Điều chỉnh chương trình tu học và huấn luyện để nâng cao kiến thức nội điển cho Huynh trưởng
BBT: Điều chỉnh chương trình tu học và huấn luyện cho Huynh trưởng là một nhu cầu bức thiết phù hợp với tình hình thực tế trong chiến lược đào tạo năng lực và phẩm chất của người huynh trưởng GĐPT, thông qua việc nâng cao kiến thức nội điển, chuyên sâu vào lãnh vực nghiên cứu và thực hành giáo pháp Phật-đà, để rồi từ đó có khả năng thăng tiến giác ngộ tự thân và hướng dẫn tu học cho huynh trưởng kế thừa và đoàn sinh tiếp nối mạng mạch duy trì và phát triển tổ chức ngày càng thăng tiến.
Thượng Tọa Thích Nhuận Châu thành viên HĐCVGH.GĐPTVN đã dày công nghiên cứu và đề xuất một số thay đổi trong chương trình tu học huynh trưởng cho phù hợp và hiệu quả hơn trong tình hình thực tế hiện nay bằng bài pháp thoại trong hội thảo Nghiên Huấn do BHDTƯ.GĐPTVN tổ chức tại Quảng Hương Già Lam năm 2009 và đã được đăng tải trong Nội san Sen Trắng số 39 ấn hành tháng 7/2009.
Nhận thấy đây là một tài liệu tu chỉnh chương trình tu học do thầy biên soạn rất tâm huyết và công phu, nếu được ứng dụng tốt thì sẽ có hiệu quả lớn trong lãnh vực tu học cho huynh trưởng. Thế nhưng đã 6 năm trôi qua mà GĐPT chưa thực hiện được bao nhiêu trong các đề xuất của thầy. BBT trang nhà GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu xin được đăng lại để quý anh chị Huynh trưởng và lam viên gần xa tham khảo. (Đầu đề do chúng tôi đặt)
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Hôm nay chúng tôi được Hội đồng Cố Vấn Giáo Hạnh cử đến tham dự Hội thảo Nghiên Huấn với các anh chị. Trong hai ngày thảo luận này, chúng tôi chỉ dự được hai buổi sáng để nghe những vấn đề quan trọng theo chương trình nghị sự các anh đã vạch sẵn. Qua đó xin đóng góp những điều cần thiết để cho việc nghiên huấn của chúng ta được triển khai một cách thiết thực và hữu hiệu hơn.
Kính thưa quý anh chị, khi nói đến Phật Pháp chúng ta hiểu rằng: “Giáo lý đạo Phật, đức Thế Tôn đã trình bày chỉ có một vị độc nhất đó là vị giải thoát” hương vị giải thoát ấy được bàng bạc và thấm nhuần trên một nguyên lý nhất định: Đó là lý Duyên khởi. Cho nên trên tiến trình tu học của người Phật tử từng bước, từng bước phải nương theo giáo lý để chuyển hóa thân tâm ngày càng tốt đẹp hơn. Để chuyển hóa thân tâm tương ưng với giáo lý cũng như bản nguyện của chư Phật và chư Bồ-tát, người huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam khi đã nhận sứ mệnh thiêng liêng của người huynh trưởng, đó là hạnh nguyện mang sứ mạng giáo dục, đó là sứ mạng kép vừa tu học, vừa huấn luyện, vừa đảm nhiệm trách nhiệm chính là giáo dục đoàn sinh Thanh, Thiếu, Đồng niên. Sứ mệnh đó trong lễ thọ cấp, lúc phát nguyện làm huynh trưởng anh chị đã thành tâm dâng lên Tam Bảo rồi, nay tưởng chừng không cần đặt vấn đề đó nữa.
Còn về sứ mệnh giáo dục, truyền đạt những lý tưởng của mình sao cho đạt được hiệu quả việc đó cần phải có đường hướng rỏ ràng và chuyên sâu, càng hữu hiệu càng phải thấm sâu vào lòng người mới có năng lực chuyển hóa. Như vậy nên đòi hỏi trách nhiệm và tâm lực cùa chúng ta càng nặng nề hơn.
Thưa các anh chị, chúng ta hiểu rằng giáo lý chỉ có một vị giải thoát thôi, nhưng muốn chuyển đến cho tất cả huynh trưởng và đoàn sinh thì chúng ta thấy rằng không phải lúc nào cũng đúng như chúng ta mong mỏi, có nghĩa là đúng về phía chân lý quy ước tức là phương tiện thế đế, thì tất cả mọi sự kiện đều bị chi phối bởi một quy luật chung, đó là biến chuyển vô thường. Nên đường hướng giáo dục của chúng ta trên tinh thần là phải biết vận dụng trên nền tảng này thì việc làm chúng ta mới có tác dụng cụ thể. Bởi vậy, các bậc tiền bối đã soạn sẵn cho chúng ta một chương trình để y cứ trong suốt mấy chục năm qua. Bây giờ, từng bước chúng ta phải có sự tu chỉnh cho khế hợp hầu công việc giáo dục của chúng ta ngày càng thăng hoa. Nên việc điều chỉnh lại chương trình tu học và huấn luyện là điều tất yếu và rất cần thiết.
Tuy nhiên có điều cần nhấn mạnh là khi chúng ta điều chỉnh về phần giáo lý trong chương trình tu học, có nghĩa là chúng ta vận dụng phần trí tuệ của mình trong tiến trình tu học Phật Pháp, đề ra một phương thức thể nghiệm thiết thực có hiệu quả hơn với từng địa phương và với từng đối tượng các ngành học, chứ không phải điều chỉnh là đặt lại một số vấn đề nền tảng trong giáo lý Phật-đà. Phải chú ý điều đó và cũng phải trên cơ sở đó chúng ta sẽ tiến hành việc điều chỉnh chương trình, hoặc là từng 2 năm hoặc 3 năm hoặc ngay khi chúng ta nhận ra được điều gì đó cần phải điều chình cho kịp thời. Lúc đó thì nên có những phiên họp khoáng đại hay bất thường để tiến hành như hôm nay chúng ta đang thực hiện.
Vậy cần phải xem xét qua một số đặc điểm để tu chỉnh chương trình. Việc làm này là điều tất yếu và phải tuân thủ nguyên tắc, bởi việc tu chỉnh chương trình không những là trách nhiệm đơn phương của Ban Nghiên Huấn của các đơn vị, các địa phương mà còn là trách nhiệm về phía Chư Tăng trong Hội đồng Cố Vấn Giáo Hạnh. Cho dù Ban Nghiên Huấn ở các đơn vị chưa thấy hoặc thấy chưa cần thiết, Chư Tăng cũng phải gợi ý tạo điều kiện cho các anh chị làm. Vì sao, vì giáo lý đạo Phật là để chuyển hóa và thanh tịnh thân tâm, điều này phải trên cơ sở là giáo dục, mà tinh thần giáo dục là nhằm tới từng đối tượng và tình hình thực tế ở từng giai đoạn.. Cho nên, không có cái nhìn này trong việc giáo dục chắc chắn nó sẽ xa rời mục tiêu, lý tưởng của GĐPT chúng ta. Nên các anh chị tiến hành tu chỉnh đợt này nó được thuận duyên trên cả hai phương diện, vừa là mong mỏi của các anh chị đang đảm nhiệm việc huấn luyện các cấp ở địa phương vừa là cái nhìn cấp bách của Chư Tôn trong Hội đồng CVGH, nên các anh chị cần tổng kết ý kiến các địa phương, có những điều gì đó chưa được hoàn chỉnh để bổ sung cho chương trình giáo khoa đã thực hiện từ năm 2004 mới nhất cho đến nay. Phần nào cần bổ khuyết thì trong Ban Tu Thư của Hội đồng CVGH sẽ phân công nhau biên soạn để đáp ứng cho kịp thời.
Trên tinh thần đó, Hội thảo Nghiên Huấn kỳ này chúng ta sẽ thảo luận chi tiết trong hai ngày. Chúng tôi sẽ lắng nghe và xin gợi ý thêm các việc:
- Thứ nhất: Thành lập một nhóm nghiên cứu, phiên dịch một số tư liệu để bổ sung cho chương trình Phật Pháp của chúng ta trong suốt thời gian qua. Về việc này chúng tôi cũng nghe tường trình trực tiếp cũng như đọc trong bản dự thảo kế hoạch, là đã hình thành một ban gọi là điều chỉnh và biên soạn chương trình của chúng ta. Nhưng sự gợi ý của chúng tôi, nhấn mạnh một điều là giới thiệu thêm một số anh chị huynh trưởng hay đoàn sinh có trình độ ngoại ngữ để bổ sung vào ban tu chỉnh này. Lý do tại sao chúng tôi gợi ý này, vì nhận thấy hiện nay có rất nhiều tài liệu, nhiều nhất là bằng tiếng Anh có nội dung giáo lý rất thích hợp cách suy nghĩ của các em ở lứa tuổi Đồng niên và Thanh, Thiếu niên, chúng ta sẽ phiên dịch, biên soạn những bài giảng này, Những bài này phần nhiêu có nội dung từ truyện Jãtaka, tức truyện bản sinh của Đức Phật. Nội dung được viết lại qua nhãn quan và tâm thức các em thanh thiêu nhi thời bấy giờ, cho nên chúng tôi nhận thấy nếu đưa những điều này vào bổ sung chương trình ngành Đồng, ngành Thiếu, ngành Thanh thì phần nào đó bớt khô cứng, nặng về thuật ngữ và lý thuyết. Phần này đòi hỏi sự tình nguyện cống hiến hết mình của một số người có trình độ ngoại ngữ, trình độ về vi tính, bên cạnh là phải có tâm huyết về giáo dục.
Những vị này xin mời vào nhóm nghiên cứu và phiên dịch, trong tiểu ban mà các anh đã thành lập, nhóm này trực thuộc Ban Nghiên Huấn Trung Ương. Hoặc ở các tỉnh nếu có khả năng nhân sự cũng nên thành lập một nhóm phiên dịch và có thể liên hệ trực tiếp với chúng tôi để trao đổi tài liệu và hướng dẫn kịp thời, rồi sau một thời gian quy định, hoặc sáu tháng, hoặc một năm, chúng tôi tập hợp những tư liệu này và sẽ có thông báo bổ sung hoặc làm thí điểm tại một đơn vị nào đó, tỉnh nào đó sau khi đã thông qua cuộc hội thảo với các thành viên Nghiên Huấn. Những vị làm việc đó trực thuộc Ban Nghiên Huấn, đồng thời có thể làm việc nghiên cứu độc lập (ví dụ ở đơn vị Thừa Thiên, đơn vị Khánh Hòa, đơn vị Quảng Nam) vì quá xa xôi với Sài Gòn khó tham dự trực tiếp với bộ phận phiên dịch vì chúng tôi đều tập trung ở khu vực TP này nhiều).thì các anh chị ở các tiểu ban đang ở các địa phương đó có thể tìm cách liên lạc với chúng tôi bằng cách nào đó để nhận tài liệu hoặc ta có thể liên lạc qua thư điện tử, bằng phương tiện email để kịp thời bổ sung tư liệu liền.
Thành lập nhóm này là việc rất cần thiết, trong nghị trình thảo luận hôm nay xin Chủ tọa đoàn cũng như tất cả các anh chị trong Ban Nghiên Huấn quan tâm hình thành cho được nhóm này để hổ trợ cho việc soạn thảo chương trình giáo khoa sắp tới được hoàn chỉnh hơn. Đó là vấn đề thứ nhất.
- Thứ hai: Là gợi ý điều chỉnh một số việc cụ thể về một số Kinh trong các cấp học. Điều này là kết quả sau sự bàn thảo của quý thầy trong Ban Tu Thư của Hội đồng CVGH. Chúng tôi đã có động thái chuẩn bị cho sự tu chỉnh này suốt hai năm qua, tuy nhiên chưa có cơ hội nào để trình bày hay trao đổi một cách rộng rãi với nhiều thành viên như hôm nay. Nên nay là một cơ duyên rất tốt, chúng tôi thấy cần đưa ra thảo luận để nghe ý kiến của các anh chị (vì việc làm này chúng tôi đã thấy một số đơn vị đã có tiến hành và chúng tôi đã được mời tham dự các phiên họp điều chỉnh chương trình tu học ở các tỉnh). Chúng tôi mới rút ra được nhiều vấn đề rất là hay, thì ra việc điều chỉnh chương trình tu học cho đoàn sinh cũng như các cấp huynh trưởng là xuát phát từ chính các anh chị huynh trưởng đảm nhiệm giảng dạy ở các địa phương. Các anh chị cọ xát nhiều với tình thế hơn, gặp phải những vấn đề bức bách hơn, nên khi chính các anh chị ấy đặt ra những vấn đề bất toàn trong chương trình giáo khoa các ngành học, chúng tôi nghe rất là chính đáng và từ đó bản thân chúng tôi tự điều chỉnh cho một số khóa học, hoặc trong buổi giảng ở các trại huấn luyện hay trong chương trình bậc Lực của các cấp mà chúng tôi được phân công đảm nhiệm. Hôm nay trên cơ sở đã được bàn bạc thống nhất của quý thầy trong HĐCVGH, chúng tôi xin đề ra một số chi tiết như sau:
- Đó là chương trình của đoàn sinh từ bậc Mở Mắt đến bậc Chánh Thiện, đến bậc Hòa, bậc Trực, chúng tôi theo sự soạn thảo và gợi ý mà các anh trong Ban Nghiên Huấn đã vạch ra trong hội thảo này. Những mục trong này sẽ được điều chỉnh qua thảo luận và đúc kết tối hậu của toàn thể thành viên hiện diện hôm nay. Có nghĩa là trong suốt hai ngày này phải tập trung thảo luận theo các dữ kiện đã đưa ra. Nếu có điều chỉnh gì cũng trên cơ sở cuộc hội thảo này.
- Riêng phần chương trình các bậc học huynh trưởng , chúng tôi chia làm 2 phần: Tu học nội điển và chương trình học trong các trại huấn luyện.
- Phần nội điển:
Về bậc Kiên, chúng tôi chuẩn thuận đề xuất của Ban Nghiên Huấn đưa ra: Bậc Kiên nên tăng thời gian học 2 năm nhằm có đủ thời gian nâng cao kiến thức trước khi đi vào trại huấn luyện Lộc Uyển, chính thức làm người huynh trưởng đảm nhận chức vụ Đoàn phó. Chương trình sẽ phân bổ thành hai năm. Năm thứ hai có những môn học như thế này. Nội dung học không có thêm bớt gì hết nhưng chia làm hai theo như nội dung mà Ban Nghiên Huấn đã gởi cho HĐCVGH chúng tôi vào năm 2004, bản chương trình này do anh Nguyên Tín-Nguyễn Châu ký.
Nội dung đưa qua bậc Kiên năm thứ hai gồm:
A Phật Pháp:
1.Ngũ minh pháp
- Sổ tức niệm Phật
- Lục Hòa
4.Tứ Ân
- Lịch sử ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi
- Tinh thần
- Năm hạnh
Như vậy gồm 6 đề tài. Còn lại phần kiến thức và rèn luyện do anh chị nghiên cứu bổ sung thêm trong buổi thảo luận về phần huấn luyện.
BẬC KIÊN: Có một phần bổ sung nhỏ về Năm giới, vì trong chương trình bậc Kiên năm thứ nhất anh chị đề xuất có học “Quy y Tam Bảo” và “Ngũ giới” có nghĩa là ngang mức độ này thì các anh chị đều đã thọ tam quy và ngũ giới hết rồi. Cho nên khi thọ Tam Quy-Ngũ giới thì phải có phần tụng giới, phần tụng giới này rất đơn giản, chỉ nhắc nhở các em đoàn sinh tức Thanh, Thiếu niên nếu đã thọ giới rồi thì ngày rằm, ngày mùng một đến các ngôi chùa trong khu vực của mình có chư Tăng, Ni tụng giới để nghe.
BẬC TRÌ: Chưa có một điều chỉnh nào cần thiết nên chương trình vẫn giử nguyên, chỉ có một phần gợi ý là khi qua bậc Trì rồi thì khuyến khích các anh chị là nhắc nhở các em đoàn sinh em nào chưa thọ Tam Quy thì chú ý phần nhắc nhở cho các em.
BẬC ĐỊNH: Có điều chỉnh như sau:
Phần giáo lý căn bản: Ở mục 4: “Duy thức học giản yếu” chúng ta thấy ở chương trình bậc Lực năm thứ 2 phần Phật Pháp lại học “Duy biểu học” hay “Duy thức học giản yếu” một lần nữa. Nên đề nghị môn “Duy Thức học năm nhất bậc Định chuyển hẳn qua năm thứ hai bậc Lực và học duy thức bây giờ không phải học giản yếu nữa mà phải học Căn bản duy thức học. cụ thể đề xuất học duy thức thông qua CÂU XÁ hoặc THẮNG PHÁP TẬP YẾU LUẬN. Có khả năng chúng ta sẽ soạn giáo trình đơn giản về Câu-xá luận cho các anh chị làm quen với Duy thức trong bậc Lực năm thứ hai này. Bởi năm thứ hai các anh chị chỉ học Kinh Pháp Hoa, nên còn thời gian để học Câu-xá luận là hợp lý.
Việc này chúng tôi cũng xin nói rỏ hơn, Câu-xá luận là nền tảng nhận thức căn bản dành cho cả KINH-LUẬT-LUẬN. Nếu không học Câu-xá luận thì cái nhìn của chúng ta về các pháp, về nền tảng kinh điển giáo lý sẽ bị rơi vào phiếm diện, sơ sài, không khéo sẽ bị lệch sang lối phân tích của khoa học và cảm quan của thế giới pháp. Có học Câu-xá luận thì mới biết vận dụng phương pháp hướng tới giáo lý giác ngộ giải thoát. Chính trong giới xuất gia chúng tôi cũng xem Câu-xá luận hầu như là kiến thức bách khoa tổng quát về Phật học. Thấm nhuần tinh thần này rồi, chúng ta chuyển sang vận dụng Phật Pháp trong đời sống của mình ít bị nhầm lẫn, lạc đường và từ đó sẽ không bị rơi vào tà kiến. Học duy thức trong chương trình này sẽ rất nặng nên tập trung vào năm thứ hai. Chương trình này chúng tôi sẽ biên soạn, nhưng có vấn đề là biên soạn thì chúng tôi thấy không khó, khó là ít có giáo thọ tại địa phương nhận truyền đạt cho các đơn vị. Điều này chúng tôi vẫn thấy khó vô cùng, ở khu vực miền Nam này từ Đồng Nai đến Vũng Tàu, Bình Thuận các tỉnh quanh khu vực miền Đông Nam Bộ chúng tôi có thề đi được nhưng các vùng miền Trung tương đối hơi khó, cho nên riêng trường hợp này chúng tôi cũng muốn lằng nge ý kiến của các anh chị.
Ở chương trình bậc Định., ở mục 14, đề tài “Phát Bồ-đề tâm”điều này rất quan trọng vì đến bậc Định chúng ta nhấn mạnh việc phát Bồ-đề tâm là đúng rồi. Lâu nay tôi thấy ở Việt Nam khi học đến Bồ-đề tâm quý thầy cô đứng ra giảng dạy đa phần đều lấy phát Bồ-đề tâm văn của đại sư Tỉnh Am ra dạy. Nay chúng tôi gợi ý một giáo trình mới đó là NHẬP BỒ-ĐỀ HÀNH LUẬN của ngài Tịch Thiên. Đây là một luận văn cũng có nội dung chính cũng là khuyến tấn phát Bồ-đề tâm chuẩn bị hành trang để thực hành Bô-tát đạo nhưng mà dựa trên tinh thần và tư tưởng của Trung Quán luận. chúng ta thấy tinh thần này thiết thực và gần gủi hơn với tinh thần huynh trưởng, năng động hơn đồng thời cũng thích hợp với hiện trạng và tâm thức của các tầng lớp người Việt Nam chúng ta trong giai đoạn mới này, nên bài này được biên soạn dành cho bậc Định. Riêng những anh chị đã qua bậc này rồi nếu có điều kiện thì cũng xin bỏ chút thì giờ nghiên cứu nội dung của Nhập Bồ-đề hành luận. Giáo trình chúng tôi sẽ biên soạn và sẽ gởi tới đến tất cả các đơn vị trong thời gian gần nhất, các đơn vị địa phương nếu đơn vị nào thỉnh được các vị giáo thọ là chư Tăng Ni thì xin gởi tư liệu này tới thưa quý thầy, quý Sư Cô đó là chúng con có chương trình tu học này xin gởi đến quý Thầy quý Sư Cô có chút quan tâm nghiên cứu rồi giảng dạy cho chúng con. Nói như vậy không có nghĩa là bỏ hẳn Phát Bồ-đề Tâm Văn của đại sư Tỉnh Am. Anh chị vẫn tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục hành trì theo bản văn này, nếu nơi nào chưa thể thay thế được Nhập Bồ-đề Hành luận thì vẫn tiếp tục (đề phòng một số nơi chưa triển khai được Nhập Bồ-đề Hành luận như chúng tôi giới thiệu).
- BẬC LỰC: 5năm
+ Năm thứ nhất: Chuyển Pháp Bảo Đàn Kinh ở bậc Định 2 lên bậc Lực năm thứ nhất. Vì năm thứ nhất chỉ học kinh Thắng Man (học Pháp Bảo Đàn để làm nền tảng tư tưởng cho đề tài trong trại Vạn Hạnh đó là THIẾN TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG).
+ Năm thứ hai: Học Duy Thức học căn bản (chú trọng nội dung này). Bên cạnh ta còn học kinh Pháp Hoa nên phải học Duy thức như vậy là tạm cân đối.
* Về Nhân minh luận: Chúng tôi đề xuất vào năm thứ năm tức năm cuối vì Nhân minh luận là bộ môn rất khó. Thực tế hiện nay thỉnh chư Tăng dạy về Nhân Minh luận dường như rất hiếm và vị nào cũng từ chối hết. Hầu như huynh trưởng mình hầu như ít ai học hoàn chỉnh bộ môn Nhân minh luận này, nhất là đưa vào năm thứ hai thì rất dễ cho qua. Do đó qua năm thứ ba, thứ tư, thứ năm không ai đặt vấn đề nhân minh luận nữa. Nên năm thứ năm bậc Lực phải học môn này (theo chương trình là dành để ôn lại tinh yếu các bộ kinh). Chúng ta thỉnh cho được qúy thầy dạy một vài khái niệm về Nhân minh luận cũng được. Bởi qua bậc này mà huynh trưởng không biết rỏ Nhân minh luận thì hầu như các kiến thức truyền trao từ trước của mình sẽ bị rò rỉ, vì mình học mình không biết cách triển khai và cách vận dụng nó như thế nào cả, vậy nên đây là một cái lỗi bất cập rất lớn. tìm hiểu ở các đơn vị môn học này gần như ít biết đến, bây giờ trong chư Tăng cũng rất ít vị đứng ra đảm nhiệm giảng dạy. Tuy nhiên để hiểu về khái niệm, nắm cho được phương pháp luận lý cơ bản trong Nhân minh luận thì có thể nghiên cứu sơ lược được. Khi chúng tôi tìm hiểu ra vấn đề nan giải nhất, hóc búa nhất là không có giáo trình. Khi thỉnh quý thầy ở địa phương dạy cho huynh trưởng hay cho bậc Lực quý thầy nói rằng không biết phải dạy như thế nào. Vấn đề là phải soạn giáo trình, có giáo trình thì quý anh chị ở địa phương rất sễ thỉnh chư Tăng đảm nhiệm.
+ Năm thứ ba: Có gợi ý sẽ giảm bớt Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Chú trọng về kinh Duy-ma- cật năm thứ ba mà thôi. Tuy nhiên vấn đề này cũng chưa có sự thống nhất, khi có ý kiến thống nhất chúng tôi sẽ thông báo.
+Năm thứ tư: Chương trình học chính của năm này là tư tưởng Kinh Kim Cang. Đưa kinh Hoa Nghiêm phảm nhập Pháp Giới vào năm thứ năm.
+ Năm thứ năm: Gồm Nhân minh luận và một phần Kinh Hoa Nghiêm thay cho Kinh Di giáo (tức là không học Kinh Di giáo). Các anh chị có gợi ý học phần triết học Phật giáo trong Hoa Nghiêm, chúng tôi thấy rất hay nhưng mà thêm vào tư tưởng và triết học Kinh Hoa Nghiêm ta sẽ học thêm triết học Trung Quán ở năm thứ năm. Năm này là năm cuối cùng và rất là nặng, thay vì ôn lại tinh yếu các bộ kinh đã học chúng tôi thấy các vị giáo thọ khi dạy kinh Kim Cang, Kinh Duy-ma-cật, Kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa đều hệ thống lại trong lúc dạy các kinh này chứ không có dành buổi nào riêng. Nếu có chăng chỉ có các anh chị Nghiên Huấn đứng ra đảm nhiệm chứ chư Tăng không dạy, vậy thì thay vì ôn lại tinh yếu các bộ kinh chúng ta sẽ tập trung để nghiên cứu về kinh Hoa Nghiêm phẩm nhập Pháp Giới, Nhân minh luận và tư tưởng trùng trùng duyên khởi của kinh Hoa Nghiêm và tư tưởng Trung Quán. Hai tư tưởng này tương quan nhau, như vậy chương trình chúng ta là rất nặng. Có nặng nề như vậy thì huynh trưởng chúng ta mới có thể đảm nhận sứ mệnh hành trì tu tập chuyển hóa thân tâm và giáo dục đoàn sinh Thanh, Thiếu, Đồng niên. Đó là gời ý những điều chỉnh trong chương trình tu học của chúng ta.
4. Chương trình học trong các trại huấn luyện
Theo ý kiến của các đơn vị thì sẽ đưa nội dung học trong các trại huấn luyện vào trong chương trình tu học trường kỳ. điều này chúng tôi thấy hợp lý, các anh chị thảo luận thêm để chọn phương án tối ưu.
Thứ ba: Một gợi ý nữa là để cho sự sinh hoạt chúng ta có sự dung thông liên hệ mật thiết giửa các đơn vị trong nước cũng như hải ngoại kịp thời liên lạc và nắm bắt kịp những sinh hoạt phong phú và đa dạng. Những nguồn tư liệu Phật Pháp, những tài liệu hoạt động thanh niên, chúng tôi gợi ý các đơn vị ở các tỉnh nên lên dự án lập một website cho đơn vị mình. Ban Hướng Dẫn Quốc Nội cũng nên có dự án lập một website song song với website của GĐPTVN trên thế giới. Còn nếu như chưa có thì chúng ta tạm thời dùng website GĐPTVN trên Thế giới làm nơi giáo lưu và thông tin các đơn vị cơ sở có tiếm năng thực hiện website của mình. Vừa qua chúng tôi chúng tôi nhận được một số đặc san kỷ niệm chu niên GĐPT thấy có những tư liệu rất có giá trị. Từ những hận định trao đổi của đoàn sinh các lớp Oanh vũ trong các kỳ thi Phật Pháp, các em đã nói lên những điều rất hay, có những suy nghĩ về giáo lý rất nhạy bén không đơn thuần như chúng ta nghĩ. Dù sao đầu óc chúng ta đã bị vết hằn thời gian cùng với những sự tiếp xúc Phật Pháp theo khái niệm vốn từ lâu nay đã quen với chúng ta rồi. Còn các em nhìn Đức Phật bằng một nhãn quan rất trong sáng, trên cảm quan này mà chúng ta sẽ biên soạn lại nội dung học Phật Phap cho các lớp ngành Đồng, Thiếu và Thanh. Chúng tôi đọc những suy nghĩ đó rất thú vị, các anh chị huynh trưởng sẽ có được nguồn sinh cảm hứng động cho khi truyền đạt cho các em thì nên tìm kiếm những nguồn tư liệu này để cùng nhau phiên dịch và bổ sung cho nội dung giảng dạy. Tôi nghĩ giai đoạn này không có gì ngăn cản gây khó khăn cho chúng ta làm công việc này trong nội dung tu học. tôi biết hiện có những websire có nhiều tư liệu, từ các kỷ yếu chu niên cho đến nội dung Phật Pháp và Hoạt Động Thanh Niên, cho nên chúng ta chúng ta cần phải có những tư liệu thông tin như vậy. ta không thể dậm chân tại chổ với tầm nhìn hạn hẹp rồi cứ than vãn do thiếu thông tin. Có gì thuận lọi thì thôi, còn nếu có chút gì trở ngại thì chúng ta cứ đổ cho những khó khăn, chướng ngại, cản trở… để cho nó gánh chịu với nhau.
Lúc này không còn cần thiết đến các động thái như vậy nữa, hãy cố gắng trang bị cho mình một tầm nhìn mới. Chúng ta hãy tin tưởng vào thế hệ đàn em của chúng ta, chúng ta hãy tin tưởng vào tầng lớp huynh trưởng mới trưởng thành. Có những đoàn sinh và huynh trưởng rất trẻ, nhiệt thành và có trình độ, họ rất mạnh dạn hứa với chúng tôi là sẵn sàng làm việc đó nếu các anh chị ở Ban Nghiên Huấn trung ương tạo điều kiện thuận duyên cho họ. Như vậy tất cả đều chờ đợi ở phía chúng ta nếu chúng ta thấy đường hướng giáo dục Phật giáo trong tương lai là để mở ra một chân trời mới đầy sinh động cho các thế hệ đoàn sinh GĐPT mai sau thì chúng ta phải biết cách mở ra cho họ một phương tiện, một phương pháp cho họ thể hiện phần đóng góp của mình trong công việc biên soạn và nghiên cứu này. Đây củng là điểm cần nhấn mạnh trong hội thảo này của chúng ta.
Cuối cùng chúng tôi xin gợi ý thêm một công việc Nghiên Huấn phải thấy đây là huyết mạch trong sinh hoạt của chúng ta. Vì sứ mệnh chúng ta là sứ mệnh giáo dục cho nên đơn vị ở địa phương nên kêu gọi các anh chị huynh trưởng thọ cấp phải thường xuyên ngồi lại với nhau để bàn bạc thấy những điều gì cần thiết, những điều gì bất toàn, những điều cần cập nhật bổ sung trong chương trình giáo dục thì kịp thời điều chỉnh liền không để tồn tại lâu, nhất là những phần liên quan đến lý tưởng, liên quan đến iến trình tu học ủa chúng ta. Nếu làm được như vậy tôi tin chắc rằng việc Nghiên Huấn cũng như lý tưởng GĐPT chúng ta sắp tới sẽ không gặp các việc cản trở, khó khăn như những năm qua chúng ta đã gặp và cũng nhờ những ách tắc, chướng duyên đó khiến chúng ta có sự trở mình, có tầm nhìn xa hơn, sâu hơn, bao quát hơn để chúng ta vươn mình lên thật sư bước trên đôi chân của mình và vững chải trên tiến trình tu học, hoàn thiện thân tâm, thành tựu tuệ giác theo tinh thần của người Phật tử.
Cuối cùng xin chúc các anh chị về dự hội thảo hôm nay thân tâm thường lạc. Cầu chúc quý anh chị minh mẫn cùng góp phần cho hội thảo thành tựu như ý nguyện.
Nam mô A Di Đà Phật
Sen Trắng số 39 (7/2009)
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)