Người Huynh Trưởng thực hành Tứ Nhiếp Pháp vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử như thế nào?

Người Huynh Trưởng thực hành Tứ Nhiếp Pháp vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử như thế nào?

                                                                                                                                                             Quang Liên

 

 

              Hoằng pháp lợi sanh là hạnh nguyện của chư Phật, chư vị Bồ Tát. Đức Phật ra đời với một ý nguyện lợi sanh. Cho nên  trong tất cả các phương tiện giáo hóa khuyến tu của Ngài, không một pháp môn nào ra ngoài mục đích ấy.

       Vào một buổi sáng, lúc Phật đang tản bộ bên bờ sông thì đột nhiên có một chàng thanh niên giống như điên loạn chạy đến. Nhường như đang có họa sắp giáng xuống, anh ta hớt hải la lên rằng: ” Tôi thật là khổ! Nguy hiểm quá!…”.

        Phật hiền từ nhìn anh ta và mời anh ta ngồi xuống. Khi đó người thanh niên nhìn thấy dáng vẻ uy nghi của Phật, bèn cung kính quỳ trước Ngài và nói: ” Ngài có phải là bậc đại giác Phật-đà? Xin Ngài hãy cứu con, con là Da Xá ở Thành Ca- thi. Con bị tài sắc, danh vọng của cuộc đời làm cho bất an.”

         Da Xá vốn là người con trai duy nhất của trưởng giả Câu-lệ-ca ở thành Ca- thi, nhà giàu có nhưng sống lêu lỏng, nhiều ca kỹ. Đêm nọ lúc anh ta tỉnh dậy, nhìn thấy cảnh tượng người nhà và ca kỹ nằm ngổn ngang giống như xác chết vậy.       Họ nằm ngủ hỗn tạp cùng nhau, những kẻ nam người nữ thật ô uế khiến anh ta cảm thấy chán ghét, và từ đó khởi lên huệ tính lương thiện, đồng thời cũng tạo nên sự bất an trong lòng.

         Phật vỗ về Da Xá và nói: ” Này Thiện nam tử! Ta quả là Phật-đà mà con được biết, con không cần phiền não hay bất an, bởi đó là một thế giới giả tạo, tất cả đều vô thường. Ngay cả thân thể của mình còn không giữ được, thì làm sao yêu cầu người khác nghe theo chúng ta chứ. Con hãy buông bỏ tất cả.”

        Da Xá nghe pháp âm của Phật lại nhìn thấy tướng tốt, nghi dung hiền từ của Ngài, Da Xá liền cảm động đến rơi cả nước mắt. Anh ta quỳ xuống khẩn thiết bày tỏ cảnh ngộ, xin Phật cho xuất gia.

         Phật nói với Da Xá: ” Da Xá, con hiện nay nên về nhà, không nên để cha mẹ lo âu, mong nhớ, xuất gia không phải là rời xa gia đình mới gọi là xuất gia. Thân tuy xuất gia mà tâm không quên danh lợi thì làm sao gọi là xuất gia được. Ngược lại, thân tuy đầy trang sức ngọc ngà mà tâm thì thanh khiết, hàng phục được mọi phiền não, oán thù, có thể dùng chân lý giáo hóa chúng sanh thì đó mới gọi là xuất gia. Vậy con muốn xuất gia như thế nào?”

      ” Phật-đà, con đã hiểu được ý nghĩa của xuất gia, khẩn cầu Phật cho con xuất phiền não gia, làm một người truyền bá chân lý, trở thành đệ tử của Phật Đà vĩ đại” Da Xá thành khẩn nói.

Phật bèn chấp nhận lời thỉnh cầu của Da Xá.

      Qua câu chuyện Đức Phật vừa sử dụng pháp vô úy thí để Da Xá trải qua nỗi khiếp sợ, vừa sử  dụng ái ngữ – pháp thí: Luật vô thường để nhiếp hóa Da Xá. Một trong những pháp môn đức Phật dùng để nhiếp hóa Da Xá là nằm trong bốn pháp : “Tứ nhiếp pháp” được Phật kiến lập trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, phẩm bốn pháp để dạy chúng ta hành đạo.

         Vậy Huynh Trưởng muốn thực hành bốn nhiếp pháp vào sinh hoạt Gia Đình Phật Tử,  trước tiên thì phải xây dựng cho mình trở thành một tấm gương sáng trong mắt đàn em và trong xã hội. Như vậy thì việc thu phục mọi người mới dễ dàng, mới tạo được niềm tin để họ đến với mình, đến với chánh pháp.

Huynh Trưởng luôn là người chuẩn mực về tư cách tác phong, đạo đức, biết trau dồi, tu sửa bản thân. Người Huynh trưởng luôn luôn nhớ rằng, mình luôn là một hình ảnh đẹp, một bức chân dung đẹp trong mắt các em. Một khi đã mang trọng trách sứ mệnh làm Huynh trưởng thì phải biết dấng thân vì đàn em, vì tổ chức.

Mà đã vì tổ chức thì phải lo tu lo học, lo sửa đổi bản thân hằng ngày. Giống như đức Phật chúng ta, mọi người khi gặp đức Phật đã bị nhiếp phục bởi tướng tốt và dáng vẻ uy nghi của Ngài rồi.

 Do vậy Huynh Trưởng phải ra sức tu học, trao dồi phẩm hạnh của mình mới đủ năng lực để nhiếp phục các em và mọi người.

Người Huynh Trưởng luôn thực hành Tứ Nhiếp Pháp ở bất cứ phương diện từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Mọi lúc mọi nơi, phải biết tùy lúc, tùy cơ mà sử dụng bốn pháp để đem đến kết quả tốt đẹp. Huynh Trưởng thực hành Tứ Nhiếp Pháp vào sinh hoạt Gia Đình Phật tử:

    Đối với đoàn sinh:

            Huynh Trưởng nhận lãnh nhiệm vụ cao cả là dạy dỗ, hướng dẫn, uốn nắn, sửa chữa,… các em theo đúng mục đích của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Muốn làm được trách nhiệm đó thì Huynh Trưởng phải xem các em như con, như em, ruột thịt của mình. Các em buồn thì ta buồn, các em vui thì ta vui. Có như vậy tình cảm giữa Huynh Trưởng và đoàn sinh mới gắn bó keo sơn.

          Với tình cảm yêu thương từ tận đáy lòng mình thì việc nhiếp phục, cảm hóa các em mới dễ dàng thành công. Chúng ta hướng dẫn các em thực hành bốn pháp môn thu phục người khác, vào trong cuộc sống hằng ngày của các em. Từ trong gia đình các em cho đến xã hội, ngay trong tổ chức Gia Đình Phật Tử.

         Hướng dẫn các em hiểu tường tận Tứ Nhiếp Pháp để các em có thể áp dụng mọi lúc mọi nơi, ở bất cứ hoàn cảnh nào, các em cũng có thể thực hiện bốn pháp nhiếp hóa một cách hiệu quả.

         Ví dụ như Huynh Trưởng hướng dẫn các em thực hành pháp (Lợi Hành Nhiếp). Huy động tất cả các em cùng đắp một khúc đường, do nước chảy xói mòn làm người dân không thể qua lại. Đây là công việc có lợi ích cho tất cả mọi người, và khả năng các em đều làm được. Trong lúc thi hành công việc nên mặc đoàn phục, để mọi người biết được tổ chức chúng ta đang làm công tác xã hội. Một tổ chức giáo dục theo chánh pháp.

        Chẳng hạn như trong đoàn của mình có một trường hợp là mẹ bạn ấy đang bị ốm, nhà bạn ấy lại rất khó khăn, không có tiền để lo thuốc thang cho mẹ. Huynh Trưởng họp đoàn, nêu lên trường hợp của bạn ấy, tất cả cùng nhau giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của bạn đoàn, ai có tiền thì góp tiền, ai không có tiền thì góp gạo, góp củi ( Bố thí – ngoại tài). Ai không có vật chất thì tới lui thăm viếng, động viên tình thần, an ủi bạn vượt qua cảnh khó khăn này (Vô úy thí). Đó là việc khơi dậy lòng từ bi cho các em.

        Một ví dụ nữa là trong đoàn có em hay trộm vặt đồ của các bạn, không những trong tổ chức mà còn ngoài xã hội, nhiều lần khuyên bảo nhưng bạn ấy vẫn cứ chứng nào tật ấy. Huynh Trưởng phải tìm hiểu kỹ gia đình bạn ấy như thế nào, lý do làm sao mà bạn ăn cắp. Chúng ta nghỉ cách giúp bạn ấy bỏ thói hư tật xấu đó bằng cách: Canh bạn ấy cất đồ ở đâu trong khi sinh hoạt, ta lấy một vật dùng có giá trị nhất đem cất giấu. Sau khi cho các em kiểm tra tất cả các vật dụng trước khi ra về, lúc đó em đó sẽ phát hiện ra mình bị mất đồ và báo cho Huynh Trưởng biết. Thừa nhịp này ta mời em đó vào phòng hỏi xem em đó mất đồ gì, có lớn không, ta thử hỏi em mất vật đó em cảm thấy như thế nào? Em có buồn không, em đau khổ không, em có tiếc nuối không…

           Để em đó trả lời xong thì ta lấy đồ đó ra trả lại cho em. Huynh Trưởng khuyên bảo em bỏ tật xấu đó đi, vì mình mất thứ gì đau khổ như thế nào, thì người khác mất thứ đó cũng sẽ đau khổ như em, hướng dẫn em không nên phạm giới trộm cắp (ngũ giới). Đó là việc đem đến cho người khác sự bất an, lo sợ bị ăn cắp. (Pháp thí).

          Kể từ đó trở đi em không còn là người ăn cắp vặt nữa, trở thành người gương mẫu cho các bạn đoàn noi theo bởi sự sửa đổi tính nết của em.

          Một hôm trong tổ chức có việc phận sự, Huynh trưởng cắt một bạn nam nhận lãnh công việc ấy và chỉ cách làm rất cặn kẽ. Nhưng qua mấy ngày bạn ấy không hề làm, mà cũng không nhờ một bạn đoàn nào làm giúp. Đến khi Thầy trụ trì hỏi sao Thầy giao việc ấy lại không làm, lúc đó Huynh Trưởng mới biết là em đó không thực hiện công việc phận sự ấy.

         Sau đó Huynh Trưởng đích thân làm, và mời em đó vào phòng, hỏi lý do tại sao em không làm mà lại không thông báo lại. Đừng vì tức giận mà chúng ta la mắng thô lỗ với em, ngược lại ta dùng lời nói từ hòa thân mật và thành thật để cảm hóa. Chỉ cho em thấy để em sửa chữa bằng một tấm lòng chân thành.

        Không phê bình lỗi của em trước đám đông, phải biết trọng danh dự của em, nếu không ta sẽ mất đoàn sinh này. ( Ái ngữ ). Sau này em ấy không còn tái phạm những việc làm như vậy nữa, mà lại năng nổ trong công tác phận sự khi nhận lãnh.

        Trong đơn vị có một số em rất mê chơi game, sau khi tìm hiểu thì được biết các em đó đa số học tập bị sa sút, thời gian của các em đều dành vào chơi game. Ta bắt đầu tìm hiểu kỹ thời gian nào mà các em hay chơi nhất, và tiền lấy từ đâu ra mà chơi. Thậm chí ta phải theo dõi, làm sao khi các em vào tiệm chơi game, ta cũng vào, đến hỏi han và cùng ngồi xem em đó chơi game, tỉ tê hỏi em chơi lâu chưa, có giỏi không? Tiền đâu mà các em trả?

      Sau đó tìm cơ hội mời các em đi uống nước, thử hỏi tại sao các em học hành sa sút. Việc chơi game có đem đến cho lợi ích gì không? Rồi khuyên nhủ ở tuổi các em là phải lo học hành, phụ cha mẹ khi rãnh rỗi, không nên la cà ở các quán internet. Vừa tốn tiền lại vừa mất học hành, em thấy các bạn mình học giỏi sao mình không theo kịp bạn, vì tất cả thời gian rãnh các em đều dành cho việc chơi game.

      Kêu gọi các em đó tham gia vào các hoạt động xã hội như: làm vườn, nhặt củi cho các nhà neo đơn, dọn dẹp vệ sinh nơi công cộng. ( Lợi hành nhiếp). Sau đó ta tuyên dương những việc làm của các em đó, để em có thêm tinh thần, sự phấn khởi mà sao lãng việc chơi vô bổ của mình.  ( Đồng sự nhiếp).

Đối với cấp lãnh đạo:

         Là những người anh người chị của mình, một đời phụng sự cho lý tưởng tổ chức không một lời than vãn, không một lần thối chí, để tổ chức Gia Đình Phật Tử trường tồn cho đến ngày hôm nay.

         Chúng ta phải vô cùng quý kính, đón nhận sự kế thừa từ quý anh chị truyền trao. Gìn giữ ngọn đuốc chánh pháp để lưu lại cho thế hệ sau. Trong mọi phương diện công việc của tổ chức, chúng ta phải luôn đồng hành cùng Tứ Nhiếp Pháp đối với cấp lãnh đạo.

         Khi thấy công việc của quý anh chị quá nhiều, ta nên tỏ thành ý chia sẽ công việc để cùng làm ( Nội tài), nhằm để công việc đạt kết quả tốt hơn.  Quý anh chị phần nhiều đều tuổi cao sức yếu, không thể làm những công việc nặng nhọc được, ta cũng phải gánh vác giúp trong tinh thần tứ pháp.

         Luôn cư xử, ăn nói lễ độ, hòa nhã, nhẹ nhàng với cấp trên của mình, không cãi bừa, ương bướng. Nếu có anh chị nào khó khăn về kinh tế ta phải biết chia sẻ, giúp đỡ về tiền tài, vật chất (Ngoại tài) để anh chị vượt qua lúc khó khăn này.

        Những lúc gặp bệnh hoạn ốm đau, phải thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, trấn an ( Vô úy thí) để anh chị vượt qua đơn đau đớn bệnh tật trong tinh thần đạo pháp.

        Đừng nghỉ mình tuổi trẻ tài cao mà coi thường quý anh chị mình, dù mình giỏi đến đâu đi chăng nửa, thì tuổi đạo của mình cũng không thể nào sánh kịp với quý anh chị cao quý của chúng ta.

  Đối với Đồng sự.

       Trong công việc làm ăn, trong học đường, bên ngoài xã hội, trong tổ chức Gia Đình Phật Tử, không ai mà không có đồng sự. Đồng sự là người luôn gần gũi, sát cánh, hiểu ta nhất. Vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm với đồng sự của mình, nếu đồng sự ta xấu thì ta phải làm sao cho họ tốt, nếu họ tốt thì làm cho họ tốt hơn nữa trong tinh thần Phật giáo.    

       Chúng ta phải luôn sử dụng Tứ Nhiếp Pháp đối với đồng sự của mình. Chẳng hạn người đồng sự này tính tình rất hay nóng nảy, làm sao để họ không còn hay nóng giận nữa. Mỗi khi họ lên cơn tức giận ta lấy chánh pháp ra làm dịu cơn nóng nảy của họ, dùng lời ôn hòa, từ tốn dịu dàng để khuyên bảo họ, giải thích cho họ biết: Một niệm sân nổi lên có thể thiêu đốt cả một rừng công đức. (Pháp thí).

Một Huynh Trưởng không thể mang căn bệnh nóng giận khi hướng dẫn đàn em mình. Ngược lại phải mềm mỏng, hiền hòa, từ tốn mới có thể cảm hóa các em mình và mọi người.

        Được biết đồng sự mình kiến thức còn hạn chế, ta luôn động viên khuyến tấn họ tu học nhiều hơn nữa, những gì chưa thông hiểu ta có thể giải thích cặn kẻ cho họ hiểu tường tận, để cùng nhau tiến tu. ( Đồng sự nhiếp). Không để cho họ nản chí thối đường khi không đủ tự tin đứng trước đàn em mình.

        Biết đồng sự mình thiếu thốn về vật chất, ta tùy khả năng mà giúp đỡ họ cả công lẫn của ( Bố thí), để họ có thể tiếp đến với tổ chức. Hoặc biết đồng sự mình vì cuộc sống mưu sinh mà làm những nghề tổn hại đến mọi người và vật ta nên sách tấn khuyên lơn họ nên thay đổi nghề nghiệp mưu sinh của mình, chọn nghề lương thiện mặc dù đồng lương ít ỏi, hoặc nghỉ ra một nghề mưu sinh khác chân chính để họ làm nuôi sống gia đình. ( Lợi hành nhiếp). Trong sự giúp đỡ với khả năng sẵn có của mình…

      Người Huynh Trưởng nếu biết cách vận dụng Tứ Nhiếp Pháp đúng lúc đúng nơi thì không những đem lại kết quả tốt đối với tổ chức Gia Đình Phật Tử, mà cũng còn đem đến cho Xã hội sự an lành – hạnh phúc trong đạo Pháp.

“Sống đời tứ nhiếp là vui

Tự mình lợi lạc, người người lợi theo

Xót thương xấu ác, đói nghèo

Chiếc thuyền mật độ nhổ neo sang bờ”.

                                                                                                                                                         Quang Liên

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb