KHÁNH…ƠI…!

 BBT: Thượng Tọa Thích Nhuận Thiền hiện là trú trì tịnh thất Huyền Không (trong khuôn viên Đại Tòng Lâm BRVT) thầy cũng là thành viên ban CVGH.GĐPT.BRVT. Thầy xuất thân là một huynh trưởng GĐPT trước năm 1975 tại Quảng Trị, hiện nay mặc dù thầy đã là bậc sa môn làm trưởng tử Như Lai với sự nghiệp hoằng hóa độ sanh nhưng trong tâm thầy dòng máu Lam vẫn chảy, bởi vậy thầy luôn đồng hành và trăn trở cho sự thịnh suy của GĐPT.VN, thầy đã dang rộng vòng tay bảo bọc chở che cho GĐPT Khánh Quảng được về Huyền Không sinh hoạt khi mà nơi trú xứ bao đời nay gặp chướng nạn. Nơi tịnh thất Huyền Không thầy cũng đã lập Lam Linh Đường để thờ tự, tưởng niệm huynh trưởng GĐPT.VN quá vãng. Tấm lòng của thầy đối với GĐPT VN nói chung và GĐPT.BRVT nói riêng thật đáng trân trọng niệm ân.

BBT trang nhà GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu xin đăng bài ghi những nổi niềm, những ưu tư, trăn trở  của thầy với một số đơn vị GĐPT trong tỉnh đang gặp chướng nạn.(Bài viết đã đăng trong đặc san Sen Biển 2)

KHÁNH…ƠI…!

 Khánh Sơn

hinh Kh.Son

Đơn vị đầu tiên thầy nhắc đến với lòng ngưỡng mộ đó là Khánh Sơn. hơn 20 năm qua không còn chùa để sinh hoạt. không còn thầy để dẩn dắt nhưng Khánh Sơn vẫn tồn trại dưới mái nhà Lam. Sự sống bền bỉ và can cường đó sẽ không có nếu thiếu sự hy sinh thầm lặng của một nữ Huynh trưởng: chị Diệu Quả.

Sự sinh hoạt của Khánh Sơn đôi lúc phải núp dưới bóng một lớp học tình thương của một giáo viên đã nghỉ hưu. Nhìn những đôi mắt trong veo, thơ ngây của những Oanh vũ, Thiếu Nữ, Thiếu Nam người dân tộc thiểu số lần đầu tiên đến với GĐPT để học hỏi giáo lý Phật đà, thấy thương làm sao! Những lần tiếp xúc với Khánh Sơn qua những kỳ trại Vu Lan, Khánh Đản ở Khánh Quảng, Thầy vô cùng ngạc nhiên và thích thú vì tính tuân thủ kỷ luật mà đoàn sinh Khánh Sơn mang đến đất trại. Sự hy sinh thầm lặng của chị Diệu Quả thật không uổng công chút nào.

Thời gian sau này biết chị Diệu Quả có tâm nguyện xuất gia, Thầy chợt phân vân không biết nói với chị điều gì cho phải đạo.

Cựu đoàn viên GĐPT xuất gia có hàng ngàn vị. Lớp lớn nhất phải kể là Hòa Thượng Minh Châu. Kế đó là Huynh trưởng Tâm Thanh, Minh Tâm, Kiến Tánh,… Lớp kế nữa thì rất nhiều. Ở hải ngoại có anh Tuân xuất gia là Đại Đức Phổ Hòa – sáng lập trung tâm Quảng Đức và là CVGH cho GĐPTVN ở hải ngoại.

Xưa chị Tâm Chánh cũng có ý nguyện xuất gia. Hòa Thượng Tịnh Khiết khuyên chị rằng: “Phật giáo đã có Diệu Không, Thể Quán. Thêm một Tâm Chánh nữa cũng hay. Nhưng GĐPT VN lại rất cần một nữ huynh trưởng. Con hãy suy nghĩ và nếu được hãy phát nguyện làm người huynh trưởng đó. Hãy thọ Bồ-tát giới, dấn thân vào Ngũ trược ác thế để hướng dẫn đàn em”. Chị Tâm Chánh đã thực hiện lời khuyên đó. GĐPT mới có được chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc, được ví von như bóng Mẹ hiền của GĐPT VN.

Hôm nay, nếu có một điều ước, Thầy chỉ được ước rằng chị Diệu Quả sẽ là bóng Mẹ hiền của GĐPT Khánh Sơn. Khánh Sơn sẽ vẫn mãi còn, chị nhé!.

Khánh Lương.

Mùa hè đỏ lửa 1972. Không thể trở về nơi chôn nhau cắt rốn, Hòa Thượng  Thiện Minh- Quyền Viện Trưởng Viện Hóa Đạo như người Cha trước đàn con vất vưởng, Ngài đã đưa một số dân Quảng Trị vào Nam lánh nạn. Đặt chân xuống sân vận động tỉnh Phước Tuy cũ (nay là Thị xã Bà Rịa), khi trên nét mặt của người dân còn chưa hết bàng hoàng vì vừa thoát chết từ “đại lộ kinh hoàng” thì đúng 7 ngày sau GĐPT đã được thành lập, được chính Hòa thượng đặt tên là Khánh Quảng, với ý nghĩa là những Đoàn viên GĐPT Quảng Trị sinh hoạt tại miền Khánh Hòa.Sau khi tìm được đất để đưa dân đi định cư lập nghiệp, một số về Phú Mỹ lập chùa Phước Quang và làng Quảng Phú. Khánh Quảng chia làm 3 đơn vị: Khánh Quảng sinh hoạt tại Phú Mỹ, Khánh Lương và Khánh Linh thì ở Suối Nghệ. Khánh Lương được ghép từ chữ Trung Lương. Khánh Linh từ chữ Gio Linh vì đa phần dân ở đây từ quận Trung Lương và Gio Linh vào.

Hòa thượng dạy đặt tên như thế để nuôi dưỡng tinh thần: “Ly hương bất ly Tổ”. Mặc dù phải sống tha phương, nhưng chúng ta không quên nguồn cội của mình.

Hòa thượng chỉ đạo lập ra 3 ngôi chùa: Phước Quang ở Quảng Phú, Viên Quang và Phước Quang ở Suối Nghệ để GĐPT có nơi sinh hoạt và cũng là cơ quan hành chánh đầu tiên để điều hành mọi sinh hoạt của người dân như: lập danh sách, phân bổ lô gia cư, nhận và chia hàng cứu trợ,… Tất cả đều do GĐPT đảm trách.

Hơn 40 năm, trải qua biết bao thăng trầm của nhân thế. Hôm nay, Khánh Quảng thì đang lánh nạn ở Huyền Không. Khánh Lương thì đang bị ghẻ lạnh như muốn đuổi ra khỏi chùa. Từ một đơn vị rất mạnh của BR-VT, vì sự cố này, Khánh Lương yếu dần đi.

Tại sao?

Dĩ nhiên cũng có lý do khách quan lẫn chủ quan.

Khách quan thì Thầy không bàn tới. Nhưng chủ quan là trách nhiệm của chính mình. Phải chăng ở đây chúng ta thiếu sự mềm mỏng, uyển chuyển của chính mình? Chúng ta đặt bản ngã cá nhân mình lên trên sự tồn tại của Tổ chức.

Khi Khánh Lương dang rộng vòng tay để cưu mang anh Tâm Phát, là một huynh trưởng cả cuộc đời hy sinh cho Tổ chức, ngày đó anh em mình thật nghèo đói, chỉ củ khoai, củ sắn cũng chia sẻ cùng nhau, thuốc men thiếu thốn. Rồi anh Tâm Phát ra đi. Ngày đám tang anh và những tuần thất sau đó, anh Nguyên Tín, anh Như Tâm và một số anh chị lớn của GĐPT VN đã đảnh lễ cảm tạ Thầy Trú trì, Chư Tôn Đức Tăng. Nhìn anh chị, những tấm thân già nua tuổi tác, thân cũng mang nhiều trọng bệnh lạy tạ quý Thầy cô trẻ măng tuổi đời, tuổi đạo. Thầy cảm kích sâu sắc vào tận đáy lòng mình.

Rồi khi anh Như Tâm lạy tạ gia đình bác Hoà (thân sinh chị Thủy) là gia đình đã trực tiếp cưu mang, nuôi dưỡng anh Tâm Phát, Thầy đã òa khóc. Phải chăng GĐPT vẫn còn trên cuộc đời là vì đạo lý này: TÌNH LAM. Ở đây bản ngã của cá nhân đã không còn. Thương quá!

Nhớ xưa kia, vào những thập niên 50, 60 của thế kỷ trước, lúc phong trào Chấn hưng Phật giáo nở rộ ở Quảng Trị, các khuôn giáo hội và GĐPT được thành lập khắp nơi. Một lần giỗ Tổ ở Sắc Tứ, anh Như Tâm đã hỏi ý kiến của Ôn Thiện Minh: “Bạch Ôn, quý Thầy Tăng già Cổ Sơn Môn hiện ở những ngôi chùa làng. Họ có gia đình, vợ con. Chừ mình phải mần răng?…”. Ôn dạy: “Anh cứ mời họ làm Chứng minh đạo sư, làm Cố vấn Giáo hạnh, không răng mô. Mấy Thầy đó cũng có công giữ chùa cho Phật giáo mà…”

Chắc chắn lần đầu khi quỳ lạy quý Thầy Tăng già đó, quý Anh chị mình cũng ấm ức ghê lắm. Họ có hơn gì mình đâu, cũng vợ con, cũng ăn mặn… Nhưng thật diệu kỳ! Có lẽ thấy mình được tôn trọng, được tri ân, quý Thầy Tăng già đã sửa đổi, sắp xếp đưa vợ con ra ngoài chùa, cũng phát nguyện trường chay và có vị đã làm CVGH cho GĐPT xuất sắc. Cũng vậy, ở đây bản ngã của cá nhân đã không còn. Thương quá!

Lại một chuyện xưa nữa. Một lần khi đến thăm Ôn Linh Mụ, khi nhắc đến bác Tâm Minh, Ôn Linh Mụ nói: “Cả đời ni Thầy không sợ ai như đã từng sợ cụ Tâm Minh. Mỗi lần lên lớp dạy quý Thầy, cụ đảnh lễ rất cung kính. Mỗi lần quý Thầy không thuộc bài, cụ lại đảnh lễ sám hối tự trách mình: Con truyền đạt dỡ quá nên quý Thầy không nắm bắt được. Cho con thành tâm sám hối. Và cụ đã lạy quý Thầy rất thành kính. Cụ làm rứa nên ai cũng sợ và học hành thật tốt.”

Phải chăng những cái lạy của cụ Tâm Minh đã sản sinh ra một lớp Hòa thượng danh tăng cho Phật giáo như quý Ôn: Đôn Hậu, Huyền Quang, Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thiện Minh, Thiện Siêu, Trí Quang, Trí Nghiêm, Trí Thủ, Trí Tịnh,… Ở đây bản ngã cá nhân cũng không còn. Thương quá!

Khánh Lương ơi, từ những ký ức tản mạn đó, anh em mình học được điều gì chăng?

Khánh Viên…

Thời bao cấp, GĐPT đã từng tồn tại không cần đoàn phục, không cần mang hoa sen trên ngực áo. Nếu hôm nay Khánh Viên không được tiếp tục chấp nhận ở Viên Hưng, mình có thể tồn tại dưới hình thức này. Quan trọng là hãy giữ cho được đoàn sinh. Hãy chia nhỏ lẻ đoàn sinh ra giao cho quý anh chị Trưởng đảm trách từng đội, đoàn. Hàng tháng sinh hoạt chung một lần.

Thân vô thường

Tâm vô thường

Cảnh vật vô thường

Lòng người cũng vô thường.

Đứng trên mọi việc vô thường đó, anh em mình cố giữ cho được một điều mà tiền nhân đã gầy dựng hơn 70 năm qua: TÌNH LAM, Khánh Viên nhé!

   Khánh Biên

Lâu quá rồi thầy không về thăm Khánh Biên. Chẳng biết bây giờ quý Anh chị ở đó ra sao? Chùa Pháp Biên còn không? Còn hay không không quan trọng. Quan trọng là Khánh Biên còn không? Với Thầy là vậy đó.

Cuộc đời này, đời sống vật chất với đời sống tinh thần lúc nào cũng tỷ lệ nghịch với nhau.

Con nhà nghèo thường ngoan hiền, học giỏi và hiếu thảo. Ngược lại có nhiều nhà càng giàu con càng hỗn láo, khinh người và bất hiếu.

Trong đạo cũng thế. Chùa càng to, Phật càng lớn chỉ là bể lợi danh hư ảo.

Hãy giữ lại một Pháp Biên am tranh vách lá như ngày nào mới xây dựng. Ở đó Khánh Biên, một vài huynh trưởng, một vài đoàn sinh cũng tốt, vẫn gìn giữ được nề nếp đạo đức của ngàn đời Phật Việt.

Làm được như thế, quý anh chị chí ít cũng cứu giúp được con em của chính mình khỏi sa đọa trước suy đồi đạo đức của thời đại hôm nay. Hàng ngày trên những thông tin đại chúng báo đài, internet,… có quá nhiều những vụ án xảy ra. Sự tha hóa đạo đức đến hồi báo động, cuộc đời càng như thế thì nền giáo dục Phật Việt thông qua tổ chức GĐPT VN càng cần thiết và giá trị.

Khánh Biên ơi, hãy đứng lên vững vàng nhé…

       Khánh  Hi

Trong một lần gặp mặt tại Huyền Không, chị Nhạn, anh Tuấn nói với Thầy là muốn thành lập một đơn vị ở Thành phố Vũng Tàu. Thầy buộc miệng đặt tên là Khánh Hải. Ai cũng đồng tình. Nhưng loay hoay mãi chị Nhạn vẫn không tìm được một ngôi chùa để sinh hoạt nên Khánh Hải vẫn chỉ là ý định phôi thai.

Xưa Thầy sinh hoạt Hướng Đạo. Điểm đặc biệt của Hướng Đạo là không cần một địa điểm để sinh hoạt như GĐPT, một mái hiên chùa, một góc giáo đường, sân trường học, công viên, bãi biển. Trước khi chia tay lần sinh hoạt này mới biết tuần tới mình sinh hoạt ở đâu. Tại sao Khánh Hải không thử sinh hoạt theo mô hình này? Rất thú vị đấy nhé.

Quý Thầy Cô trú trì các chùa họ từ chối vì phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Nhưng họ sẵn lòng nếu một buổi chiều chủ nhật nào đó để tiếp nhận quý anh chị em đến xin lễ Phật và sinh hoạt. Sau khi dây thân ái xong thì ra về. Tuần sau lại một ngôi chùa khác. Không thú vị sao? Thử xem chị Nhạn nhé.

Thầy luôn ủng hộ chị. Biết đâu đó cũng là hướng đi mà GĐPT sẽ đi trong tương lai để tồn tại và gìn giữ được chất LAM không bị nhiễm bởi xanh, đỏ, tím, vàng của nhân thế.

  Khánh Liên

    Thng tht gi….  Cha ơi!

Ôn ơi ! mới đó mà đã gần hai năm Ôn bỏ chúng con quảy dép về Tây!…Hồi đó, rất nhiều lần con thưa với Ôn – Xin Ôn cho chúng con thành lập tại Liên Hoa một đơn vị GĐPT nhưng Ôn cứ đắn đo mãi; Ôn dạy “Đạo đức ngày càng xuống cấp , nhất là tuổi trẻ. Lập GĐPT để giáo dục Phật tử trẻ là một việc rất đáng nên làm; cứu từ từ để Thầy thu xếp”.

Thời gian cứ trôi qua

Bao nhiêu Phật sự ở Liên Hoa Ôn đều tin tưởng giao phó cho con. Thỉnh thoảng con nhắc chuyện GĐPT, Ôn cứ cười cười: “Răng mà nôn nóng rứa…”

Rồi tới một ngày, Ôn gọi điện cho con: “…nhiều lần Nhuận Thiền xin Thầy thành lập GĐPT. Lễ Thành Đạo năm nay, Nhuận Thiền lên Thầy rồi mình bàn bạc nhé. Mà có đoàn sinh chưa?”. “Dạ bạch Ôn, có chứ”.

Lễ Thành Đạo tụi con kéo hết Khánh Quảng về Liên Hoa. Ôn rất hoan hỉ. “Nếu ở đây có GĐPT thì Nhuận Thiền tính đặt tên gì?”. Bạch Ôn: “Khánh Liên. Chữ Khánh từ miền Khánh Hòa, ghép với chữ Liên vừa là tên chùa Liên Hoa tu viện, vừa là Pháp hiệu của Ôn: HUỆ LIÊN”. Ôn cười rồi dạy: “Khánh Liên, ừ, hay đó…”.

Lễ Tất niên năm đó, Ôn kêu con và anh Minh Khôi vào rồi chỉ ra nhà khách của chùa, Ôn dạy: “…Thầy cho Khánh Liên nhà khách để sinh hoạt, làm Đoàn quán”. Con và Minh Khôi lạy tạ Ôn. Đâu ngờ…

Nhờ biết trước mình sắp đi xa, Ôn đã sắp xếp để Thầy Nhuận Giác trú trì, rồi lập GĐPT.Chỉ ngày hôm sau lễ Tất niên, Ôn trở bệnh. Ngày hôm sau nữa thì Ôn tịch. Thật bất ngờ. Cả đạo tràng Phật tử, cả Khánh Liên thảng thốt gọi: Cha ơi!

Như đứa trẻ mới sinh ra phải chịu cảnh côi cút. May nhờ Thầy Nhuận Giác thay Ôn tiếp tục giáo dưỡng chúng con. Khánh Liên hôm nay cũng đã trưởng thành.

Lại sắp đến ngày giỗ thứ hai của Ôn, chúng con – GĐPT Khánh Liên đã và sẽ quỳ trước tháp Ôn với lòng tiếc thương và tri ân vô hạn. Lòng hứa với lòng rằng, dù gặp muôn ngàn phong ba bão táp, muôn ngàn thử thách gian khổ, Khánh Liên của Cha vẫn sẽ mãi còn,

Cha ơi!.

Khánh Tân

Nếu GĐPT cũng được ghi nhận công lao khai sơn tạo tự thì sẽ không ít ngôi chùa trên đất nước này được xưng danh GĐPT.

Đầu tiên khi anh em mình chặt tre cắt tranh để xây dựng chùa cũng chỉ với tâm niệm có nơi để lễ Phật, sinh hoạt, hướng dẫn dìu dắt đàn em. Thời gian dần qua, rồi tiền tài, danh lợi đổ vào chùa và GĐPT bị ghẻ lạnh vào chính ngôi chùa mà mình tạo ra. Dễ hiểu thôi, vì làm sao những tâm hồn ngây thơ trong sáng, những đôi mắt trong veo thuần khiết theo kịp những suy tính lọc lừa, những danh thưa, lợi cặn tiềm ẩn dưới những danh từ hoa mỹ của dòng đời đang trôi dồn về phía đạo …. suy thoái.

Khánh Tân là một đơn vị như thế, lấy ngay tên đơn vị mình, đặt tên ngôi chùa mà chính mình đã tạo ra, mà vẫn không kháng trụ được. Đành vậy, viết đến đây thôi bèn nhớ đến chuyện tiền thân đức Phật khi Ngài làm sư tử Kiên Thệ.

Thời nay cà sa bán đầy. Đừng buồn nhé! Khánh Tân ơi!

Khánh  … ơi!

        Đâu ri?

GĐPT/ BRVT vừa tròn năm mươi tuổi. Thời gian trôi qua thật nhanh. Cũng vừa tròn 35 năm Thầy gắn bó với BRVT, là chứng nhân bao sự thịnh suy, bao nhọc nhằn, chướng ngại mà quý Anh Chị BRVT đã và đang phải gánh chịu.Người đến kẻ đi. Có đơn vị mới thành lập, có đơn vị nay đã không còn. Như:

- Khánh Thiên: 1982, khi làm Giám tự chùa Bửu Thiên, Thầy thành lập GĐPT Khánh Thiên, sinh hoạt được hai năm. Bác Năm Củng làm Gia trưởng. Sau này Thầy Giải Toàn làm Trú trì, Khánh Thiên được tái sinh hoạt rồi đổi thành GĐPT Bửu Thiên.

- Khánh Lâm: Cũng năm đó, thành lập GĐPT Khánh Lâm, sinh hoạt tại Linh Sơn Cổ Tự, Phước Hòa. Bác Minh Tịnh làm Gia trưởng, sau này xuất gia với Hòa Thượng Thanh Từ – Thầy Thông Quả. Nay Thầy cũng đã viên Tịch. Khánh Lâm sau này dời về chùa Phổ Quang, đổi tên thành GĐPT Phổ Quang. Không biết bây giờ còn không?

- Khánh Đức: Nay là GĐPT Đức Sơn. Có lẽ trong mấy Khánh này, Khánh Đức làm Thầy tiếc nuối hơn cả. Được gần gũi những bậc danh Tăng thạc đức nhưng Khánh Đức ơi – Vì sao nên nỗi!!!

- Khánh Đạo: Xưa kia sinh hoạt ở chùa Tịnh Quang sau khi thay tên đổi hướng thành GĐPT Tịnh Quang, thì cũng dần dần đánh mất mình, từ từ suy yếu lụi tàn; mới biết GĐPT cũng không thể nuôi sống bằng cả tiền bạc lẫn thế quyền, nếu lìa xa sứ mệnh Lam truyền !

Ngày an vị Lam Linh Đường, mẹ Thầy trước khi ra về, thắp tuần nhang cuối. Bà đứng tần ngần, gương mặt đượm buồn. Thầy hỏi mẹ: “Răng mà Mạ buồn rứa?”.

“Mô nờ. Ngày ni Mạ rất vui được gặp lại anh Tư Đồ Minh. Ngày vợ chồng anh sắp vào Nam, về thăm Mạ, anh cho Mạ bao gạo. Mạ nhớ hoài. Gặp anh, anh kêu mạ:

“Vợ anh T nì…” làm mạ cảm động quá. Bao năm rồi mà anh có quên mô. Mạ buồn vì nhớ tới cậu D. Cả cuộc đời sinh hoạt, hy sinh cho GĐPT mà giờ ni không được thờ ở đây…”. Mẹ Thầy quay mặt đi như giấu giọt nước mắt tiếc nuối.

Lòng như chùng xuống, Thầy cũng thấy mắt mình cay cay. Nhưng biết làm sao, khi tự mình đánh mất mình giữa dòng chảy nguồn Lam.

Nếu “Lý tưởng chỉ hướng cho thuyền đời, nẩy hoa cho cuộc sống”, theo ý nầy mình có thể viết lại ở đây một bài điếu văn cảm niệm:

“…Thuyền đời lạc hướng chơi vơi

Lý tưởng đánh mất, Khánh…ơi! Đâu rồi?

Hoa đời rủ héo, than ôi!….

                                                                                                                         Thích Nhuận Thiền

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb