Thực hiện tinh thần từ bi – vô ngã để đối trị bệnh vô cảm

Trong khi những nhà giáo dục, những nhà xã hội học, những nhà đạo đức đã lên tiếng báo động về hội chứng vô cảm của thời đại và loay hoay tìm các biện pháp để cứu vãn tình thế nhưng hình như hội chứng vô cảm càng ngày xem ra còn nghiêm trọng hơn!. Người ta đã đề ra rất nhiều giải pháp, nhiều phương cách giáo dục nhưng có điều là hình như ít ai nghĩ đến vai trò giáo dục con người của các tôn giáo.

Trong thời gian gần đây có một hội chứng xã hội mà báo chí cũng như các nhà giáo dục, các nhà văn hóa, các nhà xã hội học, các nhà đạo đức cũng như dư luận xã hội quan tâm nói đến nhiều đó là bệnh vô cảm của con người hiện nay.Thực ra vô cảm không phải là một bệnh mà là một trạng thái trơ lì không cảm xúc của con người trước những gì đang diễn ra quanh mình, nó là một hiện tượng xảy ra khi các mối quan hệ giửa con người với con người, con người với cộng đồng trở nên lạnh lùng, thiếu cảm xúc, thờ ơ, dững dưng với nỗi khổ niềm đau của người khác.

Trong thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, hằng ngày chúng ta thường nghe đài báo, các trang mạng xã hội đưa những tin, những clips cảnh các em học sinh đánh hội đồng bạn một cách tàn nhẫn, nạn nhân bị xé quần áo và vùi dập tả tơi với những trận đòn giáng xuống vừa hung ác vừa tàn nhẫn, trong khi các em khác đứng ngoài reo hò hoặc lấy điện thoại ra quay phim rồi đăng lên facebook. Những cảnh người qua đường thấy nạn nhân bị tai nạn giao thông nằm trên đường rên la quằn quại nhưng chỉ ngoái nhìn với con mắt hiếu kỳ rồi thản nhiên đi tiếp, hoặc những cảnh thấy xe bị nạn thì xúm lại hôi của. Những hình ảnh như thế nó vượt qua giới hạn của sự vô cảm mà biểu hiện sự tàn nhẫn, mất lương tâm, thiếu đạo đức trong tâm hồn con người.

Minh họa cho sự biểu hiện chứng vô cảm đến cực điểm của con người là một câu chuyện xảy ra tại thành phố Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc hồi tháng 10 năm 2011. Câu chuyện xảy ra khi một em bé 2 tuổi tên Wang Yue chạy từ cửa hiệu của gia đình ra phố để tìm anh trai mình thì bị một chiếc xe tải nhỏ màu trắng tăng tốc và đâm phải. Một bánh trước của xe đè lên người bé song người lái xe không hề dừng lại mà tăng tốc bỏ chạy, khiến bánh xe sau tiếp tục nghiến lên bé.

Sau vụ tai nạn, có 3 người đi đường đã đi ngang qua chỗ bé Yue đang nằm trong tình trạng thương nặng song tất cả đều thờ ơ bỏ đi. Vài phút sau đó, một chiếc xe tải nhỏ khác lại chạy đến, chẹt qua người bé Yue do người lái xe không nhìn thấy và người này cũng lái xe bỏ đi ngay.

Trong 7 phút sau đó, thêm khoảng 15 người đi bộ qua hiện trường vụ tai nạn, trong đó có một người đàn bà trung niên đi cùng cô con gái nhỏ, nhưng không một ai dừng lại để đưa Yue đi cấp cứu. Mãi đến khi người thứ 19 xuất hiện – đó là một phụ nữ nhặt ve chai đã cứu bé.

Người này đã bế bé Yue vào hè đường và yêu cầu mọi người đi tìm người nhà của bé. Song không một ai nhận lời, vì vậy, người này phải đích thân chạy đi tìm và vài giây sau đó, mẹ của Yue hốt hoảng chạy đến và bế bé đi cấp cứu. Yue được đưa đến một bệnh viện tại Phật Sơn song phải chuyển ngay lên bệnh viện trung ương ở Quảng Đông do tình hình quá nguy kịch. Ngày 17.10, bé Yue qua đời vì những tổn thương não nghiêm trọng.

Xem đoạn băng do camera an ninh ghi lại ta cảm thấy rùng mình vì sự nhẫn tâm và vô cảm của con người!

Vì sao hiện nay đời sống vật chất lên cao, con người được xem là ngày càng văn minh hơn, thế nhưng tại sao lại đối xử với đồng loại một cách lạnh lùng, tàn nhẫn như vậy. Người đối với người đã là như thế thì người đối với thú lại càng tàn ác hơn, bởi thế người ta nghĩ ra hằng trăm cách giết hại động vật một cách dã man để thỏa mãn thú hưởng thụ ăn uống của mình.

Lý giải hiện tượng này các nhà phân tích đều cho rằng là do nền văn minh thực dụng, coi trọng giá trị vật chất và lối sống đề cao chủ nghĩa cá nhân đã tác động một cách mãnh liệt vào tâm thức con người hiện đại. Nó đã làm xói mòn niềm tin, đánh bật gốc rể nền tảng đạo lý của người dân ta qua hàng ngàn năm nay được thể hiện qua sự ứng xử nhân ái, quan tâm giúp đở, đùm bọc nhau trong cộng đồng. Con người ngày càng sống ích kỷ chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân hoặc người thân của mình mà thờ ơ lãnh đạm với những nổi khổ niềm đau của người khác. Thấy người bị nạn không cứu vì không thấy động tâm, vì sợ bị liên lụy, vì sợ mất công bỏ việc…,thấy người bị hành hung không can ngăn vì quan niệm không mắc mớ gì mà “ách giửa đàng mang vào cổ”, hoặc “cho em xin hai chử bình yên”!

Đó là thái độ của những người trưởng thành đã định hình nhân cách, đã quá từng trãi để nhận định, phân tích sự việc và họ đã chọn cho mình một giải pháp an toàn đầy toan tính ích kỷ. Đây là một hội chứng xã hội được người ta gọi đùa là bệnh “xơ tim” hoặc “trái tim băng giá” hoặc “máu lạnh”… những thuật ngữ này phản ảnh sự lạnh lùng đến tàn nhẫn, phi đạo đức của con người hiện đại.

Đối với các em học sinh đang trong giai đoạn được trau dồi kiến thức, hoàn thiện nhân cách thì sự biểu cảm khi trực tiếp hành hung hoặc chứng kiến bạn mình hành hung người khác một cách hả hê như thế thật đáng trách, nó biểu lộ một tâm hồn đang hư hỏng, một tính cách tàn nhẫn đang được hình thành. Nó là mầm móng của rất nhiều nổi khổ đau cho xã hội sau này!

Con người Việt Nam trọng đạo lý, sống nhân ái từ hàng ngàn năm nay thể hiện qua đời sống cộng đồng trong thôn xóm, láng giềng cho đến cộng động xã hội, sẵn sàng chia sẻ nổi khổ niềm đau cùng với tha nhân đã được lịch sử minh chứng và được thể hiện qua các câu ca dao, tục ngữ như “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, “nhiểu điều phủ lấy giá gương, người dân một nước phải thương nhau cùng”… rất nhiều, rất nhiều câu nói biểu hiện đời sống đầy tình người, đầy tính  nhân đạo của người Việt ta. Chúng ta cũng cần suy gẫm một điều là ông bà mình ngày xưa rất đói nghèo và lạc hậu nhưng lại có một lối sống cao thượng và những trái tim rộng mở như thế, còn chúng ta thì đang sống trong một xã hội được xem là văn minh hiện đại nhưng tại sao lại cư xử với nhau thiếu tình người như thế?!Phải chăng vật chất và đạo lý tỷ lệ nghịch với nhau?!

Có một điều mà chúng ta cần suy ngẫm là khi nói đến chứng vô cảm thì hầu hết mọi người đều nghĩ đến sự thờ ơ, lạnh lùng một cách tàn nhẫn khi chứng kiến những cảnh người bị nạn đang rất cần sự giúp đở của người khác nhưng những người chứng kiến lại đang tâm ngắm nhìn một cách tò mò, hoặc bỏ đi mà không hề động tâm.. nhưng ít ai nghĩ đến chuyện sự vô cảm bắt nguồn từ một nơi biểu tượng của sự thương yêu, chia sẻ đó là từ trong mái ấm gia đình. Hiện nay hiện tượng con cái đã và đang ở độ tuổi trưởng thành sống trong nhà mà không hề quan tâm đến ông bà, cha mẹ, anh chị em trong cùng một gia đình. Có nhiều bạn trẻ chỉ biết tìm thú vui cho bản thân mình, sẵn sàng tiêu xài hoang phí để thỏa mãn nhu cầu của mình bằng đồng tiền của cha mẹ mà không hề nghĩ rằng để có được những đồng tiền đó cha mẹ đã phải làm lụng vất vã biết chừng nào!?

Có bạn trẻ thản nhiên giao phó mọi công việc từ trong nhà đến ngoài xã hội cho cha mẹ gánh vác mà thản nhiên dùng thời gian rảnh rổi để vui chơi, đàn đúm với bạn bè, thậm chí thản nhiên đi qua chổ cha mẹ đang hết sức vất vả để làm một việc gì đó để vào phòng riêng chơi game, lướt web mà trong lòng không hề có một ý niệm sanh khởi là phải giúp cha mẹ hoặc anh chị em một tay. Sự biểu hiện chứng vô cảm bắt nguồn từ mái ấm gia đình như thế thật đáng lo ngại, với những người thân thích nhất mà như thế thì sự vô cảm trước nỗi khổ niềm đau của cộng đồng là một điều dễ hiểu. Cho nên chúng ta có thể kết luận rằng: Vô cảm trước nổi khổ của cha mẹ là một tội ác, đồng thời nó cũng khơi nguồn cho chứng vô cảm đối với xã hội.

Trong khi những nhà giáo dục, những nhà xã hội học, những nhà đạo đức đã lên tiếng báo động về hội chứng vô cảm của thời đại và loay hoay tìm các biện  pháp để cứu vãn tình thế nhưng hình như hội chứng vô cảm càng ngày xem ra còn nghiêm trọng hơn!. Người ta đã đề ra rất nhiều giải pháp, nhiều phương cách giáo dục nhưng có điều là hình như ít ai nghĩ đến vai trò giáo dục con người của các tôn giáo.

Giáo lý đạo Phật dạy con người sống theo tinh thần từ bi-hỷ xả, vô ngã-vị tha, đây là một lối sống  nhập thế tích cực và mang lại sự an vui cho tự thân và xã hội. Thực hiện tinh thần đó trong cộng đồng xã hội con người sẽ đối xử với con người, con người đối xử với vạn loại chúng sanh đầy tình thương yêu, nhân ái. Khi được huân tập chủng tử  từ bi trong tâm thức con người sẽ biết đồng cảm với nỗi khổ niềm đau của người khác và của chúng sanh, sẽ biết động tâm, sẽ thấy xót xa khi chứng kiến nỗi khổ của người khác từ đó sẽ phát sinh sự sẻ chia và giúp đở, an ủi với một trái tim từ ái và rộng mở.

Thực hành giáo lý vô ngã, vị tha con người sẽ sống với cộng đồng bắng một tâm hồn bao dung, một trái tim rộng mở vì không có sự ích kỷ nhỏ nhen chỉ biết sống cho mình, chỉ thấy mình quan trọng mà phớt lờ hoặc xem nhẹ nỗi khổ của người khác. Vì thực hành tinh thần vô ngã nên người ta sẽ không chăm chăm vun quén cho bản thân mà luôn hướng về tha nhân, lấy sự an vui của tha nhân làm niềm vui cho chính mình. Đức từ bi của Phật giáo không chỉ thu hẹp trong phạm vi giửa con người với con người mà áp dụng cho muôn loài chúng sanh vì thế thực hành tâm từ bi con người sẽ sống nhân đạo hơn với loài cầm thú, không tàn sát, không đối xữ tàn nhẫn hoặc nghĩ ra những trò ăn thịt thú vật với những hình thức hết sức tàn nhẫn, sẽ không có những lễ hội chém lợn, giết trâu một cách rùng rợn mà cho đó là văn hóa nữa!

Trong tổ chức Gia Đình Phật Tử thực hành 5 điều luật cũng là để giáo dục đoàn viên hoàn thiện nhân cách và sống một đời sống đạo hạnh, đó là thực hành 5 hạnh lành: Tinh tấn, Từ bi, Trí tuệ, Thanh tịnh, Hỷ xả. Điều luật thứ hai của GĐPT: “Phật tử mở rộng lòng thương tôn trọng sự sống”, đây là một sự hiện thực hóa hạnh từ bi của đạo Phật vào cuộc sống. Thực hành điều luật thứ hai này người đoàn viên GĐPT sẽ sống với một một đời sống với tâm từ rộng mở, sẽ biết động tâm với nỗi khổ của người khác (kể cả vạn loại chúng sanh) từ đó sẽ biết chia sẻ với cộng đồng nổi khổ, niềm đau của tha nhân mà trước hết là những người thân yêu quanh mình như gia đình, người thân và lan tỏa đến cộng đồng, xã hội.

Để đẩy lùi hội chứng vô cảm không để cho nó phát tán thành một đại dịch đòi hỏi phải có sự chung tay của toàn thể cộng đồng và có những giải pháp đồng bộ từ gia đình cho đến học đường, xã hội, trong đó cũng phải công nhận sự đóng góp to lớn trong vai trò đào tạo  con người của các đoàn thể tôn giáo.

Có một điều chắc chắn không thể phủ nhận là nếu tất cả con người đều thấm nhuần đạo lý từ bi, vô ngã của đạo Phật và áp dụng thực hành trong cuộc sống thì sẽ đầy lùi được bệnh vô cảm không những giửa con người với con người mà còn đối với vạn loại chúng sanh.

                                                                                               Tâm Lễ – Vườn hoa Phật giáo
digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb