BÀI HỌC TỪ CÂY NHANG TRẦM

BÀI HỌC TỪ CÂY NHANG TRẦM

Mỗi sáng sớm trong giờ tọa thiền  thỉnh thoảng tôi ngước mắt nhìn lên hình tượng Đức Bổn Sư trên bàn thờ. Trong ánh sáng mờ ảo của ngọn đèn nhỏ đức Phật uy nghi thiền định với vẻ trầm mặc và nụ cười từ hòa thật nhẹ, cây nhang trầm trong bát nhang đặt phía trước tượng Phật đang âm thầm cháy với một đốm lửa nhỏ như hạt đậu và một sợi khói màu lam mỏng manh đang uốn lượn theo chiều thẳng đứng tỏa ra một mùi hương trầm thoang thoảng dịu dàng.. Không gian im ắng, tỉnh mịch, giờ này đa số mọi người vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, chỉ có vài người già dậy sớm đi bộ trong im lặng, thỉnh thoảng có tiếng gà gáy sáng eo óc từ những ngôi nhà nào đó trong xóm. Chung quanh tôi là một sự thanh vắng, u trầm, tỉnh lặng, thoang thoảng một mùi hương trầm lan tỏa trong không gian, một mùi hương thật dịu dàng thanh thoát, mùi hương trầm như một chất liệu trợ duyên cho ta thêm  được sự tỉnh tâm,  an nhiên, tự tại…Khi tôi xả thiền và đảnh lễ Tam Bảo thì cây nhang trầm trên bàn thờ cũng đang cháy nốt phần thân còn lại, lúc này mùi trầm hương càng lan tỏa ngào ngạt hơn.

   Tôi mở cửa bước ra ngoài, chậu mai chiếu thủy trước hiên nhà với những chùm hoa trắng muốt âm thầm nở trong đêm, một làn gió nhẹ đưa hương hoa thật ngọt ngào, bầu trời đêm với những ánh sao li ti nhấp nháy cũng đã nhạt dần, phía chân trời một vài đám mây mỏng đang ửng hồng báo hiệu ánh chiêu dương sắp xuất hiện và tôi bắt đầu những bước thiền hành đầu tiên. Một ngày mới của tôi được bắt đầu như thế…

   Từ cái mùi hương dịu dàng thanh thoát của cây nhang trầm cứ thoảng thoảng trong những giờ khắc bất đầu một ngày mới cứ lập đi lập lại ngày nào cũng thế đã gieo vào lòng tôi những suy gẫm, ưu tư trong cuộc sống. Một sự liên tưởng từ kiếp sống của cây nhang trầm đến kiếp sống của con người trong cõi nhân sinh!

   Kiếp con người từ khi  sinh ra là đã cất tiếng khóc chào đời như báo hiệu với nhân loại một sinh linh nữa đang bước vào cõi trần thế khổ đau. Thế rồi ta lớn lên cùng năm tháng  đến tuổi trưởng thành ta lại bôn ba trôi lăn trong kiếp nhân sinh với những nỗi khổ chất chồng, nhưng niềm vui không trọn vẹn, với những ước mơ hoài bảo không thành và muôn vàn ưu tư phiền muộn khác cứ bủa vây quanh ta trong suốt cuộc hồng trần. Hành trang vào đời ta mang theo đầy đủ “thất tình lục dục”. Hỷ, nộ, ái, ố…luôn hiện hữu trong ta, ta để cho tám ngọn gió độc: được-mất, khen-chê, danh thơm-tiếng xấu, hạnh phúc-khổ đau  thổi trực tiếp vào tâm ta, trong vòng xoáy cuộc đời tám ngọn gió độc đó luôn tác động khiến ta cứ nổi trôi khóc cười cùng số phận!

   Cho đến một ngày luật vô thường tác động lên thân ta một cách quá khốc liệt nhất thì ta mới nhận chân ra được thực tại phủ phàng !. Một tấm thân khỏe mạnh, cường tráng ngày nào giờ chỉ còn lại một cơ thể già nua ốm yếu, đôi mắt tinh anh ngày nào giờ mờ đục mất hết vẻ tinh anh và thị lực thì ngày càng sút kém, đôi chân ngày nào giúp ta bước đi ngàn dặm đường với mấy chục năm trên cõi thế giờ trở chứng đau nhức đôi lúc muốn đi cũng không được, muốn ngồi cũng không xong, cùng biết bao nhiêu điều khổ lụy khác đang ập đến đời sống từng ngày khiến ta sống trong khổ đau, muộn phiền… Ngồi nhìn lại mình, mấy mươi năm sống trên cõi thế ta đã làm gì được cho đời hay là chỉ là những năm tháng nối tiếp nhau nổi trôi theo số phận, sống để trả nợ làm người và chờ ngày trở về với cát bụi ?!

 Cây nhang trầm được người tạo ra để phục vụ cho nhu cầu tâm linh của con người. Nén nhang được thắp lên  trước bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên, ông bà, cha mẹ như là một phương tiện để thể hiện sự cung kính, tri ân, như là một phương tiện giao tiếp giửa kẻ còn người mất, giửa người đang hiện hữu giửa cỏi trần thế với người đã về một thế giới khác.

  Với tôi cũng như rất nhiều Phật tử khác thì mùi hương trầm thanh thoát lan tỏa  trong không trung trong những khóa lễ, trong những lúc tọa thiền có một tác dụng làm cho tâm ta được tịnh tâm, đem lại sự an lạc an trú trong hiện tại. Mùi hương trầm cho tôi cảm giác bình yên, tỉnh lặng như đã xa rời thế giới bon chen, hơn thua, được mất..

   Thế nhưng để cống hiến cho đời một mùi hương giải thoát, an lạc cho người như thế, cây nhang trầm đã phải đốt cháy thân mình, như ở nhà tôi trong giờ tọa thiền mỗi buổi sáng trên bàn thờ Đức Thế Tôn, trong cái không gian tỉnh lặng nó đã âm thầm đốt cháy thân mình để tỏa hương. Một đốm lửa nhỏ như hạt đậu, một làn khói màu lam mơ hồ như sương khói ẻo lả bay lên theo chiều thẳng đứng, theo thời gian, thân mình càng cháy thì mùi hương càng tăng, mùi hương càng tăng thì thân nó càng lụi tàn!…

   Để phụng sự cho nhu cầu tâm linh của con người cây nhang đã thầm lặng thiêu đốt thân mình,  nó đã giúp cho người đời làm phương tiện thể hiện đức tin, tỏa mùi hương giúp cho người hành giả trên lộ trình tu tập được tịnh tâm ý mà không đòi hỏi một sự báo đáp nào cả, thậm chí một sự biết ơn thầm lặng cũng không màng, một sự hy sinh mà không hề có một ý niệm được biết ơn hoặc mong đáp trả.

   Nếu như xét về hạnh bố thí ba-la-mật thì cây nhang trầm đã đạt được trọn vẹn tinh thần đó, một bài học hiện tiền mà mỗi người phật tử thường xuyên diện kiến thông qua các khóa lễ hay những lúc tọa thiền nhưng mà được mấy người nhận ra  điều đó. Một bài học thật sinh động cho mỗi chúng ta trong hành trình tu tập để giác ngộ tự thân và phụng sự đạo pháp, phụng sự lý tưởng. Nếu như so với sự hy sinh của cây nhang trầm để phụng sự cho tha nhân thì bản thân chúng ta chẳng là gì cả.

   Trong hành trình tu tập giác ngộ tự thân và phụng sự lý tưởng đôi lúc chúng ta cũng thầm tự hào  là đã đóng góp xây dựng tổ chức hai mươi năm, ba mươi năm hoặc lâu hơn nữa.. hoặc chính ta cũng đã góp phần xây dựng nên đơn vị này hoặc đơn vị kia hoặc lớn hơn nữa là GĐPT tỉnh này, tỉnh kia v.v… và chúng ta xứng đáng được mọi người kính nể, ưu ái. Bệnh công thần đang âm thầm hình thành trong ta và đã được ủ kín sâu trong tâm thức, chờ ngày hội đủ duyên là hiện hành. Quả thật sự hy hiến thầm lặng đó  đáng được trân trọng vì đã thực hiện  lời phát nguyện trước Tam Bảo, phát nguyện với chính lương tâm của mình và ta cũng đã có ít nhiều đóng góp công lao trong việc hoằng dương chánh pháp, phát triển tổ chức. Thế nhưng những gì mà ta làm được dù lớn hay nhỏ, dù nhiều hay ít cho đạo pháp, cho tổ chức so với sự đốt mình hy hiến với một tâm vô tư như cây nhang kia thì e còn khiêm tốn lắm! Chúng ta đã có một quá trình thực hiện và chúng ta đã có ít nhiều hy sinh cho sự phát triển của tổ chức, bên cạnh đó ở một khía cạnh vi tế nào đó nó làm cho chúng ta hài lòng và tự mãn!

   Theo thời gian, theo năng lực sự đóng góp của chúng ta càng nhiều thì ở một góc khuất nào đó, trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức cái “bản ngã” cùng âm thầm lớn theo. Nó kín đáo núp mình trong chổ sâu kín nhất của tâm hồn như con virut gây bệnh ung thư trong giai đoạn ủ bệnh, nhưng chỉ chờ một cơ hội nào đó là nó bùng phát. Đối với vurut gây bệnh thì chờ khi cơ thể ta suy yếu, mất sự đề kháng hay là nhờ một sự trợ lực nào đó nó sẽ hoành hành tàn hại sức khỏe và cuối cùng là đem đến cái chết cho người bệnh. Còn con virut gây bệnh công thần, nuôi lớn bản ngã thì chờ một cơ hội nào đó có thể là khi mà cái “bản ngã” của ta không được thỏa mãn, hoặc khi nhận thấy những người chung quanh ta không thể hiện sự kính trọng “cái ta” vĩ đại của mình là ta có cảm giác như mình bị xúc phạm là nó bùng phát ngay, một cách vô tình nó gây ra mầm mống của sự sân hận trong tâm ta và nếu như không được hóa giải thì từ một ngọn lửa nhỏ sẽ bùng lên một đàm cháy sân hận thiêu đốt tất cả công đức, thiêu đốt tất cả công năng có được trong quá trình tu tập và nó làm đổ vở tất cả những mối quan hệ tốt đẹp với tha nhân, làm tan nát những gì mà ta đã dày công tạo dựng…

   Ngày qua ngày tự bao nhiêu đời nay mặt trời thường xuyên gieo những tia nắng xuống vạn vật đem sự sống đến cho muôn loài một cách vô tư, ngọn nến thiêu đốt thân mình để đem lại ánh sáng cho những ai cần ánh sáng, cây nhang trầm đốt cháy thân mình để tỏa ra làn hương thơm thanh khiết trợ duyên cho người tu tập, làm phương tiện tốt cho Phật tử thể hiện tấm lòng thành dâng lên Chư Phật, Chư Bồ-tát trong mười phương,  cho hàng con cháu dâng lên tổ tiên, ông bà, cha mẹ… với một sự âm thầm, lặng lẽ, không mong cầu sự biết ơn, không mong cầu sự trả ơn của tha nhân.

  Chúng ta hãy cùng nhau suy ngẫm một bài học quý giá mà ta được học hằng ngày từ cây nhang trầm, thế nhưng vì sao ta không tiếp thu hoặc tiếp thu mà không thực hiện được, vì sao thế?!…

                                                                                                                                Tâm Lễ

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb