dẫn Phật Pháp:

                        Hướng dẫn một bài Phật pháp về “Lịch sử đức Phật Thích Ca”, chúng ta có thể thực hiện một số hình ảnh, nếu được ảnh động thì quá tốt chiếu lên màn hình và những dòng chử, kết hợp với tiếng của muôn trùng và tiếng nước chảy của dòng sông Anoma khi Thái tử vượt sông… Và cứ thế Huynh trưởng chỉ nhìn lên màn hình mà hướng dẫn khỏi mất thời gian treo hình ảnh minh họa, khỏi mất thời gian dùng phấn viết lên bảng đen.

                Thêm một ví dụ nữa: Khi hướng dẫn tu học  cho đoàn Sen non, ở  một đề tài “Tập quan sát và phân biệt hình ảnh (Phật bảo), ở hình ảnh Đức Phật Thích Ca, chúng ta tuần tự hướng dẫn chiếu lên màn hình đức Phật Thích Ca đứng, ngồi, nằm ở mỗi phần chúng ta giới thiệu những đặc điểm để các em nhớ và phân biệt đối với bài học kế tiếp hình ảnh của chư Phật và Bồ tát khác.

            2. Hướng dẫn Văn Nghệ:

                        Hướng dẫn một đề tài văn nghệ, tập một bài hát mới…, chúng ta chỉ cần chiếu lên màn hình những điều cần hướng dẫn (một bài hát đầy đủ phần ký âm, hình ảnh minh họa…) thực hiện hiệu ứng âm thanh, cho phát âm thanh, hình ảnh minh họa và theo các clip cứ thế Huynh trưởng theo đó mà tập hát cho các em.

            3. Hướng dẫn Hoạt Động Thanh Niên:

            Trong các môn học của HĐTN (Gút, Morse…). Trong phần học lý thuyết chẳng hạn môn gút, chúng ta sử dụng phấn, bảng và hình ảnh trên giấy, các dụng cụ ấy thật khô cứng, không sống động. Bỏ một chút thời gian dùng CNTT, chúng ta sẽ biến những hình ảnh khô cứng thành sống động, chẳng hạn cách thắt một gút được thực hiện bằng hình động trên màn hình, tất cả các em nhìn lên màn hình mà làm theo, Huynh trưởng chỉ kiểm soát và hổ trợ mà thôi.

            4. Hướng dẫn Hoạt động xã hội:

            Về môn học HĐXH, hướng dẫn cho các em biết lễ phép, biết chào kính chúng ta sẽ minh họa  lên màn hình những hình ảnh thật  cho các em quan sát và theo đó mà hướng dẫn cho các em.

            5. Tu học trực tuyến:

            Vấn đề học trực tuyến là một mộ hình mới và tương đối lạ với phần đông Huynh trưởng của chúng ta. Tuy nhiên trong bài viết này người viết  chỉ đưa ra một cách khái quát về hình thức để Huynh trưởng nhận định và định hướng cho việc tu học của GĐPT trong tương lai.

            Học trực tuyến là một mô hình đã được thực hiện mang tính toàn cầu. Học trực tuyến mà nói rất tiện lợi cho mỗi cá nhân và cho cộng đồng, có thể thực hiện cá nhân, từng nhóm, từng lớp. Người hướng dẫn ở một nơi nào đó thực hiện giảng dạy, tất cả mọi người khắp nơi cùng tham gia học, đở tốn kém thời gian, phương tiện và địa điểm, tuy nhiên để thực hiện được phần này điều cơ bản trước tiên là Huynh trưởng phải biết sử dụng máy vi tính và biết tổ chức cách học, tuy nhiên chúng ta cũng phải biết qua ưu điểm và khuyết điểm của cách học này.

+ Về phần ưu:

            – Tiết kiệm chi phí

            – Tiết kiệm thời gian

            – Học tập mọi lúc mọi nơi

            – Uyển chuyện và linh động

            – Hệ thống hóa.

+ Về phần khuyết điểm:

            – Không đánh giá được hết trình độ của học viên trong một môi trường làm việc thực tế.

            – Đòi hỏi phải đầy đủ các trang thiết bị.

 Lớp học trực tuyến được xem là thành quả của thế giới thông tin điện tử toàn cầu hiện nay, đặc biệt trong thời gian gần đây có một số bạn trẻ và tổ chức lựa chọn đưa vào một số bộ môn học của mình

C. KẾT LUẬN:

      Phương pháp hướng dẫn và tu học của GĐPT rất sáng tạo và uyển chuyển, chúng ta đừng biến buổi học của GĐPT thành một buổi học ở nhà trường thứ hai. Bởi vì thế ngoài những buổi học ngoài trời, gần thiên nhiên, chúng ta cũng nên áp dụng CNTT bằng những hiệu ứng động,  biến buổi học tại phòng thành một buổi học sống động, không khác gì lắm với buổi học ngoài trời.

      Ở bài viết này người viết chỉ đưa ra phần nhận định về CNTT là chính, còn phần ứng dụng chỉ giới thiệu một cách khái quát. với lòng nhiệt tình cộng một chút trách nhiệm, khi chúng ta chính thức bước vào áp dụng CNTT vào hướng dẫn tu học cho Huynh trưởng và các em, lúc đó chúng ta sẽ đặt cụ thể vấn đề tổ chức những buổi tập huấn và hội thảo chuyên đề ứng dụng CNTT vào sinh hoạt GĐPT.

      Chúng ta sẽ thấy những điều hay và bổ ích hiện ra và cũng sẽ kèm theo những khó khăn nhất định nào đó. Hy vọng rằng với tâm huyết vì tổ chức GĐPT trong tương lai, chúng ta sẽ vượt qua được một số khó khăn nhất định đó.

                              Chúc các anh chị thành công!

                                                                                                      Người viết

                                                                                             Tuệ Hòa-Trần Bình

THAM LUẬN

Ban Hướng Dẫn BRVT                          GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Tiểu Ban Nghiên Huấn                                        BI – TRÍ – DŨNG

                                    THAM LUẬN HỘI THẢO NGHIÊN HUẤN 2014

- Kính bạch :ChưTôn Thiền Đức chứng minh.

- Kính thưa  : Ban Hướng Dẫn BRVT chủ tọa đoàn , thư ký đoàn .

- Kính thưa  : Quý anh chị giảng viên Phú-lâu-na, quý anh chị học viên đã xong bậc lực V cùng quý anh chị Gia trưởng, Liên Đoàn trưởng và tất cả anh chị em học viên các bậc học huynh trưởng  Kiên, Trì, Định,Lực, quý anh chị trại sinh Huyền Trang 4-A Dục 10 BRVT.

 Kính bạch Chư Tôn Đức, Kinh thưa quý anh chị

   Vấn đề tu học của đoàn sinh, huynh trưởng GĐPT chúng ta hiện nay có rất nhiều điều cần phải bàn đến về chất lượng ,số lượng ,về chương trình ,cách thức hướng dẫn , cánh học v.v..

    Hôm nay, trong hội thảo nghiên huấn này con xin đóng góp một số ý kiến để hội thảo nghiên cứu có thể áp dụng hoặc thay đổi những điều có thể cần thiết cho vấn đề tu học trong tương lai của GĐPT Tỉnh nhà có kết quả hơn.

I .  Cấu trúc chương trình các bậc học và trại huấn luyện .

     Vấn đề nầy mang tính vĩ mô thuộc trung ương con không có ý kiến .Ở đây  con (tôi) có vài
đóng góp sau :

1 .Về đề tài “Gia trưởng” có cấp,thêm trong tài liệu huấn luyện trại Huyền Trang . Để khắng
định trách nhiệm ,vai trò chịu sự thịnh suy của một Gia trưởng đối với đơn vị sở tại.( tài liệu
cũ không có) .

2. Đề tài bài phát nguyện của ngài A Nan .Nên có in trong tài liệu huấn luyện từ trại Lộc Uyển
đến trại Vạn Hạnh ( tài liệu cũ chưa có) .Để hàng ngũ huynh trưởng hiểu thấu đáo ý nghĩa sự
phát nguyện của mình đối với Tam Bảo trong đêm truyền vô tận đăng, qua đó mới gắn kết
trách nhiệm người Huynh trưởng của mình đối với tổ chức GĐPT.VN

II. Thời gian tu học và huấn luyện.

1.Tu học :

          Nên chăng giảm thời gian trong từng đề tài học và tăng số lượng đề tài trong mỗi
buổi học hoặc thời gian tập trung học sớm hơn để có thể đạt 3 đề tài trong một buổi, xin ý
kiến của hội nghị .

2. Trại huấn luyện :

     Lâu nay ở trại huấn luyện nào chúng ta thường chia chẻ ra nhiều giai đoạn để đáp ứng đủ thời gian của trại theo nội quy, quy chế nhưng thời gian lưu tại trại lâu nhất trên 48 giờ chỉ có ở giai đoạn kết thúc trại huấn luyện, theo nề nếp lâu ngày thành quen. Do vậy huynh trưởng đều có dự trại huấn luyện với nhau nhưng chưa có gắn kết tình thân, tình Lam hoặc thật sự  hiểu và thương nhau trong tinh thần đồng sự, cộng sự nên khi cùng nhau làm việc trong Ban Quản Trại  nào đó, nếu có bất đồng ý kiến hay cách thức làm việc thì sẳn sàng to tiếng đến mức giận nhau luôn. Do vậy, nên chăng trại huấn luyện cần giảm giai đoạn tập trung ngắn ngày và thay vào đó giai đoạn tập trung dài ngày để trại sinh có thời gian gần gủi nhau hơn có thể giử được truyền thống như trước.( tinh thần trại huấn luyện, chứ không phải học huấn luyện)

3.Giảng viên , huấn luyện viên.

     Tại tỉnh nhà hiện đang có trên 10 huấn luyện viên Phú-lâu-na và đội ngũ học viên đã qua bậc Lực, tại hội nghị nầy ban nghiên huấn kêu gọi sự đồng thuận của anh chị em trên, nên cộng tác với nghiên huấn, sẳn sàng tham gia hướng dẫn các bậc học, trại huấn luyện khi cần .

4 .  Nghiên huấn .

  Đề nghị nên tổ chức một Tiểu Ban Nghiên Huấn gồm: 1 ủy viên nghiên huấn 4 phụ tá  ( ưu tiên cho Phú-lâu-na trước ) chuyên môn hóa 4 bộ môn: Phật Pháp, Văn Nghệ, HĐTN,HĐXH (  rất dễ dàng cho khâu làm đề thi sau nầy )

5. Cách hướng dẫn và cách học :

    Cách hướng dẫn các đề tài : Ngoài cách thuyết giảng cũ, nay đề nghị thêm 2 cách tuy không  mới mẻ gì nhưng trong GĐPT  ít sử dụng đó là:

      a.Thảo luận nhóm lớn ( hội luận ) : Giảng viên đặt câu hỏi cho học viên thảo luận sau đó giảng viên tóm tắt những ý đúng và trọng tâm nhất  để kết luận cho đề tài đang học.

      b. Thảo luận nhóm nhỏ: Giảng viên cho đề tài trước cho học viên soạn tại nhà, khi đến lớp giảng viên chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ ( số lượng bằng 1 đội ,chúng : cử 1nhóm trưởng, 1thư ký 1người lên trình bày trước lớp) mỗi nhóm ngồi lại  tổng hợp ý kiến chung rồi viết lên giấy khổ lớn A0 đem treo trước lớp và lần lượt cử đại diện lên trình bày nội dung của nhóm . Khi nhóm nào nào lên trình bày thì các nhóm còn lại có quyền đặt câu hỏi và nhận xét theo các tiêu chí của giảng viên cho trước như : cách trình bày trên giấy ( chữ viết màu sắc, khổ chữ ) , cách truyền đạt nội dung , ngữ điệu , âm thanh, tác phong , sử dụng trợ huấn cụ .v.v.. Các nhóm sau khi trình bày xong giảng viên nhận xét từng nhóm cho điểm hoặc quà khuyến khích , sẽ tạo không khí sinh động cho học viên.

6 . Tiểu ban nghiên huấn Tỉnh :

   Hằng năm , ủy viên hoặc tiểu ban nghiên huấn phải có chương trình cụ thể bổ sung thêm cho hàng ngũ giảng viên về kiến thức chuyên môn trong cách thức giảng dạy ,cách soạn giáo án mẫu ,nghệ thuật sử dụng thời gian ,truyền đạt nội dung  cho một đề tài bất kỳ, tránh dài dòng cháy giờ.

7 . Thang điểm thi vượt bậc và trại huấn luyện .

    Lâu nay, những kỳ thi vượt bậc, thi kết khóa bậc học huynh trưởng, thi kết khóa các trại huấn luyện thường y cứ vào thang điểm của ủy viên nghiên huấn cho trước. Nhưng xét thấy thang điểm thường dùng chưa đánh giá đúng chất lượng của đoàn sinh , gần như mọi đối tượng khi tham dự học hay dự trại đều trúng cách.Trong khi đó chất lượng thí sinh, trại sinh chưa đáp ứng mấy trong thực tế. Điều nầy không bàn ở đây, nhưng tham luận cũng nêu ra để sau nầy mong  bộ phận nghiên huấn lưu tâm nghiên cứu lại .

    KẾT LUẬN.

    Kính bạch Chư Tôn Đức chứng minh, Kính thưa Ban Hướng Dẫn cùng tất cả anh chị em huynh trưởng .Để thay đổi một vấn đề lớn như hội thảo nghiên huấn hôm nay, mục đích chính của hội thảo là để thay đổi những điều cần thay đổi và bổ sung những gì cần bổ sung . Những điêù gì được đưa ra trong hội thảo đã được Chư Tôn Đức duyệt y, Ban Hướng Dẫn đồng thuận và tất cả anh chị em huynh trưởng đã thống nhất ý kiến .Hy vọng rằng trong thời gian tới tình hình tu học, huấn luyện Tỉnh nhà sẽ biến chuyển theo hướng tích cực để đóng góp trong việc duy trì tổ chức GĐPT trong tương lai .

Nam mô Hoan Hỷ Tạng Bồ tát ma ha tát

                                                                    Kính chào Tinh tấn . Trân trọng kính chào.

                                                                        PL:2558.Ngày 02 tháng 09 năm 2014

                                                                                       Tham luận Nguyên Phước .

 

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb