CHUYỆN BUỒN MÙA VU LAN
CHUYỆN BUỒN MÙA VU LAN
Một mùa Vu Lan nữa đã đến và đã qua đi theo luật tuần hoàn của đất trời, mùa Vu Lan còn đọng lại trong ta nhiều cung bậc cảm xúc: Niềm vui và nỗi buồn về lòng hiếu đạo cùng những hoài niệm về hai đấng sinh thành đã khuất, niềm vui nỗi buồn đó hoàn toàn phát khởi từ tâm thức của những người con khi nghĩ đến công ơn sanh thành dưỡng dục của cha mẹ.
Nhưng chuyện buồn tôi sắp nói ra đây xuất phát từ ngoại cảnh khi nghe bà Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Mai (Trưởng phòng nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống-Viện nghiên cứu tôn giáo Việt Nam) đã trả lời một cuộc phỏng vấn của đài VTC 14 ngày 17/8/2016 về nguồn gốc lễ Vu lan bao hiếu như sau:
” Cái lễ Vu lan bắt nguồn từ một cái tích trong Phật giáo. Đó là có một người đi tu tên là Mục Kiền Liên, là sau khi mà tu thành chánh quả, thành vị đại Bồ-tát thì trí tuệ rất là thông tuệ. Đấy là một trong những đệ tử được ‘cưng’ nhất của Đức Phật. Khi ông ấy đạt được mức độ thông tuệ thì ông đã dùng tâm nhãn của mình để nhìn thấu xuống dưới địa ngục. Khi nhìn xuống dưới địa ngục thì thấy rằng là mẹ đẻ của mình bị đọa đầy rất là khổ sở. Thế thì Mục Kiền Liên mới tâu với Đức Phật xin được thỉnh kinh Vu lan và làm các phép thần thông để phá ngục cứu mẹ. Khi cứu mẹ như thế thì mẹ của Mục Kiền Liên được cứu ra.
Và chuyện còn kể rằng khi được cứu ra thì bà biến thành một con chó và hằng ngày quấn quýt bên ông ấy để thể hiện một sự hối lỗi của mình. Mục Kiền Liên sau đó dùng một phép thuật của mình để biến mẹ trở thành người. Và ông ấy đã dùng tâm đức của Phật giáo để mà khuyên giải mẹ và từ đấy bà mẹ đã ngộ được ra cái chân lý và hai mẹ con cùng ăn chay niệm Phật. Và sau đó đến một ngày đẹp trời thì bà ấy được trở về trời”
Thật là hết biết! một tiến sĩ chuyên gia của viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Viết Nam mà kiến thức sơ đẳng về giáo lý đạo Phật cũng i-tờ-rít như thế thì thật là tai họa !.
– TS Mai nói đức Mục-kiền-liên là đệ tử “cưng” của Đức Phật là không biết ti gì về “tánh bình đẳng” tuyệt đối trong giáo lý của Đức Phật, vô tình hay cố ý bà đã xúc phạm đức Phật và thiếu hiểu biết về giáo lý đạo Phật.
– TS Mai kể về sự tích đức Mục-kiền-liên cứu mẹ bằng một câu chuyện với những tình tiết hoang đường không viện dẫn từ kinh sách nào cả và hoàn toàn trái với giáo lý Nhân quả-Nghiệp báo của đạo Phật, đánh đồng đạo Phật là một tôn giáo mê tín và cầu đảo.
Câu chuyện về ngài Mục-kiền-liên cứu mẹ, Phật tử chúng ta đã được học và theo kinh Vu Lan bồn thì ngài Mục-kiền-liên là đại đệ tử của Đức Phật tu hành đắc quả A-la-hán có danh hiệu là thần thông đệ nhất, ngài dùng huệ nhãn tìm mẹ là bà Thanh-đề thì thấy bà đang đọa vào địa ngục chịu nhiều thống khổ vì gieo quá nhiều nhân ác trong khi còn sống, ngài dùng thần thông xuống địa ngục cứu mẹ nhưng không được nên trở về tâu với đức Phật để xin cứu mẹ . Đức Phật nói mẹ ngài vì tạo nhiều nghiệp ác nên nay phải trả quả báo dù ngài Mục-kiền-liên là thần thông đệ nhất cũng không thể cứu mẹ được. Rồi Phật dạy hãy sắm sanh lễ vật dâng cúng nhân ngày chư Tăng tự tứ khi mãn hạ để thập phương Tăng nhất tâm chú nguyện cho bà. và nhờ công đức cúng dường cùng với nguyện lực của Chư Tăng mà mẹ ngài Mục-kiền-liên thoát khỏi tam đồ ác đạo. Tóm tắt câu chuyện như thế không hề có các tình tiết như: “Mục Kiền Liên mới tâu với Đức Phật xin được thỉnh kinh Vu lan và làm các phép thần thông để phá ngục cứu mẹ. Khi cứu mẹ như thế thì mẹ của Mục Kiền Liên được cứu ra”, cũng không hề có chuyện “khi được cứu ra thì bà biến thành một con chó và hằng ngày quấn quýt bên ông ấy để thể hiện một sự hối lỗi của mình. Mục Kiền Liên sau đó dùng một phép thuật của mình để biến mẹ trở thành người”
Không biết bà Mai vì trình độ nghiên cứu giáo lý Phật-đà quá kém cỏi hay là cố tình xúc phạm Đạo Phật. Cho dù rơi vào trường hợp nào đi nữa thì cũng không thể chấp nhận một tiến sĩ, chuyên gia văn hóa, một trưởng phòng nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống của Viện nghiên cứu tôn giáo Việt Nam phát ngôn trên cơ quan truyền thông cùa nhà nước như vậy được.
Một chuyên gia văn hóa, trưởng phòng nghiên cứu tín ngưỡng và tôn giáo truyền thống của Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo Việt Nam (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) mà như thế thì quả là hết đường bình luận ! !
Tâm Lễ
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)